Ngày 24/2, Matt Hutchins nói trong cuộc phỏng vấn với kênh Today: “Tôi thấy thật vô lý khi kẻ cầm khẩu súng, khiến nó phát nổ lại nói không có trách nhiệm trong cái chết của Halyna. Trên phim trường đó không chỉ gặp vấn đề duy nhất về an toàn đạo cụ. Họ vi phạm nhiều quy chuẩn của ngành và nhiều bên phải chịu trách nhiệm cho tai nạn”.
Matt cho biết tức giận với Alec Baldwin sau cuộc phỏng vấn của nam diễn viên trên kênh ABC News tháng 12 năm ngoái. Khi đó, ngôi sao 30 Rock nói: “Có một người phải chịu trách nhiệm cho tai nạn đó. Tôi hiện không thể tiết lộ danh tính nhưng đó không phải tôi”. Matt cũng bức xúc việc Baldwin kể trên sóng truyền hình chi tiết cách vợ anh chết. “Ông ta phủ nhận mọi trách nhiệm sau khi mô tả cách đã giết Halyna như thế nào”, Matt nói với Today.
Tháng 10/2021, Alec Baldwin quay cảnh hành động trong phim viễn tây Rust ở Santa Fe, bang New Mexico. Được thông báo đạo cụ không có đạn, ông bóp cò nhưng súng vẫn phát nổ. Đạo diễn kiêm biên kịch Joel Souza bị trúng đạn ở xương đòn, đã hồi phục và xuất viện. Đạo diễn hình ảnh Halyna Hutchins bị nặng hơn, được đưa đi cấp cứu bằng trực thăng nhưng không qua khỏi.
Giữa tháng 2, gia đình Hutchins kiện Alec Baldwin, yêu cầu bồi thường. Trong đơn, Matt cho rằng diễn viên “không thực hiện quy trình cơ bản kiểm tra súng đạo cụ” và “bất cẩn bắn chết người”. Hồi tháng 10/2021, Baldwin từng cho biết đề nghị hỗ trợ kinh tế cho gia đình nạn nhân nhưng cả hai bên không tiết lộ chi tiết.
Alec Baldwin, 63 tuổi, là diễn viên, danh hài người Mỹ từng nhiều lần thắng giải Emmy, Quả Cầu Vàng. Tài tử được biết đến qua các phim như The Hunt for Red October (1990), The Aviator (2004) và loạt bom tấn Nhiệm vụ bất khả thi. Ông cưới huấn luyện viên yoga Hilaria năm 2012 và có bảy con. Đầu tháng 2, tài tử trở lại đóng phim sau hơn bốn tháng nghỉ ngơi.
Theo People, phim có hai phân đoạn gây tranh cãi khi nhân vật da trắng do John Michael Higgins đóng giả giọng Nhật Bản để trêu chọc cô vợ gốc Á của mình. MANAA – một tổ chức xã hội ở Los Angeles – chỉ trích những cảnh này thừa thãi, không đóng góp vào nội dung phim và mang tính phân biệt chủng tộc. “Licorice Pizza góp phần bình thường hóa việc chế giễu người gốc Á. Sự việc này càng nghiêm trọng trong bối cảnh làn sóng bạo lực gia tăng khi họ bị đổ lỗi là nguyên nhân lây lan Covid-19″, tổ chức viết trên mạng xã hội.
Trong cuộc phỏng vấn với IndieWire hôm 22/2, đạo diễn phim – Paul Thomas Anderson – phản hồi những ồn ào: “Tôi thật sự không hiểu khi câu chuyện bị đẩy đến mức đó. Tôi không chắc họ cảm thấy vấn đề gì? Nhân vật trong phim là một tên ngốc và nói lung tung?”. Giải thích thêm, Anderson thừa nhận có khả năng nhiều khán giả cảm thấy cảnh phim hài hước vì yếu tố định kiến sắc tộc. Tuy nhiên, ông khẳng định không có mục đích chế giễu người gốc Á.
Ở cuộc phỏng vấn với tờ New York Times cuối năm ngoái, đạo diễn Anderson cũng từng nhắc đến các cảnh liên quan đến người gốc Á: “Tôi nghĩ sẽ sai trái nếu kể câu chuyện phim theo góc nhìn ngày nay. Đồng thời, những hành động nhái giọng đó vẫn còn tồn tại đến bây giờ. Mẹ vợ tôi là người Nhật và cha vợ tôi là người da trắng. Nhiều người thường xuyên nói tiếng Anh theo giọng Nhật Bản với bà ấy. Tôi không nghĩ họ có ý xấu khi làm việc đó”.
Trên mạng xã hội, nhiều khán giả ủng hộ quan điểm của Anderson. Một người bình luận dưới bài viết của tổ chức MANAA: “Việc xuất hiện nhân vật phân biệt chủng tộc (chiếm sóng khoảng hai đến ba phút), không có nghĩa bộ phim hay đạo diễn đó phân biệt chủng tộc”.
