Sau ba tuần công chiếu, phim có doanh thu vượt qua Bẫy ngọt ngào (gần 90 tỷ đồng). Xét theo tỷ lệ ăn chia 5:5 với nhà rạp, với kinh phí công bố là 50 tỷ đồng, phim hiện ở mức hòa vốn.
Các phim còn lại trong top 5 phim Việt doanh thu cao nhất năm nay là Nghề siêu dễ (72 tỷ đồng), Chìa khóa trăm tỷ (70 tỷ), Chuyện ma gần nhà (62 tỷ).
Sau thời gian trụ rạp, Em và Trịnh giảm sức nóng. Theo Box Office Việt Nam – đơn vị khảo sát phòng vé độc lập, cuối tuần qua (1-3/7), phim chỉ thu về hơn 2,2 tỷ đồng. Tác phẩm xếp sau bom tấn hoạt hình Minions: The Rise of Gru (hơn 37 tỷ đồng) và Sát thủ nhân tạo (7,3 tỷ đồng). Ngoài Em và Trịnh (dài 136 phút), Trịnh Công Sơn – phiên bản 95 phút – đạt hơn hai tỷ đồng trước khi bị rút khỏi rạp hôm 17/6. Nhà sản xuất cho biết sẽ phát hành phim trực tuyến để nâng doanh thu.
Chiếu sớm từ ngày 10/6, tác phẩm của Phan Gia Nhật Linh thu hút sự chú ý của công chúng và giới văn nghệ sĩ. Em và Trịnh bắt đầu với sự kiện Trịnh Công Sơn lần đầu gặp nữ sinh Nhật Michiko Yoshii (Nakatani Akari đóng) cuối thập niên 1980. Theo đuổi luận văn cao học đề tài âm nhạc phản chiến, cô sang Việt Nam để tìm hiểu về cuộc đời và con người nhạc sĩ tài hoa. Từ dòng hồi tưởng của Trịnh Công Sơn, từng lớp ký ức được lần giở, làm sống dậy một thời hoa mộng bên những nàng thơ. Ở hiện tại, ông và Michiko cũng nảy sinh những rung động nhờ mối giao cảm trong âm nhạc.
*’Em và Trịnh’ gây tranh cãi về hình tượng Trịnh Công Sơn
Phim ghi điểm ở phần âm nhạc, hình ảnh song nhận nhiều lời chê trong khâu kịch bản. Tác phẩm cũng gây tranh cãi về hình tượng Trịnh Công Sơn, khi nhiều khán giả cho rằng phim phác thảo chân dung nhạc sĩ không như họ biết qua tư liệu, sách báo. Câu chuyện Trịnh Công Sơn bên các “nàng thơ” bị cho khắc họa không đúng đời thực, biến nhạc sĩ thành người hời hợt khi yêu. Mảng sáng tác của Trịnh Công Sơn cũng chưa được khai thác kỹ. Trong phim, trừ ca khúc Diễm Xưa được giới thiệu chi tiết hoàn cảnh sáng tác, các nhạc phẩm còn lại chỉ vang lên nhằm tăng hiệu ứng cảm xúc.
Giữa tháng 6, trong buổi gặp gỡ truyền thông khi về nước làm tour diễn kỷ niệm 60 năm ca hát, Khánh Ly cho biết sẽ không đi xem tác phẩm vì không hứng thú thưởng thức hình tượng hư cấu về Trịnh Công Sơn. Qua lời kể của bạn bè – những người đã xem phim, bà không hài lòng với các cảnh Khánh Ly đút sữa chua cho Trịnh Công Sơn, ôm vai nhạc sĩ tình tứ… Khánh Ly cho biết cả đời kính nể Trịnh Công Sơn như cha, do đó không thể có những hành động ngang vai phải lứa. Sau đó, nhà sản xuất Em và Trịnh xin lỗi Khánh Ly vì làm ảnh hưởng đến bà, cho biết họ nỗ lực “làm sống lại huyền thoại” Trịnh Công Sơn nên không tránh khỏi thiếu sót.
Money Heist: Korea – Joint Economic Area(Phi vụ triệu đô: Hàn Quốc – Khu vực kinh tế chung) gồm sáu tập, thuộc thể loại tội phạm, kinh dị. Chuyển thể từ phim truyền hình dài tập của Tây Ban Nha, tác phẩm giữ nguyên cấu trúc cơ bản, cách thiết lập câu chuyện, nhân vật, nhưng thay đổi bối cảnh, phong cách hành động, lồng ghép yếu tố văn hóa Hàn Quốc.
Phiên bản Tây Ban Nha đề cập đến áp bức của chính phủ và tự do kinh tế, còn bản Hàn lấy bối cảnh tương lai gần, Triều Tiên và Hàn Quốc sắp thống nhất và những vấn đề con người phải đối mặt. Biên giới giữa hai nước trở thành khu vực kinh tế chung, trong đó có Sở đúc tiền Thống nhất (JEA) – mục tiêu của băng nhóm tội phạm.
