Theo Variety, phần phim mới nhất về Người Nhện không có dấu hiệu giảm sức hút khi tiếp tục đứng đầu phòng vé sau sáu tuần phát hành. Tác phẩm kiếm thêm 14,1 triệu USD từ 3.705 rạp, nâng tổng doanh thu tại Bắc Mỹ lên 721 triệu USD. Spider-Man: No Way Home hiện chỉ xếp sau ba bom tấn Avatar (760 triệu USD), Avengers: Endgame (858 triệu USD) và Star Wars: The Force Awakens (936 triệu USD) tính riêng thị trường này.
Tổng doanh thu toàn cầu của Spider-Man: No Way Home chạm mốc 1,69 tỷ USD tuần qua, vượt Jurassic World (1,67 tỷ USD) và The Lion King (1,66 tỷ USD) để trở thành phim ăn khách thứ sáu mọi thời. Bom tấn siêu anh hùng thậm chí không chiếu tại Trung Quốc, thị trường phòng vé lớn nhất thế giới hiện nay.
Spider-Man: No Way Home là phim thứ ba trong loạt tác phẩm về Người Nhện do Tom Holland thủ vai. Nội dung tiếp nối câu chuyện phần trước, khi Peter Parker và cô bạn học MJ (Zendaya đóng) đã thành đôi. Họ không thể tận hưởng khoảnh khắc yên bình bên nhau khi cả thế giới nay đã biết Parker là siêu anh hùng. Cậu tìm đến Doctor Strange dùng phép thuật thay đổi thực tại, khiến mọi người quên mọi chuyện nhưng vô tình khiến các dòng thời gian va vào nhau và khai mở đa vũ trụ.
Tháng 12/2021, Kevin Feige, chủ tịch Marvel, xác nhận với The New York Times hãng đang có kế hoạch phát triển câu chuyện tiếp theo của Người Nhện sau Spider-Man: No Way Home. Trong một cuộc phỏng vấn với Fandango trước đó, phía Sony cũng cho biết đây không phải là dự án cuối cùng đơn vị làm với Marvel. “Chúng tôi đang chuẩn bị thực hiện bộ phim Người Nhện tiếp theo với Tom Holland và Marvel”, người đại diện của hãng nói.
Tuần qua, một số phim mới khởi chiếu như Redeeming Love, The King’s Daughter không đạt doanh thu ấn tượng. Các tác phẩm ăn khách từ các tuần trước như Scream, Sing 2 tiếp tục đạt doanh thu ổn định như dự đoán. Thị trường hiện bị ảnh hưởng bởi làn sóng Omicron, khiến nhiều người ngại ra rạp. Giới chuyên môn dự đoán phòng vé Bắc Mỹ không có nhiều đột phá cho đến tháng 2, khi các bom tấn như Moonfall, Uncharted phát hành.
Nhà sản xuất tung trailer dài gần ba phút hôm 13/1, hiện thu hút hơn 11 triệu lượt xem trên YouTube cùng trăm nghìn bình luận, chia sẻ. Mở màn là khung cảnh trường trung học Hyosan thường ngày với các hoạt động của học sinh như: nghe giảng, bắn cung, đùa nghịch cùng bạn bè… Mọi chuyện bắt đầu khi nữ sinh Hyeon Ju bị con chuột trong phòng thí nghiệm cắn vào tay và biến thành zombie. Ngôi trường bỗng chốc trở nên hỗn loạn khi các thây ma đẫm máu liên tiếp tấn công, còn học sinh tìm cách chống trả và chạy trốn.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, đa phần khen trailer kịch tích, hấp dẫn không kém “bom tấn” chiếu rạp Train to Busan trước đó. Tài khoản TheUnholy bình luận trên YouTube: “Mọi khung hình đều tuyệt vời khiến tôi thêm ngạc nhiên về phim truyền hình của Hàn Quốc hiện nay. Tôi tin rằng phim sẽ rất hấp dẫn, kịch tính. Tôi chắc chắn sẽ xem”. Tài khoản Preston108 viết: “Chỉ trailer thôi đã khiến tôi ớn lạnh rồi. Tôi đã đọc bản webtoon nên chắc chắn đây là một câu chuyện về zombie hấp dẫn, nhân vật chính thực sự thông minh”.
Trên Chosun, Kang Dong Han – giám đốc Netflix Hàn Quốc – cho biết Ngôi trường xác sống là bộ phim được Netflix mong đợi nhất năm. Phim được kỳ vọng nối tiếp thành công của Squid Game năm qua.
