Tag: phim việt

  • Đánh giá phim gái già lắm chiêu 2 – phim đơn giản thuần giải trí

    Gái Già Lắm Chiêu 2 mặc dù không quá xuất sắc, nhưng có lẽ sẽ hợp với thị hiếu của phần đông khán giả đại chúng Việt Nam khi hội đủ các yếu tố: hài, dễ xem và không phải động não.

    Mặc dù có tên là Gái Già Lắm Chiêu 2, nhưng bộ phim lại không phải là phần tiếp theo của phần 1, mà là một câu chuyện khác hoàn toàn. Dù vậy, vẫn có chung mô tuýp là gái già yêu trai trẻ.

    Quyên (Ninh Dương Lan Ngọc) là host của một chương trình truyền hình nổi tiếng chuyên “bóc phốt” giới nghệ sĩ và showbiz. Định mệnh đưa Quyên gặp Khôi – một “male escort” (trai bao) trẻ tuổi và cuối cùng, sau bao sóng gió trong cuộc đời, 2 người đến với nhau.

    Gái Già Lắm Chiêu 2 là một phim chick-flick hợp thời và dễ xem, được làm ra không vì mục đích gì khác là giải trí theo phong cách bình dân cho khán giả. Mạch phim khá gọn, không quá dài dòng và lôi thôi, đủ sức giữ khán giả theo dõi câu chuyện mà không phải ngáp ngắn ngáp dài. Nếu so với các thảm họa phim chick-flick và remake Việt khác như Thử Yêu Rồi Biết, Lala: Hãy Để Em Yêu Anh, Yêu Em Bất Chấp… vốn là những phim được xếp vào hàng “không thể xem được” thì Gái Già Lắm Chiêu 2 có thể tự tin là mình được xếp vào hàng “xem được”.

    Phim được đầu tư rất “khủng” về mặt trang phục và bối cảnh. Từng thước phim đều đẹp và hào nhoáng, mang đến cho khán giả một thế giới như mơ, ở đó có nàng “máy bay” đẹp gái và giàu, 33 tuổi (được đóng bởi một diễn viên nữ 28 tuổi) và chàng “phi công” 25 tuổi giàu và đẹp trai, cộng thêm thân hình 6 múi (được đóng bởi một cậu nhóc 22 tuổi), yêu nhau. Cũng bởi vì Gái Già Lắm Chiêu 2 dễ xem nên khi màn hình chạy credit, chúng ta có thể quên hết về nó, trở về với cuộc sống hiện tại và tiếp tục mơ về một ngày được sống như trong phim (điều này có thể chẳng bao giờ sẽ xảy ra nhưng ai đánh thuế giấc mơ đâu nhỉ?).

    Cặp đôi diễn viên chính trong phim không quá nổi bật ngoài chuyện lên hình nhiều bởi mọi sự chú ý đã được dành hết cho các diễn viên phụ, bao gồm 3 cô bạn thân của Quyên là Đài Trang (Phương Lan), Kiki Ngô (Thùy Anh) và Maria Cao (Thoại Tiên), thêm vào đó là nhân vật Nicky (Hứa Minh Đạt).

    Trong đó, nổi bật nhất là Phương Lan và Hứa Minh Đạt – 2 cây hài của bộ phim, mỗi lần xuất hiện đều khiến người xem phải cười nghiêng ngả. Hứa Minh Đạt vốn đã có nhiều kinh nghiệm ở mảng hài nên chuyện anh làm tốt cũng không có gì lạ. Khá bất ngờ đối với nhiều khán giả là nhân vật Đài Trang của Phương Lan, cô nàng nói giọng Huế có phần tưng tửng, mê trai và hay làm lố, đã được Phương Lan thể hiện rất duyên dáng và dễ thương. Nhưng sự hài hước của Đài Trang sẽ không thể bật lên được nếu thiếu 2 cô bạn thân là Kiki Ngô do nữ diễn viên của Đập Cánh Giữa Không Trung – Thùy Anh thủ vai, và Maria Cao của người mẫu lần đầu đóng phim Thoại Tiên. Bộ ba này đã mang đến cho khán giả nhiều tình huống dở khóc dở cười khá hài hước, tạo điểm nhấn cho câu chuyện.