Kịch bản theo chân Tokyo (Jeon Jong Seo) – cô gái ở Bắc Triều Tiên hâm mộ BTS và từng đi lính. Cô chuyển đến Hàn Quốc sau khi thống nhất. Tại đây, cuộc sống khó khăn, cô phải làm nhiều nghề để kiếm tiền và bị xô đẩy trở thành tên tội phạm ngoan cố. Trong khoảnh khắc đen tối của cuộc đời, cô được Giáo Sư (Yoo Ji Tae) cứu sống và mời gia nhập băng đảng. Họ lấy tên các thành phố làm mật danh để che giấu thân phận.
Bảy người khác bao gồm: Rio (Lee Hyun Woo) – hacker tài năng, có ngoại hình như ngôi sao K-pop, Denver (Kim Ji Hoon) – côn đồ đường phố, Moscow (Lee Won Jong) – thợ mỏ lành nghề, Nairobi (Jang Yoon Ju) – chuyên gia hàng giả, Berlin (Park Hae Soo) – kẻ duy nhất trốn thoát khỏi trại tù nguy hiểm ở Triều Tiên – và gã Oslo (Lee Kyu Ho), Helsinki (Kim Ji Hoon).
Kế hoạch của chúng là đánh cắp 4.000 tỷ won từ xưởng đúc tiền. Tám người xâm nhập vào đây bằng bộ đồng phục màu đỏ, đeo mặt nạ màu trắng. Họ bắt những người làm việc tại xưởng, nhóm sinh viên tham quan làm con tin, trong khi Giáo sư theo dõi từ xa. Cảnh sát thành lập nhóm điều tra chung để xử lý vụ trộm, do nhà đàm phán hàng đầu Hàn Quốc Sun Woo Jin (Kim Yun Jin) đứng đầu.
Nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện phi vụ. Luôn có căng thẳng xảy giữa Berlin và Tokyo, điều này dẫn đến các vấn đề trong băng đảng. Rio có tình cảm với Tokyo, Denver phải lòng một trong những con tin. Oslo và Helsinki trung thành với Berlin hơn kế hoạch của Giáo sư, còn Nairobi chưa rõ lập trường. Nairobi có thể thay đổi quan điểm, chỉ cần đạt được kết quả mong muốn.
Theo The Verge, một số phân cảnh hay nhất của phim chỉ xuất hiện trong vài phút đầu tiên của mỗi tập – nơi mở ra cái nhìn thoáng qua về cuộc đời mỗi nhân vật. Nó giúp phác họa hành trình của mỗi người một cách đặc sắc, lý do họ trở thành cánh tay dưới trướng của Giáo sư.
Phần một của bản gốc gồm 13 tập,còn bản Hàn gói gọn trong sáu tập, vì vậy, hồi tưởng về các nhân vật được đẩy nhanh hơn nhiều. Giáo sư cố tình đụng độ Raquel (Itziar Ituño) trong tập ba ở phần phim của Tây Ban Nha, còn bản mới Giáo sư và Woo Jin biết nhau ngay từ đầu.
Đạo diễn Kim Hong Sun giữ chuyện phim diễn ra ở nhịp độ ổn định, thi thoảng đan xen tình tiết hài hước, làm giảm căng thẳng. Ví dụ khi một con tin được cho là chết bỗng xuất hiện trở lại, mọi người vui vẻ vỗ tay như đang trong một trò chơi. Phim cũng loại bỏ hầu hết cảnh nóng của phiên bản Tây Ban Nha. Tình tiết Giáo sư và nữ thanh tra tán tỉnh, ngủ cùng nhau được khai thác chừng mực.
Điểm nổi bật là các yếu tố đặc trưng của Hàn Quốc. Phim đề cập đến mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc luôn được quan tâm và xuất hiện trong nhiều tác phẩm như Squid Game, Crash Landing on You… Giáo sư vốn là nhà nghiên cứu tác động kinh tế của việc thống nhất hai miền. Anh ta sau đó vỡ mộng trước tình trạng bóc lột lao động nhập cư với mức lương thấp và khoảng cách giàu nghèo gia tăng.
Mặt nạ Salvador Dali nhường chỗ cho Hahoe – loại mặt nạ truyền thống có nguồn gốc từ làng Hahoe, tỉnh Gyeongsangbuk-do – nơi được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới. Mặt nạ được tạo ra nhằm cho phép mọi người ẩn danh để chỉ trích, châm biếm những thói xấu trong xã hội. Làn sóng Kpop được lồng ghép qua hình ảnh Tokyo – khi sống ở Triều Tiên – thích nghe, nhảy múa theo các tác phẩm của BTS.
Trên The Korea Times, đạo diễn Kim Hong Sun cho biết không dễ dàng để kết hợp các yếu tố mới, đặc trưng của văn hóa Hàn Quốc. “Chúng tôi cố gắng tiếp nhận những yếu tố hấp dẫn từ tác phẩm gốc và nghĩ sẽ rất thú vị nếu thêm câu chuyện của chính mình vào. Điều đó sẽ giúp chúng tôi nhận được đánh giá đa chiều từ khán giả”, đạo diễn nói.
