Category: Tin Tức Phim

  • Chuyện ma gần nhà’ – hình ảnh tốt, kịch bản rời rạc

    * Bài tiết lộ một phần nội dung phim

    Ra mắt từ ngày 11/2, Chuyện ma gần nhà là tác phẩm kinh dị hiếm hoi góp mặt vào mùa phim Valentine. Phim đạt 15 tỷ đồng trong ngày đầu công chiếu – thành tích mở màn tốt nhất của điện ảnh Việt từ đầu năm. Dự án của Trần Hữu Tấn (đạo diễn Bắc kim thang, Rừng thế mạng) quy tụ nhiều tên tuổi, từ diễn viên có kinh nghiệm như Mạc Can, Vân Trang, Khả Như đến các gương mặt mới như Huỳnh Thanh Trực, Trần Phong…

    Phim 'Chuyện ma gần nhà' hé lộ tạo hình quỷ dữ

     
     

    Traier “Chuyện ma gần nhà”. Video: Production Q

    Tác phẩm là chùm ba câu chuyện được sắp xếp theo tuần tự. Môtíp kịch bản vốn không mới, từng được áp dụng ở nhiều dự án trên thế giới, tiêu biểu là Scary stories to tell in the dark (Chuyện kinh dị lúc nửa đêm) – ra mắt năm 2019. Lối kể chuyện này dễ kích thích tò mò của khán giả, tuy nhiên đòi hỏi nhà làm phim khả năng dẫn nhập vấn đề gọn gàng, kịch bản chắc tay để níu người xem đến phút cuối.

    Phim mở màn với cảnh một nhóm bạn gặp mặt ở căn hộ chung cư. Trong đêm, họ nảy ra ý tưởng mỗi thành viên kể một chuyện ma. Chuyện thứ nhất kể về Lan Hương (Lê Bê La), minh tinh ở Sài Gòn nhiều thập niên trước. Cô nổi tiếng đến mức được vẽ khuôn mặt lên các xe nước mía để hút khách. Sau một tai nạn, cô đột ngột biến mất. Thời gian sau, nữ diễn viên trẻ Ngọc Minh (Như Đan) đến biệt thự của Ái Như (Khả Như) – một minh tinh khác – để tuyển vai mới và được chọn. Sau khi chuyển đến sống cùng Ái Như theo lời đề nghị, cô phát hiện một bí mật.

    Khả Như - vai minh tinh Ái Như - trong câu chuyện đầu phim. Ảnh: Hà Nguyễn

    Khả Như – vai minh tinh Ái Như – trong câu chuyện đầu phim. Ảnh: Hà Nguyễn

    Chuyện thứ hai xoay quanh một thanh niên là ảo thuật gia (Huỳnh Thanh Trực). Sống cùng cha già (Mạc Can), anh thường bị ông cấm theo nghề. Một lần, cãi lời cha, anh biểu diễn ảo thuật cho một đứa trẻ, từ đó nhiều hiện tượng quỷ dị xảy ra. Ở chuyện cuối, nhà ngoại cảm Bích (Vân Trang) được gia đình cô Út – một thiếu nữ quá cố – nhờ tìm hài cốt. Khi lần mò tìm hiểu câu chuyện của Út, cô Bích bị một thế lực đeo bám.

    Phim ghi điểm nhờ khắc họa tốt không khí u ám. Không gian đặc trưng của Sài Gòn xưa được đặc tả trong bối cảnh biệt thư cổ, khu chung cư ám bụi… Ánh sáng trở thành công cụ giúp phim khuếch đại nỗi ám ảnh cho người xem. Nguồn sáng có khi tỏa ra từ đóm lửa leo lắt của que diêm trên bậc cầu thang, ngọn đèn lúc mờ lúc tỏ từ bàn thờ, giữa hành lang hiu hắt bóng người… Đạo diễn tích cực sử dụng màu đỏ nhằm tạo hiệu ứng thị giác mạnh, khơi gợi nỗi sợ bản năng từ khán giả.