Theo ông, cùng đề tài zombie nhưng tác phẩm mang màu sắc mới lạ bởi yếu tố văn hóa học đường, cách các học sinh chiến đấu với thây ma để bảo vệ bản thân và bạn bè. “Phim gửi gắm những thông điệp về tuổi vị thành niên đáng suy ngẫm”, ông nói.
Đạo diễn Lee Jae Kyo cho biết trước khi bấm máy ba tháng, các diễn viên phải đến trường học để tham gia huấn luyện về cách chiến đấu với zombie, chạy, ngã… Êkíp thiết kế những pha hành động không thể đoán trước bằng đạo cụ quen thuộc trong không gian trường học như: ghế, cây lau bảng, bình cứu hỏa, nhạc cụ… “Phim quy tụ hơn 200 diễn viên và êkíp phải cố gắng phối hợp tốt nhất. May mắn mọi người đã hoàn thành các cảnh quay mà không gặp bất kỳ tai nạn nào và không ai bỏ cuộc”, đạo diễn nói.
Phim được chuyển thể từ webtoon Now at our school với sự tham gia của Yoon Chan Young, Lee Yoo Mi, Park Ji Hoo… Phim do Lee Jae Kyo – từng thành công với The King 2 Hearts, The Fatal Encounter, Intimate Strangers… – đạo diễn, dự kiến lên sóng vào ngày 28/1.
Hiểu Nhân
Những phim Hàn lên sóng đầu năm
‘Peninsula’: Cuộc chiến sinh tồn trên bán đảo xác sống
‘Train to Busan’ – phim xác sống Hàn lấy nước mắt người xem
Sau nhiều năm không về nơi chôn rau cắt rốn vì sợ tốn kém, vợ chồng ông Lềnh tích góp tiền, thắp hương tảo mộ tổ tiên. Thấy họ ăn mặc, hành xử như người giàu có, hàng xóm đề nghị ông bà đóng góp cho quê hương. Vì sĩ diện, ông Lềnh quyên số tiền định gửi cho con trai đang du học rồi quay lại thành phố, tiếp tục mưu sinh bằng nghề lượm ve chai, hẹn họ hàng sát Tết lại trở về.
Ông Lềnh cứu được một ông chủ thầu xây dựng, được người này nhận làm bảo vệ vật tư ở công trường. Đám công nhân thấy ông Lềnh được tin tưởng, gạ gẫm ông ăn cắp vật liệu. Không đồng ý, ông bị chúng lập mưu chuốc say, phải chịu trách nhiệm vì làm thất thoát tài sản.
Nợ nần bủa vây, vợ chồng ông Lềnh quẫn bách. Nghe tin con trai báo sắp dẫn bạn gái về ra mắt, ông muối mặt vay mượn hàng xóm sắm sửa Tết, để con không mất mặt với người yêu. Trên đường về lại quê, tâm trạng vợ chồng rối bời, không dám ngẩng mặt nhìn ai, sợ gặp người quen.
Thế nhưng khi đặt chân đến cổng, ông Lềnh ngạc nhiên vì nhà cửa, vườn tược ở quê đã được sửa sang. Thì ra, chủ thầu xây dựng đã dựng lên câu chuyện mất vật liệu để thử lòng, đồng thời tìm cách báo đáp ông Lềnh. Hai vợ chồng hạnh phúc khi nhìn căn nhà mới, lại được đoàn tụ con trai du học từ nước ngoài về. Bất ngờ hơn, bạn gái cậu chính là con ông chủ thầu.
Quang Tèo nói: “Nhân vật không tấu hài, lấy nước mắt, nụ cười khán giả qua những tình huống oái oăm mà ông ta trải qua. Vai diễn gửi gắm thông điệp về lòng tốt, sự chân thành, đề cao tinh thần hướng về nguồn cội của người Việt”. Phim còn có sự góp mặt của nghệ sĩ Minh Nguyệt (vai bà Lềnh), Bá Anh (chủ thầu), Trà My (vợ chủ thầu)… phát sóng trên kênh VTV5, VTC, VOV, Hà Nội, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc… dịp Tết Nguyên Đán.