Các diễn viên đều hóa thân nhân vật một cách tròn vai. Theo Indian Express, Park Hae Soo xuất sắc khi lột tả hình ảnh Berlin – nhân vật phản diện khó đoán, đáng sợ hơn nhiều so với Pedro Alonso trong bản gốc. Jeon Jong Seo cũng gây ấn tượng khi diễn tả nhân vật Tokyo có vẻ ngoài lạnh lùng, bên trong đa cảm…
Theo báo cáo của Công ty xếp hạng phát trực tuyến toàn cầu FlixPatrol, Money Heist: Korea đứng thứ hai trên bảng xếp hạng phổ biến toàn cầu cho các phim phát hành trên nền tảng trực tuyến. Các quốc gia xem nhiều như Hàn Quốc, Brazil, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam…
Phim được chấm 5,2/10 trên IMDb. Theo Rolling Stone, tập đầu tiên kém thu hút nhất, vì vậy một số khán giả có thể mất kiên nhẫn và bỏ xem. Trang Scmp nhận định cách xử lý câu chuyện có phần hời hợt, cốt truyện thiếu mới lạ. Một số chi tiết trong phim gợi cảm giác quen thuộc: bộ đồng phục màu hồng như trong Squid Game, bối cảnh giới hạn khiến dễ liên tưởng đến The Silent Sea hay All of Us Are Dead.
Phim kết thúc khi kết quả vụ trộm vẫn còn bỏ ngỏ. Đạo diễn hé lộ sẽ có phần hai, khai thác về xung đột giữa các nhân vật. “Trong phần hai, các nhân vật có nhiều mâu thuẫn thậm chí gay gắt hơn, cuộc chiến giữa băng đảng và cảnh sát cũng căng não hơn. Phim sẽ thú vị hơn nữa”, Kim Hong Sun nói trên The Korea Times.
Ngày 7/7, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục điện ảnh – cho biết cơ quan chức năng cấm chiếu tác phẩm The Roundup (tên Việt là Ngoài vòng pháp luật 2, thời lượng 106 phút), lý do chính là vì phim quá bạo lực, vi phạm điều cấm của Luật Điện ảnh.
“Ngoài ra, phim cũng có nhiều hình ảnh miêu tả chiến sĩ Việt Nam không phù hợp với tinh thần những người mặc màu áo ngành công an”, ông Thành nói. Đại diện Lotte – đơn vị phát hành ở Việt Nam – xác nhận phim không được ra rạp trong nước như dự kiến do không có giấy phép.
Luật điện ảnh sửa đổi được Quốc hội biểu quyết thông qua hôm 15/6. So với luật năm 2006, luật có điểm mới là: Cấm phim kích động bạo lực, hành vi tội ác, bằng việc mô tả chi tiết, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo.
The Roundup là phần tiếp theo của The Outlaw 1 (2017), do Lee Sang Yong đạo diễn, quay và hậu kỳ từ năm 2020 đến đầu năm nay. Nội dung xoay quanh cuộc chiến căng não của hai phe thiện – ác. “Thám tử quái vật” Ma Seok Do (Ma Dong Seok đóng) hợp sức với trùm xã hội đen Geum Cheon Seo truy bắt tên tội phạm nguy hiểm đã trốn sang Việt Nam – Kang Hae Sang (Son Seok Gu).
Theo My Daily, do Covid-19 phức tạp giai đoạn 2020-2021, êkíp không thể đến Việt Nam ghi hình như kế hoạch, phải tạo dựng bối cảnh ngay tại phim trường ở ngoại ô và chỉnh sửa bằng kỹ thuật đồ họa. Khi ra mắt hồi tháng 6 tại Hàn, phim được ghi nhận có doanh thu mở màn cao nhất kể từ đại dịch (hơn một triệu vé hai ngày 18-19/5) và doanh thu cao nhất năm nay chỉ sau 11 ngày.
Một số bom tấn quốc tế bị cấm chiếu trong nước thời gian qua. Hồi tháng 3, Thợ săn cổ vật – phim Tom Holland đóng chính – bị cấm phát hành trong nước do có hình ảnh đường lưỡi bò. Tháng 12/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phạt hành chính nhà phát hành CGV 170 triệu đồng vì Abominable (Everest: Người tuyết bé nhỏ) – phim hoạt hình có cảnh bản đồ “đường lưỡi bò”.
Theo Chinanews ngày 7/7, tại tọa đàm do Tổng cục Phát thanh, Truyền hình tổ chức hôm 4/7, phó cục trưởng Chu Vịnh Lôi yêu cầu phim phải mang hình ảnh rõ ràng, chân thực, theo xu hướng thẩm mỹ lành mạnh. Các đoàn phim cần kiên quyết tẩy chay tình trạng hóa trang quá đậm, lạm dụng bộ lọc để cà mặt, chỉnh sửa bộ dạng diễn viên.
Người làm phim cần làm tốt công tác chọn diễn viên, tăng cường bồi dưỡng diễn xuất. Cơ quan chức năng phản đối nhà sản xuất, đạo diễn chỉ căn cứ “lưu lượng” (các sao có chỉ số truyền thông cao, nhiều fan) để chọn diễn viên mà không cân nhắc yếu tố ngoại hình, khí chất, diễn xuất có phù hợp nhân vật hay không.
Trong sự kiện, đại diện Tổng cục nhắc lại các quy định khác khi làm phim, gồm “không chọn diễn viên lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ”, “nghệ sĩ nam không được theo xu hướng thẩm mỹ ẻo lả”.
Các quy định của cơ quan quản lý dấy nhiều bình luận trên Weibo, diễn đàn phim ảnh. Theo kết quả thăm dò ý kiến trên Chinanews về việc dùng bộ lọc chỉnh sửa hình ảnh diễn viên, 18.000 người cho rằng “cần căn cứ mức độ, chỉnh sửa vừa phải là được”, 13.000 người không đồng tình vì “ảnh hưởng không tốt tới trải nghiệm xem phim”, hơn 2.300 người cho biết thích các phim dùng bộ lọc chỉnh sửa hình ảnh.
Tài khoản Nuquan cho biết ủng hộ việc cấm cà mặt diễn viên quá đà tuy nhiên không đồng tình các quy định khác, cho rằng những yêu cầu còn lại cứng nhắc, ảnh hưởng không tích cực tới tự do sáng tạo. Tài khoản Ningmeng nhận hơn 22.000 like khi viết: “Tại sao bắt tất cả đi theo một quan điểm thẩm mỹ?”.
Blogger Xiaohei cho rằng các đoàn phim có quyền dùng bộ lọc, cà mặt theo sở thích của họ. “Cứ để họ tự quyết định sản phẩm, khi ra mắt, hiệu quả không tốt thì họ tự chịu tổn thất, đó là quy luật đào thải của thị trường, không cần thiết ra quy định”, Xiaohei viết.
Theo trang Sohu, những năm gần đây, các nhà sản xuất, diễn viên “đốt tiền” làm mịn da, thon mặt trên phim. Ở nhiều tác phẩm, diễn viên nhất định phải trắng, không tì vết, không một nếp nhăn kể cả ở cảnh khóc, cười. Trong Hộc Châu phu nhân, mỗi lần tới cảnh của Dương Mịch, hàng nghìn khán giả cho biết cảm thấy “nhìn mặt cô qua làn sương”. Ở Nhất kiến khuynh tâm, mặt Trần Tinh Húc và Trương Tịnh Nghi bị cà tới mất đường nét, trắng lóa mắt. Trong phim Gia Nam truyện, gương mặt của Cúc Tịnh Y nhiều lúc bị nhòe vì chỉnh sửa.
Như Anh
Diễn viên Trung Quốc bị cấm nhận cátxê bằng tiền mặt
Tây du ký ra mắt tròn 40 năm. Từ đầu năm đến nay, êkíp và cộng đồng fan bộ phim tổ chức các sự kiện, tọa đàm, ra mắt ấn phẩm để chúc mừng thành công của tác phẩm. Tuy nhiên, theo Sohu, trong số các thành viên tham gia xây dựng Tây du ký, có một người luôn xa lánh, né tránh cả đoàn, là nghệ sĩ Dương Xuân Hà, đóng Bạch Cốt Tinh.
Nghệ sĩ 79 tuổi nói bà từng hai lần được mời hội ngộ đoàn phim nhưng đều từ chối tham dự, cho dù đồng nghiệp, bạn bè thuyết phục thế nào. Dương Xuân Hà cho biết: “Tôi không muốn hình tượng Bạch Cốt Tinh của mình xuất hiện lại trước khán giả”. Nghệ sĩ thấy phiền não nếu nghe người khác nói: “Bà cụ này đóng Bạch Cốt Tinh đấy”.
Dương Xuân Hà vốn không thích nhân vật Bạch Cốt Tinh, từ chối khi đạo diễn Dương Khiết (1929-2017) mời bà thể hiện vai này. Sau đó, Dương Khiết giải thích dù là yêu quái, Bạch Cốt Tinh trong phim cần ngoại hình đẹp, hơn nữa nhân vật này có tài thiên biến vạn hóa, uy lực mạnh. Theo Ifeng, bấy giờ cận kề ngày lên đường tới địa điểm quay nhưng chưa chốt được người đóng Bạch Cốt Tinh, đạo diễn Dương Khiết rất lo lắng. Bà không muốn hạ thấp tiêu chuẩn chọn diễn viên, cố gắng thuyết phục Dương Xuân Hà.
Cuối cùng, diễn viên chấp nhận đề nghị với điều kiện sau vai này, Dương Khiết để bà đóng quốc vương Nữ Nhi Quốc. Dương Khiết nhận lời.