Licorice Pizza xoay quanh mối tình của Gary (Cooper Hoffman đóng) và Alana (Alana Haim) trong thập niên 1970 ở Hollywood. Tác phẩm đề cao tính chân thực, lịch sử khi nhắc đến nhiều sự kiện chính trị – xã hội và nhân vật có thật. Tại Oscar 2022, tác phẩm nhận ba đề cử gồm phim, đạo diễn và kịch bản hay nhất.
Tác phẩm đang chiếu trên nền tảng video ngắn Kuaishou, gây nhiều tranh cãi từ khán giả. Phim chuyển thể game Tiên kiếm kỳ hiệp truyện, xoay quanh những chuyến phiêu lưu của chàng trai Lý Tử Ước (Lưu Vũ Trạch đóng) và thiếu nữ Triệu Linh Nhi (Hoàng Dương Điền Điềm). Tử Ước vốn là người ở thời hiện đại, làm nghề thiết kế game nhưng bất ngờ lạc vào thế giới tiên hiệp như trong trò chơi mà anh thiết kế. Ở đây, Tử Ước gặp Linh Nhi, tìm mọi cách cứu nàng khỏi những hiểm nguy tính mạng.
Độ dài mỗi tập từ một tới hai phút, vì thế nội dung đơn giản, tiết tấu nhanh. Theo Chinayule, tác phẩm nắm bắt thị hiếu xem video ngắn của khán giả trẻ, mang phong cách trẻ trung, tái hiện thế giới võ hiệp một cách vui nhộn, hiện đại.
Một bộ phận khán giả thích hình thức phim ngắn, khen nội dung dễ hiểu, ngoại hình nam, nữ chính đẹp. Tài khoản Youling nhận xét phim hài hước, cách ngắt tập hợp lý, làm người xem tò mò xem tiếp tập sau.
Tuy vậy không ít người chê diễn xuất của Lý Tử Ước và Điền Điềm khoa trương, không tạo cảm xúc cho người xem. Nhiều khán giả cho rằng Tân tiên kiếm kỳ hiệp: Huy kiếm vấn tình thiếu tính nghệ thuật, trang phục và đạo cụ sơ sài, kém tinh tế.
Tiên kiếm kỳ hiệp truyện là game nổi tiếng ở Trung Quốc, từng được chuyển thể thành phim truyền hình năm 2005, với dàn diễn viên Lưu Diệc Phi, Hồ Ca, An Dĩ Hiên, Bành Vu Yến… Tác phẩm gây sốt màn ảnh nhiều nước châu Á thập niên 2000, là dấu mốc trong sự nghiệp của Lưu Diệc Phi, Hồ Ca.
House of Gucci, ra rạp Việt Nam ngày 18/2, dựa trên sự kiện có thật về gia tộc sở hữu thương hiệu thời trang xa xỉ Gucci tại Italy. Maurizio – một trong những người thừa kế của công ty – cưới Patrizia Reggiani dù bị gia đình phản đối do chênh lệch địa vị xã hội. Sau 10 năm hôn nhân, mối quan hệ giữa hai người rạn nứt và Maurizio có tình mới. Patrizia thuê một sát thủ ám sát chồng sau khi họ hoàn tất thủ tục ly dị. Năm 1998, bà bị kết án 29 năm tù nhưng được thả sớm vào tháng 10/2016.
Trong phim, Patrizia Reggiani (Lady Gaga đóng) là cô gái trẻ xinh đẹp thuộc tầng lớp trung lưu. Đầu thập niên 1970, cô tình cờ quen chàng công tử Maurizio (Adam Driver) tại một bữa tiệc. Patrizia chủ động quyến rũ anh và thành công. Hai người yêu cuồng nhiệt và nhanh chóng kết hôn. Rodolfo (Jeremy Irons) – cha của Maurizio – phản đối vì cho rằng Patrizia là kẻ “đào mỏ”.
Chìm đắm trong tình yêu, Maurizio từ mặt gia đình và đến làm việc trong công ty nhỏ của gia đình vợ. Khi mang thai, Patrizia nảy sinh kế hoạch hàn gắn mối quan hệ với gia đình chồng. Cô cố tình để lộ thông tin với Aldo (Al Pacino) – bác của Maurizio – khiến ông quyết tâm thuyết phục em trai Rodolfo tha thứ cho đôi vợ chồng trẻ.
Một thời gian ngắn sau đó, Rodolfo qua đời vì bệnh tật. Patrizia thành công trong việc ép bố chồng điền lại tên Maurizio cho anh thừa kế 50% cổ phần công ty Gucci. Sau đó, cô lên kế hoạch chiếm đoạt nốt số cổ phần còn lại do người bác Aldo đang nắm giữ, giúp chồng độc chiếm hãng thời trang. Tuy nhiên, Maurizio – người vốn không hứng thú với việc tiếp quản Gucci – mệt mỏi với khát vọng của vợ. Tình cảm giữa hai người dần rạn nứt dẫn đến hàng loạt bi kịch của gia đình sau đó.