    Tạo hình quỷ dị trong phim được chăm chút kỹ. Thế lực đen tối xuất hiện với nhiều hình thù, như người có khả năng thay đổi khuôn mặt, quỷ cụt đầu, ma miệng rộng… Ở nhiều phân cảnh, phim gợi nhớ nhiều tác phẩm nổi tiếng vì phần hóa trang tương đồng, như Họa bì, Pan’s Labyrinth

    Diễn xuất dừng ở mức tròn trịa, chủ yếu nhờ khâu tuyển chọn diễn viên hợp vai. Nghệ sĩ Mạc Can ghi dấu với nhân vật ông cụ lẩn thẩn, đặt trọn niềm tin vào chuyện thờ cúng. Dù vậy, đau đáu trong ông là nỗi khổ khó nói, bắt nguồn từ việc con trai cãi lời gia đình để theo nghề ảo thuật. Giọng nói tưng tửng, ánh mắt thất thần, Mạc Can tạo được thương cảm khi khắc họa bi kịch một ông già cô độc đến cuối đời. Diễn viên hài Khả Như thay đổi đáng kể với vai minh tinh Ái Như – người che giấu một bí mật trong biệt thự cổ. Vân Trang tròn vai trong những cảnh bị rượt đuổi trên hành lang chung cư, hay bị ma quỷ trấn áp giữa đêm. Cô tham gia dự án khi đang mang bầu song thai hồi đầu năm ngoái.

    Vân Trang diễn cảnh bị ma quỷ truy đuổi

     
     

    Phân cảnh Vân Trang trong “Chuyện ma gần nhà”. Video: Production Q

    Âm thanh đóng góp không nhỏ trong cách kể chuyện của phim. Dù không lạm dụng các màn jumpscare (hù dọa), phim sử dụng các chiêu phổ biến của thể loại kinh dị, như tiếng kéo cửa, hiệu ứng âm thanh độ vang cao, giọng nói vọng về từ nơi xa xăm… Đừng bỏ em một mình – nhạc phẩm kinh điển của Phạm Duy – vang lên nhiều lần trong phim với bản phối cổ điển.

    Nỗ lực trong khâu diễn xuất, hóa trang không cứu được phim do kịch bản thiếu thuyết phục. Câu chuyện đầu tương đối trọn vẹn về ý tưởng, khắc họa tốt màu sắc sinh động của đô thị. Bước sang chương thứ hai và ba, tác phẩm đuối dần, mắc nhiều lỗ hổng do chưa được đạo diễn phân tích thấu đáo. Chuyện về cha con nhà ảo thuật dễ khiến người xem nhập nhằng, khó phân định được đâu là người sống – cõi chết, dù hiểu rằng đó là ý đồ của nhà làm phim. Nhiều tình tiết trở nên rối rắm khi các thế lực qua quỷ xuất hiện, không liên quan đến câu chuyện chung.

    Ở phần về nhà ngoại cảm Bích, đạo diễn dụng công cài cắm tình tiết từ đầu để tạo một “twist” (tình tiết bất ngờ) khúc cuối. Dù ít “sạn” hơn chuyện thứ hai, cách giải thích qua loa làm cái kết bị trôi tuột, khiến phần lớn khán giả khó nắm bắt câu chuyện. Ngoài ba câu chuyện chính, phim còn đặt để một “twist” khác để khép lại tác phẩm, nhưng chi tiết này diễn ra chóng vánh, có phần hời hợt.

    Kể ba câu chuyện không liên quan, tác phẩm trở nên rời rạc, thiếu tính kết nối. Sau mỗi lần kể chuyện, nhóm bạn liền bước qua câu chuyện mới thay vì dẫn dắt. Mỗi lần hù dọa, nhân vật lại thức dậy sau giấc mơ. Môtíp này trở đi trở lại, dần tạo cảm giác nhàm chán. Khâu kỹ xảo đồ họa đôi lúc chưa tương xứng với ý tưởng đạo diễn, dễ phản tác dụng khi xem trên màn ảnh rộng.

    Mai Nhật

  • Bảo Anh: ‘Tôi bầm dập khi đóng người vợ bị bạo hành’

    – Chị đón nhận ý kiến khen – chê ra sao với phim đầu tiên đóng chính?

    – Tôi khá lo lắng vì ngóng chờ phim ra rạp suốt hai năm qua. Buổi tối sau khi phim công chiếu, tôi lên mạng, đọc từng lời góp ý của đồng nghiệp, khán giả. Tôi mừng vì đa số phản hồi đều tích cực, có thể mọi người biết tôi xuất thân là ca sĩ, không phải diễn viên chuyên nghiệp nên “chém” nhẹ tay (cười).

    Bảo Anh: Đạo diễn thương tôi chịu đau vì cảnh nóng

    Bảo Anh – diễn viên chính “Bẫy ngọt ngào” tại buổi phỏng vấn ở TP HCM. Ảnh: Ngân Ke

    Dù hài lòng với vai này, khi xem lại, tôi nghĩ mình có thể làm tốt hơn. Tôi nhận ra mình còn non trong thể hiện chuyển biến tâm lý nhân vật, một phần vì phim không quay theo diễn tiến kịch bản. Tôi cũng tiếc đôi chút ở cảnh “nóng” đầu tiên – khi Camy bị chồng (Quốc Trường) hành hạ. Lúc đó, tôi đang để tóc ngắn, phải nối thêm tóc giả để diễn cảnh nhân vật bị nắm đầu, quăng quật, cảm xúc do đó không đẩy lên được như kỳ vọng.

