Category: TV Show

  • Đánh giá phim American Gods – Hành trình của niềm tin

    Đánh giá phim American Gods – Hành trình của niềm tin

    “Thần là gì? Chúng ta có thực sự biết được sự tồn tại của họ? Con người tin tưởng nhiều thứ, có nghĩa các vị thần là có thật. Bởi chúng ta tin rằng họ có thật. Vậy điều gì có trước? Những vị thần hay những con người tin tưởng vào sự tồn tại của họ?” – Mr Wednesday.

    8 tập phim của American Gods – dựa trên tiểu thuyết bán chạy cùng tên của nhà văn Neil Gaiman do Bryan Fuller và Michael Green đạo diễn kiêm sản xuất đưa khán giả đến với cuộc hành trình khám phá đức tin và sức mạnh ẩn sau những tín ngưỡng của con người. Câu chuyện kể về Shadow Moon – một cựu tù nhân đang trên đường trở về nhà sau khi nghe tin vợ và bạn thân của anh đã chết trong một vụ tai nạn giao thông. Trên chuyến bay trở về, anh gặp Mr Wednesday – một nhân vật bí ẩn đã ngỏ lời mời anh làm vệ sĩ cho ông ta. Kể từ đó, Shadow liên tiếp gặp phải những điều vô cùng bí ẩn, hoang đường mà anh không thể nào lý giải nổi. Chính Shadow cũng không biết anh đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến giữa những vị thần cũ và thần mới. Mỗi một tập phim sẽ hé lộ những cựu thần trôi dạt từ thần thoại Bắc Âu, Ai Cập hay các nước Châu Phi theo chân loài người từ đất Mỹ từ xa xưa. Họ đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên khi nhân loại đang tôn thờ những vị thần mới đại diện cho toàn cầu hóa, công nghệ, truyền thông, mạng xã hội…

    Mr Wednesday & Shadow Moon (Nguồn: Digital Trends)

    Điểm nổi bật nhất của bộ phim phải kể đến diễn xuất của 2 diễn viên kỳ cựu Ian McShane (John Wick, DeadWood, Cướp Biển Vùng Caribe…) trong vai Mr Wednesday và Gillian Anderson (The X Files) với vai vị thần Media. Từng dáng vẻ, cử chỉ ngôn ngữ của Mr Wednesday khiến ta thấy tò mò bởi dường như ông ta luôn giấu diếm một điều gì đó. Sử dụng sự thông tuệ với những mánh khóe gian xảo, Mr Wednesday luôn có được những thứ mà ông muốn. Thỉnh thoảng những lời châm biếm hài hước của ông ta giống như một chút gia vị làm tăng sức hấp dẫn của bộ phim.

    Nam diễn viên Ian Mcshane (Nguồn: Variety)

    Phải nói Gillian Anderson đã hóa thân một cách quá tài tình trong vai Media. Bản chất của nhân vật này giống như một con tắc kè hoa, luôn biến đổi để hội nhập thông qua những nhân vật hình tượng công chúng. Nói nôm na, Media chính là báo chí, là TV, là những gì chúng ta thấy trên màn ảnh lớn hay nhỏ. Đó là lý do mà Anderson hóa trang thành các nhân vật huyền thoại Hollywood, biểu tượng của văn hoá đại chúng cũng như phần nào thấy được tầm ảnh hưởng của Media như Lucy Ball, David Bowie, Marilyn Monroe. Nếu Mr Wednesday đại diện cho sự thông thái, trí tuệ của những vị thần cũ thì Media là một vị tân thần xinh đẹp, quyền lực có khả năng chi phối “mọi khán giả”.

    Nữ diễn viên Gillian Anderson (Nguồn: IndieWire)

    Tôn giáo luôn là chủ đề hấp dẫn, đầy lôi cuốn đối với nhà văn Neil Gaiman. Đến với American Gods, ông vẽ lên một bức tranh tổng thể về giá trị văn hóa, những tôn giáo đang tồn tại ở một đất nước đa chủng tộc, đầy màu sắc nhưng cũng là hiện thân của toàn cầu hóa. Nhiều người đến từ các quốc gia khác nhau đem theo ước mơ, hy vọng và cả lòng tin khi đặt chân đến vùng đất màu mỡ mang tên Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Đó là lý do trong American Gods xuất hiện không chỉ một mà đến hàng chục vị Chúa Jesus. Bởi như nhân vật Wednesday đã nói: chúng ta không chỉ có vị Chúa Jesus da trắng mà còn Mexican Jesus, African American Jesus, Greek Jesus – đại diện cho mỗi một dân tộc, tôn giáo.