Tuy nhiên, vai nữ vương được giao cho Chu Lâm. Việc không giữ lời hứa khiến Dương Khiết đau đáu, cảm thấy có lỗi với Dương Xuân Hà. Đạo diễn từng nói lý do nuốt lời: “Tôi không thể thay đổi diện mạo của Xuân Hà, không thể để khán giả thắc mắc vì sao Bạch Cốt Tinh lại biến thành quốc vương Nữ Nhi Quốc. Thế nên tôi không thể thực hiện lời hứa. Có lẽ đến bây giờ, Dương Xuân Hà vẫn hận tôi”.
Trên Sohu, Dương Xuân Hà nói hàng chục năm qua, bà bị đồn thù ghét đạo diễn Dương Khiết nhưng không phải vậy. “Sau khi đóng Bạch Cốt Tinh, tôi rời đoàn phim. Họ gọi thì tôi trở lại đóng, không gọi thì thôi, tâm niệm của tôi là vậy. Thế mà bao năm qua chúng tôi bị đồn là kẻ thù của nhau”, nghệ sĩ nói. Bà chỉ không muốn nhắc đến bộ phim lẫn nhân vật mình đóng.
Bạch Cốt Tinh mà Dương Xuân Hà thể hiện được giới chuyên môn đánh giá cao, Dương Khiết từng nói bà vô cùng thích lối diễn của diễn viên. Tuy nhiên, vì vai này, Dương Xuân Hà từng gặp phiền phức. Trước Tây du ký, bà thành công khi xây dựng hình tượng nữ anh hùng trong các tác phẩm Kinh kịch. Vì vai yêu tinh ăn thịt người, bà bị khán giả ghét. Một số người đồn đại không đúng về Dương Xuân Hà, khiến bà phải làm việc với cấp trên. Nghệ sĩ sau đó được minh oan.
Tây du ký 1982 cũng là tác phẩm truyền hình duy nhất Dương Xuân Hà đóng. Bà đạt được thành tựu nổi bật hơn ở lĩnh vực biểu diễn Kinh kịch, là một trong tên tuổi lớn của làng sân khấu Trung Quốc.
Dương Khiết từng nói bà thẳng tính, không thích nói dối, lần nuốt lời hứa với Dương Xuân Hà để lại vết sẹo trong lòng bà. Hai người sau này không liên lạc với nhau. Dương Xuân Hà buồn về vai Bạch Cốt Tinh, Dương Khiết cũng canh cánh trong lòng, vì thế đạo diễn chưa bao giờ nghĩ bản thân thành công. Dương Khiết từng nói: “Tôi chẳng có cảm giác mình đạt được thành tựu khi quay Tây du ký. Chi bằng phim không thành công cũng được. Trong lòng tôi, Tây du ký mãi mãi là một nỗi đau”.
Tác phẩm bấm máy ngày 3/7/1982, sau đó được phát thử tập Trừ yêu ở nước Ô Kê vào tháng 10 cùng năm. Từ năm 1986, phim được phát trọn vẹn trên truyền hình, gây tiếng vang tại nhiều quốc gia châu Á. Theo Xinhua, tác phẩm có sức sống lâu bền, giữ kỷ lục phim được phát lại nhiều nhất ở Trung Quốc – hơn 4.000 lần.
Theo Sina hôm 9/7, đạo diễn Trần Gia Lâm mất ở tuổi 79 vì bệnh tật vào ngày 7/7. Trên trang cá nhân, Lưu Hiểu Khánh đăng các bức ảnh thời hợp tác với ông. Bà cảm ơn đạo diễn xây dựng nên tác phẩm kinh điển màn ảnh Hoa ngữ – Võ Tắc Thiên.
Ở bộ phim, Lưu Hiểu Khánh (bấy giờ gần 40 tuổi) hóa thân Võ Mỵ Nương khi là thiếu nữ tới tuổi 80. Bà từng lo lắng vì cần diễn nhân vật thời thiếu nữ, nói với đạo diễn: “Em có thể đóng cô gái 14 tuổi nhưng em không có gương mặt 14 tuổi”. Đạo diễn trấn an Lưu Hiểu Khánh, nói bà cứ yên tâm vì đã có đội ngũ trang điểm giúp diễn viên trẻ hóa. Khi tác phẩm ra mắt năm 1995, hầu như không có người chê Lưu Hiểu Khánh “cưa sừng làm nghé”.
Võ Tắc Thiên là một trong tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp Lưu Hiểu Khánh cũng như của đạo diễn Trần Gia Lâm. Đạo diễn sinh năm 1943 ở tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Học viện Điện ảnh Bắc Kinh. Giới chuyên môn nhận định ông là một trong đạo diễn đầu tiên định hình con đường dựng phim truyền hình chuyên nghiệp của Trung Quốc, tiên phong trong sáng tạo nghệ thuật.