Những sóng gió gia tộc thời trang, bắt nguồn từ mưu mô của Patrizia, làm nên sức hấp dẫn của House of Gucci.
Bộ phim mang đậm tính tự sự, với nhiều sự việc và nhân vật xoay quanh bi kịch của gia đình tài phiệt. Đạo diễn Ridley Scott chọn cách kể chuyện chậm, giúp người xem có thể dễ nắm bắt những sự kiện quan trọng xoay quanh bê bối của gia đình Gucci. Êkíp thành công trong việc cung cấp một giả thuyết hợp lý cho quyết định thuê sát thủ giết chồng cũ của Patrizia. Những mưu kế giữa các thành viên trong gia tộc tạo cho khán giả cảm giác như đang được xem một tác phẩm “cung đấu”, tranh tài sản lấy bối cảnh giới thượng lưu ở Italy.
Hướng đi này giúp dàn diễn viên đông đảo trong phim có đủ đất diễn để tỏa sáng. Lady Gaga nhận hàng loạt đề cử hạng mục nữ chính tại BAFTA, Quả Cầu Vàng hay SAG. Tài tử Jared Leto cũng được giới chuyên môn khen ngợi khi hóa thân công tử Paolo – con trai Aldo Gucci – bị Patrizia thao túng, lừa đảo. Tuy nhiên, tiết tấu chậm có thể khiến một số khán giả cảm thấy câu chuyện phim dài dòng. Đồng thời, êkíp thêm nhiều tình tiết châm biếm khiến mạch kể không nhất quán, lúc nghiêm túc và lúc quá hài hước.
Kịch bản dựa trên tiểu thuyết The House of Gucci: A Sensational Story of Murder, Madness, Glamour and Greed (2000)của Sara Gay Forden, chứa nhiều tình tiết chưa được xác minh và gây tranh cãi.
Công ty Gucci chỉ trích đạo diễn Ridley Scott bịa đặt, xúc phạm nhiều nhân vật của gia đình. Trong phim, Patrizia được xây dựng theo mô-típ phụ nữ tham vọng và luôn tìm cách để trèo lên địa vị cao hơn trong xã hội. Ham muốn chính đáng của cô dần bị lòng tham và dã tâm che mờ. Việc tìm kiếm thành công một cách bất chấp trở thành nguyên nhân khiến tình yêu cổ tích của Patrizia và Maurizio phai nhạt. Nhân vật chính giống nạn nhân trong xã hội không đánh giá cao phụ nữ và coi việc họ có khát vọng vươn lên như một căn bệnh.
Gucci phản đối hướng kể chuyện này, khẳng định công ty đa dạng và bình đẳng, từng bổ nhiệm nhiều phụ nữ vào các chức vụ cao từ thập niên 1980 – bối cảnh phim. Gia đình cũng cho biết sẽ tiến hành các hoạt động pháp lý cần thiết để bảo vệ danh dự của mình. Tuy nhiên, nhà làm phim người Anh phản hồi: “Bạn phải nhớ rằng một người nhà Gucci bị giết và một người khác ngồi tù vì tội trốn thuế. Vì vậy, họ đừng chỉ trích tôi trục lợi. Khi đã làm những việc đó, câu chuyện của bạn trở thành tài sản công cộng trong lĩnh vực sáng tạo”.
House of Gucci nhận đánh giá đa chiều từ khán giả và giới chuyên môn quốc tế. Phim đạt điểm tích cực 62% theo thống kê của Rotten Tomatoes, dựa trên 345 bài viết của các nhà phê bình. Đa phần ý kiến cho rằng tác phẩm nhập nhằng trong việc kể câu chuyện về gia đình Gucci một cách nghiêm túc hoặc châm biếm. Đồng thời, phim được khen ngợi trong các khâu diễn xuất, phục trang và tạo hình nhân vật.
Trong khi đó, số đông khán giả nhận xét kịch bản thú vị nhưng dài dòng. Một số cho rằng việc để dàn sao người Mỹ đóng các nhân vật Italy cũng khiến gia đình Gucci trong phim có chất giọng gây cười, thiếu thực tế.
Fishbowl Wives (Người vợ cá vàng) lên sóng Netflix ngày 14/2, gồm tám tập phim chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng Kingyo Tsuma của tác giả R Kurosawa. Phim do Toshiyuki Nakano và Kaata Sakamoto chỉ đạo sản xuất. Kịch bản xoay quanh sáu phụ nữ sống tại chung cư cao cấp cùng những cuộc tình ngoài hôn nhân của họ. Fishbowl Wives đứng đầu Netflix Nhật Bản hôm 23/2, nhận phản ứng tích cực từ khán giả một số nước châu Á.
