Category: Tin Tức Phim

  • ‘Emily in Paris’ có thêm hai phần

    Ngày 11/1, Netflix thông báo duyệt kế hoạch sản xuất mùa ba và bốn cho series ăn khách Emily in Paris. Nhà làm phim Darren Star – từng thành công với thương hiệu Sex and the City – tiếp tục chỉ đạo nội dung. Tony Hernandez (JAX Media), Lilly Burns (JAX Media) và Andrew Fleming tham gia sản xuất.

    Emily in Parsis trailer Lily Collins

     
     

    Trailer “Emily in Paris”. Video: Netflix

    Kịch bản xoay quanh Emily Cooper (Lily Collins đóng) sống tại Chicago (Mỹ) và làm việc trong lĩnh vực quảng cáo thời trang. Cô thay sếp đến Paris (Pháp) một năm để giám sát quá trình mua lại một công ty quảng cáo ở đây nhằm mở rộng thị trường ở châu Âu. Emily gặp nhiều rắc rối với nền văn hóa và con người Paris. Tác phẩm khai thác những sự khác biệt này để tạo các tình tiết gây cười.

    Series ban đầu thuộc bản quyền của kênh Paramount, sau đó bán lại cho Netflix. Hai phần đầu gây chú ý, thu hút hàng chục triệu lượt xem và vào top 10 phim thịnh hành trên nền tảng phim trực tuyến này. Bên cạnh Lily Collins, series quy tụ dàn sao như Philippine Leroy Beaulieu, Lucas Bravo, Samuel Arnold…

    Khi mới phát sóng, Emily in Paris từng nhận làn sóng chỉ trích từ khán giả Pháp, cho rằng bộ phim xúc phạm và chế giễu văn hóa nơi đây. Tác phẩm cường điệu hóa những đặc điểm của người dân Paris để gây cười. Tuy nhiên, phim đón nhận sự ủng hộ của một số đối tượng khán giả khác, cho rằng sự châm biếm trong phim nhẹ nhàng và thú vị. Trang Rotten Tomatoes nhận xét: “Dù mang nhiều định kiến về nước Pháp, Emily in Paris là một bộ phim giả tưởng lãng mạn đặc thù có chất lượng tốt, với trang phục đẹp mắt và những màn diễn xuất quyến rũ”.

    Đạt Phan

  • ‘The Power of the Dog’ là phim xuất sắc Quả Cầu Vàng 2022

    Lễ trao giải Quả Cầu Vàng 2022 diễn ra sáng 10/1 (giờ Hà Nội) theo hình thức kín, không phát trực tiếp trên truyền hình, không thảm đỏ. Ban tổ chức cập nhật kết quả trên website và các nền tảng mạng xã hội.

    The Power of the Dog thắng một trong những giải quan trọng nhất. Tác phẩm đánh dấu sự trở lại của đạo diễn người New Zealand Jane Campion – nổi tiếng với The Piano (1993), Holy Smoke!(1998), Bright Star (2009)… – sau 12 năm không làm phim điện ảnh.

    >>> ‘The Power of the Dog’ – cuộc chiến tâm lý

    Phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thomas Savage, xoay quanh Phil Burbank (Benedict Cumberbatch), một cao bồi sống ở miền Tây nước Mỹ. Anh luôn tỏ ra gia trưởng, nam tính nhưng thực chất để che giấu bí mật của bản thân.

    Ngoài giải cho phim, Jane Campion thắng đạo diễn xuất sắc. Diễn viên trẻ người Australia Kodi Smit-McPhee giành giải hạng mục nam phụ với vai chàng trai trẻ sống tại miền Tây nước Mỹ. Nhân vật dần nảy sinh mối quan hệ đồng tính với cao bồi lớn tuổi do Benedict Cumberbatch đóng.

    Trailer 'The Power of the Dog'

     
     

    Trailer “Power of the Dog”. Video: YouTube Netflix

    Minh tinh Nicole Kidman có Quả Cầu Vàng thứ tư với giải nữ chính mảng điện ảnh chính kịch cho phim Being the Ricardos. “Thiên nga Australia” vào vai ngôi sao truyền hình Lucille Ball trong giai đoạn cuộc hôn nhân của bà với Desi Arnaz sắp tan vỡ. Trong sự nghiệp, Kidman từng 16 lần nhận đề cử Quả Cầu Vàng. Giải nam chính được trao cho Will Smith với vai Richard Williams – cha của hai ngôi sao quần vợt Venus và Serena Williams. Smith được giới phê bình đánh giá là ứng viên sáng giá của đường đua Oscar 2022.

    >>> Danh sách giải thưởng Quả Cầu Vàng 2022

    Bom tấn West Side Story của đạo diễn Steven Spielberg là phim hài/nhạc kịch xuất sắc. Tác phẩm lấy cảm hứng từ vở nhạc kịch và bộ phim kinh điển cùng tên ra đời giữa thế kỷ 20. Kịch bản lấy bối cảnh New York cuối thập niên 1950, xoay quanh vụ tranh chấp địa bàn giữa các băng đảng thanh niên da trắng và dân nhập cư Puerto Rico.