    Về bộ đôi nhân vật chính thì mặc dù Lê Xuân Tiền đã làm tròn vai trò của mình, nhưng đôi lúc giọng nói vẫn còn hơi đơ và thoại như trả bài. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể được khắc phục được nếu anh chịu khó học hỏi và thực hành nhiều hơn nữa. Nói về giọng (không nói về diễn xuất) thì tôi cũng dành lời khen cho ST (365). Mặc dù chỉ đóng nhân vật phụ, nhưng so với lúc tôi gặp anh trong Cô Ba Sài Gòn với phần thoại đọc như robot thì sang đến phim này đã tiến bộ khá nhiều, nói tròn chữ và có lên xuống hẳn hoi.

    Ninh Dương Lan Ngọc thì vẫn đi theo lối mòn là diễn xuất có phần cường điệu và thái quá. Phong độ của cô nhiều lúc không ổn định, đoạn này làm khá ổn, đoạn sau lại quay về với cách diễn cũ. Phân đoạn cao trào khi cô đứng trên sóng truyền hình và bày tỏ tình cảm với “phi công” chỉ khiến người xem chỉ muốn nhăn mặt. Đây cũng là phân đoạn khiến phim mất điểm do cách xây dựng quá sến, lỗi thời và hời hợt. Đoạn kết với kiểu nhân vật đứng “phát biểu cảm nghĩ” của mình trước nhiều người là mô tuýp đã quá nhàm chán, xuất hiện trong các phim như Cô Ba Sài Gòn, Mùa Viết Tình Ca… và nay lại tiếp tục được tận dụng. Thêm vào đó là cảnh nam nữ chính bày tỏ cảm xúc với nhau giữa đường xe chạy có phần kỳ khôi và hơi tức cười. Đáng lẽ phim đã có thể làm tốt hơn nếu đoạn kết không quá nhạt như thế.

    Thêm một điều đáng tiếc nữa là việc phim “đá đểu” một số người nổi tiếng trong giới showbiz, cũng như nhiều trang báo lá cải làm có phần hơi nhẹ tay. Các chi tiết này nếu được thực hiện mạnh tay, “chặt chém” liên tục thì phim sẽ thú vị hơn nhiều. Các tình tiết này có thể trở thành các Trứng Phục Sinh (Easter Egg) để người xem ngồi soi như trong nhiều phim Âu Mỹ.

    Để khỏi lạ lẫm cho các bạn khi xem phim thì Quyên trong phim được gọi là Ms. Q còn Khôi hay được gọi là Jack. Đây là điểm tôi rất không thích ở Gái Già Lắm Chiêu 2 bởi cái kiểu gọi tên và nói chuyện sặc mùi nửa nạc nửa mỡ, Anh không ra Anh, Việt không ra Việt. Đáng lẽ nếu tiết chế lại thì sẽ dễ làm khán giả có cảm tình hơn.

    Một số tình huống của phim làm hơi lố, kịch và cho thấy sự sắp đặt quá lộ liễu như cảnh các nhân vật nữ ngồi trong quán cà phê và lôi ra một hộp quà chứa đầy sextoy, hay cảnh ba cô nàng bạn thân của Quyên đột nhập vào bữa tiệc tại nhà riêng của Trần Giang (ST) quá dễ dàng… Tuy nhiên, vì tính chất của phim nên đối với các khán giả dễ tính thì cũng không đến nỗi khó chấp nhận lắm, bởi đã được bù loại bởi sự hài hước vừa đủ mà không quá cường điệu và không quá ghê như các phim hài nhảm chiếu dịp Tết.

    Gái Già Lắm Chiêu 2 hẳn sẽ là một lựa chọn thích hợp dành riêng cho các cặp đôi “máy bay, phi công” muốn tìm một bộ phim tình cảm, giải trí nhẹ nhàng, đẹp và hài hước trong mùa Giáng Sinh năm nay.