Phần lớn thời lượng phim tập trung vào nhân vật chính Sakura – cô gái xinh đẹp, có mục tiêu riêng nhưng không thể thực hiện vì gặp tai nạn bảy năm về trước. Cô kết hôn với Takuya Hiraga (Masanobu Ando đóng) – người điều hành chuỗi tiệm làm tóc thành công. Bề ngoài, hôn nhân của Sakura và Takuya có vẻ hoàn hảo: một cô vợ ngoan hiền, một người chồng thành đạt trong xã hội, nhưng đằng sau đó là những góc tối.
Tai nạn ảnh hưởng đến bàn tay khiến Sakura không thể làm nhà tạo mẫu tóc. Cô bị coi là người thừa trong việc kinh doanh của chồng lẫn hôn nhân. Họ sống trên danh nghĩa và lợi ích còn tình cảm đã nguội lạnh. Takuya gọi vợ là “đồ vô dụng” vì không thể sinh con. Anh ngoại tình với một phụ nữ sống cùng chung cư, thường xuyên bạo hành vợ.
Hôn nhân bất hạnh nhưng Sakura vẫn nhẫn nhịn diễn cảnh hạnh phúc trước mặt mọi người. Một ngày, Sakura rơi vào tiếng sét ái tình với Haruto Toyota (Takanori Iwata đóng) – chàng trai trẻ quản lý cửa hàng bán cá vàng. Giống hiệp sĩ trong bộ áo giáp, Haruto trở thành nơi trú ẩn an toàn để Sakura trốn thoát khỏi chồng. Mặc dù biết nên kết thúc cuộc tình sai trái, Sakura và Haruto tin rằng họ được sinh ra dành cho nhau. Sakura quyết tâm ly hôn chồng nhưng Takuya chắc chắn không dễ dàng để cô ra đi, còn Haruto cũng có những bí mật của anh.
Hình ảnh cá vàng bơi trong bể nước là phép ẩn dụ cho câu chuyện của Sakura. Cô nuôi cá do yêu thích vì màu sắc đẹp, nhưng theo Haruto giải thích, màu của cá sẽ nhạt dần khi sống trong bể nước bẩn. Những chi tiết về cá vàng góp phần vào mạch truyện. Từ ẩn ý về cuộc sống bế tắc cho đến tình yêu giữa Sakura và Haruto dần nảy nở khi cùng chăm sóc chú cá bị thương, hay phản ứng tức giận của Takuya khi đập vỡ bể cá.
Fishbowl Wives có đề tài hấp dẫn nhưng khai thác hời hợt. Tác phẩm liệt kê một số lý do ngoại tình, nhưng khó lý giải sâu hơn nội tâm nhân vật do mỗi tập chỉ 38-50 phút. Phim tiếp cận chủ yếu qua cảnh giường chiếu dễ đoán, thay vì giải quyết từng vấn đề đặt ra. Theo trang Leisurebyte, Fishbowl Wives có nhiều cảnh làm tình và bạo lực, vì vậy khán giả “cần xem một cách thận trọng và nhớ điều chỉnh tai nghe”. Thecinemaholic nói cảnh nóng trong phim được khai thác trực diện, một số phân đoạn táo bạo khiến người xem đỏ mặt.
Một vài nhân vật thú vị song thiếu thời lượng kể chuyện, như Hisako – người vợ bị chứng đau đầu sống tại căn hộ 4103 – xuất hiện ở tập 5-6, theo Thereviewgeek. Trong lần đi dạo công viên, Hisako gặp chàng trai tên Baba. Baba đưa Hisako về căn hộ chật chội, Hisako cũng tiết lộ chồng cô phải đi làm xa. Cuộc gặp gỡ tự nhiên của hai người khiến khán giả chuẩn bị tinh thần đi sâu vào quá khứ của Hisako. Câu chuyện gây bất ngờ bằng cú twist, tuy nhiên phim chưa khai thác hết chiều sâu cảm xúc trong nhân vật Hisako.
Câu chuyện về Yuriha – nhân tình của Takuya – cũng gây hụt hẫng cho người xem. Cô gặp vấn đề phổ biến: mối quan hệ vợ chồng rạn nứt vì sống cùng mẹ chồng. Trong lần sửa căn bếp theo ý mẹ chồng, Yuriha gặp chàng thợ xây có hình xăm và vết sẹo giống cô. Yuriha cố gắng tìm mối liên hệ với người thợ xây, họ đến với nhau trên giường. Có câu chuyện thú vị nhưng nhân vật chỉ xuất hiện lướt qua ở tập một và tập bảy, ít thời lượng khai thác.
Fishbowl Wives không đưa ra quan điểm đúng sai về việc ngoại tình. Thông điệp của phim là ngoại tình có đủ loại biến thể, đủ lý do. Tác phẩm phản ánh thực trạng của xã hội Nhật Bản, nơi phụ nữ – nhất là người đã có gia đình – luôn bị lép vế trước đàn ông. Khán giả sẽ phải đối mặt với câu hỏi về mối quan hệ ngoài hôn nhân, vừa căm ghét vừa thấy được những khía cạnh khác của điều đó.
Khán giả GabwithGwen trên Twitter nói Fishbowl Wives có đề tài hấp dẫn nhưng cách khai thác có phần vội vàng. Nếu ví đây là bữa ăn, phim có thể kích thích sự thèm ăn của người xem, nhưng không đủ sức hấp dẫn để họ nán lại bữa tiệc lâu hơn. Người dùng Annie nói bộ phim có nhiều tầng ý nghĩa nhưng cách tiếp cận nông, dễ tạo cảm giác cổ xúy ngoại tình.
Theo chuyên gia Joel Keller của trang Decider, Fishbowl Wives phản ánh mối quan hệ hôn nhân độc hại như một thực tế của cuộc sống, mà trong đó phương pháp khắc phục là “ông ăn chả bà ăn nem”, chứ không phải các phiên tòa ly hôn. “Đây là cốt truyện khá lạc hậu, có cảm giác như lấy bối cảnh thập niên 1980 chứ không phải những năm 2020”, chuyên gia nhận xét.
Tác phẩm có điểm cộng về màu phim đẹp mắt, nhạc lôi cuốn. Âm nhạc kết hợp giữa những bản ballad, giai điệu guitar acoustic cùng piano. Đoạn trích trong ca khúc Crazy For You (Marina Saito) xuất hiện xuyên suốt, được nhiều khán giả tìm nghe sau khi phim phát sóng. Tác phẩm được chấm 6,2/10 theo thống kê của IMDb.
9 phim xác lập tên tuổi tài tử Benedict Cumberbatch
Theo Variety, Cumberbatch là tài tử hiếm có với khả năng diễn xuất ở cả điện ảnh, truyền hình và sân khấu. Ngày 28/2, nghệ sĩ được vinh danh với lễ gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood. Anh cũng nhận đề cử Nam chính xuất sắc Oscar 2022 với vai trong The power of the dog.
Sinh năm 1976, Benedict Cumberbatch là diễn viên Anh nổi tiếng với vai thám tử Sherlock Holmes trong series Sherlock của BBC. Anh học khoa Diễn xuất Đại học Victoria thuộc Manchester, tích cực tham gia cả ba lĩnh vực sân khấu, điện ảnh lẫn truyền hình. Năm 2014, Benedict Cumberbatch từng được đề cử Oscar “Nam chính xuất sắc” với vai diễn trong The Imitation Game. Ngoài ra, anh được biết đến với vai Doctor Strange thuộc Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Quỳnh Quyên
Benedict Cumberbatch đóng cao bồi
Benedict Cumberbatch tái hợp Claire Foy
Benedict Cumberbatch: ‘Phù thủy Strange là kẻ phi thường’
Tối 25/2, Huỳnh Châu (25 tuổi, quận Tân Bình) cùng bạn xem suất chiếu muộn của Bẫy ngọt ngào tại một rạp trung tâm TP HCM. Nam khán giả cho biết dù phim chiếu đã hai tuần, vẫn thu hút đông người xem. Khán giả đánh giá phim có chất lượng trung bình vì diễn xuất tròn trịa nhưng kịch bản thiếu logic. “Điều làm tôi ngạc nhiên là tác phẩm có nhiều cảnh ‘nóng’ được xử lý táo bạo, như cảnh người vợ bị chồng bạo hành tình dục. Tôi ít thấy các cảnh này ở phim Việt ra rạp trước đây”, Huỳnh Châu nói.
Ra mắt ngày 11/2, Bẫy ngọt ngào thuộc dòng phim chick-flick (dành cho phái nữ), khai thác mặt trái hôn nhân. Trong đó, bạo hành tình dục là yếu tố được đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư chú trọng nhằm bật lên bi kịch của nữ chính. Đạo diễn cho biết phim không bị cắt cảnh nào khi kiểm duyệt, bản công chiếu giống như bản dựng cuối. Uyên Thư nói: “Tôi mừng vì tác phẩm ra rạp đúng như nguyện vọng. Với êkíp, các cảnh ‘nóng’ đều bám sát mạch kịch bản, không bị dư thừa hay chỉ phục vụ mục đích câu khách”.
Bẫy ngọt ngào không phải phim 18+ duy nhất gần đây vượt “ải” Hội đồng duyệt phim quốc gia. Ra mắt hôm 18/2, Người tình (đạo diễn Lưu Huỳnh) – phim Minh Tú đóng chính – tập trung nhiều cảnh “nóng” táo bạo. Phim kể về mối quan hệ tay tư của Diễm Tình cùng chồng, bạn thân chồng và người yêu cũ. Ngoài cảnh quan hệ của các đôi, tác phẩm rải rác hình ảnh nhân vật khỏa thân trong phòng tắm hoặc chỉ mặc nội y, soi mình trước gương. Nhiều câu thoại về tình dục được đạo diễn cài cắm như cách giúp nhân vật bộc bạch nỗi đau.
Chuyện ma gần nhà cũng là tác phẩm 18+ ra rạp thành công mà không bị cắt. Phim gây chú ý với yếu tố ghê rợn, chủ yếu ở khâu tạo hình ma quỷ. Chẳng hạn, ở đoạn minh tinh Ái Như (Khả Như) lột mặt để thay đổi nhân dạng, êkíp chăm chút ở phần hóa trang để khắc họa cảnh nhân vật bóc từng lớp da rướm máu. Hình ảnh ma quỷ cụt đầu lặp đi lặp lại trong phim. Nhiều đoạn mang tính bạo lực vẫn được giữ, như cảnh nhà ngoại cảm Bích (Vân Trang) bị sát hại, đầu cô rơi xuống sau khi hung thủ ra tay.
Ngoài ra, yếu tố “ma giả, ma thật” – vốn là hạn chế của phim kinh dị Việt – cũng được khắc phục ở Chuyện ma gần nhà. Trước đây, do khâu kiểm duyệt, một số phim Việt thường khiến người xem hụt hẫng vì yếu tố ma quỷ không được khai thác đến nơi đến chốn. Sau những màn hù dọa, phim thường kết thúc bằng chi tiết mọi sự việc do nhân vật chính hoang tưởng, hoặc do người khác giật dây. Trong Chuyện ma gần nhà, mọi thế lực đứng sau đều là các thực thể quỷ dị, vong hồn, người biết tà thuật… Đại diện êkíp cho biết: “Nhờ kiểm duyệt cởi mở, chúng tôi không bị cắt cảnh nào, giữ được tinh thần bộ phim đúng như ý tưởng ban đầu”.
Các đạo diễn nhìn nhận việc một số tác phẩm gần đây không bị kiểm duyệt cắt cảnh là dấu hiệu tích cực. Trần Hữu Tấn – đạo diễn Chuyện ma gần nhà – đánh giá điều này giúp các tác phẩm đến với công chúng được trọn vẹn. Anh nói: “Đây cũng là động lực để các nhà làm phim mạnh dạn thực hiện các cảnh quay gai góc hơn, chẳng hạn trong thể loại kinh dị, để phục vụ nhu cầu thưởng thức đa dạng của khán giả”.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết gần đây, khâu duyệt phim cởi mở hơn do Hội đồng duyệt phim quốc gia có sự trẻ hóa khi thay đổi một số thành viên trong nhiệm kỳ mới (2021 – 2023). Theo ông Thành, nhiều nhân sự của Hội đồng như nhà văn – nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ, nhà biên kịch Hạnh Lê… có cái nhìn trẻ trung, quan điểm bám sát xu hướng chung của điện ảnh thế giới. Ông thường trao đổi với Hội đồng nên có cái nhìn thoáng hơn khi duyệt phim, đồng thời phải bám sát hai nguyên tắc nội dung bất di bất dịch: đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, và chủ quyền biên giới của Tổ quốc.
“Tôi cũng quán triệt với hội đồng rằng, với điện ảnh, giải trí là yếu tố không thể thiếu được. Ngoài ra, chúng ta cũng đã dán nhãn phim theo độ tuổi, do đó cần nhìn nhận cởi mở hơn với vấn đề tình dục, bạo lực ở mức chấp nhận được”, ông Vi Kiến Thành nói.
Một thời gian dài, nhiều dự án điện ảnh Việt lao đao vì không vượt được kiểm duyệt. Năm 2019, Thất sơn tâm linh (tên cũ là Thiên linh cái, kể về vụ án giết người hàng loạt) phải chỉnh sửa nhiều tháng để được duyệt. Bản chiếu rạp trở nên rời rạc, gây khó hiểu về câu chuyện. Cùng năm, phim Ròm (đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy) bị phạt 40 triệu vì thi ở LHP Busan (Hàn Quốc) khi chưa có giấy phép phổ biến trong nước. Tác phẩm không vượt qua đợt kiểm duyệt vào tháng 9 do Hội đồng duyệt phim quốc gia đánh giá mang góc nhìn tiêu cực về xã hội.
Với Thưa mẹ, con đi (2019), phim được yêu cầu bỏ cảnh nhân vật gây gổ trong đám giỗ, khiến con gà cúng rơi xuống đất, trái phong tục người Việt. Hoặc phim Trái tim quái vật (2020)bị cắt nhiều cảnh máu me dù là phim kinh dị. Nhiều năm qua, Hội đồng duyệt phim bị nhận định lúc nghiêm khắc, lúc nhẹ tay quá mức.