    Có lẽ 480 phút của bộ phim cũng chưa đủ để nói hết được vẻ đẹp của tín ngưỡng nhưng American Gods cuốn hút người xem không chỉ bởi những câu chuyện thần thoại đầy ma mị và huyền bí. Nó khiến ta phải đặt câu hỏi thế nào là lòng tin? Và sức mạnh của lòng tin trong mỗi người lớn thực sự lớn đến đâu? Trong thế giới thần thánh của Gaiman phụ thuộc vào đức tin của con người. Ông cho rằng thần thánh không bất tử. Họ được xây dựng từ lòng tin của con người và một khi lòng tin đã mất thì các vị thần cũng dần dần bị lãng quên rồi biến mất.

    Trong thời buổi toàn cầu hóa, con người theo đuổi những thứ tân thời (smartphone, thời trang, mạng xã hội), chạy theo đồng tiền và vật chất chứ đâu còn cầu nguyện để có được miếng ăn như trước. Và rồi những “tân thần” mới nổi lên – hiện thân cho một xã hội năng động và đầy phát triển như công nghệ, truyền thông, mạng xã hội… Họ là mối đe dọa đối với những vị thần cũ. Bản chất của những vị tân thần là tạo lập thương hiệu. Càng nhiều người bỏ thời gian và tin tưởng những gì họ nghe hay đọc được trên Internet, báo chí, TV thì các vị thần mới lại càng mạnh. Ngay cả một nữ thần biểu tượng cho sắc đẹp, quyền năng của nước Ả Rập cũng phải cúi mình trước sự tiến hóa của xã hội. Vì sợ bị lãng quên, bà phải nhờ đến công nghệ để tìm lại sự tôn thờ và “chiêu mộ” những kẻ sùng bái theo một phương thức mới.

    Nhưng trong số các vị thần cũ, cũng có những người không bao giờ chịu sự khuất phục trước một thế giới hiện đại mà con người đang dần bỏ rơi lịch sử. Wednesday – đại diện cho “Old Gods” ấp ủ một kế hoạch, một cuộc chiến để chống lại các vị tân thần. Ông tin rằng con người sẽ hiểu được sức mạnh của lòng tin. Bởi trước khi có smartphone hay những thứ vật chất xa hoa hào nhoáng, loài người từng phải cầu xin các vị thần để có được miếng ăn. Suy cho cùng, trong những giờ khắc tuyệt vọng nhất, họ luôn tìm đến thần thánh để có được sự bình yên và hy vọng.“Thần vĩ đại nhưng con người còn vĩ đại hơn. Từ trái tim con người thần đến và cũng từ trái tim của con người thần sẽ trở về” (trích câu nói của người dẫn truyện trong American Gods – tập 5)

    Ở American Gods, Neil Gaiman không phê phán hay nhận xét bất kỳ tín ngưỡng nào mà ông luôn dành sự tôn trọng cho tất cả các cộng đồng tôn giáo trên khắp nước Mỹ. Ngay cả với những người không quan tâm đến tôn giáo vẫn hoàn toàn thưởng thức được nét đẹp của bộ phim theo nhiều cách khác nhau. Bởi đơn thuần ai cũng có một cuộc hành trình đi tìm niềm tin của riêng mình.

    Xem thêm:

  • Sơ lược về những phim Ám ảnh kinh hoàng của đạo diễn James Wan

    Nhắc tới đạo diễn tài ba James Wan, người ta nghĩ ngay đến loạt phim kinh dị của ông, dù bản thân ông cũng đạo diễn cho một số bộ phim hành động khác. Bắt đầu với thể loại kinh dị tàn bạo và tra tấn, giết người đẫm máu, cái tên James Wan bất ngờ nổi lên ở Hollywood với loạt phim Saw từ năm 2004. Nhưng kể từ năm 2010, James Wan chuyển sang thể loại kinh dị siêu nhiên với những hồn ma tà ác, những món đồ bị quỷ ám với tựa phim Insidious, tiếp đó là The Conjuring và Annabelle.

    Tuy bắt đầu với hai bộ phim Insidious, nội dung kể về một gia đình bị hai hồn ma xấu xa đeo bám và phải nhờ tới sự trợ giúp của bà đồng Elise, James Wan lại muốn mở rộng vũ trụ điện ảnh của ông sau loạt phim về The Conjuring và Annabelle. Loạt phim The Conjuring nói về những cuộc phiêu lưu, trừ tà của hai vợ chồng Ed và Lorraine Warren – cặp vợ chồng chuyên nghiên cứu về những món đồ bị ma ám và trục quỷ. Búp bê Annabelle là món đồ bị quỷ ám từng xuất hiện trong The Conjuring phần 1 và có cả một bộ phim riêng; chính vì thế, phần thứ 2 của Annabelle là Annabelle: Creation là bộ phim được chính James chọn để bắt đầu Vũ trụ Ám ảnh kinh hoàng.