    Trailer "Bẫy ngọt ngào"

     
     

    Traier “Bẫy ngọt ngào”. Video: CJ

    – Cảnh nào thử thách nhất với chị trong phim?

    – Tôi ám ảnh với những cảnh đóng chung Quốc Trường. Chẳng hạn, ở đoạn Camy bị bạo hành bên bàn ăn, bạn diễn lỡ tay khiến hông tôi va vào cạnh bàn. Tôi đau điếng người nhưng vẫn ráng cho xong cảnh. Hôm sau, tôi phát hiện hông bị bầm đen một vết lớn. Rồi có cảnh Quốc Trường diễn hăng quá, không nghe đạo diễn hô “cắt”, vẫn cầm bó hoa lớn quật vào người tôi liên hồi. Mỗi lần kết thúc phân đoạn người vợ bị hành, cả êkíp vây lại, đạo diễn ôm tôi vì xót. Quốc Trường cũng an ủi: “Chúng mình cố diễn xong một lần rồi thôi”, nhưng thực tế đều phải quay nhiều lượt. Khi phim đóng máy, tôi vẫn thất thần, ngơ ngác nhiều tuần liền vì chưa thoát vai.

    Bảo Anh: Đạo diễn thương tôi chịu đau vì cảnh nóng - 1

    Bảo Anh đóng Camy – vai người vợ chịu đựng bi kịch hôn nhân trong phim mới. Ảnh: CJ

    – Thiếu kinh nghiệm diễn xuất, vì sao chị nhận một vai nặng về tâm lý?

    – Ban đầu, tôi thẳng thừng từ chối đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư. Một phần vì tôi không thích tính cách nhân vật – có phần yếu đuối, ủy mị, phần vì vai này gợi tôi nhớ về những ngày đen tối của quá khứ. Tôi từng là nạn nhân của bạo hành gia đình. Lúc nhỏ, tôi liên tiếp chứng kiến những trận gây gổ giữa ba mẹ. Quãng thời gian ấy kéo dài nhiều năm, đến khi ba mẹ tôi ly hôn. Giờ, trên người tôi vẫn còn chi chít vết sẹo do ngày đó xông vào can. Sẹo đã mờ nhưng nỗi đau vẫn còn đó.

    Đạo diễn phải qua tận nhà thuyết phục tôi. Chị cho biết chỉ có tôi mới đóng được vai này vì đã hình dung sẵn về tôi trong kịch bản. Thôi thì đã hứa với đạo diễn, tôi đành gật đầu. Rồi tôi nhận ra đó cũng là một cách để vượt qua nỗi đau. Tôi tự hỏi: “Sao mình không cố gắng diễn tốt vai này để khiến mọi người đồng cảm hơn với những phụ nữ đang chịu cảnh bạo hành?”. Hôm công chiếu ở TP HCM, tôi mời mẹ đến xem. Trong rạp, khi quay sang nhìn, tôi thấy nước mắt bà chảy dài vì nhớ lại chuyện xưa.

    – Nhân vật Camy bị kiểm soát trong chuyện tình cảm, còn chị thì sao?

    – Tôi cũng từng rơi vào một mối quan hệ độc hại như thế. Khi mới đôi mươi, chưa trải đời, tôi quen một người. Dù không chịu đựng sự hành hạ về thể xác như trong phim, tôi từng bị tác động nặng nề về tâm lý. Người đó có những câu nói đầy tính phán xét để cho tôi thấy, nếu không yêu người đó, tôi cũng chẳng thể yêu được ai. Tôi dần cảm thấy bản thân thấp kém và tự hỏi: “Mình tồi tệ như vậy sao?”. Cũng vật vã vài năm, tôi mới học được cách thoát khỏi chuyện tình đó.

    Sau 10 năm vào showbiz, tôi trưởng thành hơn trong quan niệm yêu đương. Tôi nhìn nhận mọi thứ đơn giản hơn, không còn đặt chuyện tình cảm lên hàng đầu nữa. Nếu ai đó đến với tôi, khiến tôi thấy tự do, thoải mái, tôi sẽ đón nhận. Còn không, tôi vẫn tận hưởng cuộc sống độc thân. Tôi cũng không quá coi trọng hôn nhân. Đợt Tết vừa rồi, tôi về quê, dượng tôi hỏi: “Sao, lúc nào có cháu cho dượng bồng đây?”. Tôi đáp vui: “Giờ con chưa sẵn sàng yêu ai nhiều hơn bản thân”.