Hà Thu
Quang Tèo nhớ những ngày Tết chạy show
Giang Còi – Quang Tèo: Cặp bài trùng đã khuyết
Quang Tèo: ‘Tôi có nhà cao cửa rộng sau 33 năm làm nghệ thuật’
007 là một trong những thương hiệu hành động lâu đời nhất thế giới. Các chuyên gia ước tính tổng doanh thu của franchise đạt trên 14 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại. Loạt phim khởi đầu bằng Dr. No (1962), kể về siêu điệp viên người Anh James Bond do Sean Connery thủ vai.
Đến nay, thương hiệu trải qua 25 phần với ba lần thay nam chính. Tháng 12/2021, Daniel Craig góp mặt trong No Time To Die – dự án cuối cùng của tài tử với loạt phim. Tác phẩm thu về 774 triệu USD, vào top 10 phim ăn khách nhất năm ngoái.
Giới phê bình đánh giá điểm mạnh của James Bond ở hình ảnh chàng điệp viên lãng tử. Nhân vật khác xa các mẫu nam chính cơ bắp quen thuộc của thể loại hành động. 007 cũng được các chuyên gia thời trang đánh giá là biểu tượng của sự lịch lãm. Nhân vật luôn xuất hiện với âu phục được đặt riêng, lái dòng xe cổ Aston Martin… Ngoài ra, Bond luôn biết cách chinh phục các nhân vật nữ – điều khiến nhân vật trở thành biểu tượng nam tính.
Fast & Furious (6 tỷ USD)
Fast & Furious là loạt bom tấn hái ra tiền bậc nhất Hollywood hiện nay mà không dựa trên truyện tranh sẵn có. Với phần một phát hành năm 2001, thương hiệu tập trung vào những giải đua xe phi pháp trong thế giới ngầm. Những phần gần đây, franchise chuyển hướng sang thể loại heist (phim trộm cướp) và điệp viên, với các phi vụ xuyên quốc gia của nhóm Dominic Toretto (Vin Diesel đóng chính).
Giới phê bình từng đánh giá Fast & Furious là một trong những thương hiệu hành động giàu tính sáng tạo nhất đầu thập niên 2000. Tuy nhiên, những tập phim sau này thường bị chê về chất lượng. Phần chín ra mắt giữa năm ngoái chỉ đạt điểm trung bình 59% trên trang Rotten Tomatoes. Nhưng phim vẫn thành công tại phòng vé với doanh thu 726 triệu USD nhờ người hâm mộ toàn cầu. Thương hiệu phim sẽ kết thúc ở phần 11, với hai tập cuối do Justin Lin – nhà làm phim người Mỹ gốc Đài Loan – đạo diễn.
Transformer (4,84 tỷ USD)
Thương hiệu lấy cảm hứng từ dòng đồ chơi người máy cùng tên do Nhật Bản và Mỹ hợp tác sản xuất. Đạo diễn Michael Bay góp công xây dựng tên tuổi của loạt phim trong năm phần đầu. Các tác phẩm thu hút với tạo hình của dàn robot và những cảnh hành động hoành tráng, kỹ xảo đẹp mắt.
Giới phê bình đánh giá thành công của Transformer có ảnh hưởng lớn tới dòng hành động giai đoạn cuối thập niên 2000. Hollywood chi nhiều tiền hơn cho các phim lấy cảm hứng từ đồ chơi trẻ em như, là bước đệm cho nhiều thường hiệu Trolls, G.I. Joe, The Lego Movie… ra đời.
Tuy nhiên, thương hiệu dần hụt hơi những năm gần đây khi các tác phẩm Bumblebee (2018), Transformers: The Last Knight (2017) chịu lỗ tại phòng vé. Năm ngoái, hãng Paramount khởi quay phần tiếp theo Transformers: Rise of the Beasts, dự kiến phát hành năm 2023 nhằm tìm lại thành công cho loạt phim.
Mission Impossible(3,5 tỷ USD)
Mission: Impossible do Tom Cruise sản xuất và đóng chính, lấy cảm hứng từ series truyền hình ăn khách cùng tên thập niên 1960 của kênh CBS. Tài tử vào vai Ethan Hunt, một điệp viên thuộc tổ chức IMF – đơn vị chuyên thực hiện những nhiệm vụ không tưởng của chính phủ Mỹ. Trải qua sáu phần, thương hiệu chi ra khoảng 828 triệu USD và thu về hơn 3,5 tỷ USD.
Tom Cruise mới hoàn thành việc ghi hình cho phần bảy, ấn định lịch ra rạp vào tháng 9. Tài tử 60 tuổi hiện bắt tay vào sản xuất phần tám, dự kiến phát hành vào giữa 2023.