    Những nỗi sợ hãi trong Annabelle 2 bắt nguồn khi cặp vợ chồng nọ quyết định chuyển hoá linh hồn bé gái đã mất vì tai nạn xe vào con búp bê Annabelle. Và thảm hoạ bắt đầu khi nhóm bé gái mồ côi của một nữ tu vào tạm trú trong ngôi nhà đấy. Có vẻ như họ đã triệu hồi linh hồn quỷ dữ thay cho cô con gái bé nhỏ. Và rồi số phận của những con người đáng thương ấy sẽ ra sao? Dù là phần 2 nhưng cốt truyện của Annabelle: Creation bắt đầu trước cả The Conjuring, xoay quanh nguồn gốc ghê rợn của con búp bê này, như thế là hoàn toàn hợp lý khi nhà sản xuất không muốn đi theo hướng phát triển như Vũ trụ điện ảnh Marvel và Vũ trụ Kaiju.

    Con búp bê bị quỷ ám trong Annabelle
    Con búp bê bị quỷ ám trong Annabelle

    Tiếp nối Annabelle 2 là bộ phim The Nun, kể về cuộc đời nữ tu ma quái của The Conjuring phần 2, chuyện gì đã xảy ra khi một thiếu nữ quyết tâm dâng trọn cuộc đời để đi tu? Tất cả những bộ phim trên đều có sự liên quan, mà cụ thể nhất là qua những món đồ vật của đôi vợ chồng Ed và Lorraine Warren, vốn được dựa trên những sự kiện có thật.

    Nữ tu ma quái
    Nữ tu ma quái

    Đạo diễn James Wan đã chia sẻ The Crooked Man và The Conjuring 3 sẽ là hai bộ phim tiếp nối The Nun. Với The Crooked Man, ông muốn kể một câu chuyện thần thoại tăm tối và kỳ dị hơn, khác với những bộ phim cùng Vũ trụ:

    “… Tôi rất thích ý tưởng mà trong cùng Vũ trụ Ám ảnh kinh hoàng, mỗi bộ phim đều có tông màu khác nhau để khán giả không phải lầm tưởng tất cả đều là cùng một phim.”

    Nhân vật Crooked Man
    Nhân vật Crooked Man

    Dù không trực tiếp chỉ đạo The Conjuring 3, James Wan vẫn trấn an khán giả:

    “Chúng tôi đang làm việc tích cực với Conjuring 3, bộ phim mà tôi không thể sao lãng được. Chúng tôi đang tiến hành triển khai được một nửa kịch bản và cố gắng kết hợp các tình tiết lại. Chúng tôi muốn kịch bản phải được đầu tư một cách kỹ càng. Vì khán giả yêu cả 2 phần Conjuring trước nên tôi không muốn đẩy nhanh phần thứ 3 mà không đi kèm chất lượng.”

    Trong tất cả các thể loại của phim kinh dị, có thể nói hồn ma là thể loại được nhai đi nhai lại nhiều nhất từ trước đến nay, số bộ phim được sản xuất bởi ngành điện ảnh phương Tây chắc hẳn lên đến hàng trăm trong vòng mấy chục năm gần đây. Nhưng điều khiến thể loại này chưa bao giờ là quá lỗi thời mà vẫn đang rất “ăn nên làm ra” trên các phòng vé chính là việc các nhà làm phim luôn biết cách tạo ra thêm những tình huống bất ngờ và khó đoán trước trong phim, đây là yếu tố quan trọng khiến thể loại phim ma vẫn khá là ăn khách ở nhiều nơi, đó là dựa vào bàn tay nhào nặn của điện ảnh Hollywood.

    Tuy là bổn cũ soạn lại nhưng không thể phủ nhận là các nhà làm phim đã rất tài tình khi biên kịch ngày càng thêm nhiều các bộ phim kinh dị siêu nhiên hút khách. Nhưng do thể loại này đang bị vắt kiệt đề tài nên không biết được nước đi tiếp theo của ngành điện ảnh sẽ như thế nào và quyết định của họ đối với thể loại phim này sẽ ra sao. Hy vọng rằng Annabelle: Creation mở màn thành công vào ngày 11.08 này để trở thành bước đệm hoàn hảo cho Vũ trụ Ám ảnh kinh hoàng.

    Tổng kết Dòng thời gian của Vũ trụ Ám ảnh kinh hoàng bắt đầu từ:

    1. The Nun (2018) – 1952
    2. Annabelle: Creation (11.08.2017) – 1943-1955
    3. Annabelle (2014) – 1967
    4. The Conjuring (2013) – 1971
    5. The Conjuring 2 (2016) – 1976
    6. The Conjuring 3 (?)

     spin off: The Crooked Man (?) vẫn chưa rõ nằm trong thời điểm nào.

    Xem thêm: