Category: Tin Tức Phim

  • Hoài Linh tròn vai trong ‘Mến gái miền Tây’

    * Bài tiết lộ một phần nội dung phim

    Mến gái miền Tây là dự án điện ảnh chuyển thể từ Ghe bẹo ghẹo ai – web-drama ăn khách năm 2019. Sau ba năm ấp ủ, tác phẩm ra rạp ngày 25/3. Phim xoay quanh câu chuyện của Mến (Võ Đăng Khoa) – một người chuyển giới ở miền Tây. Mến yêu đơn phương Nhớ (Hoàng Nguyên) – bạn thân thời cấp ba – nhưng giấu chặt mối tâm tư vì định kiến từ gia đình, xã hội. Được má Bảy Tình (Hoài Linh) động viên, Mến tự cởi trói những ràng buộc trong tư tưởng, bước vào hành trình tìm lại bản thân.

    Hoài Linh diễn hài trong phim điện ảnh về miền Tây

     
     

    Trailer “Mến gái miền Tây”, dán nhãn 18+. Video: CGV

    Trước lúc ra mắt, phim gây chú ý khi đánh dấu sự trở lại màn ảnh rộng của Hoài Linh, kể từ Đích tôn độc đắc (2018). Trong phim, Hoài Linh góp mặt với vai má Bảy – một người chuyển giới ở vùng quê nghèo. Bảy Tình có sức ảnh hưởng lớn đến cuộc đời nhân vật chính khi là người đầu tiên nhận ra giới tính thật của Mến, từ đó cùng anh đồng hành suốt quá trình trưởng thành. Không phải ruột thịt, Bảy là chỗ dựa tinh thần của Mến những lúc anh gục ngã vì bị gia đình chối bỏ.

    Dù đóng vai phụ, Hoài Linh là điểm nhấn. Bảy Tình vốn là dạng vai quen thuộc trên sân khấu lẫn phim ảnh của Hoài Linh, vì vậy, nghệ sĩ thoải mái tung tẩy. Nhân vật góp mặt từ hồi đầu của phim với trang phục bà ba, mái tóc búi cao. Hoài Linh điều tiết phong cách hài hình thể của kịch nói để tránh bị cường điệu khi lên màn ảnh rộng. Nhiều câu thoại được cài cắm trong các phân đoạn để tạo tiếng cười nhẹ nhàng.

    Hoài Linh trở lại với vai phụ nữ chuyển giới trong Mến gái miền Tây. Ảnh: Thanh Loan

    Hoài Linh trở lại với vai phụ nữ chuyển giới trong “Mến gái miền Tây”. Ảnh: Thanh Loan

    Ở mảng bi, nghệ sĩ gợi nhiều cảm xúc với biểu cảm, ánh mắt. Khi Mến quyết định bỏ nhà ra đi, Bảy Tình khuyên anh cứ khóc để nỗi đau được xoa dịu. Một trong những cảnh then chốt của phim là khi Bảy Tình trang điểm, làm tóc cho Mến, giúp anh lần đầu khám phá bản thân trong tạo hình nữ giới. Hoài Linh diễn tả trọn vẹn cách Bảy Tình vỗ về động viên Mến bằng câu thoại: “Từ nay, có buồn cũng phải đẹp nghe chưa”.

    Vai tái xuất của Hoài Linh cũng được biên kịch khai thác đến nơi đến chốn, góp mặt ở hồi cuối. Võ Đăng Khoa – nhà sản xuất – cho biết ban đầu, nghệ sĩ nhiều lần từ chối lời mời. Sau cùng, anh nhận lời vì đồng cảm với thông điệp của phim – cổ vũ cộng đồng LGBT tìm kiếm hạnh phúc.

    Hoài Linh sinh năm 1969, quê ở Quảng Nam. Thập niên 1990, diễn viên gây tiếng vang ở hải ngoại khi đóng kịch hài cùng Vân Sơn. Đầu những năm 2000, nghệ sĩ về nước sống và làm việc. Ngoài diễn kịch, cây hài còn làm giám khảo game show, đóng nhiều phim điện ảnh. Cuối tháng 12/2021, sau nửa năm nghệ sĩ vướng ồn ào chậm giải ngân tiền quyên góp cho miền Trung, công an TP HCM xác định không có dấu hiệu phạm tội. Hồi tháng một, nghệ sĩ tham gia vở Lạc giữa biển người– một trong 26 tác phẩm dự thi Liên hoan kịch nói toàn quốc khu vực phía Nam, được hội đồng nghệ thuật của hội diễn trao huy chương vàng.

    Dù vậy, kịch bản phim nhiều lỗ hổng. Câu chuyện Mến – một người chuyển giới yêu đơn phương người dị tính – từng xuất hiện trong một số phim điện ảnh cùng đề tài, tiêu biểu là Lô tô (2017). Tuy nhiên, cách đạo diễn xây dựng tình huống, tính cách nhân vật chưa nhất quán. Đầu phim, Mến là một thanh niên gai góc, nam tính, đánh nhau để bênh vực người yếu thế. Chỉ sau cảnh bỏ nhà ra đi, anh lại mang tạo hình phụ nữ với áo bà ba, tóc dài thướt tha. Sự chuyển biến về tính cách lẫn xu hướng giới tính chưa được giải thích hợp lý, khiến người xem khó nắm ý đồ của đạo diễn.

    Võ Đăng Khoa (trái) - vai Mến và Hoàng Nguyên - vai Nhớ. Ảnh: Thanh Loan

    Võ Đăng Khoa (trái) – vai Mến và Hoàng Nguyên – vai Nhớ. Ảnh: Thanh Loan

    Một số tình tiết – như Mến nhận tội hành hung người khác thay Nhớ – bị bỏ lửng. Tuyến nhân vật phụ cũng mắc nhiều lỗi trong lối kể chuyện. Suốt 12 năm, dù là “trai thẳng”, Nhớ từ bạn thân trở thành chồng Mến mà chưa có chi tiết nào giải thích. Trong dàn vai chính, chỉ có nhân vật Bình An (Anh Tú) – người theo đuổi Mến từ nhỏ – có tuyến truyện đơn giản, dễ hiểu.

    Lời thoại cũ kỹ cũng là điểm yếu của phim. Dù nỗ lực, tác phẩm vẫn còn đậm chất phim truyền hình trong những cảnh đối đáp liên tục, nhất là phân đoạn Mến cãi nhau giữa chợ. Ở những cảnh bi, các câu nói của nhân vật bị cài cắm triết lý, khiến phim trở nên lê thê. Lối thoại diễn cảm quá mức cần thiết của một số diễn viên dễ làm người xem bật cười – thay vì đồng cảm – trong một số phân cảnh. Tác phẩm còn lạm dụng âm nhạc để “mồi” cảm xúc khán giả, từ đó khiến cảnh quay mang hơi hướng video ca nhạc, chẳng hạn đoạn một nhân vật gục ngã khi hát giữa trời mưa.

    Mai Nhật

  • Muôn kiểu gia đình Việt trong ‘Anh có phải đàn ông không?’

    * Bài viết tiết lộ nội dung

    Tác phẩm của đạo diễn Trịnh Lê Phong kể chuyện ba người đàn ông chơi thân với nhau dù khác biệt tính cách, hoàn cảnh sống. Duy Anh (Tuấn Tú đóng) gác lại bằng cấp, 18 năm ở nhà nội trợ. Anh hiền lành, chăm chỉ việc nhà nhưng luôn đau đáu vì không có sự nghiệp, gặp nhiều khúc mắc với con gái đang tuổi dậy thì. Đỉnh điểm, bố mẹ Duy Anh sốc khi biết bí mật của con trai – người bao lâu nay họ tưởng là trụ cột gia đình.

    Nhật Minh (Hà Việt Dũng đóng) có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nhỏ mọn, khắt khe với vợ. Anh ấm ức khi thấy vợ được thăng chức, dành nhiều thời gian cho công việc, còn sự nghiệp của mình thì đứng lại. Anh thường xuyên giận dỗi vu vơ dù vợ hết lòng hàn gắn. Tuấn Khang (Nhan Phúc Vinh đóng) trăng hoa, không muốn gắn bó, xây dựng gia đình với ai. Anh thay người yêu như thay áo, gặp không ít rắc rối vì tình cũ, tình mới thường xuyên đụng độ.

    'Anh có phải đàn ông không?': muôn kiểu gia đình Việt

     
     

    Trailer phim “Anh có phải đàn ông không?”. Video: VFC

    Ba người đàn ông còn thiếu sót nhưng tìm được một nửa bù đắp họ. Dung, vợ Duy Anh, tháo vát, xông xáo. Lệ, vợ Nhật Minh, khéo léo, nhẫn nhịn, biết chiều chồng. Còn Vy, người yêu của Khang, hết lòng với anh dù biết bạn trai dễ đổi thay. Thế nhưng cuộc sống gia đình họ vẫn gặp nhiều biến cố vì những bất đồng.

    Phim có nhiều khoảnh khắc hài hước, làm giảm không khí căng thẳng của tác phẩm đề tài tâm lý gia đình, như: Duy Anh lập tài khoản trên mạng, giả làm bạn đồng trang lứa để nói chuyện, hiểu tâm lý con gái; nhóm bạn lên kế hoạch đóng giả nhân viên khách sạn để đòi nợ một khách hàng oái oăm của công ty Tuấn Khang; Duy Anh bị vợ trả về cho bố mẹ đẻ vì hiểu nhầm anh ngoại tình…

    Từ trái qua: Hà Việt Dũng (vai Minh), Nhan Phúc Vinh (vai Khang), Tuấn Tú (vai Duy Anh) trong phim. Ảnh: VFC

    Từ trái qua: Hà Việt Dũng (vai Minh), Nhan Phúc Vinh (vai Khang), Tuấn Tú (vai Duy Anh) trong phim. Ảnh: VFC

    Phim tạo sức hấp dẫn nhờ diễn xuất sinh động của dàn diễn viên. Trong vai ông chồng nội trợ, Tuấn Tú hóa thân tự nhiên, chân thực anh chàng học giỏi, tốt tính nhưng ngô nghê sự đời. Vai Nhật Minh của Hà Việt Dũng khiến nhiều khán giả ghét vì tạo hình lịch lãm nhưng hành động, lời nói cục cằn, vô tâm. Nhan Phúc Vinh diễn xuất tiến bộ so với thời đóng phim Tình yêu và tham vọng, được nhiều người khen khi hóa thân công tử đa tình, tổn thương tâm lý vì cái chết của mẹ. Thúy An (đóng Dung, vợ Duy Anh) và Việt Hoa (đóng Lệ, vợ Nhật Minh) không quá quen thuộc trên màn ảnh nhưng nhập vai tốt.

    Hàng trên, từ trái sang: Việt Hoa (vai Lệ), Thúy An (vai Dung), Thanh Hương (vai Trúc Lam), Quỳnh Kool (vai Vy) trong phim. Ảnh: VFC

    Hàng trên, từ trái sang: Việt Hoa (vai Lệ), Thúy An (vai Dung), Thanh Hương (vai Trúc Lam), Quỳnh Kool (vai Vy) trong phim. Ảnh: VFC

    Theo êkíp, Anh có phải đàn ông không muốn truyền tải thông điệp về cuộc sống gia đình, tình yêu dưới góc nhìn phái mạnh. Tiêu đề phim là câu hỏi bao hàm nhiều ý nghĩa, vừa có sự trách móc, mỉa mai lẫn nghi hoặc về vai trò của họ. Phim hướng tới thông điệp về bình đẳng xã hội, bởi trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc không thuộc về riêng đàn ông hay phụ nữ.

    Tác phẩm hiện phát sóng đến tập 19 trong tổng số hơn 30 tập. Bộ ba nam chính có nhiều thay đổi tâm lý. Duy Anh từ một người không có chí tiến thủ, hài lòng với cuộc sống, nhận ra mục tiêu, mơ ước của mình. Nhật Minh, khi đánh mất tình yêu với Lệ, học được cách thay đổi bản thân, biết quan tâm đến người khác. Tuấn Khang dần bớt ăn chơi, bắt đầu học cách yêu thực sự. Tuy nhiên, họ vẫn phải đối mặt nhiều thử thách khi vợ, người yêu mất đi sự tín nhiệm.

    Trên fanpage phim, khán giả Hồng Nhung bình luận: “Ba người đàn ông đều có cái hay, cái dở. Cuộc đời mà, không ai hoàn hảo, nhưng về cơ bản, họ đều là người tốt. Tôi tin phim sẽ làm hài lòng khán giả, khi cả ba có những chuyển biến tích cực”.

    Hà Thu

  • Cuộc đua phim hay nhất Oscar 2022

    Giới phê bình nhận xét cuộc đua “Phim hay nhất” tại Oscar 2022 thú vị và khó đoán. 10 tác phẩm góp mặt trong danh sách gồm: The Power of Dog, CODA, Don’t Look Up, Licorice Pizza, King Richard, Nightmare Alley, Belfast, West Side Story, Drive My Car Dune. Trong đó, The Power of Dog nhận nhiều đề cử nhất (12 hạng mục) và CODA có ít nhất (ba hạng mục). Phim Nhật Drive My Car là tác phẩm duy nhất không sử dụng tiếng Anh tham gia tranh giải.

    Trailer The Power of the Dog

     
     

    Trailer “The Power of the Dog”. Video: Netflix

    Đa phần giới chuyên môn nhận xét hạng mục là cuộc đấu giữa “gã tí hon và người khổng lồ” – CODA đối đầu The Power of the Dog.

    Nhận nhiều đề cử nhất tại Oscar 2022, bộ phim chính kịch của nữ đạo diễn Jane Campion – The Power of the Dog – là ứng viên hàng đầu. Tác phẩm cũng thắng nhiều giải tương tự tại Critics’ Choice Movie Awards, Directors Guild of America Awards, BAFTA, Quả Cầu Vàng. Kịch bản dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thomas Savage, xoay quanh Phil Burbank (Benedict Cumberbatch), một cao bồi sống ở miền Tây nước Mỹ. Anh luôn tỏ ra gia trưởng, nam tính nhưng thực chất để che giấu bí mật của bản thân.

    >>> ‘The Power of the Dog’ – cuộc chiến tâm lý

    The Power of the Dog nhận nhiều lời khen từ giới chuyên môn về các khâu đạo diễn, diễn xuất, quay phim và âm nhạc nền. Đa phần dự đoán Jane Campion gần như nắm chắc hạng mục đạo diễn tại Oscar năm nay. Tuy nhiên, các tờ NY Times, Variety cho biết tác phẩm dần “hụt hơi” ở cuối cuộc đua trong mùa giải thưởng, để nhiều đối thủ vượt mặt. Một số nguồn tin nội bộ tại Hollywood cũng cho biết nhiều người trong nghề không thích câu chuyện và thông điệp bộ phim truyền tải. Điều này phần nào ảnh hưởng tới cơ hội chiến thắng của The Power of the Dog ở hạng mục quan trọng nhất.

    Trong khi đó, dù nhận ít đề cử nhất trong 10 tác phẩm, CODA vươn lên mạnh mẽ với các chiến thắng tại Producers Guild of America Awards và Screen Actors Guild Awards. Tuần cuối trước lễ trao giải, các nguồn tin tại Hollywood nhận xét CODA nhiều khả năng soán ngôi ứng viên số một từ The Power of the Dog. Các tờ NY Times, Variety, Rolling Stone, Hollywood Reporter… đều dự đoán tác phẩm của nhà Apple TV+ chiến thắng. Phim gần nhất đoạt giải Oscar mà không có đề cử đạo diễn và dựng phim là Grand Hotel (1932). Đây cũng là thử thách lớn CODA cần vượt qua khi dự án chỉ có tên ở các hạng mục kịch bản và nam phụ.

    Trailer CODA

     
     

    Trailer “CODA”. Video: Apple TV+

    CODA ra mắt ấn tượng tại Liên hoan phim độc lập Sundance hồi tháng 1/2021, thắng bốn giải bao gồm “Đạo diễn xuất sắc” và “Giải thưởng lớn của Ban giám khảo” cho hạng mục Chính kịch Mỹ. Phim còn lập kỷ lục khi được Apple TV+ mua lại với giá 25 triệu USD, mức giá cao nhất cho phim Sundance tính đến hiện tại. Nhan đề viết tắt của “child of deaf adults”, chỉ đứa trẻ bình thường được nuôi dạy bởi ít nhất một người khiếm thính.

    >>> ‘CODA’: Tình cảm trong gia đình khiếm thính

    Kịch bản kể về gia đình Rossi, sống bằng nghề đánh bắt hải sản tại thành phố Gloucester, bang Massachusetts (Mỹ). Con gái út Ruby (Emilia Jones) là người duy nhất trong nhà không bị điếc và có thể giao tiếp bình thường với cộng đồng. Cô bé trở thành “thông dịch viên” của gia đình, giúp đỡ họ trong công việc đánh bắt, buôn bán. Tuy nhiên, đó lại trở thành áp lực nặng nề với một học sinh trung học. Ruby đứng trước quyết định theo đuổi ước mơ ca hát hay ở lại miền quê phụ giúp người thân.

    Ngoài chênh lệch về đề cử, The Power of the DogCODA là những bộ phim rất khác biệt. Tác phẩm của đạo diễn Jane Campion tiếp cận các đề tài phức tạp về người đồng tính và quan niệm nam tính độc hại trong xã hội. Bộ phim cũng cài cắm nhiều chi tiết về văn hóa, tôn giáo để tăng chiều sâu. Tiết tấu bị nhận xét chậm và khá nặng nề với đa phần người xem. Trong khi đó, CODA mang màu sắc một tác phẩm “coming of age”, khai thác cuộc sống và rắc rối của tuổi mới lớn. Kịch bản hướng tới những câu chuyện day dứt nhưng nhẹ nhàng, tươi sáng cùng những ca khúc quen thuộc với văn hóa đại chúng phương Tây.

    Các tác phẩm như BelfastDrive My Car được giới chuyên môn kỳ vọng làm nên bất ngờ trong cuộc đua “Phim hay nhất”.

    Theo Variety, Belfast của đạo diễn Kenneth Branagh từng gây chú ý sau màn ra mắt tại LHP Telluride năm ngoái. Tuy nhiên, tác phẩm không để lại nhiều dấu ấn trong suốt mùa giải thưởng, chỉ đoạt một giải đáng chú ý là “Phim Anh xuất sắc” tại BAFTA 2022. Giới phê bình đánh giá khả năng cao nhất của Belfast hiện nằm ở hạng mục kịch bản. Tuy nhiên, một số cho rằng phim hoàn toàn có thể lặp lại thành tích của Spotlight (2015), thắng kịch bản và phim hay nhất tại sự kiện.

    Drive My Car được kỳ vọng lập lại thành tích của Parasite (2019) khi thắng cả hạng mục phim quốc tế và phim hay nhất. Tác phẩm Nhật Bản cũng góp mặt tại hai hạng mục cho đạo diễn và biên kịch. Tuy nhiên, khác với Parasite, Drive My Car không có màn chạy đà tốt tại các giải tiền Oscar. Bộ phim Hàn Quốc từng đoạt nhiều giải lớn ở Cannes, SAG, CCA, Quả Cầu Vàng hay BAFTA.

    Trailer Drive My Car

     
     

    Trailer “Drive My Car”. Video: Cannes Film Festival

    Bom tấn khoa học viễn tưởng Dune nhận 10 đề cử tại Oscar 2022 nhưng không được đánh giá cao cho giải “Phim hay nhất”. Nhiều người trong nghề cho biết tiếc nuối khi Denis Villeneuve không có tên trong danh sách “Đạo diễn xuất sắc”. Giới phê bình dự đoán tác phẩm có thể thắng lớn ở những hạng mục phụ về kỹ thuật năm nay. Trong khi đó, các dự án còn lại như Don’t Look Up, Licorice Pizza, King Richard, Nightmare Alley hay West Side Story cũng chỉ được kỳ vọng tại các giải phụ khác.

    Đạt Phan

  • Nightmare Alley’ – vòng quay đời nghiệt ngã

    * Bài viết tiết lộ tình tiết phim

    Trailer "Nightmare Alley"

     
     

    Trailer phim “Nightmare Alley”. Video: Searchlight Pictures

    Nightmare Alley là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Guilermo Del Toro, người đứng sau thành công của The Shape of Water, bộ phim từng đoạt bốn tượng vàng Oscar 2018. Tại lễ trao giải Oscar năm nay, Nightmare Alley nhận bốn đề cử, trong đó có “Phim hay nhất”.

    Phim kể về hành trình của Stanton Carlisle (do Bradley Cooper thủ vai), gã trai hào hoa. Bỏ lại sau lưng quá khứ bí ẩn, Stanton gia nhập một gánh xiếc kỳ lạ, nơi hắn được học và trau dồi những ngón nghề bằng óc quan sát và miệng lưỡi. Rời gánh xiếc, định mệnh sắp đặt cho hắn gặp Lilith Ritter (Cate Blanchet), một bác sĩ tâm lý. Cùng nhau, họ lên kế hoạch thực hiện những phi vụ liều lĩnh bằng khả năng thao túng tâm lý người khác.

    Stanton được xây dựng không phải là một kẻ xấu hoàn toàn. Hắn mang trong mình những tổn thương, ám ảnh từ quá khứ. Từ sự tự ti, Stanton mong muốn kiểm soát tất cả, đặc biệt là tâm trí con người, từ đó dùng cảm giác thống trị để xoa dịu bản thân. Bắt đầu từ việc đọc vị tâm lý, những thủ thuật nho nhỏ, dần dà những màn diễn của hắn trở nên mưu mô, nguy hiểm hơn và cũng để lại hậu quả nặng nề.

    Stanton không hay biết, hoặc cũng có thể chẳng hề quan tâm sự dối trá của hắn sẽ đeo đuổi các nạn nhân và hủy hoại họ thế nào. Từng là một người cảm thông với những số phận khốn khổ hơn mình, nhưng điều đó không đủ lớn để Stanton từ bỏ lòng tham. Cuối cùng, hắn đánh mất bản ngã, buông mình vào những trò ma quỷ.

    Cuộc đời Stanton trong phim chỉ được khắc họa gói gọn trong hai năm, nhưng kể đủ về tội lỗi, day dứt và sự trả giá. Đoạn kết phim, khi mất đi tất cả, Stanton từ kẻ đi săn lại trở thành con mồi, sa bẫy bởi chính các mánh lới hắn học từ những ngày đầu tiên. Hắn nhận ra quyền lực, sức mạnh được vun đắp từ dối trá và lòng tham đều là ảo ảnh. Vai diễn kẻ thống trị của hắn giờ đây được chuyển sang cho người khác, cứ tiếp tục như vậy trong vòng quay cuộc đời.

    Không riêng Stanton, mỗi nhân vật trong phim đều có quá khứ cần được an ủi. Khi nỗi đau quá lớn, họ tìm đến những yếu tố tâm linh để có thể yên lòng. Những “bóng ma” vật vờ trong phim đều bắt nguồn từ sự đổ vỡ, lừa gạt của con người.

    Nightmare Alley được xây dựng với đặc trưng giật gân kiểu cổ điển, nhiều đặc tính của dòng phim noir thịnh hành tại Mỹ giữa thế kỷ trước. Tuy nhiên, phim không lạm dụng cú twist để tạo bất ngờ. Đạo diễn Guilermo Del Toro áp dụng sở trường của ông khi xây dựng bầu không khí bí ẩn mơ hồ cùng những khung cảnh, tạo hình kỳ lạ, đôi lúc như một câu chuyện thần tiên đen tối.

    Mạch phim được chia làm hai phần riêng biệt với diễn biến nhanh chậm tùy hứng cũng là điểm thu hút riêng. Mọi thứ diễn ra không theo chuẩn mực nào. Nhân vật, sự kiện đôi khi xuất hiện rồi biến mất, nhiều hình ảnh, biểu tượng chỉ xuất hiện một lần. Tất cả đều mơ hồ làm người xem luôn phải suy nghĩ về những điều sẽ xảy ra tiếp theo và ý nghĩa ẩn sâu. Điều này có thể khiến một số khán giả cảm thấy mệt ở nửa đầu phim do diễn biến cứ từ từ đan xen, chồng chéo nhau. Ở nửa sau, câu chuyện hấp dẫn hơn khi được đẩy cao trào, nhịp độ.

    Tác phẩm có bố cục ánh sáng đẹp và chuẩn mực. Nhiều góc máy rộng và những cảnh quay kéo dài được sử dụng thường xuyên để thể hiện chiều sâu của bối cảnh cũng như sự bức bối trong tâm lý nhân vật.

    Đạo diễn Guilermo Del Toro nổi tiếng với những bộ phim có phần tạo hình, bối cảnh và màu sắc dị biệt, ảnh hưởng mạnh tới thị giác như tác phẩm kỳ ảo Pan’s Larynbith, The Shape Of Water… hay các bom tấn hành động Hellboy, Pacific Rim… Với Nightmare Alley – tác phẩm thể loại tâm lý tội phạm, giật gân, khán giả vẫn nhận ra nét độc đáo trong phong cách của ông. Ví dụ khung cảnh gánh xiếc tại thôn quê, buổi biểu diễn tại khách sạn trong thành phố lớn hay cuộc nói chuyện đơn giản giữa hai vợ chồng già, tất cả đều toát lên vẻ mơ hồ, không bình thường.

    Nightmare Alley - vòng quay nghiệt ngã của cuộc đời

    Cate Blanchet và Bradley Cooper kết hợp ăn ý trong “Nightmare Alley”. Ảnh: Searchlight Pictures

    Nam chính Bradley Cooper một lần nữa cho thấy sự biến hóa với kiểu nhân vật hoàn toàn mới, chưa hề lặp lại trong sự nghiệp. Trong vai kẻ lừa lọc Stanton Carlisle, Bradley Cooper hai lần thay đổi tạo hình cùng ba lần chuyển trạng thái tâm lý. Từ hình ảnh gã trai tự tin, ngạo nghễ thao túng tất cả, đến khi trở thành kẻ bần cùng, yếu đuối dưới đáy xã hội, Bradley Cooper khắc họa rõ nét qua từng khung hình, tác động tới cảm xúc của khán giả.

    Đồng hành Bradley Cooper là Cate Blanchett với vai bác sĩ tâm lý Lilith Ritter đẹp và lạnh lùng – mảnh ghép hoàn hảo tạo thành một cặp lãng mạn, nguy hiểm. Dàn diễn viên phụ với những cái tên nổi tiếng như Willem Dafoe, Richar Jenkins, Toni Collette… cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ tạo thành “bức tranh” kỳ ảo.

    Với điểm số trung bình 7.1 trên IMDb và 7.0 trên Metacritic cùng nhiều đánh giá tích cực, Nightmare Alley được lòng cả các nhà phê bình lẫn khán giả đại chúng. Các tờ Independent, Guardian, Forbes đều dành lời ngợi khen, trong đó tác giả Andrew Pulver của Guardian nhận định tác phẩm có thể đoạt Oscar “Phim hay nhất” năm nay.

    Nguyên Thảo

  • King Richard’ – người cha phía sau huyền thoại

    * Bài viết tiết lộ nội dung phim

    'King Richard': Người cha phi thường

     
     

    Trailer “King Richard”. Phim công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Telluride vào tháng 9 năm ngoái, nhận về nhiều phản hồi tích cực. Video: Warner Bros. Pictures

    Phim nhận sáu đề cử Oscar 2022 bao gồm: Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc (Will Smith), Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Aunjanue Ellis), Kịch bản gốc xuất sắc, Dựng phim xuất sắc và Ca khúc trong phim hay nhất (Be Alive – Beyonce). Dự án là sự trở lại màn ảnh của Will Smith – ứng viên sáng giá nhất của hạng mục nam chính, từ sau Gemini Man (2019).

    Tác phẩm dõi theo hành trình của Richard Williams, người cha nuôi dạy hai vận động viên tài năng trở thành nhà vô địch bộ môn tennis. Lấy bối cảnh những năm 1990 ở thành phố Compton, phía Nam Los Angeles, Mỹ, nơi tập trung đông người da màu, phim ghi lại những năm đầu trong sự nghiệp quần vợt của Venus và Serena Williams. Ban ngày, Richard cùng hai con tập luyện trên các sân tennis công cộng. Ban đêm, ông làm bảo vệ tại một khu chợ địa phương để trang trải sinh hoạt phí cho bảy thành viên trong nhà. Ông dành thời gian đi đến những sân tennis của giới nhà giàu giới thiệu tài năng của con mình với các huấn luyện viên nhưng đều bị từ chối, thậm chí còn bị chế nhạo.

    Từ phải qua: Will Smith (trong vai Richard Williams), Saniyya Sidney (Venus Williams) và Demi Singleton (Serena). Ảnh: Warner Bros. Pictures

    Từ phải qua: Will Smith (trong vai Richard Williams), Saniyya Sidney (Venus Williams) và Demi Singleton (Serena). King Richard do Reinaldo Marcus Green đạo diễn, kịch bản do Zach Baylin đảm nhiệm. Ảnh: Warner Bros. Pictures

    Giữ vững niềm tin, người cha chở hai cô gái đến sân tập của huấn luyện viên Paul Cohen (Tony Goldwin), nhờ ông đào tạo. Nhưng chỉ có Venus nhận được cái gật đầu từ huấn luyện viên, sau đó cô về nhất giải Tennis thiếu niên. Bất đồng quan điểm với Cohen, Richard tìm đến Rick Macci (Jon Bernthal) – người thầy của tay vợt chuyên nghiệp Jennifer Capriati. Từ đây, Richard cùng Rick hỗ trợ về mặt kỹ năng cho Venus. Vợ ông – Oracene Williams (Aunjanue Ellis), là hậu phương vững chắc, động viên tinh thần cho chồng và con gái.

    Hóa thân chân thật của Will Smith là điểm cộng lớn cho phim. Tài tử thể hiện được tâm lý của một người cha, một người bạn luôn đồng hành và che chở các con. Richard sống nguyên tắc, có kế hoạch bài bản. Ông kiên định theo đuổi những mục tiêu, có tầm nhìn xa rộng để biết hai con sẽ đạt được thành công thế nào sau khi khổ luyện.

    Có năm người con nhưng Richard không thiên vị ai, luôn tìm cách bảo vệ con trước những cạm bẫy của xã hội. Ông chịu đựng khi bị gangster đánh hội đồng, trước đó ông đã đánh tên cầm đầu vì buông lời khiếm nhã với con gái lớn Tunde. Ông khước từ những hợp đồng béo bở của những kẻ đặt lợi ích của họ lên trên tài năng của con gái mình.

    Will Smith đóng vai Richard Williams, cha của hai ngôi sao quần vợt Venus và Serena Williams, trong  King Richard - tác phẩm tranh giải phim xuất sắc Oscar 2022. Ảnh: Warner Bros

    Will Smith đóng vai Richard Williams, cha của hai ngôi sao quần vợt Venus và Serena Williams, trong “King Richard” – tác phẩm tranh giải phim xuất sắc Oscar 2022. Ảnh: Warner Bros

    Richard không bắt các con làm theo ý ông mà dạy họ những bài học thực tế của cuộc sống, để con tự trải nghiệm. Ông dạy con trong bất kỳ tình huống nào cũng phải sẵn sàng đương đầu, vượt qua mọi nghịch cảnh. Ông cho năm người con xem phim hoạt hình Cinderella để học được bài học về sự khiêm tốn. Ông cũng dạy những người con của mình trong cuộc đời không có gì là miễn phí vì mọi thứ luôn đi kèm với điều kiện.

    Một trong những cảnh xúc động của phim là khi Richard cắt ngang buổi phỏng vấn Venus – mới 14 tuổi – trên đài National TV năm 1994, khi người phỏng vấn cố khiến cho cô con gái da màu trẻ tuổi nghi ngờ về tài năng của mình, khi đó Venus mới 14 tuổi. Richard thể hiện ông không phải là người cha dễ nhân nhượng trước những tình huống khiến các con ông bị cuốn theo sự phán xét hay định kiến của xã hội.

    Diễn viên trẻ Saniyya Sidney (Venus Williams) và Demi Singleton (Serena) nỗ lực vào vai hai tay vợt có sức ảnh hưởng của làng thể thao thế giới. Cả hai mất nhiều tháng để học chơi tennis chuyên nghiệp. Saniyya và Demi diễn xuất ăn ý. Trong những cảnh quay riêng của từng nhân vật, Saniyya thể hiện tốt sự tập trung và tinh thần thể thao của Venus khi thi đấu, còn Demi khiến khán giả đồng cảm khi cô e sợ bản thân quá nhỏ bé với chiếc bóng của chị. Bên cạnh hai diễn viên trẻ đầy triển vọng, đạo diễn Reinaldo Marcus Green còn sử dụng những tay vợt thực thụ nhằm làm tăng độ chân thực cho các pha thi đấu.

    Tác phẩm kể theo thời gian tuyến tính, dựng phim phát huy tối đa kỹ thuật chuyển cảnh ‘cutting on action’, cho thấy được kỹ thuật ghép nhiều góc máy với nhau để tạo nên sự liền mạch cho câu chuyện trong cùng một phân cảnh. Có thể kể đến như những cảnh Venus thi đấu trên sân tennis với những cảnh toàn bao quát sân, trung cảnh Venus phát bóng sau đó lia máy theo chuyển động của cô bé khiến cho người xem cảm giác như được trực tiếp theo dõi trận đấu.

    Việc sử dụng góc đặt máy qua vai (over the shoulder shot) trong những phân cảnh đối thoại đã phát huy khả năng dẫn dắt câu chuyện của bộ phim, biến người xem trở thành một phần của cuộc trò chuyện, tiêu biểu là cảnh đối thoại giữa Rick Macci và nhà Williams trong lần đầu gặp mặt, hay cảnh cãi vã của hai vợ chồng Richard khi ông không đồng ý cho Venus thi đấu chuyên nghiệp.

    Ngoài miêu tả sự khắc nghiệt của những băng đảng ở Compton, King Richard còn lên án nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Phim đề cập quá khứ của nhân vật chính, ông từng bị người da trắng nhiều lần đánh đập. Nhà làm phim lấy hình ảnh Richard, Venus và Serena để cất lên tiếng nói cho cộng đồng người da màu, tinh thần nữ quyền. Theo Harper’s Bazaar, bài hát Be Alive do Beyonce thể hiện ở cuối phim đã tôn vinh sự kiên cường và những chiến thắng của chị em nhà Williams.