    Trailer phim "West side Story"

     
     

    Trailer “West Side Story”. Video: 20th Century Studios

    Rachel Zegler thắng giải nữ chính hạng mục điện ảnh hài/nhạc kịch với vai đầu tay – cô gái nhập cư Maria Vasquez – trong bom tấn West Side Story. Andrew Garfield lần đầu nhận Quả Cầu Vàng sau ba lần đề cử với vai chính trong phim âm nhạc tick…tick…BOOM!. Anh cũng được giới chuyên môn dự đoán là ứng viên sáng giá trong đường đua Oscar.

    Tác phẩm Drive My Car của Nhật Bản là “Phim không nói tiếng Anh xuất sắc”, trong khi Encanto của hãng Disney thắng phim hoạt hình của năm. Theo Variety, từ năm sau, HFPA cho phép phim hoạt hình và phim không nói tiếng Anh tranh tài các giải phim hay nhất (hạng mục chính kịch và hài/nhạc kịch).

    Kenneth Branagh nhận giải “Kịch bản xuất sắc” với phim Belfast. Nhà soạn nhạc Hans Zimmer được trao Quả Cầu Vàng thứ ba – trong 15 đề cử – với phần nhạc nền bom tấn viễn tưởng Dune. Ngôi sao nhạc pop Billie Eilish cùng anh trai Finneas O’Connell thắng giải “Ca khúc nhạc phim hay nhất” với No Time To Die.

    'No Time To Die' - Billie Eilish

     
     

    Ca khúc “No Time To Die” – Billie Eilish. Video: YouTube Billie

    Ở lĩnh vực truyền hình, series Succession của HBO vượt Squid Game và thắng hạng mục “Series chính kịch xuất sắc”. Loạt phim xoay quanh bốn người con trong một gia đình giàu có, tiếp quản tập đoàn của cha sau khi ông qua đời. Phim cũng nhận thêm hai giải cho Jeremy Strong – hạng mục nam diễn viên và Sarah Snook hạng mục Nữ phụ.

    O Yeong Su trong vai Oh Il Nam phim Squid Game. Ảnh: Netflix

    O Yeong Su trong vai Oh Il Nam phim “Squid Game”. Ảnh: Netflix

    Diễn viên Hàn Quốc O Yeong Su gây bất ngờ khi thắng giải “Nam phụ xuất sắc trong series, limited series và phim truyền hình” với vai diễn trong Squid Game. Ông hóa thân Oh Il Nam, người chơi lớn tuổi số 001. Theo Chosun, O Yeong Su từ một gương mặt xa lạ với công chúng ngay cả ở Hàn Quốc trở thành ngôi sao thế giới sau Squid Game. O Yeong Su tên thật là O Se Kang, sinh năm 1944 tại Gyeonggi. Diễn viên bắt đầu đóng phim từ năm 1967, hiện góp mặt trong hơn 200 tác phẩm.

    Trước lễ trao giải, êkíp Hàn Quốc thông báo sẽ không đến Mỹ dự chương trình. Squid Game còn hai đề cử “Series chính kịch” và giải nam chính cho Lee Jung Jae nhưng không chiến thắng.

    Trailer Squid Game

     
     

    Trailer “Squid Game”. Video: Netflix

    Jason Sudeikis lần thứ hai liên tiếp giành danh hiệu “Nam chính series hài – nhạc kịch” với vai trong Ted Lasso. Michaela Jaé Rodriguez trở thành người chuyển giới đầu tiên thắng Quả Cầu Vàng với vai chính Bianca Rodriguez trong series chính kịch Pose.

    Hai ngôi sao gạo cội Michael Keaton và Kate Winslet lần lượt chia nhau giải nam – nữ chính trong mảng series, limited series và phim truyền hình. Winslet có Quả Cầu Vàng thứ tư trong sự nghiệp với vai nữ thám tử trong Mare of Easttown. Keaton thắng nhờ vai chính trong Dopesick.

    Lễ trao giải diễn ở khách sạn Beverly Hiltonra trong bối cảnh đơn vị tổ chức – Hiệp hội Báo chí Nước ngoài ở Hollywood (HFPA) – bị tẩy chay vì bê bối không có người da đen trong hội đồng chấm giải. Đài NBC – đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình – không phát sóng chương trình. Theo Variety, nhiều sao Hollywood từ chối tham dự.

    HFPA cho biết hội đã nỗ lực thay đổi và tuyển thêm 21 thành viên mới. Trong lễ trao giải, ban tổ chức giới thiệu kế hoạch 5 năm nhằm cải tổ lại hệ thống giám khảo và hỗ trợ những dự án nhằm tăng tính đa dạng sắc tộc, giới tính… ở Hollywood. HPFA cũng khẳng định là một trong những tổ chức đóng góp nhiều cho cộng đồng, đã quyên góp hơn 50 triệu USD cho các dự án từ thiện trong 25 năm qua.