Giới làm phim Việt cho rằng nhiều tác phẩm nội bị “soi” kỹ hơn phim nước ngoài. Anh Nguyễn Cao Tùng – nhà sản xuất phim Thất sơn tâm linh – nói: “Có nhiều cảnh phim ngoại với mức độ nội dung nặng hơn phim Việt nhưng không bị cắt”. Tại tọa đàm trực tuyến Ai góp ý giơ tay lên tháng 9/2021, nhiều nhà làm phim bày tỏ mong muốn khâu kiểm duyệt thông thoáng hơn với tiêu chí rõ ràng.
Liên tiếp xuất hiện trong hai series ăn khách, Lee Yoo Mi được khán giả đặt biệt danh “Con gái Netflix”, “Viên ngọc sáng” của màn ảnh Hàn Quốc. Lượt theo dõi trên Instagram của cô tăng chóng mặt, cán mốc 7,9 triệu. Ảnh hậu trường ghi hình Ngôi trường xác sống (All of us are dead) đăng ngày 19/2 nhận hơn 1,3 triệu lượt like cùng hàng nghìn bình luận từ fan nước ngoài. Cách đây sáu tháng, cô chỉ có 40.000 lượt theo dõi, mỗi bài đăng nhận vài chục bình luận.
Diễn viên được nhiều thương hiệu săn đón. Hồi tháng 1, Yoo Mi trở thành nàng thơ của Miu Miu cùng ngôi sao Hollywood Hailey Bieber. Yoo Mi cũng đang làm đại diện cho nhiều nhãn hàng nội địa như mỹ phẩm, ôtô, trò chơi, ứng dụng… Cô xuất hiện trên những tạp chí nổi tiếng như Cosmopolitan, Vogue, Dazed…
Lee Yoo Mi sinh ngày 17/7/1994, đam mê đóng phim từ nhỏ. Năm 2007, sau một lần xem bộ phim điện ảnh Herb do Kang Hye Jung đóng chính, Lee Yoo Mi quyết tâm theo đuổi nghiệp diễn. Cô ghi danh một khóa học diễn xuất và bước chân vào làng giải trí với tư cách người mẫu quảng cáo hai năm sau đó.
Lee Yoo Mi chật vật tìm chỗ đứng trong nghề suốt 13 năm. Cô đảm nhận vai phụ trong các bộ phim điện ảnh và truyền hình như The Yellow Sea (2010), Park Hwa Young (2017), Just Dance (2018), 365: Repeat the Year (2020), Young Adult Matters (2021)… Yoo Mi cũng là khách mời (cameo) thoáng qua của một số phim như 20 th Century Boy And Girl (2017), Miss Hammurabi (2018), Voice 2 (2018), Hostage: Missing Celebrity (2021)…
Trong một cuộc phỏng vấn với Newsis năm 2019, Lee Yoo Mi tiết lộ từng mặc cảm ngoại hình khi mới bắt đầu sự nghiệp. Cô đắn đo về việc phẫu thuật thẩm mỹ để có vẻ ngoài thu hút hơn. “Tôi hỏi mẹ, con nên làm gì với cái mũi này đây”, Lee Yoo Mi kể. Sau này, diễn viên vượt qua sự tự ti, yêu thích khuôn mặt bản thân hơn.
Trên Esquire Korea đầu tháng 2, Yoo Mi cho biết cô là một người kiên trì. Khi được hỏi đã thử vai bao nhiêu lần, diễn viên nói: “Tôi đi casting nhiều đến mức không nhớ nổi nữa. Có lẽ là 100 lần. Hoặc 200-300. Hay 400-500 nhỉ? Thật sự là rất nhiều”. Lee Yoo Mi nói thêm về niềm đam mê và động lực diễn xuất: “Mỗi lần đóng phim là một trải nghiệm khác nhau, đó là quá trình học hỏi không có hồi kết”.
Trong quãng thời gian nghỉ ngơi sau khi đóng máy Squid Game, diễn viên tranh thủ làm nhân viên giao hàng cho một ứng dụng gọi đồ ăn. Lee Yoo Mi cho biết trên Cosmopolitan tháng 11/2021: “Tôi từng làm shipper bán thời gian đấy. Bạn tin được không. Và rồi đột nhiên bây giờ tôi lại nổi tiếng. Thật thú vị. Tuy nhiên, tôi đang cố gắng quên đi sự nổi tiếng này vì bây giờ tôi còn rất nhiều việc phải làm. Tôi sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ để mọi người không quên tôi là ai”.