    Quế Chi

  • Những diễn viên ‘rinh’ Oscar lẫn Mâm Xôi Vàng

    Ngày 26/3, Jared Leto nhận giải Mâm Xôi Vàng nam phụ cho vai Paolo trong House of Gucci. Anh trở thành tài tử mới nhất nhận cả Oscar và Mâm Xôi Vàng trong sự nghiệp. Năm 2014, anh đoạt tượng vàng nam phụ nhờ phim chính kịch Dallas Buyers Club. Ảnh: MGM

    Ngày 26/3, Jared Leto nhận giải Mâm Xôi Vàng nam phụ cho vai Paolo trong “House of Gucci”. Anh trở thành tài tử mới nhất nhận cả Oscar và Mâm Xôi Vàng trong sự nghiệp. Năm 2014, anh đoạt tượng vàng nam phụ nhờ phim chính kịch “Dallas Buyers Club”. Ảnh: MGM

    Trailer House of Gucci

     
     

    Trailer “House of Gucci”. Video: CGV

    Kim Basinger nhận giải nữ phụ tại Oscar 1998 với phim L.A. Confidential. Trong sự nghiệp, minh tinh nhận bảy đề cử Mâm Xôi Vàng, thắng một lần ở hạng mục nữ phụ năm 2018 với Fifty Shades Darker. Ảnh: Screenrant

    Kim Basinger nhận giải nữ phụ tại Oscar 1998 với phim “L.A. Confidential”. Trong sự nghiệp, minh tinh nhận bảy đề cử Mâm Xôi Vàng, thắng một lần ở hạng mục nữ phụ năm 2018 với “Fifty Shades Darker”. Ảnh: Screenrant

    Năm 2017, tài tử Mel Gibson thắng giải Razzie Redeemer tại Mâm Xôi Vàng, dành cho những nghệ sĩ từng bị chê nhưng thay đổi và có sản phẩm xuất sắc. Cùng năm, ông nhận đề cử đạo diễn Oscar với Hacksaw Ridge. Tuy nhiên, một năm sau, Gibson bị bêu riếu tại Mâm Xôi Vàng với vai phụ trong Daddys Home 2. Trong quá khứ, Gibson từng thắng hai giải Oscar với phim Braveheart (1996). Ảnh: IMDb

    Năm 2017, tài tử Mel Gibson thắng giải Razzie Redeemer tại Mâm Xôi Vàng, dành cho những nghệ sĩ từng bị chê nhưng thay đổi và có sản phẩm xuất sắc. Cùng năm, ông nhận đề cử đạo diễn Oscar với “Hacksaw Ridge”. Tuy nhiên, một năm sau, Gibson bị bêu riếu tại Mâm Xôi Vàng với vai phụ trong “Daddy’s Home 2”. Trong quá khứ, Gibson từng thắng hai giải Oscar với phim “Braveheart” (1996). Ảnh: IMDb

    Tài tử Ben Affleck thắng giải Oscar đầu tiên năm 1998 với Good Will Hunting, bộ phim do anh viết kịch bản và đóng cùng bạn thân Matt Damon. Năm 2013, anh đoạt giải lần hai với vai trò nhà sản xuất Argo. Trong sự nghiệp, Affleck ba lần bị bêu riếu tại hạng mục nam chính Mâm Xôi Vàng với các phim Daredevil, Gigli và Paycheck. Năm 2017, anh cùng bạn diễn Henry Cavill nhận giải Màn kết hợp tệ nhất với phim Batman v Superman: Dawn of Justice. Năm nay, anh cũng nhận một đề cử nam phụ với phim The Last Duel. Ảnh: AFP

    Tài tử Ben Affleck thắng giải Oscar đầu tiên năm 1998 với “Good Will Hunting”, bộ phim do anh viết kịch bản và đóng cùng bạn thân Matt Damon. Năm 2013, anh đoạt giải lần hai với vai trò nhà sản xuất “Argo”. Trong sự nghiệp, Affleck ba lần bị bêu riếu tại hạng mục nam chính Mâm Xôi Vàng với các phim “Daredevil”, “Gigli” và “Paycheck”. Năm 2017, anh cùng bạn diễn Henry Cavill nhận giải “Màn kết hợp tệ nhất” với phim “Batman v Superman: Dawn of Justice”. Năm nay, anh cũng nhận một đề cử nam phụ với phim “The Last Duel”. Ảnh: AFP

    Leonardo DiCaprio có tượng vàng Oscar đầu tay năm 2016 với màn thể hiện trong The Revenant. Tuy nhiên, giai đoạn đầu sự nghiệp, anh bị bêu riếu tại Mâm Xôi Vàng với vai vua Louis XIV trong The Man in the Iron Mask (1998). Ảnh: AP

    Leonardo DiCaprio có tượng vàng Oscar đầu tay năm 2016 với màn thể hiện trong “The Revenant”. Tuy nhiên, giai đoạn đầu sự nghiệp, anh bị bêu riếu tại Mâm Xôi Vàng với vai vua Louis XIV trong “The Man in the Iron Mask” (1998). Ảnh: AP

    Minh tinh Sandra Bullock trực tiếp đến nhận giải nữ chính Mâm Xôi Vàng cho phim All About Steve năm 2010. Cùng năm, cô đoạt giải Oscar đầu tay với phim The Blind Side. Ảnh: AP

    Minh tinh Sandra Bullock trực tiếp đến nhận giải nữ chính Mâm Xôi Vàng cho phim “All About Steve” năm 2010. Cùng năm, cô đoạt giải Oscar đầu tay với phim “The Blind Side”. Ảnh: AP

    Giống Bullock, minh tinh Halle Berry cũng trực tiếp đến nhận Mâm Xôi Vàng với màn thể hiện trong Catwoman (2004). Trên sân khấu, cô nói cảm ơn hãng Warner Bros vì đã chọn mình vào một dự án tồi tệ. Trước đó, Berry từng thắng Oscar năm 2002 với phim Monster’s Ball. Ảnh: UPI

    Giống Bullock, minh tinh Halle Berry cũng trực tiếp đến nhận Mâm Xôi Vàng với màn thể hiện trong “Catwoman” (2004). Trên sân khấu, cô nói “cảm ơn” hãng Warner Bros vì đã chọn mình vào một dự án tồi tệ. Trước đó, Berry từng thắng Oscar năm 2002 với phim “Monster’s Ball”. Ảnh: UPI

    Halle Berry Catwoman

     
     

    Halle Berry trong vai Catwoman. Video: Warner Bros

    Bố già Al Pacino có giải Oscar năm 1993 với Scent of Woman. Tuy nhiên, ông đoạt hai giải Mâm Xôi Vàng khi đóng vai phụ trong phim hài Jack and Jill (2011) của Adam Sandler. Ảnh: Life Picture Collection

    “Bố già” Al Pacino có giải Oscar năm 1993 với “Scent of Woman”. Tuy nhiên, ông đoạt hai giải Mâm Xôi Vàng khi đóng vai phụ trong phim hài “Jack and Jill” (2011) của Adam Sandler. Ảnh: Life Picture Collection