    Đạt Phan

  • The Lost Daughter’: Nỗi đau người mẹ bỏ rơi con

    * Bài viết tiết lộ nội dung phim

    Phim đầu tay Maggie Gyllenhaal đạo diễn và viết kịch bản là một trong những dự án điện ảnh gây chú ý nhất trước mùa Oscar 2022. Tác phẩm ra mắt tại Liên hoan phim Venice hồi tháng 9/2021 và thắng giải Golden Osella (Kịch bản hay nhất), phát hành công khai trên Netflix đầu năm nay. Dự án quy tụ dàn diễn viên giàu thực lực như ngôi sao đoạt giải Oscar Olivia Colman, minh tinh 50 sắc thái Dakota Johnson…

    The Lost Daughter trailer

     
     

    Trailer “The Lost Daughter”. Video: Netflix

    Kịch bản dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Italy Elena Ferrante. Câu chuyện xoay quanh nữ giáo sư văn học tuổi trung niên Leda (Olivia Colman đóng), sống và làm việc ở Cambridge, gần Boston (tức đại học Harvard). Nghỉ hè, bà một mình đến vùng biển ở Hy Lạp du lịch tìm sự yên tĩnh và gặp Nina (Dakota Johnson), phụ nữ trẻ có con gái Elena ba tuổi. Một hôm, khi đang cãi nhau với chồng, Nina để lạc con. Leda giúp cô tìm lại Elena nhưng bí mật trộm búp bê của cô bé và giấu ở phòng khách sạn.

    Những ngày sau, gia đình Nina làm nhiều cách để tìm lại món đồ chơi, nhằm giúp Elena vui lên. Trong khi đó, Leda âm thần quan sát và phát hiện nhiều bí mật riêng tư của dân địa phương. Kỳ nghỉ của nữ giáo sư dần trở thành cuộc đấu tranh tư tưởng của bà, người từng quyết định bỏ chồng và các con để sống tự do theo ý mình.

    The Lost Daughter là một tác phẩm giàu tính nữ, từ câu chuyện, nhân vật cho đến ngôn ngữ điện ảnh.

    Phim khai thác chủ đề ẩn chứa tranh cãi về thiên chức của phụ nữ. Hai nhân vật Leda và Nina đối lập về xuất thân, học vấn và tính cách. Họ có một điểm chung – cùng trở nên kiệt sức khi nuôi con. Leda từng là cô gái trẻ mê văn học và sống đầy nhiệt huyết, phóng khoáng. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân cùng việc nuôi hai con gái khiến bà khủng hoảng, dẫn đến những vết thương nặng nề về tâm lý. Trong khi đó, Nina dần nếm trải sự căng thẳng khi một mình nuôi bé Elena vì người chồng vô trách nhiệm, thường bỏ bê hai mẹ con.

    Olivia Colman vào vai phụ nữ trung niên có quá khứ nhiều tổn thương chuyện chồng con. Ảnh: Netflix

    Olivia Colman vào vai phụ nữ trung niên có quá khứ nhiều tổn thương chuyện chồng con. Ảnh: Netflix

    Nina như là quá khứ của Leda và bà cũng đồng cảm, lo lắng cho tương lai của cô. Bà chứng kiến Nina đối mặt nhiều khó khăn, đưa ra các hành động tương tự mình trong quá khứ. Suốt bộ phim, nữ giáo sư cố gắng giúp đỡ nhưng không biết phải làm sao cho đúng vì bản thân cũng hoang mang, đau đớn với những lựa chọn của mình.

    Đạo diễn Maggie Gyllenhaal chọn những hình ảnh giàu tính nữ lên màn ảnh. Nước xuất hiện xuyên suốt bộ phim, từ biển, bồn tắm cho đến những hạt mưa. Những làn nước tạo cảm giác dịu dàng nhưng đôi khi cũng đầy sóng gió, như số phận và tính cách các nhân vật chính. Gyllenhaal dành nhiều thời lượng cho những cảnh quay cận tập trung bộ phận liên tưởng đến nữ giới như ngực, hông… Các phân đoạn khỏa thân trong phim không tạo cảm giác phản cảm, gợi dục. Những hình thể đối lập của Leda hai phiên bản già – trẻ cũng giúp thể hiện thông điệp sự hy sinh của phụ nữ sau khi sinh con.

    Tuyến nhân vật quan trọng trong phim là phụ nữ. Olivia Colman có cơ hội khoe tài diễn xuất trong vai chính. Leda hiện lên độc lập, mạnh mẽ, thanh lịch nhưng đôi khi nhút nhát, kỳ quặc. Ngay từ đầu phim, ngôi sao từng đoạt giải Oscar gây tò mò cho người xem về quá khứ của nhân vật chính bằng hàng loạt hành động khó hiểu. Colman cũng khiến Leda trở nên duyên dáng hơn trên màn ảnh dù bà có nhiều hành động thẳng thắn đến mức thô lỗ. Giới phê bình dự đoán vai diễn nhiều khả năng giúp diễn viên người Anh có đề cử Oscar thứ ba trong sự nghiệp, sau The Favourite (2018) và The Father (2020).