    – Sau bộ phim, chị còn dự định gì với diễn xuất?

    – Tôi chưa nghĩ đến việc tiếp tục đóng phim. Không phải tôi ngại khó ngại khổ, mà tôi muốn cân nhắc xem liệu có đáng để bỏ ra công sức. Tôi nhận ra điện ảnh Việt vẫn còn hạn chế trong khâu kịch bản, nên khi thật sự có câu chuyện phù hợp, tôi mới nhận lời. Nếu được, tôi muốn đóng phim do mình sản xuất để có thể chủ động hơn.

    Sắp tới, tôi sẽ đầu tư thêm cho âm nhạc. Tôi sắp ra mắt một EP (dạng đĩa có thời lượng ngắn hơn album thông thường). Sau một thời gian làm nhạc theo ý thích, tôi sẽ trở lại với sản phẩm hướng đến khán giả phổ thông, vẫn giữ chất riêng, thế mạnh của bản thân.

    Bảo Anh hát "Hôm nay tôi buồn" (Phùng Khánh Linh)

     
     

    Bảo Anh hát “Hôm nay tôi buồn” (Phùng Khánh Linh sáng tác) – nhạc phim “Bẫy ngọt ngào”. Video: Live On

    Bảo Anh tên đầy đủ là Nguyễn Hoài Bảo Anh, sinh năm 1992 tại TP HCM. Cô được biết đến khi tham gia chương trình Giọng hát Việt mùa đầu tiên, năm 2012. Cô gây chú ý với các bản ballad: Anh muốn em sống sao (Chi Dân), Yêu một người vô tâm (Mr. Siro), Trái tim em cũng biết đau (Mr. Siro)… Năm 2018, cô có bản hit khác với Ai khóc nỗi đau này (Đức Trí). Ở phim ảnh, cô từng đóng Nhà có 5 nàng tiên – phim từng lập kỷ lục doanh thu Tết 2013.

    Bẫy ngọt ngào là phiên bản điện ảnh của sit-com Chiến dịch chống ế (2015), xoay quanh hội bạn thân gồm bốn người. Sau khi Camy (Bảo Anh) kết hôn với Đăng Minh (Quốc Trường) – một doanh nhân thành đạt, hội bạn nhận ra cô dần khép kín, có nhiều ẩn ức khó nói. Phát hiện Camy bị người chồng gia trưởng bạo hành, họ lên kế hoạch giải thoát cô khỏi cuộc hôn nhân địa ngục.

    Tam Kỳ

  • Fan điện ảnh hào hứng trở lại rạp

    Rạp phim Hà Nội mở lại

     
     

    Lộc Chung – Đạt Phan

  • ‘Chuyện ma gần nhà’ thu 15 tỷ đồng ngày đầu chiếu

    Đại diện Production Q – đơn vị sản xuất – cho biết phim ra mắt ở hơn 2.000 cụm rạp toàn quốc ngày 11/2. Nhờ rạp Hà Nội – chiếm 20% thị trường cả nước – mở cửa từ ngày 10/2, Chuyện ma gần nhà có doanh thu ra mắt tốt thời dịch.

    Khán giả TP HCM xem phim Chuyện ma gần nhà ở một rạp tại Vạn Hạnh Mall, quận 10. Ảnh: Hà Nguyễn

    Khán giả TP HCM xem phim “Chuyện ma gần nhà” ở một rạp tại Vạn Hạnh Mall, quận 10. Ảnh: Hà Nguyễn

    Trên Box Office Việt Nam – đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phim là tác phẩm có doanh thu cao nhất ngày 11/2. Trước đó, dự án thu hút 85.000 vé đặt sớm – con số kỷ lục của phòng vé trong nước đến nay. Bẫy ngọt ngào – phim phát hành cùng thời điểm, có Bảo Anh, Quốc Trường đóng chính – đạt khoảng bốn tỷ đồng.

    Đạo diễn Trần Hữu Tấn nói: “Kết quả này là tín hiệu về việc thị trường điện ảnh có thể đang phục hồi dần”. Nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết doanh thu là nguồn động viên lớn cho êkíp sau hai năm lao đao vì dịch.

    Chuyện ma gần nhà có kịch bản lấy cảm hứng về các câu chuyện về ma quỷ đồn thổi trong dân gian. Một trong ba câu chuyện chính của phim kể về “cô Mía”. Vân Trang góp mặt trong dàn diễn viên chính, vai một nhà ngoại cảm. Tác phẩm là dự án màn ảnh rộng đầu tiên diễn viên nhận lời kể từ năm 2019. Vân Trang nói hứng thú đóng vai mới vì được thử thách về diễn xuất. Cô có nhiều cảnh trườn bò trên mặt đất, người thường lấm lem bùn. Phim quay vào đầu năm ngoái, khi đó Vân Trang mang thai một tháng.

    Phim ghi điểm nhờ khâu hóa trang, bối cảnh chăm chút. Không gian Sài Gòn xưa với biệt thự cổ, chung cư cũ góp phần khắc họa không khí u ám. Dù vậy, kịch bản phim thiếu sự liền lạc khi kể ba câu chuyện không liên quan. Sự rối rắm trong cách kể chuyện, nhất ở chương thứ hai và thứ ba, khiến tác phẩm thiếu thuyết phục đối với số đông khán giả.

    Phim 'Chuyện ma gần nhà' hé lộ tạo hình quỷ dữ

     
     

    Trailer “Chuyện ma gần nhà”. Video: Production Q

    Đạo diễn cho biết phim lấy chất liệu từ cuộc sống đời thường, văn hóa và tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Việt là điểm nhấn trong tác phẩm. Phim có sự tham gia của Khả Như, Mạc Can, Thanh Trực, Khả Như, Ngọc Hiệp, Hữu Tiến, Trần Phong… Dự án là phim mới nhất của đạo diễn Hữu Tấn sau Bắc kim thang (2019) và Rừng thế mạng (2021).

    Tam Kỳ

  • Khán giả ra rạp đón ‘Người Nhện’

    Chiều 12/2, nhà phát hành tổ chức buổi chiếu đặc biệt tại phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm sau chín tháng các rạp phim đóng cửa vì dịch. Sự kiện có sự xuất hiện của nhiều ngôi sao như vợ chồng diễn viên Minh Tiệp, Á hậu Huyền My, MC Phí Thùy Linh…

    Vợ chồng diễn viên Minh Tiệp (giữa) tại buổi chiếu đặc biệt Spider-Man: No Way Home cho khán giả Hà Nội. Ảnh: Galaxy

    Vợ chồng diễn viên Minh Tiệp (giữa) tại buổi chiếu đặc biệt “Spider-Man: No Way Home” cho khán giả Hà Nội.

    Sau buổi chiếu, đa phần người xem hào hứng với nội dung phim và cho biết thấy vui khi được quay trở lại rạp. Minh Tiệp tự nhận là người hâm mộ nhiệt thành siêu anh hùng của nhà Marvel, đã theo dõi nhân vật từ năm 2002 đến nay. Anh nhận xét phần phim mới là tập hay nhất thương hiệu, có kịch bản lôi cuốn, kỹ xảo đẹp mắt.

    Á hậu Huyền My nhận xét tác phẩm giàu cảm xúc nhờ tổng hợp nhiều chi tiết từ hai loạt phim cũ, do Andrew Garfield và Tobey Maguire đóng chính.

    Á hậu Huyền My (áo trắng) cùng các khán giả Hà Nội xem Người Nhện 3. Ảnh: Galaxy

    Á hậu Huyền My (áo trắng) đi xem “Người Nhện 3”.

    Phim ra rạp tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam cuối năm ngoái, từng tạo cơn sốt phòng vé. Tuy nhiên, đa phần khán giả Hà Nội chưa có dịp thưởng thức vì dịch. Hồi tháng 12/2021, nhiều bạn trẻ thậm chí đến các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Quảng Ninh để xem phim.

    Khán giả tập trung tại rạp chiếu phim trên phố Tràng Thi chờ xem Spider-Man: No Way Home. Ảnh: Galaxy

    Khán giả tập trung tại rạp chiếu phim trên phố Tràng Thi chờ xem “Spider-Man: No Way Home”.

    Từ khi rạp hoạt động lại hôm 10/2, tác phẩm tiếp tục thu hút đông đảo khán giả đến xem, dẫn đầu doanh thu phòng vé thủ đô trong ngày đầu mở lại. Trên các hệ thống đặt vé trực tuyến, tỷ lệ lấp đầy các buổi chiếu Spider-Man: No Way Home cao. Tối 11/2, một số khán giả tại một phòng chiếu trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy cho biết thất vọng vì đến nơi đã hết vé do chủ quan không đặt trước. Ngoài Người Nhện, nhiều tác phẩm khác như Chuyện ma gần nhà, Bẫy ngọt ngào… cũng ra rạp phục vụ khán giả.