Terminator(2,1 tỷ USD)
Ra mắt lần đầu năm 1984, thương hiệu xoay quanh câu chuyện về robot Kẻ hủy diệt (Arnold Schwarzenegger đóng). Gã được cử từ tương lai trở về thập kỷ 1980 để giết Sarah Connor – người sẽ sinh ra vị anh hùng cứu nhân loại khỏi sự thâu tóm của trí tuệ nhân tạo. Dù có kinh phí thấp (khoảng 6,4 triệu USD), phần một Terminator trở thành hiện tượng phòng vé với doanh thu hơn 78 triệu USD.
Bộ phim được khen ngợi nhờ kịch bản mới lạ so với thể loại khoa học viễn tưởng, hành động cùng thời. Nhiều khán giả cũng khen ngợi tạo hình của Schwarzenegger trong vai robot sát thủ. Năm 2008, Thư viện Quốc hội Mỹ xếp hạng tác phẩm thuộc dạng bảo tồn vì có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ trong ngành điện ảnh. Thành công của phần một cũng biến Terminator thành thương hiệu giải trí với nhiều sản phẩm đồ chơi, truyện tranh ăn theo, nâng tổng doanh thu lên mức hơn 3 tỷ USD.
The Matrix(1,7 tỷ USD)
Ra mắt cuối thập niên 1990, thương hiệu được đánh giá là tượng đài của thể loại phim hành động, khoa học viễn tưởng. Kịch bản xoay quanh Neo (Keanu Reeves đóng) mắc kẹt trong thế giới ảo tên Ma Trận, nơi trí tuệ nhân tạo (AI) vươn lên nắm quyền cai trị. Anh lãnh đạo đội quân giải phóng chiến đấu với mong ước đòi lại tự do cho nhân loại.
Phần phim đầu tiên gây tiếng vang lớn, đoạt bốn giải Oscar các hạng mục kỹ xảo, dựng phim, âm thanh và chỉnh âm. Hai phần tiếp theo The Matrix Reloaded và The Matrix Revolutions đều ra mắt năm 2003 không được đánh giá cao nhưng vẫn thành công thương mại. Loạt phim cũng mở ra hàng loạt trò chơi điện tử, hoạt hình ăn theo. Các chuyên gia tài chính ước tính tổng sản phẩm thuộc thương hiệu The Matrix trị giá khoảng 3 tỷ USD, tính cả doanh thu phòng vé.
Năm 2021, hãng Warner Bros. phát hành phần phim thứ tư – The Matrix Resurrections. Tác phẩm không đạt thành công như mong đợi, chỉ thu về khoảng 140 triệu USD toàn cầu. Theo Screen Rant, nguồn tin nội bộ của Warner Bros. cho biết hãng không còn hứng thú đầu tư cho tập phim tiếp theo.
Với 1,69 tỷ USD doanh thu toàn cầu, Spider-Man: No Way Home hiện trở thành phim ăn khách thứ sáu mọi thời. Tác phẩm không chỉ thỏa mãn cơn khát của khán giả sau nhiều năm chờ đợi mà còn đánh dấu sự trở lại của hàng loạt gương mặt quen thuộc gắn với thương hiệu. Trong đó, sự xuất hiện của Andrew Garfield khiến người hâm mộ bất ngờ, trở thành đề tài gây sốt trên mạng xã hội Twitter. Nhiều ý kiến đánh giá cao cách Garfield tái hiện nhân vật, giới phê bình cho rằng anh thực sự được khán giả đón nhận sau khi thất bại với vai diễn cách đây bảy năm.
Trong số các diễn viên từng đóng Người Nhện, Andrew Garfield được cho là người có “số đen” nhất vì chỉ tham gia đúng hai phần The Amazing Spider-Man – do Marc Webb đạo diễn – lần lượt ra mắt năm 2012 và 2014. Riêng phần sau chỉ đạt hơn 700 triệu USD phòng vé, là phim có doanh thu thấp nhất thương hiệu. Tác phẩm bị khán giả quay lưng đồng thời nhận sự ghẻ lạnh từ giới phê bình, xếp loại “thối” trên Rotten Tomatoes với điểm số 52%.
Gần mười năm sau khi The Amazing Spider-Man ra mắt, các trang như Collider, Insider hay SCMP vẫn giữ nguyên quan điểm, đánh giá Andrew Garfield là diễn viên đóng Người Nhện chán nhất. Tất cả đều đặt anh ở vị trí cuối hoặc áp chót trong danh sách xếp hạng các diễn viên từng thể hiện hoặc lồng tiếng nhân vật. Sự thất bại của tác phẩm là một trong những lý do khiến Sony quyết định khai tử loạt phim Người Nhện của Garfield, không tiếp tục đầu tư phần ba mà chuyển sang cộng tác với Marvel để phát triển loạt phim mới do Tom Holland đóng chính.
Thế nhưng, Người Nhện là vai diễn mang tính bước ngoặt với một diễn viên Anh tìm cách phát triển sự nghiệp ở Hollywood như Andrew Garfield. Trước đó, ngôi sao sinh năm 1983 chủ yếu đóng truyền hình và tham gia một số vai phụ trong phim điện ảnh ở quê nhà. Học diễn xuất từ năm lên chín nhưng mãi đến năm 2010, anh mới được khán giả biết đến nhiều hơn qua phim giả tưởng Never Let Me Go – đóng cùng Carey Mulligan, Keira Knightley – và vai phụ trong The Social Network.
Sau nhiều năm, Andrew Garfield vẫn dành nhiều cảm xúc cho vai Người Nhện. Trên Variety, ngôi sao nói anh yêu nhân vật và hạnh phúc khi được làm việc cùng dàn diễn viên tuyệt vời. “Với tôi đó là niềm vui và cảm giác trọn vẹn. Có nhiều câu hỏi chưa giải đáp về nhân vật của tôi khi dự án kết thúc. Tôi phải quay lại và chữa lành cho anh ta”, Garfield nói.
Thất bại với Người Nhện là động lực để Garfield tập trung trau dồi diễn xuất và được ghi nhận. Sau The Amazing Spider-Man2, diễn viên không tham gia bất kỳ dự án bom tấn nào. Thay vào đó, anh chọn kịch bản khắt khe hơn, chỉ nhận các vai nặng ký trong phim chính kịch, tâm lý. Năm 2016, Garfield lần lượt xuất hiện trong phim của hai đạo diễn tên tuổi là Martin Scorsese (Silence) và Mel Gibson (Hacksaw Ridge). Để hóa thân trong phim Scorsese, ngôi sao chấp nhận giảm hơn 18 kg và dành một năm học làm giáo sĩ ở xứ Wales. Trong khi đó, vai bác sĩ thời Thế chiến Hai trong Hacksaw Ridge nhận nhiều lời khen, mang về cho anh đề cử đầu tiên ở hạng mục “Nam chính xuất sắc” tại Oscar 2017.
Bên cạnh điện ảnh, Garfield còn đầu tư sự nghiệp sân khấu. Năm 2017, anh gây tiếng vang khi thể hiện nhân vật Prior Walter trong vở Angels in America tại Nhà hát Quốc gia London. Vai diễn giúp anh bén duyên với đạo diễn Lin-Manuel Miranda – tác giả hai vở nhạc kịch In the Heights và Hamilton, từng thắng nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Ngay khi nhìn thấy ngôi sao trên sân khấu, Miranda quyết định Garfield là lựa chọn duy nhất cho vai chính trong phim điện ảnh đầu tay Tick, Tick… Boom! ra mắt hồi tháng 11/2021.
Chuyển thể từ vở nhạc kịch nổi tiếng cùng tên của Jonathan Larson, Tick, Tick… Boom! là dự án phim nhạc kịch được chờ đón ngay từ khi lên kế hoạch sản xuất. Trong phim, Andrew Garfield vào vai Jon, nhà soạn nhạc trẻ tuổi sống ở New York thập niên 1990, mong muốn tạo ra một tác phẩm vĩ đại nhưng kiệt sức vì lạc lối. Jon liên tục gặp khủng hoảng tuổi 30, có lúc muốn buông xuôi tất cả, mất hết ý chí và nghĩ bản thân chọn sai nghề khi theo đuổi nghệ thuật biểu diễn.
Vai diễn đến với Garfield vào đúng thời điểm anh gặp khó khăn về tinh thần. Cuối năm 2019, mẹ ngôi sao đột ngột qua đời vì ung thư không lâu trước khi phim bước vào khâu sản xuất. Trên Today, Garfield cho biết mẹ có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp, khiến anh quyết định theo đuổi diễn xuất. Ngôi sao vượt qua nỗi mất mát bằng cách dồn sức cho tác phẩm, dành vai diễn như lời tri ân đến người mẹ quá cố.
Thử thách đặt ra với Andrew Garfield là nhân vật được viết dựa trên chính cuộc đời Jonathan Larson – cha đẻ nguyên tác kiêm nhà soạn kịch nổi tiếng thập niên 1990. Anh phải thể hiện các ca khúc trong phim do Larson sáng tác, dù ngoài đời chưa hát ở đâu ngoài phòng tắm. Garfield cho biết còn chưa bao giờ thử hát karaoke với bạn dù chỉ một lần. Để hoàn thiện vai diễn, ngôi sao phải dành một năm làm việc với nhiều giáo viên thanh nhạc, học hát như ca sĩ chuyên nghiệp và tập chơi piano. Diễn viên thường xuyên nghiên cứu những màn trình diễn của Larson trên Youtube để có thể lột tả được tinh thần nghệ sĩ một cách chuẩn xác.
Năm 2021 là năm thành công với Andrew Garfield khi cả ba phim anh tham gia lần lượt ra mắt thành công. Bên cạnh Spider-Man: No Way Home, hai tác phẩm Tick, Tick… Boom! và The Eyes of Tammy Faye đều được đánh giá cao. Giới phê bình dự đoán cả hai là những ứng viên sáng giá trên đường đua tranh giải Oscar 2022 sắp tới. Trong đó, vai Jon trong Tick, Tick… Boom! đem lại cho Garfield chiến thắng đầu tiên tại giải Quả Cầu Vàng ở hạng mục “Nam chính xuất sắc phim hài/nhạc kịch”. Ngôi sao vượt qua nhiều đối thủ nặng ký như Leonardo DiCaprio (phim Don’t Look Up) hay Peter Dinklage (phim Cyrano).
Ngoài đời Andrew Garfield là người kín tiếng, hầu như không chia sẻ về chuyện đời tư. Mối tình duy nhất truyền thông đưa tin là với Emma Stone – bạn diễn trong hai phần The Amazing Spider-Man. Bộ đôi đóng nhân tình trên phim và dần nảy sinh tình cảm ngoài đời. Theo một số nguồn tin, chuyện tình sớm chấm dứt vì cả hai đều quá bận rộn phát triển sự nghiệp riêng.
Sơn Phước
Lý do ‘Spider-Man 3’ vượt mốc một tỷ USD giữa đại dịch
Theo Sohu, hôm 24/1, cảnh sát thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang công bố kết quả điều tra vụ công ty sản xuất Đương gia chủ mẫu tố cáo bị bôi nhọ vì tin đồn “ngược đãi động vật”. Theo đó, tin đoàn phim đầu độc mèo không đúng sự thật, gây mất trật tự môi trường Internet. Cơ quan chức năng bắt giữ ba nghi phạm liên quan.
Phim phát sóng hồi tháng 12/2021, có cảnh mèo trắng giãy chết. Sau đó, một số người đăng bài tố cáo êkíp giết mèo để thực hiện cảnh quay. Tiếp đến, hàng trăm nghìn khán giả tấn công fanpage của phim Đương gia chủ mẫu, chấm điểm thấp cho tác phẩm, chỉ trích êkíp ngược đãi động vật.
Đơn vị sản xuất cho biết thuê mèo để thực hiện cảnh quay, quá trình ghi hình có sự giám sát của chủ. Con vật không bị thương cũng không chết vì quay phim. Tuy vậy, một số tài khoản mạng xã hội tự nhận “diễn viên quần chúng”, tiết lộ đoàn phim nói dối, che giấu sự thật.
Êkíp cho rằng sự việc ảnh hưởng tới uy tín của diễn viên cũng như đơn vị sản xuất, vì thế ngừng thanh minh, báo cảnh sát làm rõ sự việc. Đương gia chủ mẫu ghi hình ở trường quay Hoành Điếm, do Vương Hiểu Minh và Quốc Hạo đạo diễn, dàn diễn viên gồm Tưởng Cần Cần, Trương Huệ Văn, Dương Dung, Huệ Anh Hồng, Huỳnh Dịch, Vương Diễm…
Theo trang 163, việc nghi phạm bị bắt vì tung tin giả thể hiện động thái cứng rắn của cơ quan chức năng nhằm chỉnh đốn tình trạng bạo lực Internet, đăng tin thất thiệt bôi nhọ người khác. Từ tháng 8/2021 đến nay, hàng chục nghìn tài khoản mạng xã hội bị xóa sổ, cấm đăng bài do tung tin giả, khiêu khích, lăng mạ người khác. Tháng 12/2021, ba người, gồm hai nam và một nữ, bị bắt vì tung tin đồn diễn viên Đồng Lệ Á “quan hệ bất chính với chính trị gia”.