    Dakota Johnson vào vai cô gái trẻ gặp nhiều áp lực cuộc sống vì có con sớm. Ảnh: Netflix

    Dakota Johnson vào vai cô gái trẻ gặp nhiều áp lực cuộc sống vì có con sớm. Ảnh: Netflix

    Dakota Johnson tập trung thể hiện Nina theo hình mẫu cô gái trẻ gặp quá tải khi sinh con quá sớm. Nhân vật xuất hiện với thân hình đầy sức sống nhưng luôn mệt mỏi, vô vọng. Johnson cũng thành công trong việc diễn tả sự dịu dàng, điềm tĩnh với con gái nhỏ tuổi nghịch ngợm, phá phách, dù nhân vật trải qua nhiều căng thẳng trong nội tâm.

    Dù là tác phẩm đầu tay, Maggie Gyllenhaal thể hiện sự chắc chắc và tinh tế khi ngồi ghế đạo diễn. Gần 30 năm kinh nghiệm tại Hollywood trong vai trò diễn viên giúp nhà làm phim không nao núng. Gyllenhaal lồng ghép các phân đoạn quá khứ, hiện tại một cách khéo léo, giữ tiết tấu hợp lý, mạch phim chậm nhưng không lan man. Câu chuyện thời trẻ của Leda (Jessie Buckley đóng) chen giữa những phân đoạn thời hiện tại. Khán giả dần hiểu hơn về nhân vật và những hành động khó hiểu của bà.

    Một số đoạn được đẩy lên cao trào, tạo hồi hộp và tò mò cho người xem. Từ đầu, Leda đã xuất hiện cùng nhiều bí ẩn. Đến cuối, mạch phim trở nên nhanh hơn khi nhân vật để lộ những hành động quái gở với nhóm dân bản xứ. Êkíp chuyển từ tông màu lạnh của nước sang tông màu ấm của đèn đường nhuộm sắc vàng, đỏ, tăng kịch tính và báo hiệu mối nguy hiểm sắp đến với Leda. Giới phê bình đánh giá cao cách Gyllenhaal xây dựng hồi kết phim, cho rằng nó thoát khỏi nguyên tác văn học và đem đến thêm nhiều thông điệp nhân văn cho phim.

    Tác phẩm gồm nhiều chi tiết, lời thoại mang tính biểu tượng, ẩn dụ. Tất cả được cài cắm một cách có chủ đích, xuất hiện trong những phân đoạn quan trọng. Đạo diễn không cung cấp lời giải thích, để khán giả tự suy tưởng. Một số hình ảnh ẩn dụ tiêu biểu trong phim như quả cam, búp bê… Các con gái của Leda và Nina đều yêu cầu mẹ gọt vỏ cam một cách liền mạch, không đứt quãng để tạo thành một vệt dài giống hình con rắn. Hình ảnh khiến người xem liên tưởng đến áp lực không ngừng nghỉ của người mẹ. Trái cam cũng tượng trưng ký ức đẹp hiếm hoi của Leda với các con.

    Jessie Buckley nhận nhiều lời khen với màn thể hiện nhân vật Leda thời trẻ. Ảnh: Netflix

    Jessie Buckley nhận nhiều lời khen với màn thể hiện nhân vật Leda thời trẻ. Ảnh: Netflix

    Đạo diễn chọn lối mở và kết bằng hai phân đoạn phim có nhiều điểm tương đồng – Leda lang thang bên bờ biển. Phương pháp có tên gọi “bookend” này không mới nhưng hiệu quả với câu chuyện The Lost Daughter. Dù cùng bối cảnh, suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật hoàn toàn đối lập sau khi trải qua một hành trình tư tưởng. Đồng thời, cảnh mở đầu như ám chỉ kết phim giống một chi tiết hư ảo, chỉ tồn tại trong tưởng tượng của Leda. Khán giả có thể tự chọn cái kết mình muốn, bi kịch hoặc tươi sáng cho số phận của nữ chính.

    The Lost Daughter nhận nhiều lời khen từ giới phê bình, được xếp hạng “tươi” trên Rotten Tomatoes với 96% đánh giá tích cực trên tổng 181 bài đánh giá. Đa phần khen ngợi trình độ làm phim của Maggie Gyllenhaal và màn thể hiện của dàn diễn viên. Tuy nhiên, tác phẩm chịu những phản ứng đa chiều từ khán giả, chỉ đạt điểm trung bình 45% trên Rotten Tomatoes. Một số chê câu chuyện thiếu hấp dẫn và không đồng tình một số thông điệp.

    Đạt Phan

  • Phim lịch sử ‘Trương Chi Động’ ế ẩm phòng vé

    Theo Sina, công chiếu từ 7/1, doanh thu ngày đầu của phim là 90 nhân dân tệ (320.000 đồng). Tính đến ngày 11/1, tác phẩm thu về 6.790 nhân dân tệ (24,1 triệu đồng) – kết quả tệ nhất trong số các phim phát hành từ đầu năm. Nhiều khán giả thắc mắc nguyên nhân phim ế ẩm ở rạp.

    Phim chủ đề lịch sử ế ẩm phòng vé

     
     

    Cảnh phim “Trương Chi Động”. Video: Bilibili

    Tác phẩm do một số công ty ở Bắc Kinh hợp tác sản xuất, kể cuộc đời của Trương Chi Động – trọng thần cuối thời Thanh. Đạo diễn phim là Tam Sửu, diễn viên chính gồm Lưu Trường Thuần, Sử Khả – những gương mặt khá quen thuộc của màn ảnh Trung Quốc.

    Theo Sohu, lý do quan trọng khiến phim thất bại là quảng bá không đầy đủ. Êkíp chỉ tung một vài trailer trên fanpage. Một chuyên gia cho rằng có thể Trương Chi Động được thực hiện để tuyên truyền nhân vật lịch sử của một địa phương, đơn vị sản xuất không coi trọng doanh thu phòng vé, vì thế ít quảng bá. Phía đoàn phim và công ty sản xuất chưa phản hồi điều này.

    Năm 2021, Trung Quốc có khoảng 1.000 phim ra rạp, trong đó 730 tác phẩm đạt doanh thu hơn một triệu nhân dân tệ (3,56 tỷ đồng), 10 phim doanh thu vượt một tỷ nhân dân tệ (156,8 triệu USD). Năm ngoái, tổng doanh thu phòng vé đạt hơn 47,2 tỷ nhân dân tệ (7,4 tỷ USD), là thị trường phim lớn nhất thế giới.

    Theo tờ Securities Times, Cục Điện ảnh quốc gia Trung Quốc đặt mục tiêu ba năm tới, mỗi năm có khoảng 50 phim quốc nội đạt doanh thu trên 100 triệu nhân dân tệ (15,6 triệu USD), mỗi năm có khoảng 10 phim “đỉnh cao”, vừa hay vừa hút khán giả.

    Như Anh

  • ‘Chuyện ma gần nhà’ hé lộ tạo hình quỷ dữ

    Phim 'Chuyện ma gần nhà' hé lộ tạo hình quỷ dữ

     
     

    Trailer phim “Chuyện ma gần nhà”. Video: Production Q

    Trailer – ra mắt chiều 11/1 – mở đầu với cảnh một nhóm bạn lâu ngày gặp lại, thử thách nhau kể chuyện ma giữa đêm tối. Từ đây, thế giới u tối trong phim dần được gợi mở.

    Loạt thế lực ma quỷ xuất hiện ở nhiều địa điểm như biệt thự, đường phố, nghĩa trang… Các nhân vật lộ diện với bộ dạng quái dị: một thực thể có đôi mắt và cái miệng nằm trong lòng bàn tay, một người phụ nữ bí ẩn để lộ khuôn mặt bị lột sạch lớp da… Nghệ sĩ Mạc Can góp mặt với vai ông cụ đứng trước một bàn thờ, chuẩn bị thực hiện nghi thức cúng tế. Huỳnh Thanh Trực – diễn viên Rừng thế mạng – diễn cảnh một chàng trai hốt hoảng khi thấy tạo hình kinh dị của mình trong gương.

    Đạo diễn Hữu Tấn cho biết kịch bản lấy cảm hứng về các câu chuyện về ma quỷ đồn thổi trong dân gian. Nhiều thập niên trước, các xe nước mía vẽ hình một người con gái với mái tóc đen, tay cầm ly nước mía, giúp nhiều người nhận diện từ xa. Theo tìm hiểu của êkíp, đến nay danh tính cô gái trong bức hình vẫn chưa rõ, từ đó nhiều câu chuyện về nhân vật này được thêu dệt.

    Nữ nghệ sĩ Ngọc Hiệp trong poster phim Chuyện ma gần nhà. Ảnh: Production Q

    Nữ nghệ sĩ Ngọc Hiệp trong poster phim “Chuyện ma gần nhà”. Ảnh: Production Q

    Đạo diễn nói: “Chúng tôi muốn làm một phim kinh dị lấy chất liệu từ cuộc sống đời thường. Văn hóa và tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Việt sẽ là điểm nhấn trong tác phẩm”. Phim còn có sự tham gia của Khả Như, Vân Trang, Ngọc Hiệp, Hữu Tiến, Trần Phong… Dự án là phim mới nhất của đạo diễn Hữu Tấn sau Bắc kim thang (2019) và Rừng thế mạng (2021), dự kiến ra rạp ngày 11/2.

    Tam Kỳ

  • ‘Người đẹp Tây Đô’ sẽ lên màn ảnh rộng

    Đại diện CGV – đơn vị phát hành – cho biết lên ý tưởng quay phim từ hai năm trước, đang trong quá trình hoàn thiện kịch bản. Tác phẩm dự kiến khởi quay đầu năm 2023 và ra mắt cùng năm. Để chuẩn bị cho dự án, êkíp nghiên cứu lại bản truyền hình năm 1996 của đạo diễn Lê Cung Bắc và tư liệu cuộc đời của chiến sĩ tình báo nổi tiếng Lâm Thị Phấn – nguyên mẫu vai Bạch Cúc.

    Teaser poster phim điện ảnh Người đẹp Tây Đô. Ảnh: CGV

    Teaser poster phim điện ảnh “Người đẹp Tây Đô”. Ảnh: CGV

    Thông tin đạo diễn và các thành viên đảm nhận dự án chưa được tiết lộ. Bạch Cúc – vai chính của phim – là nhân vật đầu tiên được casting, dưới sự tư vấn của một số nghệ sĩ từng tham gia bản truyền hình. Đại diện CGV nói: “Kịch bản là phần được chúng tôi chăm chút nhất nhất hai năm qua vì muốn giữ lại tinh thần gốc của phim trong câu chuyện mới. Êkíp biết sẽ có nhiều thử thách để tìm được một Bạch Cúc đúng như mong muốn của chúng tôi và người hâm mộ”.

    Người đẹp Tây Đô là một trong những tác phẩm truyền hình đình đám nhất thập niên 1990, đưa đạo diễn Lê Cung Bắc trở thành bậc thầy của màn ảnh Việt. Phim dựa trên cuộc đời có thật của nữ chiến sĩ tình báo nổi tiếng Lâm Thị Phấn – con một nhà giáo, hiệu trưởng trường trung học tại Cần Thơ. Việt Trinh vào vai Bạch Cúc – cô gái xinh đẹp, nết na nhưng chịu nhiều cay đắng từ khi lấy chồng. Sinh thời, đạo diễn Lê Cung Bắc cho biết gọi điện mời Việt Trinh sau khi casting suốt hai tháng với hàng trăm hoa hậu, người mẫu, diễn viên nhưng không thành. Cô được ông chọn vì có nét đẹp hao hao nguyên mẫu.

    Việt Trinh nổi tiếng với vai Bạch Cúc - cô gái miền Tây chịu đắng cay khi lấy chồng giàu. Ảnh: VFC

    Việt Trinh nổi tiếng với vai Bạch Cúc – cô gái miền Tây chịu đắng cay khi lấy chồng giàu. Ảnh: VFC

    Khi đó, Việt Trinh là ngôi sao đang lên với các phim thương mại như: Lệnh truy nã, Nước mắt học trò, Công tử Bạc Liêu. Cô bị đồn mắc bệnh ngôi sao, hay đi trễ về sớm, ảnh hưởng lịch quay chung. Lãnh đạo hãng sản xuất TFS sợ người đẹp làm ảnh hưởng đến lịch quay, buộc cô viết cam kết tuân thủ giờ giấc. Việt Trinh được đạo diễn Lê Cung Bắc bảo lãnh. Trong cảnh nhân vật Bạch Cúc bị ông hội đồng (nghệ sĩ Thành Trí đóng) đánh, đạo diễn không cho dùng roi giả. Nghệ sĩ Thành Trí nhập tâm quá, vụt mạnh lên người nữ diễn viên. Thấy Việt Trinh khóc vì đau, mọi người hỏi han, còn Lê Cung Bắc Bắc nói: “Ôi nó khóc đẹp quá kìa, quay tiếp”. Khi hoàn thành cảnh quay, ông ra ôm lấy Việt Trinh, nói: “Anh thương em lắm, vì tác phẩm, em ráng chịu”. Cảnh phim được khán giả yêu thích, xuýt xoa khen “diễn mà y như thật”.

    Tác phẩm được khán giả cả nước yêu thích, được coi là hiện tượng phim truyền hình, đưa Việt Trinh trở thành cái tên đại chúng. Tên phim cũng trở thành nickname của diễn viên. Người đẹp từng cho biết có hôm, chị đạp xe chạy lòng vòng mấy ngã tư chỉ để tận hưởng cảm giác người ta í ới gọi mình là “người đẹp Tây Đô” hay “mợ Hai”. Cũng nhờ hiệu ứng phim, Việt Trinh được nhiều bầu show mời đi hát, giao lưu ở các tỉnh thành.

    Hồng Ánh, Việt Trinh trong "Người đẹp Tây Đô"

     
     

    Hồng Ánh, Việt Trinh trong “Người đẹp Tây Đô”. Video: VFC

    Bộ phim cũng góp phần tạo tên tuổi cho Hồng Ánh – lúc đó mới 18 tuổi, đóng vai Bạch Vân, em gái Bạch Cúc. Sau vai này, Hồng Ánh tham gia thêm nhiều dự án với những vai diễn nặng ký trong các phim như Đời cát, Cầu thang tối, Người đàn bà mộng du… Diễn viên đã giành nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước lẫn quốc tế. Năm 2009, Hồng Ánh lập gia đình với nhà phê bình phim Nguyễn Thanh Sơn. Từ năm 2013, Hồng Ánh chuyển sang vai trò là một nhà sản xuất, đạo diễn và nâng đỡ các diễn viên trẻ. Năm 2020, nghệ sĩ góp mặt trong Tiệc trăng máu (đạo diễn Quang Dũng) – phim đạt doanh thu 177 tỷ đồng.

    Mai Nhật

  • Hậu trường quay Nữ Nhi Quốc phim ‘Tây du ký’

    Sau gần 40 năm ra mắt, các câu chuyện quanh bộ phim chuyển thể tiểu thuyết thần thoại vẫn thu hút quan tâm của nhiều khán giả. Trên Weibo, các fan bình luận: “Hậu trường Tây du ký hay không kém phim”.