    Trailer Spider-Man: No Way Home

     
     

    Trailer “Spider-Man: No Way Home”. Video: Disney

    Spider-Man: No Way Home (Tom Holland thủ vai) bắt đầu từ cột mốc sau phần hai (ra mắt năm 2019), khi Peter Parker bị ác nhân Mysterio tiết lộ danh tính là Người Nhện. Lập tức, cuộc sống của Peter lẫn người thân và bạn gái MJ (Zendaya đóng) bị đảo lộn vì những câu chuyện do truyền thông thêu dệt. Peter tìm đến Doctor Strange (Benedict Cumberbatch), nhờ ông dùng phép thuật để thay đổi thực tại, khiến mọi người quên chuyện mình là Spider-Man. Doctor Strange phá lệ để giúp cậu dù được cảnh báo đây là loại phép thuật nguy hiểm. Trong lúc thực hiện, Doctor Strange vô tình khai mở đa vũ trụ, kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt ác nhân.

    Đạt Phan (ảnh: Galaxy)

  • Tặng vé xem phim mới của Lady Gaga

    Bom tấn quy tụ dàn sao đình đám Lady Gaga, Adam Driver, Jared Leto, Al Pacino, Salma Hayek… Kịch bản dựa trên cuốn tiểu thuyết The House of Gucci: A Sensational Story of Murder, Madness, Glamour and Greed của Sara Gay Forden. Nội dung kể về câu chuyện có thật của Maurizio Gucci – người đứng đầu hãng thời trang Gucci một thời – và vợ Patrizia Reggiani, cùng bi kịch khi Patrizia thuê sát thủ giết chồng năm 1995.

    Trailer House of Gucci

     
     

    Trailer “House of Gucci”. Video: CGV

    Nhà làm phim gạo cội người Anh Ridley Scott đạo diễn dự án. Phim thu khoảng 152 triệu USD tại phòng vé quốc tế. Tác phẩm cũng nhận một đề cử hạng mục “Trang điểm và làm tóc xuất sắc” tại Oscar năm nay.

    Nhà phát hành tặng độc giả VnExpress hai cặp vé dự buổi công chiếu vào 19h ở CGV Landmark 81 (TP HCM, hai cặp) và ở CGV Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội, hai cặp). Độc giả gửi e-mail đến địa chỉ thanhdat@vnexpress.net với tiêu đề “Ve xem House of Gucci” (tiếng Việt không dấu). Nội dung thư vui lòng cung cấp họ tên, email, số điện thoại và khu vực (TP HCM hoặc Hà Nội) muốn xem phim.

    Thời hạn nhận thư: đến 18h ngày 16/2. Ban biên tập sẽ bốc thăm ngẫu nhiên và liên lạc trong ngày.

    Ban Giải trí

  • Series ‘Chúa nhẫn’ tung trailer đầu tiên

    Trong đoạn trailer công bố sáng 14/2, nhà phát hành hé lộ những hình ảnh đầu tiên về series Chúa nhẫn. Một nhân vật chưa rõ tên thuộc tộc Harfoots (tổ tiên của tộc Hobbits) – do nữ diễn viên Markella Kavenagh thủ vai – dẫn chuyện trong trailer. Theo chân cô, khán giả được chứng kiến những hình ảnh về vùng đất Trung Địa đầy màu nhiệm, nơi cư ngụ của con người, tiên và cả quái vật.

    Trailer The Lord of the Rings series

     
     

    Trailer “Lord of the Rings”. Video: Amazon

    Câu chuyện phần một lấy bối cảnh hàng nghìn năm trước các sự kiện thuộc loạt phim điện ảnh của đạo diễn Peter Jackson. Lúc này, vùng Trung Địa chưa có những chiếc nhẫn ma thuật do chúa quỷ Sauron chế tạo. Tuy nhiên, những thế lực quái ác dần hình thành và đe dọa sự bình yên của cuộc sống nơi đây.

    Êkíp cũng giới thiệu ngoại hình của hàng loạt nhân vật trong phần đầu tiên. Ngôi sao xứ Wales Morfydd Clark đóng tiên Galadriel thời trẻ. Vai diễn từng do Cate Blanchett đảm nhận trong loạt phim của Peter Jackson. Robert Aramayo vào vai tiên Elrond thời trẻ. Nam diễn viên người Anh Charlie Vickers đóng Halbrand, một thành viên thuộc đội Ranger of the North. Owain Arthur hóa thân một hoàng tử của tộc người lùn ở Khazad-dûm.

    Amazon đầu tư 465 triệu USD cho mùa đầu tiên series Chúa nhẫn, mức ngân sách kỷ lục của phim truyền hình. Trong đó, khoảng 250 triệu USD được dùng để mua bản quyền các tác phẩm của nhà văn J. R. R. Tolkien – cha đẻ thương hiệu The Lord of the Rings. Hãng cho biết một phần lớn ngân sách khác dùng để xây phim trường, thiết kế phục trang, có thể được tái sử dụng trong các mùa sau.