Yoo Mi được giới phê bình đánh giá diễn tự nhiên, nhập vai ấn tượng. Cô thường lựa chọn những vai tâm lý phức tạp, u ất, chịu hành hạ thể xác lẫn tinh thần. Lee Yoo Mi có gương mặt điện ảnh, biểu cảm tinh tế và khả năng phân tích nhân vật. Tờ Vogue nhận xét: “Những câu chuyện qua các vai diễn của Lee Yoo Mi được truyền tải thông qua đôi mắt đặc biệt. Đôi mắt thâm quầng, giọng nói nhẹ nhàng, nhưng câu chuyện cô ấy kể vẫn trải dài trong tâm trí bạn, ám ảnh ngay cả sau khi nó kết thúc”.
Sau hơn 10 năm kiên trì trau dồi diễn xuất, Lee Yoo Mi nếm “quả ngọt” đầu tiên với danh hiệu “Diễn viên mới xuất sắc” tại Buil Film Awards tháng 10/2021. Cô nhận giải nhờ vai nữ chính trong phim Nổi loạn tuổi 18 (Young Adult Matters), một tác phẩm đề cập vấn đề phá thai và các mối quan hệ độc hại. Lần đầu cầm cúp, Lee Yoo Mi cho biết đó là “một cảm giác rất lạ”. “Nó là sự công nhận đầu tiên cho những nỗ lực mà tôi đã bỏ ra”, cô nói.
Trong phim của đạo diễn Lee Hwan, Lee Yoo Mi vào vai Se Jin, nữ sinh 18 tuổi đang mang thai con với giáo viên chủ nhiệm. Bị gia đình và trường học bỏ rơi, Se Jin đối mặt bi kịch cuộc sống và những tổn thương tâm lý sâu sắc. Câu chuyện “trải nghiệm sự tàn nhẫn của thế giới” nhận được đồng cảm từ khán giả. Tờ Chosun nhận xét Lee Yoo Mi thể hiện một cách tinh tế vai Se Jin dù nhân vật này rất ít thoại. “Đôi mắt trống rỗng, tiếng cười vô nghĩa và dáng vẻ lầm lì, cô ấy tạo nên một bức tranh chân thực: những cuộc đời u tối như vậy vẫn tồn tại trong thực tế chúng ta”.
Nổi loạn tuổi 18 giúp khán giả Hàn bắt đầu chú ý đến Lee Yoo Mi, còn Squid Game (Trò chơi con mực) là bước ngoặt giúp diễn viên vụt sáng, nổi danh quốc tế. Trong bom tấn Netflix ra mắt hồi tháng 8/2021, Lee Yoo Mi chỉ xuất hiện ba trên chín tập, nhưng là một trong những cái tên được nhắc nhiều nhất.
Yoo Mi đóng Ji Yeong, người chơi số 240, cô gái trẻ ra tù sau khi trả thù người cha bạo hành. Ít đất diễn, ít lời thoại, Yoo Mi vẫn thể hiện được nội tâm phức tạp của một người đang mất phương hướng trong cuộc đời. Mái tóc cắt ngắn cùng ánh mắt bất cần, Ji Yeong chiếm sự chú ý của khán giả mỗi lần xuất hiện. Cảnh quay Ji Yeong nhường cơ hội sống cho Sae Byeok (Jung Hyo Yeon) ở vòng chơi bi được nhiều người xem khen xúc động.
Ở phim mới nhất – Ngôi trường xác sống, cô hóa thân Na Yeon, nhân vật phản diện có tính cách ích kỷ. Na Yeon là học sinh nhà giàu hợm hĩnh, luôn coi thường những bạn kém may mắn. Nhiều người xem nhận xét nhân vật Na Yeon đáng ghét vì những hành động ác độc. Khán giả cũng ghi nhận tài nhập vai của Lee Yoo Mi. Cô biến hóa thành công hai hình mẫu nhân vật khác biệt, từ Ji Yeong đáng thương đến Na Yeon đáng ghét, chỉ trong một thời gian ngắn.
Diễn viên nói: “Tôi đã quay hai bộ phim cùng lúc. Khi đóng Ji Yeong, tôi kìm nén mọi cảm xúc. Khi đóng Na Yeon, tôi cố gắng thể hiện nhiều góc độ, bao gồm cả định kiến. Thật vui khi có thể diễn cùng lúc hai nhân vật đối lập”.
Đạo diễn Lee Jae Kyoo nói thêm về lý do mời Lee Yoo Mi casting vai Na Yeon: “Chúng tôi cần một diễn viên thể hiện được câu chuyện phức tạp cũng như hành động độc ác của nhân vật. Yoo Mi thực sự đã hóa thân Na Yeon”.
Thời gian tới, người hâm mộ có thể gặp lại Lee Yoo Mi trên màn ảnh nhỏ. Cô đang thảo luận tham gia bộ phim chủ đề thể thao Mental Coach Je Gal Gil và phim We Can’t Go to Heaven, But We Can Love của đạo diễn Han Jae Yi.