Như Anh (theo Sohu)
Ba người bị bắt vì ‘tung tin thất thiệt’ về Đồng Lệ Á
Theo Variety, Dinklage trao đổi về phong trào “Woke” (thức tỉnh) trong làng phim trên một chương trình podcast hôm 24/1. Anh cho rằng nhiều hãng sản xuất, trong đó có Disney, đạo đức giả. Diễn viên lấy ví dụ đoàn phim Snow White thông báo tuyển diễn viên gốc Latin cho vai Bạch Tuyết nhằm thể hiện sự đổi mới trong tư duy về sắc tộc trên màn ảnh. Tuy nhiên, anh bức xúc khi họ tiếp tục kể câu chuyện có góc nhìn miệt thị cộng đồng người lùn.
Dinklage nói: “Tôi không có ý công kích ai nhưng cảm thấy bất ngờ khi họ tự hào tuyển nữ diễn viên gốc Latin cho vai Bạch Tuyết. Ngược lại, họ vẫn kể câu chuyện về Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Hãy thử nghĩ xem, điều đó khiến tôi thật khó hiểu. Họ cho rằng mình tiến bộ và rồi làm phim về bảy chú lùn sống bầy đàn trong hang động”.
Disney lên kế hoạch phát hành Snow White trong năm 2023, hiện không tiết lộ thông tin về kịch bản. Peter Dinklage cho biết hy vọng hãng đưa ra nhiều góc nhìn mới mẻ trong kịch bản lần này. Tuy nhiên, anh không hài lòng với việc Hollywood tiếp tục khai thác câu chuyện cổ tích mượn hình ảnh người lùn để kiếm lời.
Snow White dựa trên nguyên tác truyện cổ Grimm, kể về công chúa Bạch Tuyết. Sau khi mồ côi, cô sống cùng mẹ kế Evil Queen nhưng bị bà ta sai người hãm hại vì ghen tỵ nhan sắc. Với sự giúp đỡ của bảy chú lùn, Bạch Tuyết thoát nạn và sau đó tìm được tình yêu, hạnh phúc của đời mình.
Dự án từng gây tranh cãi khi chọn người đẹp da màu Rachel Zegler vào vai Bạch Tuyết. Diễn viên sinh năm 2001 ở New Jersey (Mỹ), có mẹ người Colombia, bố gốc Ba Lan. Zegler toát lên nét đẹp Latin khỏe khoắn với mái tóc đen, da nâu, môi dày. Trên Twitter, nhiều khán giả cho rằng nguyên tác cổ tích của nước Đức mô tả nhân vật “da trắng như tuyết”. Họ so sánh Rachel Zegler với Lily Collins – người từng tái hiện thành công vai Bạch Tuyết trong bộ phim Mirror Mirror năm 2012.
“Woke” là từ thường được sử dụng tại Mỹ, nói về việc nâng cao nhận thức về các định kiến trong xã hội như phân biệt chủng tộc, giới tính hay kỳ thị cộng đồng LGBTQ+… Đầu thập niên 2010, nó trở thành phong trào ở Hollywood khi các hãng phim đua nhau làm tác phẩm lấy cảm hứng từ tinh thần này.
Peter Dinklage, sinh năm 1969 tại New Jersey (Mỹ), mắc hội chứng “người lùn” và chỉ cao 1,35 m. Giữa thập niên 1990, anh bén duyên diễn xuất sau khi làm việc cho một số rạp hát địa phương. Dinklage được công chúng ngưỡng mộ nhờ suốt sự nghiệp nói “không” với những phim hài chế giễu người lùn. Diễn viên gây tiếng vang với series Game of Thrones, đóng nhân vật Tyrion Lannister thông minh, giàu mưu lược. Trong sự nghiệp, anh đoạt nhiều giải thưởng như Emmy, Quả Cầu Vàng, SGA và được trao biệt danh “vua lùn” của Hollywood.
Trong chương trình “Cinetalk – Nhìn lại điện ảnh 2021” với chủ đề “Bước chuyển hoá trong nhu cầu giải trí của khán giả” do Xinê House tổ chức, khách mời cùng người dẫn dắt – Liên Bỉnh Phát đã bàn luận về xu hướng phim trong, sau dịch từ góc nhìn của một khán giả và người làm nghề.