    Đầu thập niên 2000, hãng Warner Bros chuyển thể tiểu thuyết The Lord of the Rings thành loạt ba phim điện ảnh. Các tác phẩm thu gần 3 tỷ USD tại phòng vé, trở thành một trong những thương hiệu điện ảnh thành công nhất. Các phần phim cũng đoạt 17 tượng vàng Oscar trên tổng 30 đề cử. Sau thành công của phim, Warner Bros tiếp tục làm bộ ba phim Hobbit. Dù không tạo tiếng vang như tác phẩm trước đó, ba phần đạt doanh thu hơn 2,93 tỷ USD tại phòng vé nhờ lượng fan đông đảo.

    Đạt Phan

  • Kỹ xảo tạo hình quỷ trong ‘Chuyện ma gần nhà’

    Video hậu trường tiết lộ quá trình tạo hình cho các thế lực quỷ dị trong phim. Đại diện Badclay – đơn vị thực hiện kỹ xảo – cho biết cảnh quỷ lột mặt, nhân vật bị tạt acid, ma không đầu… đều cần ba tháng để thực hiện.

    Trong cảnh minh tinh Ái Như (Khả Như) lột mặt để thay thế nhân dạng, họ tái tạo một phần khuôn mặt của diễn viên bằng hình ảnh 3D. Một nhóm khác xử lý hiệu ứng vật lý của lớp da khi bị cào ra, với các chi tiết lớp mô, thịt và mỡ bong tróc. Sau đó êkíp đánh sáng, làm chất liệu của các lớp da và tích hợp các hiệu ứng lại thành cảnh hoàn chỉnh.

    Kỹ xảo tạo ma quỷ trong phim 'Chuyện ma gần nhà'

     
     

    Cách tạo hình ma quỷ trong phim (Video có hình ảnh mang hiệu ứng gây kinh sợ, độc giả cân nhắc khi xem). Video: Production Q

    Ở đoạn khuôn mặt một nhân vật bị hủy hoại vì tạt acid, đơn vị áp dụng hiệu ứng sủi bọt trong hình ảnh, bao gồm hai lớp acid, sau đó tích hợp hiệu ứng lại với nhau, thêm chi tiết khói nóng tỏa ra từ bàn tay, khuôn mặt diễn viên.

    Phân cảnh nhà ngoại cảm Bích (Vân Trang) bị sát hại là thử thách lớn nhất phim về hiệu ứng hình ảnh. Đạo diễn Hữu Tấn cho biết để có cảnh đầu rơi, đơn vị kỹ xảo cùng anh chỉnh sửa nhiều lần trong nhiều tháng. Lúc bấm máy, họ sử dụng thiết bị đo ánh sáng môi trường phản chiếu lên vật chủ, độ sáng – tối của bối cảnh. Sau khi phim đóng máy, Vân Trang mất thêm một buổi chụp ảnh 360 độ toàn gương mặt để đơn vị lấy thông số, sau đó họ tiến hành dựng 3D mô hình chiếc đầu.

    Tạo hình một con quỷ trong Chuyện ma gần nhà. Ảnh: Hà Nguyễn

    Tạo hình một con quỷ trong “Chuyện ma gần nhà”. Ảnh: Hà Nguyễn

    Đơn vị kỹ xảo tiếp tục thực hiện scan 3D phần đầu của diễn viên Vân Trang. Sau đó, họ xử lý sao cho mẫu 3D trông giống diễn viên nhất có thể. Họ cũng tái tạo chuyển động của phần tóc theo hiệu ứng rơi, tạo thêm phần máu chảy loang trên mặt đất. Cuối cùng, nhóm tích hợp các hiệu ứng để hòa quyện với cảnh quay trên phim trường.

    >> ‘Chuyện ma gần nhà’ – hình ảnh tốt, kịch bản rời rạc

    Chuyện ma gần nhà là chùm ba câu chuyện được sắp xếp theo tuần tự. Chuyện thứ nhất kể về Lan Hương (Lê Bê La), minh tinh ở Sài Gòn nhiều thập niên trước. Sau một tai nạn, cô đột ngột biến mất. Thời gian sau, nữ diễn viên trẻ Ngọc Minh (Như Đan) đến biệt thự của Ái Như (Khả Như) – một minh tinh khác – để tuyển vai mới và được chọn. Sau khi chuyển đến sống cùng Ái Như theo lời đề nghị, cô phát hiện một bí mật.