    Đường Kế Toàn, trợ lý quay phim, tiết lộ nhiều câu chuyện trong cuốn sách Đường dưới chân ta (Nhà xuất bản Biên dịch trung ương). Ông kể tập thầy trò Đường Tăng đến Nữ Nhi Quốc quay từ tháng 10/1985 tới đầu tháng 12 cùng năm tại các danh lam thắng cảnh ở Tô Châu, Hàng Châu. Những địa danh này đều đông người qua lại, vì thế êkíp chủ yếu làm việc ban đêm. Dù vậy, vẫn có nhiều cảnh buộc quay ban ngày. Bấy giờ, mỗi lần ghi hình, khán giả đều tập trung đông nghịt bàn tán về diễn viên.

    Ảnh trên: Đạo diễn Dương Khiết (phải) hướng dẫn Chu Lâm, Từ Thiếu Hoa. Ảnh dưới: Khán giả tụ tập xem diễn viên đóng phim. Ảnh: Sina

    Ảnh trên: Đạo diễn Dương Khiết (phải) hướng dẫn Chu Lâm, Từ Thiếu Hoa. Ảnh dưới: Khán giả tụ tập xem diễn viên đóng phim. Ảnh: Sina

    Đặc điểm của tập phim là nhân vật nữ nhiều. Các cô gái hội tụ làm không gian Sư Tử Lâm (địa danh ở Tô Châu) thêm phong vị. Theo Đường Kế Toàn, diễn viên Chu Lâm, đóng quốc vương Nữ Nhi Quốc, được khen đoan trang quý phái, quốc sắc thiên hương; diễn viên Lý Vân Quyên – đóng Tì Bà Tinh – nhan sắc yêu kiều, diễm lệ…

    Đường Kế Toàn cho biết trước khi vào đoàn phim, Chu Lâm gầy, đen. Theo yêu cầu của đạo diễn, cô tăng cân, ngừng tắm nắng để đầy đặn hơn. Ông nhận xét Chu Lâm chất phác và dễ gần, cực kỳ nghiêm túc trên trường quay. Nữ diễn viên nhanh chóng nhập vai quốc vương si tình. Nhiều lúc đóng cảnh đôi với Từ Thiếu Hoa (vai Đường Tăng), đôi mắt đắm đuối, đầy khát khao và say mê của Chu Lâm làm Từ Thiếu Hoa bật cười, không thể tập trung biểu diễn.

    Hậu trường Nữ Nhi Quốc phim 'Tây du ký'

     
     

    Nữ vương quyến rũ Đường Tăng trong “Tây du ký”. Video: CCTV

    Phần phim này, đạo diễn và biên kịch thay đổi nội dung khá nhiều so với nguyên tác, đặc biệt là tâm lý Đường Tăng. Trong tiểu thuyết, nhân vật hoàn toàn như sắt đá trước tình cảm nam nữ còn ở bộ phim, Đường Tăng có lúc rung động trước nữ vương xinh đẹp. Đạo diễn từng nói muốn cho thấy Đường Tăng cũng là người phàm, mấu chốt là ông gạt đi tất cả vì trọng trách thỉnh kinh. Các diễn viên cho rằng lối cải biên này làm nhân vật gần đời thực hơn.

    Khi quay cảnh Nữ vương cám dỗ Đường Tăng trong phòng riêng, Chu Lâm mặc bộ đồ cổ rộng. Cô liên tục túm áo vì sợ áo tuột trong khi Từ Thiếu Hoa cũng không thể tập trung biểu đạt tâm lý. Cả hai quay gần 10 lần mới đạt yêu cầu của đạo diễn.

    Để làm bối cảnh cung điện, tổ mỹ thuật mua các cuộn rèm, vải lụa mới nhất ở xưởng sản xuất nổi tiếng của Tô Châu. Đoàn phim mời hơn 100 nữ diễn viên chuyên nghiệp ở các đoàn văn nghệ đóng thường dân Nữ Nhi Quốc.

    Hậu trường Nữ Nhi Quốc phim 'Tây du ký'

     
     

    Cảnh thầy trò Đường Tăng đặt chân tới Nữ Nhi Quốc. Video: CCTV

    Khi quay đoạn thầy trò Đường Tăng tới vương quốc nữ nhân bằng thuyền gỗ, khán giả đứng dọc hai bờ sông theo dõi. Đứng trên thuyền, Mã Đức Hoa không may sảy chân rơi xuống nước. Đồng nghiệp Diêm Hoài Lễ (vai Sa Tăng) kéo Mã Đức Hoa lên, cũng bị rơi xuống, làm khán giả hai bên bờ cười bò.

    Tây du ký khởi quay năm 1982 và chiếu lần đầu năm 1986, do Dương Khiết (1929-2017) đạo diễn, Vương Sùng Thu quay phim cùng dàn diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng, Mã Đức Hoa, Trì Trọng Thụy, Từ Thiếu Hoa… Trong bối cảnh giao thông, vận chuyển chưa thuận lợi, đoàn phim ghi hình tại nhiều nơi nơi hiểm trở như Hỏa Diệm Sơn ở Tân Cương, rừng sâu ở Cát Lâm, thác ở Cửu Trại Câu, chùa trên vách núi ở tỉnh Sơn Tây… Dù kỹ xảo thô sơ, Tây du ký thành tác phẩm kinh điển, giữ kỷ lục phim được phát lại nhiều lần nhất ở Trung Quốc.