Ngoài Võ Tắc Thiên, Trần Gia Lâm còn chỉ đạo loạt phim truyền hình, điện ảnh được đánh giá giàu giá trị nội dung, nghệ thuật như Hoàng hậu cuối cùng (1987), Đường Minh Hoàng (1992), Dương Quý Phi (1992)… Hán cung Phi Yến (1996), Hán Vũ Đế (1996), Vương triều Khang Hy (2001), Sóng gió Đại Thanh (2006), Vương Chiêu Quân (2007)…
Trần Gia Lâm là đạo diễn đầu tiên chọn Dương Mịch đóng phim, cô tham gia đoàn phim Đường Minh Hoàng năm bốn tuổi. Khi trưởng thành, Dương Mịch được đạo diễn mời đóng chính trong Vương Chiêu Quân. Nữ diễn viên viết trên trang cá nhân khi hay tin đạo diễn qua đời: “Bộ phim đầu đời của cháu năm bốn tuổi là do ông đạo diễn. Mong ông yên nghỉ”.
Theo Deadline, phòng vé Bắc Mỹ tuần qua tiếp tục thu hút đông đảo khán giả với Thor: Love and Thunder. Các chuyên gia dự đoán bom tấn của Marvel sẽ kiếm khoảng 135-145 triệu USD sau tuần công chiếu tại thị trường nội địa. Phim nhiều khả năng chạm mốc doanh thu mở màn 244 triệu USD toàn cầu.
Giống nhiều dự án của Marvel, Thor:Love and Thunder có ngân sách lớn với 250 triệu USD phí sản xuất, chưa tính các khoản cho khâu quảng cáo. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tác phẩm sẽ không mất nhiều thời gian để hoàn vốn nhờ lượng fan đông đảo.
Giới phê bình không có nhiều thiện cảm với tác phẩm nàynhư những bom tấn trước đây của Marvel. Theo Variety, phim chỉ đạt tỷ lệ đánh giá tích cực khoảng 51% từ những cây viết hàng đầu theo thống kê của trang Rotten Tomatoes. Một số chuyên gia theo dõi phòng vé cho rằng hiệu ứng truyền miệng tiêu cực có thể ảnh hưởng xấu tới doanh thu của tác phẩm. Tuy nhiên, phần bốn của Thor nhiều khả năng vẫn vào nhóm những phim ăn khách nhất năm nay.
Thor: Love and Thunder được kỳ vọng là viên gạch quan trọng trong giai đoạn bốn của vũ trụ điện ảnh Marvel. Bộ phim cũng có sự tham gia của nhiều nhân vật trong thương hiệu như đội Guardians of the Galaxy, Valkyrie (Tessa Thompson).
Nhân vật Thor cũng là siêu anh hùng đầu tiên của Marvel được làm bốn phần phim riêng. Sau hai phần đầu không được đánh giá cao, sự xuất hiện của đạo diễn Taika Waititi đã thổi một làn gió mới và biến phần ba Thor: Ragnarok (2017) trở thành một trong những tác phẩm yêu thích của fan Marvel. Nhà làm phim người New Zealand cũng trở lại ghế đạo diễn trong Thor: Love and Thunder.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện tác phẩmtừtháng 7/2021 – thời điểm dịch bùng phát, bối cảnh ở TP HCM và một số tỉnh lân cận, quay suốt ba tháng. Phim được chia thành năm tập, mỗi tập xoay quanh một nhóm nhân vật, khắc họa những ngày thành phố chịu ảnh hưởng nặng bởi Covid-19. Đạo diễn cho biết khác một số phim tài liệu về đại dịch, anh không tái hiện đau thương, mà chủ yếu xoáy vào những câu chuyện truyền cảm hứng của các tình nguyện viên, lực lượng y bác sĩ.
Chẳng hạn, tập hai là câu chuyện về Oxy Sài Gòn – kể chuyện những người chuyên chở các bình oxy miễn phí khắp nơi ở TP HCM. Trước tình hình thiếu hụt nguồn oxy khi dịch bệnh bùng phát, họ tự mua bình sau đó lái xe để phân phối cho các bệnh nhân đang nguy kịch. Nhiều thành viên trong nhóm từng mắc Covid-19, sau khi khỏi liền xin tham gia tình nguyện. Phim ghi lại cảnh đường dây nóng của nhóm liên tục vang lên những cú điện thoại cầu cứu giữa đêm khuya, khoảnh khắc tình nguyện viên đẫm mồ hôi vác bình oxy trong bộ áo bảo hộ.
Tập ba xoay quanh đôi anh em một gia đình ở Thuận An, Bình Dương. Sau khi nhiễm bệnh và khỏi, họ xin làm tình nguyện viên hỗ trợ trong một bệnh viện, nơi cha họ đang điều trị Covid-19. Không chỉ chăm sóc cha, họ phụ các bác sĩ theo dõi từng bệnh nhân chuyển biến nặng để ứng phó kịp thời. Khi người cha nguy kịch, sợ ông khó quá khỏi, họ viết một bức thư, nhờ bác sĩ thay giúp ông bộ quần áo tươm tất trước lúc đưa đi hỏa táng. Tập năm là câu chuyện về những bác sĩ nhiệt huyết, lái xe máy qua các con đường đầy dây chăng, chốt phong tỏa, đến những con hẻm lực lượng y tế khó tiếp cận. Họ động viên người dân – trong đó những cụ ông, cụ bà gần đất xa trời – bằng niềm tin dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi.