    Chuyện thứ hai xoay quanh một thanh niên là ảo thuật gia (Huỳnh Thanh Trực). Sống cùng cha già (Mạc Can), anh thường bị ông cấm theo nghề. Một lần, cãi lời cha, anh biểu diễn ảo thuật cho một đứa trẻ, từ đó nhiều hiện tượng quỷ dị xảy ra. Ở chuyện cuối, nhà ngoại cảm Bích (Vân Trang) được gia đình cô Út – một thiếu nữ quá cố – nhờ tìm hài cốt. Khi lần mò tìm hiểu câu chuyện của Út, cô Bích bị một thế lực đeo bám. Dự án của Trần Hữu Tấn (đạo diễn Bắc kim thang, Rừng thế mạng) quy tụ nhiều tên tuổi như Mạc Can, Vân Trang, Khả Như, Huỳnh Thanh Trực, Trần Phong…

    Phim 'Chuyện ma gần nhà' hé lộ tạo hình quỷ dữ

     
     

    Trailer “Chuyện ma gần nhà”. Video: Production Q

    Phim ghi điểm nhờ khâu hóa trang, bối cảnh chăm chút. Không gian Sài Gòn xưa với biệt thự cổ, chung cư cũ góp phần khắc họa không khí u ám. Dù vậy, kịch bản phim thiếu sự liền lạc khi kể ba câu chuyện không liên quan. Sự rối rắm trong cách kể chuyện, nhất ở chương thứ hai và thứ ba, khiến tác phẩm thiếu thuyết phục đối với số đông khán giả.

    Tam Kỳ

  • Doctor Strange đối đầu Scarlet Witch

    Ngày 13/2, nhà phát hành tung trailer cho phần hai loạt phim về siêu anh hùng của Marvel, hé lộ nhiều nhân vật và tình tiết. Trong đó, Scarlet Witch (Elizabeth Olsen đóng) bất ngờ trở mặt và ngỏ ý thách thức Strange (Benedict Cumberbatch).

    Trailer “Doctor Strange in the Multiverse of Madness” tháng 2/2022

     
     

    Trailer “Doctor Strange in the Multiverse of Madness”. Video: Disney

    Phim tiếp nối câu chuyện sau Spider-Man: No Way Home, vũ trụ điện ảnh Marvel bước sang chương mới sau khi Doctor Strange khai mở đa vũ trụ. Nhiều nhân vật đến từ các dòng thời gian khác nhau chạm trán. Êkíp hé lộ sự xuất hiện các phiên bản ma quái của Stephen Strange và Scarlet Witch. Trong một phân cảnh, nữ phù thủy nói với Strange: “Anh phạm luật và trở thành người hùng. Tôi làm thế và trở thành kẻ địch. Điều đó có vẻ không công bằng”.

    Mối liên hệ giữa Wanda (Scarlet Witch) và Strange đã có từ nhiều dự án trước của Marvel. Tuy nhiên, hai người thường là đồng đội, hợp tác chống kẻ thù chung. Phim cũng quy tụ một số nhân vật từng xuất hiện trong các series WandaVision Loki ra mắt năm ngoái.

    Trailer cũng cho thấy nhiều nhân vật mới của vũ trụ Marvel. Nữ siêu anh hùng nhí American Chavez (Xochitl Gomez) lần đầu xuất hiện. Cô bé phải đối mặt một nhân vật bí ẩn dường như là phiên bản khác của Captain Marvel (Brie Larson) và quái vật Gargantos. Cuối video, một ác quỷ trong bộ trang phục đen xuất hiện gợi nhớ tới Knull – vị thần sáng tạo ra loài Symbiote.

    Diễn viên Patrick Stewart – từng đóng Giáo sư X của loạt phim X-men trước đây – được kỳ vọng trở lại vũ trụ Marvel. Giọng nói của nhân vật xuất hiện trong một cảnh phim nhưng không lộ mặt. Trên các diễn đàn điện ảnh, nhiều người hâm mộ dự đoán phiên bản Giáo sư X này thuộc nhóm Illuminati, gồm các siêu anh hùng đình đám như Iron Man, Mister Fantastic, Sub-Mariner và cả Doctor Strange.

    Loạt phim Doctor Strange thuộc vũ trụ điện ảnh Marvel, kể về siêu anh hùng cùng tên. Anh vốn là một bác sĩ Mỹ đến Nepal để chữa vết thương từ tai nạn xe hơi, để rồi hấp thụ năng lực siêu nhiên và thành phù thủy phi thường. Phần hai do Sam Raimi – người từng thành công với loạt phim Spider-Man do Tobey Maguire đóng chính – đạo diễn.

    Đạt Phan