    Như Anh

  • Oscar 2022 sẽ có người dẫn chương trình

    Theo Variety, ngày 11/1, Craig Erwich – giám đốc ABC Entertainment – xác nhận thông tin nhưng chưa công bố danh tính MC. Jimmy Kimmel là người gần nhất được mời dẫn năm 2017 và 2018. Một số nghệ sĩ khác được chọn những năm trước là Chris Rock (2016), Neil Patrick Harris (2015), Ellen DeGeneres (2014), Seth MacFarlane (2013), Billy Crystal (2012) và James Franco, Anne Hathaway (2011).

    Jimmy Kimmel dẫn lễ trao giải Oscar năm 2018. Ảnh: ABC

    Jimmy Kimmel dẫn lễ trao giải Oscar năm 2018. Ảnh: ABC

    Năm 2019, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ mời danh hài Kevin Hart. Tuy nhiên, anh gây tranh cãi khi đăng một dòng trạng thái trên mạng xã hội mỉa mai cộng đồng LGBT. Hart quyết định xin rút sau khi ban tổ chức yêu cầu anh xin lỗi công khai.

    Oscar 2019 không có MC nhưng đạt tỉ lệ rating cao hơn năm trước đó. Viện Hàn lâm và đài ABC quyết định tiếp tục bỏ vai trò này trong hai năm tiếp theo. Lễ trao giải năm 2020 giảm lượng xem không đáng kể. Tuy nhiên, chương trình Oscar 2021 tụt hơn một nửa lượng khán giả – từ 23,6 triệu xuống còn 10,4 triệu. Điều này khiến ban tổ chức quyết định quay trở lại hình thức tổ chức có người dẫn như trong quá khứ.

    Lễ trao giải Oscar 2022 sẽ diễn ra sáng 28/3 (giờ Hà Nội) tại địa điểm quen thuộc – nhà hát Dolby, Hollywood. Chương trình năm ngoái phải chuyển đến Union Station ở Los Angeles sau khi bị hoãn vì dịch. Ngày 8/2, Viện Hàn lâm sẽ công bố danh sách đề cử năm nay.

    Jimmy Kimmel mở màn Oscar

     
     

    Jimmy Kimmel dẫn lễ trao giải Oscar 2018. Video: ABC

    Đạt Phan (theo Variety)

  • Việt Hương đóng phim hài Tết

    Trailer "Nhà không bán"

     
     

    Trailer “Nhà không bán” – ra rạp ngày 1/2. Video: Megags

    Nghệ sĩ vào vai Thị Liễu – một phụ nữ lỡ thì, tính tò mò, hóng chuyện. Nghe đồn về một ngôi nhà cổ bị ma ám trong vùng, Thị Liễu cùng hai người khác đến khám phá, quyết tâm làm rõ sự thật. Trailer – ra mắt hôm 16/1 – tiết lộ một trong những cảnh quay hài hước của phim: khi nhóm nhân vật đang chơi cầu cơ, nhiều hiện tượng lạ xảy ra khiến họ tháo chạy.

    Nhà không bán là dự án điện ảnh đầu tiên Việt Hương tham gia sau ba năm, kể từ Vu quy đại náo (2019). Nghệ sĩ nhận lời sau hơn một năm cân nhắc vì mối quan hệ thân thiết với đạo diễn Hoàng Tuấn Cường – người gắn bó với Việt Hương từ ngày đầu đi diễn ở hải ngoại. Trên phim trường, nghệ sĩ còn đảm nhận vai trò nhắc thoại cho các đàn em Hữu Tín, Khánh Uyên… Việt Hương nói: “Có lúc, tôi mải lo nhắc, đến lượt mình thì lại quên thoại, khiến cả đoàn cười ra nước mắt.

    Tạo hình nhân vật của Việt Hương trong phim. Ảnh: Megags

    Tạo hình nhân vật của Việt Hương trong phim. Ảnh: Megags

    Phim lấy bối cảnh tại một nhà cổ, câu chuyện kéo dài từ những năm 1950 đến cuối thập niên 1990. Từ nước ngoài về, bà Ngọc (nghệ sĩ Kim Xuân đóng) muốn bán căn nhà vì mưu sinh khó khăn, song ông Ngà (Minh Hoàng) – em trai bà – quyết giữ lại theo di nguyện của cha. Nhiều người tìm đến mua nhà nhưng đều bỏ chạy vì gặp các hiện tượng như cánh cửa tự động đóng sập, bóng trắng xõa tóc dài, tiếng cười lạ trong đêm… Phim còn có sự tham gia của nghệ sĩ Lê Thiện, Hạnh Thúy, Trung Dân, Mai Thanh Dung, Phương Bình, Lê Khâm, Bạch Công Khanh, Nam Em…

    Tác phẩm là phim Việt thứ tư gia nhập đường đua chiếu Tết Nhâm Dần. Phim 1990 (đạo diễn Nhất Trung) – quy tụ Lan Ngọc, Diễm My 9x, Nhã Phương và Chìa khóa trăm tỷ (đạo diễn Võ Thanh Hòa) – Kiều Minh Tuấn, Thu Trang đóng – cũng dự kiến ra rạp dịp Tết, bên cạnh phim chiếu lại là Trạng Tí (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh).

    Mai Nhật