Trong buổi công chiếu sớm hôm 8/7, nhiều khán giả xúc động khi xem tác phẩm. Khán giả Ngọc Thạch (35 tuổi) cho biết phim khiến anh liên tục khóc, nhớ lại ký ức nhiều người thân của anh qua đời vì Covid-19. “Tôi cũng nhìn được bức tranh tổng thể hơn về đại dịch. Phim khiến tôi nhận ra: Những người có thể tiếp tục sống, hãy sống một cách tốt đẹp hơn”, Ngọc Thạch nói. Hoa hậu Hương Giang cảm động về những phân cảnh về tình người. Cô nhớ nhất câu chuyện về hai người con ở Bình Dương khi họ dũng cảm vào bệnh viện làm tình nguyện viên để có thể gần cha họ những ngày cuối đời. Hương Giang cũng ấn tượng cách đạo diễn kể song song hai chuyện đối lập – một cô gái 17 tuổi có cha mẹ mất vì Covid-19 và một cặp vợ chồng già vượt qua căn bệnh để trở về bên nhau.
Phạm Phương Linh – sáng lập nhóm Oxy Sài Gòn – khóc khi xem lại các thước phim. Chị nói tên phim là Không sợ hãi nhưng thực tế, mọi thứ rất đáng sợ với nhóm. Các thành viên đều tham gia nhóm lúc chưa tiêm vaccine, trong bối cảnh dịch lây lan nhanh. Sợ ảnh hưởng người nhà, họ quyết định ăn, uống, ngủ nghỉ tại chỗ. “Nhớ lại những ngày đó thì rất ám ảnh, nhưng lúc ấy chúng tôi chỉ có suy nghĩ là phải làm từ thiện, giúp được gì thì giúp hết mình”, Phương Linh nói.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết lúc đó anh đi theo một người quen – bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu – từ Hà Nội vào vùng dịch. Một mình anh đảm nhận các công việc, từ ghi hình đến phỏng vấn. Khi anh tiếp cận, nhiều nhân vật ban đầu từ chối nhưng sau đó được đạo diễn thuyết phục về ý nghĩa của tác phẩm. Điều anh băn khoăn nhất khi làm phim là sợ khơi dậy nỗi đau của các hoàn cảnh. “Rất may, tôi đều được họ ủng hộ. Hai người con trong tập ba còn gửi lại các bức hình của cha họ sinh thời để tôi biên tập, như một cách lưu giữ hình ảnh cha mãi trong tim”, đạo diễn nói. Anh cho biết vẫn tiếp tục dựng phim để ra mắt các tập khác.
Đạo diễn – biên kịch Bùi Thạc Chuyên sinh năm 1968 ở Hà Nội. Năm 1995, anh theo học khoa Diễn viên, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trở thành nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 1997, anh theo học đạo diễn, gây chú ý với tác phẩm Cuốc xe đêm – phim Việt đầu tiên đoạt giải ở hạng mục Phim ngắn Cinefondation tại Liên hoan phim quốc tế Cannes. Năm 2005, phim Sống trong sợ hãi của anh giành nhiều giải trong nước và quốc tế. Đạo diễn sáng lập Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), Hội Điện ảnh Việt Nam từ năm 2002.
Thor: Love and Thunder (Thor: Tình yêu và sấm sét) là phần phim riêng thứ tư về nhân vật Thần Sấm do Chris Hemsworth thủ vai trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Tiếp nối câu chuyện sau Avengers: Endgame (2019), Thor đồng hành đội Guardians of the Galaxy trong nhiệm vụ bảo vệ các hành tinh khỏi những kẻ xâm lăng xấu xa. Tuy nhiên, anh không nhiều động lực sau những mất mát trước đó. Vị thần xứ Asgard lấy lại vóc dáng “sáu múi” nhưng nội tâm trống rỗng. Anh tự nhủ bản thân chỉ cần ngừng yêu sẽ không còn phải chịu cảm giác đau khổ.
Một ngày, Thor nhận lời cầu cứu từ Lady Sif (Jaimie Alexander). Anh cùng người bạn Korg (Taika Waititi) từ biệt đội Guardians of the Galaxy và đến cứu bạn cũ. Sif cảnh báo với Thor về Gorr (Christian Bale), ác nhân bí ẩn sở hữu thanh kiếm Necrosword – có khả năng giết các vị thần. Thor quyết định tìm đến những vị thần từ các hành tinh khác, kêu gọi họ đoàn kết để chống lại kẻ thù nguy hiểm.
Với sự chỉ đạo của đạo diễn Taika Waititi, Thor: Love and Thunder được thực hiện theo phong cách hài hước, châm biếm giống phần trước – Thor: Ragnarok (2017).
Nhà làm phim người New Zealand tiếp tục mang đến tác phẩm vui nhộn, sôi động và sặc sỡ sắc màu. Khâu hình ảnh và âm thanh chịu ảnh hưởng từ thể loại âm nhạc hard rock và hair metal thịnh hành tại Mỹ trong thập niên 1980. Sự lựa chọn này phù hợp với ngoại hình của Chris Hemsworth và chủ đề bộ phim hướng đến. Đạo diễn từng tiết lộ muốn khâu nghe – nhìn đạt được sự “khoa trương, ồn ào với những bảng màu sặc sỡ” như dòng nhạc này.