Nhu cầu xem phim tại nhà trong dịch
Theo các khách mời, trong hơn 2 năm qua, dịch bệnh tác động mạnh đến thị trường giải trí. Theo đó, xu hướng xem phim trên OTT (Over The Top – các nền tảng giải trí trực tuyến) tăng mạnh.
Diễn viên Quang Tuấn chia sẻ, trong thời gian dịch cao điểm tại TP HCM, anh buộc thay đổi một số thói quen khi không được đi đóng phim, diễn kịch tại sân khấu. Ngoài phụ vợ chăm con, làm bánh, đọc sách, anh tìm đến các ứng dụng xem phim trực tuyến để giải trí, khoả lấp nỗi nhớ phim trường. Các nền tảng này đã được cải thiện rất nhiều cả về số lượng và chất lượng.
Nữ người mẫu – diễn viên Phan Ngân cũng cho biết, trước đây, cô là tín đồ của phim chiếu rạp, từng xem 2-3 lần một ngày. Tuy nhiên, khi dịch bệnh chuyển biến phức tạp, rạp chiếu phim buộc đóng cửa để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch. Do đó, người đẹp cũng như nhiều người dân tìm đến những nền tảng phát phim trực tuyến.
Theo cô, hình thức này còn rất thuận tiện, sở hữu lượng phim lớn nên người dùng có thể đổi nhiều thể loại. “Ngoài ra, tôi có thể tìm xem những bộ phim kinh điển với chất lượng tốt hay xem lại phim mình từng đóng bất kể khi nào và bao nhiêu lần cũng được”, diễn viên Phan Ngân nói thêm.
Khán giả hưởng lợi khi các nền tảng tăng tốc đầu tư
Các khách mời nhận định, trong cuộc đua OTT nội địa và quốc tế về sự đầu tư nội dung và các ưu đãi đi kèm, khán giả là người được hưởng lợi. Khi nhu cầu của khán giả tăng, các đơn vị sở hữu nền tảng sẽ tìm cách thích nghi, bắt kịp xu hướng.
Song song, khán giả cũng dần quen với việc chi khoản tiền nhất định để được tiếp cận với nhiều bộ phim chất lượng. Khi dịch bệnh kiểm soát, có thể ra rạp như trước, người xem lại có sự khắt khe khi chọn phim, yêu cầu chất lượng cũng cao hơn.
Đạo diễn Luk Vân cho biết, các bạn trẻ đã sớm tiếp cận với công nghệ, thế giới quan được mở rộng nên khi làm phim điện ảnh, truyền hình hay series, người làm phim cũng phải chú trọng nâng cao chất lượng vì chỉ có yếu tốc mới thuyết phục khán giả chọn xem phim của mình. Nếu không, phim sẽ bị đào thải.
“Phim hiện nay không chỉ cần nội dung hay, quay đẹp, mà diễn viên, bối cảnh cũng phải đẹp. Từ yêu cầu này, thị trường xuất hiện những cuộc cạnh tranh lành mạnh bởi ai làm hay hơn, khán giả sẽ tìm đến”, đạo diễn nói thêm.
Diễn viên Liên Bỉnh Phát và đạo diễn Luk Vân nhận định trải nghiệm xem phim tại rạp vẫn rất thú vị, khó có thể thay thế bởi tính cộng hưởng nhiều yếu tố bên cạnh chất lượng phim. Tuy nhiên, trên các nền tảng OTT, chất lượng phim đã được nâng cấp và sự đầu tư này tạo ra những “cú nổ lớn”. Thời gian qua, khi Squid Game (Trò chơi con mực) – series do Netflix kết hợp nhà làm phim cùng Hàn Quốc thực hiện, tạo nên hiện tượng trên toàn cầu thu về nguồn lợi khủng. Theo đó, các đơn vị khác có thể tiếp thêm niềm tin vào việc đầu tư xứng đáng, kết quả thu về sẽ khả quan.
Khi đó, khán giả là người hưởng lợi nhiều nhất vì có thể xem nhiều phim trên nhiều ứng dụng khác nhau, tiếp cận những sản phẩm phim ảnh chất lượng nhờ vào phát triển của công nghệ. “Chính nhu cầu cao của khán giả đối với phim ảnh cũng là động lực để cho những nhà làm phim hoàn thiện mình hơn để đáp ứng đúng nhu cầu”, Liên Bỉnh Phát chia sẻ thêm.