    Diễn viên người Mỹ Liza Minnelli từng thắng Oscar nữ chính năm 1973 với vai Sally Bowes trong Carabet. Tuy nhiên, năm 1988, cô bị trao giải Mâm Xôi Vàng với hai phim Arthur 2: On the Rock và Rent-A-Cop. Ảnh: AFP

    Diễn viên người Mỹ Liza Minnelli từng thắng Oscar nữ chính năm 1973 với vai Sally Bowes trong “Carabet”. Tuy nhiên, năm 1988, cô bị trao giải Mâm Xôi Vàng với hai phim “Arthur 2: On the Rock” và “Rent-A-Cop”. Ảnh: AFP

    Diễn viên gạo cội  Laurence Olivier từng thắng nam chính Oscar với Hamlet (1948), bộ phim do chính ông đạo diễn. Tuy nhiên, tài tử cũng sở hữu hai giải Mâm Xôi Vàng cho các phim Inchon (1981) và The Jazz Singer (1980). Ảnh: ABC

    Diễn viên gạo cội Laurence Olivier từng thắng nam chính Oscar với “Hamlet” (1948), bộ phim do chính ông đạo diễn. Tuy nhiên, tài tử cũng sở hữu hai giải Mâm Xôi Vàng cho các phim “Inchon” (1981) và “The Jazz Singer” (1980). Ảnh: ABC

    *Xem thêm

    Đạt Phan (theo People)

  • Phim về Công nương Diana nhận Mâm Xôi Vàng 2022

    Sáng 28/3 (giờ Hà Nội), khán giả mới biết các chủ nhân của giải Oscar năm nay. Tuy nhiên, theo Variety, Hollywood dành dịp cuối tuần để châm biếm những tác phẩm điện ảnh và màn trình diễn tệ hại của mùa phim năm qua. Diana: The Musical thống trị tại các hạng mục quan trọng gồm phim tệ nhất, đạo diễn (cho Christopher Ashley), nữ chính (Jeanna de Waal) và nữ phụ (Judy Kaye).

    Diana The Musical trailer

     
     

    Trailer “Diana: The Musical”. Video: Netflix

    Diana: The Musical do David Bryan và Joe DiPietro viết nhạc và lời. Kịch bản dựa trên cuộc đời Công nương Diana của hoàng gia Anh. Tác phẩm phát sóng trực tuyến hồi tháng 10/2021, lập tức nhận nhiều lời chê từ khán giả và giới phê bình. Cây viết Charles McNulty của Los Angeles Times nhận xét phần nhạc quá cũ. The Guardian chấm tác phẩm một trên năm sao, với bình luận: “Đây sẽ là tác phẩm thiên tài nếu được gắn mác trào phúng. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không phải vậy”. Nhiều người thậm chí chỉ trích phim bôi nhọ hình ảnh Diana.

    Bom tấn Space Jam: A New Legacy của Warner Bros cũng bị bêu riếu tại lễ trao giải, thắng ba hạng mục “Tác phẩm ngoại truyện, remake, ăn theo tệ nhất”, “Màn kết hợp tệ nhất” và “Nam chính tệ nhất”. Hai giải diễn xuất của phim cùng dành cho ngôi sao bóng rổ LeBron James. Tài tử Jared Leto – người từng được kỳ vọng nhận đề cử Oscar năm nay – bị xướng tên ở hạng mục nam phụ với vai Paolo trong House of Gucci.

    Trailer "Space Jam: A New Legacy"

     
     

    Trailer “Space Jam: A New Legacy”. Video: CGV

    Tài tử Bruce Willis cũng là cái tên gây chú ý tại Mâm Xôi Vàng năm nay. Ban tổ chức tạo một hạng mục riêng cho anh với lý do “có quá nhiều phim dở trong năm”. Tác phẩm chiến thắng là Cosmic Sin, vượt qua những dự án còn lại của anh gồm American Siege, Apex, Deadlock, Fortress, Midnight in the Switchgrass, Out of Death Survive the Game.

    Golden Raspberry Awards (Mâm Xôi Vàng) là giải thường niên ra đời năm 1981 để chế giễu các tác phẩm điện ảnh, diễn viên thất bại trong năm. Các thành viên phải trả phí để tham gia bình chọn. Tuy nhiên, ban tổ chức không yêu cầu họ phải xem hết phim đề cử. Từ năm 2021, sự kiện chuyển sang hình thức trao giải trực tuyến vì Covid-19. Trước đó, một số ngôi sao như Bill Cosby, Sandra Bullock, Halle Berry từng trực tiếp đến nhận giải.

    Đạt Phan

  • Phong độ tuổi ngũ tuần của Cate Blanchett

    Minh tinh người Australia gây chú ý trong năm qua với hai phim điện ảnh “Don’t Look Up” và “Nightmare Alley”, cùng nhận đề cử Oscar 2022 – sự kiện trao giải sẽ diễn ra sáng 28/3 (giờ Hà Nội). Ở tuổi 53, cô vẫn giữ vị thế một trong những nữ diễn viên hàng đầu thế giới, được đánh giá cao về khả năng hóa thân nhân vật. Ảnh: GOYA

    Trailer Nightmare Alley

     
     

    Trailer “Nightmare Alley”. Video: Searchlight Pictures

    Gần đây, Blanchett thường nhận những vai phụ nữ trung niên thông minh, sắc sảo nhưng không kém phần quyến rũ. Tạp chí InStyle nhận xét minh tinh như “đi ngược” mũi tên thời gian, càng lớn tuổi càng mặn mà, xinh đẹp. Ảnh: Variety

    Trong “Nightmare Alley”, nữ diễn viên đóng bác sĩ tâm lý Lilith Ritter nhiều mưu mô. Nhân vật gây ấn tượng với vẻ đẹp và lạnh lùng của một bà trùm lừa đảo trong giới thượng lưu. Cô tiếp tay giúp nam chính Stanton Carlisle (Bradley Cooper) tiếp cận những nhân vật quyền lực và tìm cách thao túng họ. Ảnh: Searchlight Pictures

    Ở “Don’t Look Up”, Blanchett nhận vai người dẫn chương trình truyền hình Brie Evantee xinh đẹp. Nhân vật không có nhiều đất diễn nhưng để lại dấu ấn với khả năng ăn nói, quyến rũ nam chính do Leonardo đóng. Ảnh: Netflix

    Trailer "Don't Look Up".