Sau thành công của phần ba, Taika Waititi quyết định tăng tần suất các câu đùa, tình tiết châm biếm. Từ đầu đến cuối, khán giả liên tục bắt gặp các phân đoạn gây cười có chủ đích của êkíp. Tiết tấu phim diễn ra nhanh nhưng vẫn đủ để khán giả theo dõi diễn biến câu chuyện.
Tuy nhiên, khác Thor: Ragnarok, Waititi không thành công trong việc cân bằng yếu tố hài kịch trong phim. Là người thích pha trộn và bẻ cong các thể loại điện ảnh, đạo diễn nhồi nhét nhiều phong cách như tâm lý, giả tưởng, lãng mạn, kinh dị và hành động trong kịch bản. Tất cả chỉ dừng lại ở những nét chấm phá trên nền một tác phẩm hài có thời lượng gần hai tiếng. Việc lạm dụng tình tiết gây cười cũng khiến người xem cảm giác phim thiếu nghiêm túc, không có sự kịch tích cần thiết trong các đoạn hành động cao trào.
Tài tử từng đoạt giải Oscar – Christian Bale – gây chú ý khi trở lại thể loại siêu anh hùng, vào vai Gorr – ác nhân chính của phần này. Hắn vốn là một con chiên ngoan đạo tại một hành tinh xa xôi, bị các vị thần lừa dối và thao túng. Sau khi biết bản chất của đấng tối cao, Gorr tìm đến nguồn sức mạnh đen tối trong cây kiếm Necrosword và lên đường đi trả thù, trừng phạt tất cả vị thần trong vũ trụ.
Các phân đoạn về Gorr trong phim mang hơi hướng thể loại hành động, tâm lý và kinh dị. Vì vậy, mạch truyện trở nên nghiêm túc hơn mỗi khi tên ác nhân này xuất hiện. Tuy nhiên, đặt cạnh lối diễn có phần ngổ ngáo của Chris Hemsworth, màn thể hiện của Bale trở nên lạc điệu trong một tác phẩm quá ưu tiên yếu tố hài hước. Tương tự, quyết định xây dựng kịch bản theo đề tài về bản chất tha hóa của các vị thần cũng không tương đồng không khí châm biếm, thiếu nghiêm túc của bộ phim.
Bên cạnh mạch phim chính, câu chuyện của Thor: Love and Thunder cũng xoay quanh màn tái hợp của Thor và tình cũ Jane Foster (Natalie Portman). Sau nhiều năm xa cách các sự kiện liên quan đến siêu anh hùng, nữ tiến sĩ bất ngờ nhận sức mạnh từ chiếc búa thần thánh Mjolnir và trở thành siêu anh hùng Mighty Thor bản nữ. Cô đồng hành bạn trai cũ trong nhiệm vụ lần này nhưng cũng giấu đi một ẩn ức khó nói với anh.
Natalie Portman có nhiều phân đoạn là điểm sáng trong phim, khi vai trò nhân vật của cô không còn đơn thuần là bóng hồng bên cạnh nam chính. Minh tinh Black Swan có thêm nhiều cảnh hành động, chiến đấu các loài quái vật, ác quỷ ở phần này. Mighty Thor có những tuyệt chiêu, sức mạnh riêng biệt so với Thor. Portman cũng diễn đạt cách cảnh hài, lãng mạn bên cạnh Chris Hemsworth. Mối tình giữa hai người là một trong những điểm thu hút của phim.
Mặc cho màn thể hiện tốt của Portman, về tổng thể, êkíp không có nhiều thời lượng để xây dựng lại nhân vật Jane Foster một cách chi tiết. Nhân vật không xuất hiện ở phần trước – Thor: Ragnarok, khi đạo diễn Taika Waititi tiếp quản thương hiệu và chuyển hướng sang thể loại mang màu sắc hài hước. Vì thế, tính cách nữ tiến sĩ trong lần tái xuất này có nhiều thay đổi, mâu thuẫn so với hai tập đầu. Cách cô sở hữu sức mạnhthần thánhtừ búa Mjolnir được giải thích hợp lý nhưng không đặc sắc, ấn tượng.
Thor: Love and Thunder tiếp tục là một dự án mang đậm phong cách làm phim của hãng Marvel những năm gần đây. Tác phẩm giàu tính giải trí, đan xen giữa yếu tố hài và hành động, đi kèm phần hình ảnh – âm thanh hoành tráng. Kịch bản đem đến một câu chuyện trọn vẹn, đồng thời là bước đệm cho những sự kiện, nhân vật tiếp theo của Vũ trụ Điện ảnh Marvel xuất hiện. Phim hiện đạt điểm “tươi” 70% trên tổng 183 bài đánh giá từ giới phê bình, theo thống kê của trang Rotten Tomatoes.