Để kỷ niệm 25 năm ngày tác phẩm của đạo diễn James Cameron trở thành hiện tượng, hãng Disney thông báo đưa Titanic trở lại các rạp chiếu toàn cầu với định dạng 3D, vào ngày 14/2/2023. Tờ Deadline dự đoán phim trở thành “bom tấn” dịp Valentine, bất chấp sự cạnh tranh của nhiều tác phẩm mới.
Hơn hai thập niên trôi qua, Titanic được xem là một hiện tượng văn hóa đại chúng. Trước James Cameron, một số nhà sản xuất của Anh, Mỹ, Đức từng thực hiện tác phẩm tái hiện thảm họa chìm tàu năm 1912 nhưng không tạo tiếng vang. Sau năm 1997, Titanic trở thành sản phẩm nổi tiếng nhất liên quan sự kiện, với 11 giải Oscar, doanh thu 1,84 tỷ USD.
James Cameron không đóng khung vụ chìm tàu trong câu chuyện hiện đại, khi một nhóm chuyên gia muốn tìm kiếm xác tàu và chiếc dây chuyền kim cương mang tên Trái tim đại dương. Hai mốc thời gian, năm 1912 và năm 1966, diễn ra song song qua lời kể của nữ chính Rose, lúc này đã bước sang tuổi 101.
Chuyện tình của Jack và Rose trên con tàu được tờ Dailyedge ví von như Romeo và Juliet thời hiện đại. Rose sống cuộc đời hào nhoáng nhưng buồn tẻ với người mẹ thực dụng cùng gã chồng sắp cưới giàu có, gia trưởng. Jack là họa sĩ nghèo lang bạt, ở khoang hạng ba của tàu. Hai con người đến từ hai thế giới khác biệt phải lòng nhau trong thời gian ngắn ngủi. Cảnh họ bí mật hẹn hò trước mũi tàu, rượt đuổi trêu đùa nhau, làm tình trong chiếc xe ôtô dưới khoang để hàng hay cảnh Jack vẽ Rose khỏa thân… đều lãng mạn, nên thơ.
Theo tờ The Guardian, Titanic lay động trái tim từ các chàng trai, cô gái tuổi teen cho đến cha mẹ của họ. Tác phẩm mở ra thời kỳ lợi nhuận của Hollywood chuyển dịch từ thị trường nội địa sang thị trường quốc tế.
Ngoài câu chuyện tình yêu, phim thành công nhờ tái hiện tỉ mỉ sự kiện ngày 14/4/1912. Hình ảnh tảng băng trôi bất ngờ nổi lên, những cú va chạm, nước tràn vào các khoang, khoảnh khắc chia ly của những người ở lại… lắng đọng trong trái tim khán giả. Ông lồng ghép nhiều nhân vật có thật vào câu chuyện giả tưởng, qua sự tư vấn của một số nhân chứng sống, trong đó có Walter Lord, tác giả cuốn sách tường thuật sự việc chìm tàu A Night to Remember. Nhà phê bình điện ảnh Sinead O’Carroll nhận xét sau hơn 20 năm, phiên bản 3D của phim vẫn khiến người xem thót tim, hồi hộp theo từng khoảnh khắc.
Nhiều nhà phê bình đặt ra giả thiết về những thông điệp êkíp gửi gắm trong phim, đó là hình ảnh biểu tượng cuộc đấu tranh giai cấp, về khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, đồng thời gửi gắm ước mơ chinh phục khoa học, chế ngự thiên nhiên của con người. Trong cuốn sách phê bình điện ảnh Blockbuster, Tom Shone nhận xét: “Titanic không phải là một bộ phim sử thi về thảm họa hay một thước phim hành động. Có thể gọi nó là một câu chuyện tình yêu hay một bộ phim nghệ thuật trị giá 190 triệu USD, nhưng Titanic không hẳn là bản đồ dẫn đến tương lai. Bởi nó là một bức tranh độc lập”.
Bộ phim còn đưa Leonardo DiCaprio (vai Jack) và Kate Winslet (vai Rose) trở thành các biểu tượng điện ảnh. Tờ Dailyedge nhận xét ở tuổi đôi mươi, vẻ đẹp như tạc tượng của Kate thu hút mọi ánh nhìn, còn Leonardo DiCaprio tỏa ra hào quang tựa thần Apollo. Hai nghệ sĩ diễn ăn ý trong từng khung hình. Từng cái nắm tay, ánh mắt họ trao nhau… đều tình tứ, tinh tế. Cảnh Rose và Jack đón gió ở mũi tàu hay cảnh Jack ở dưới nước, đẩy người yêu trên chiếc ván gỗ, trở nên kinh điển. Trong cuộc thăm dò của ABC News và People năm 2011, hai nhân vật được bình chọn là cặp tình nhân đẹp nhất màn ảnh mọi thời.
Bên cạnh tác phẩm điện ảnh, bản nhạc phim My heart will go on cũng trở thành khúc giao hưởng tình yêu được yêu thích. Đến nay, ca khúc đã tiêu thụ hơn 18 triệu bản, đoạt bốn giải Grammy, giành Oscar “Ca khúc nhạc phim xuất sắc” và luôn nằm trong top những ca khúc hay nhất mọi thời trên bảng xếp hạng Billboard.
Chỉ cần nghe giai điệu du dương của ca khúc, khán giả lập tức mường tượng hình ảnh đại dương mênh mông, những con sóng vỗ và con tàu hùng vĩ. Có những khi, giai điệu ca khúc chồng chéo nối tiếp, dịu dàng nhưng mơ hồ, tựa như cuộc tình buồn của hai nhân vật Jack và Rose.
Hà Thu