     
     

    Trailer “Don’t Look Up”. Video: Netflix

    Cate Blanchett diện đầm của Armani tại lễ trao giải Screen Actors Guild Awards giữa tháng 3. Minh tinh nhận một đề cử nữ phụ cho phim “Nightmare Alley”. Bộ phim “Don’t Look Up” của cô cũng nhận đề cử cho dàn diễn viên điện ảnh xuất sắc. Ảnh: AFP

    Cate Blanchett nhận giải danh dự tại GOYA Awards 2022 ở Tây Ban Nha hồi tháng 2. Ảnh: GOYA

    Minh tinh làm mẫu thời trang cho bộ sưu tập thu đông của Burberry. Ở tuổi ngũ tuần, cô vẫn được mời làm gương mặt đại diện cho nhiều nhà mốt xa xỉ. Ảnh: Porter Magazine

    Sau hơn ba thập kỷ trong làng giải trí, Cate Blanchett xây dựng được chỗ đứng vững chắc trong làng phim. Cô đoạt nhiều giải thưởng như Oscar, Quả Cầu Vàng, BAFTA… Minh tinh cũng thuộc top nhưng nữ diễn viên nhận cát-xê cao nhất thế giới gần đây. Năm ngoái, Blanchett làm trưởng ban giám khảo ở Venice Film Festival – một trong ba liên hoan phim lớn nhất thế giới. Ảnh: Porter Magazine

    Đạt Phan

  • Ồn ào trước lễ trao giải Oscar 2022

    Lễ trao giải Oscar 2022, diễn ra sáng 28/3 (giờ Hà Nội), có chủ đề “Người yêu phim đoàn kết lại”. Tuy nhiên, những quy định mới về hình thức tổ chức, các hạng mục trao thưởng và quy định phòng dịch đang khiến giới mộ điệu điện ảnh bất bình, tranh cãi.

    Ban tổ chức chuẩn bị cho thảm đỏ sự kiện Oscar 2022. Ảnh: Variety

    Ban tổ chức chuẩn bị cho thảm đỏ sự kiện Oscar 2022. Ảnh: Variety

    Hồi tháng 2, khi đối mặt với áp lực về thời lượng phát sóng từ đài ABC, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh quyết định cắt tám hạng mục phụ khỏi lễ trao giải. Ban tổ chức sẽ ghi hình trước phần nhận giải ba hạng mục phim ngắn và năm hạng mục về kỹ thuật (dựng phim, nhạc phim gốc, thiết kế sản xuất, âm thanh và trang điểm – làm tóc). Các đoạn video này sẽ được chiếu trong lễ trao giải thay vì trực tiếp cho người lên nhận và phát biểu như trước.

    Một số nhà làm phim được đề cử năm nay như Jane Campion, Steven Spielberg, Denis Villeneuve và Guillermo del Toro phản đối quyết định của ban tổ chức. Phía Viện Hàn lâm giải thích muốn tăng thời lượng cho các tiết mục giải trí và tránh việc kéo dài quá giờ quy định của đài truyền hình. Tuy nhiên, điều này càng khiến nhiều người không vui. “Chúng tôi – những người trong nghề – ở cùng một chiến tuyến, cố gắng hết sức để mang đến những câu chuyện hay nhất có thể. Vì vậy, tất cả đều nên được ngồi chung trong chương trình trực tiếp”, đạo diễn Steven Spielberg nêu ý kiến.

    Nhiều đạo diễn, diễn viên chỉ trích ban tổ chức thiếu coi trọng những nhân viên hậu trường. Tom Fleischman – nhà soạn nhạc quyết định rời Viện Hàn lâm hồi tháng 12/2021 – nói với LA Times: “Việc đoạt giải Oscar từng được xem như đỉnh cao trong sự nghiệp của người làm phim. Nhiều người từng rất coi trọng điều đó. Việc cắt bỏ phần nhận giải thật vô lương tâm!”. Rena DeAngelo – tham gia khâu thiết kế sản xuất cho West Side Story – nói cảm thấy như công việc của mình bị xóa sổ khỏi làng phim.

    Khoảng 70 nhân vật hoạt động trong làng điện ảnh ký vào đơn phản đối, nói rằng quyết định xem thường các nhân viên hậu trường sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín giải thưởng đã gây dựng được sau gần 100 năm qua.

    Trailer phim "West side Story"

     
     

    “West Side Story”, một trong những phim nhận nhiều để cử nhất tại Oscar 2022. Video: CGV

    Các quy định về phòng tránh Covid-19 cũng khiến nhiều người tranh luận trước thềm lễ trao giải. Ban tổ chức yêu cầu khách mời phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 5 ngày trước sự kiện và giấy xác nhận tiêm phòng đầy đủ. Những người dương tính bị cấm hoàn toàn, không có ngoại lệ. Các bệnh nhân đã khỏi bệnh phải có giấy xác nhận đã âm tính với nCoV ít nhất từ 6-10 ngày trước buổi lễ.

    Quy định về Covid-19 của Viện Hàn lâm càng được thắt chặt sau khi BAFTA (được mệnh danh “Oscar của nước Anh”) diễn ra cách đây vài tuần. Nhiều nhà sản xuất, nghệ sĩ đã mắc bệnh sau khi đến dự sự kiện này. SXSW – một liên hoan phim tại Texas giữa tháng 3 – cũng được cho rằng khiến nhiều người trong ngành dương tính với nCoV.

    Các đoàn phim nhận đề cử cho biết lo lắng về khả năng có thành viên bị cấm tham dự ngay trước lễ trao giải. Jamie Dornan – nam chính Belfast – nói với Variety sẽ thật tệ nếu có người cùng êkip không thể đến dự sự kiện vì các quy định phòng Covid-19. Anh hy vọng không có trục trặc vào phút chót để có thể tận hưởng sự kiện trọn vẹn và ăn mừng cùng đoàn phim.

    Các sao Hollywood Jamie Dornan, Sara Moonves và Andrew Garfield (thứ tự từ trái qua) dự tiệc tiền Oscar hôm 24/3. Ảnh: W Magazine

    Các sao Hollywood Jamie Dornan, Sara Moonves và Andrew Garfield (thứ tự từ trái qua) dự tiệc tiền Oscar hôm 24/3. Ảnh: W Magazine

    Theo Variety, nguồn thạo tin tại Hollywood cho biết hầu hết nghệ sĩ, nhà sản xuất sẵn sàng mạo hiểm tham gia sự kiện dù biết nguy cơ có thể bị lây nhiễm. “Mọi người ở Hollywood không còn quá lo lắng về Covid-19. Họ chứng kiến gia đình, bạn bè nhiễm và xem điều này như một sự bất tiện thay vì căn bệnh nguy hiểm”. Tại một bữa tiệc trước thềm lễ trao giải, ban tổ chức không yêu cầu khách mời phải đeo khẩu trang. Một số người đùa rằng Oscar 2022 có thể trở thành một ổ dịch.

    Trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều người cho rằng các bữa tiệc hay sự kiện như Oscar thể hiện sự “vô tâm” và “phô trương quyền lực” của giới tinh hoa. Một nguồn tin tại Hollywood nói với Variety: “Các sao Hollywood không có nhiều người thân qua đời vì căn bệnh. Họ có tiền và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế khi cần thiết, ngay cả khi đại dịch diễn ra tồi tệ nhất”.

    Oscar là giải thường niên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, là một trong các sự kiện phim ảnh nổi tiếng và uy tín bậc nhất thế giới. Sự kiện lần 94 diễn ra sáng 28/3 (giờ Hà Nội) tại địa điểm quen thuộc – nhà hát Dolby, Hollywood. Buổi lễ năm ngoái phải chuyển đến Union Station ở Los Angeles sau khi bị hoãn vì dịch.

    Đạt Phan