    Xem thêm:

  • Đánh giá phim kế hoạch đổi chồng: Ý tưởng hay nhưng thiếu hợp lý

    Kế Hoạch Đổi Chồng là bộ phim của đạo diễn Trần Nhân Kiên, với kịch bản được mua từ bộ phim A Boyfriend for My Wife (Un novio para mi mujer – 2008) của Argentina. Không chỉ có Việt Nam remake, mà trước đó đã có phiên bản Hàn mang tên All About My Wife (2012) cực kì thành công. Trái ngược với All About My WifeKế Hoạch Đổi Chồng lại là minh chứng cho các tác phẩm remake thất bại bởi kịch bản không được chỉnh sửa hợp lý, diễn xuất không đủ nội lực và hàng tá những hạt sạn khác khiến khán giả chỉ biết lắc đầu ngao ngán và tiếc cho một bộ phim có ý tưởng khá hay nhưng lại không được xây dựng đúng cách.

    Poster phim
    Poster phim

    Nội dung phim không có gì mới, kể về chàng trai tên Quân (Quang Đăng) gặp cô nàng tên Dung (Hoàng Yến Chibi), hai người nhanh chóng yêu nhau và trở thành vợ chồng. Sau 1 năm về chung một nhà, Quân không chịu nổi tính cách nói nhiều, hay càm ràm, chua ngoa, thậm chí thô lỗ của cô vợ, thế là anh tìm cách li dị. Sau nhiều lần cố gắng nhưng bất thành, anh đành thuê anh chàng hàng xóm “đểu có tiếng” là Khương (Trương Thanh Long) để quyến rũ vợ mình. Khi mọi chuyện ngày càng vượt khỏi dự tính của Quân, Khương và Dung bắt đầu có tình cảm với nhau, Quân bắt đầu hối hận và quyết tâm giành lại vợ mình.

    Khoảng 30 phút đầu phim khá thú vị, tuy còn nhiều điểm chưa tốt nhưng vẫn đủ sức giữ chân khán giả và cuốn vào mạch phim. Nhiều câu thoại của Dung cực kì chua ngoa, đanh đá nhưng rất hài hước và chân thật. Hoàng Yến Chibi đã hoá thân thành công thành bà nội trợ đáng sợ, căm ghét mọi thứ trên đời, gặp thứ gì không vừa ý là nhanh chóng “đốp chát” không trừ một ai, kể cả vợ con của sếp của chồng. Nhưng tính tình chua ngoa đanh đá là vậy, càng về sau khán giả lại càng thấy cô cực kỳ thương yêu chồng, chỉ muốn xây dựng tổ ấm với chồng, và ghét mọi thứ trên đời nhưng trừ chồng mình ra. Bên cạnh đó, nhờ lợi thế về ngoại hình mà Hoàng Yến liên tục “đốn tim” người xem khi làm gì cũng đáng yêu, từ những khoảnh khắc lo lắng cho chồng từng miếng ăn miếng mặc, cho đến lúc hăm doạ, chửi mắng cũng đáng yêu.

    Hoàng Yến Chibi cực kì đáng yêu trong phim.
    Hoàng Yến Chibi cực kì đáng yêu trong phim.

    Tuy nhiên, sự đáng yêu của Hoàng Yến cũng chỉ có tác dụng trong 30 phút ít ỏi này và mọi cái hay, cái thú vị của phim cũng chỉ dừng lại ở đó. Từ lúc Quân tìm đến Khương để thuê anh ta quyến rũ vợ mình là phim bắt đầu trở nên lê thê, dài dòng và chán hẳn. Tâm lý và tính cách của các nhân vật cũng trở nên không hợp lý và thay đổi nhanh một cách bất thường. Dung từ một cô nàng đanh đá lại trở nên dịu dàng và có tình cảm với Khương một cách nhanh chóng. Người xem khó có thể thấy được phản ứng hoá học giữa hai người, một phần cũng do diễn xuất chưa tốt của Trương Thanh Long.

    Mới vài hôm trước còn chửi người ta
    Mới vài hôm trước còn chửi người ta “dê dơ”, hôm sau đã đi chơi cùng người ta

    Quang Đăng với diễn xuất vẫn đơ như ngày nào cũng không thể hiện được sự chuyển biến trong tâm lý và tính cách nhân vật. Ngoài gương mặt nhăn nhó gần hết thời lượng phim thì những đoạn la hét, giận dữ, quát tháo hay đau khổ anh đều thể hiện chưa tới, không thể hiện được những mâu thuẫn căng thẳng trong cuộc sống hôn nhân hay nỗi khổ của Quân khi hối hận và phải chứng kiến vợ mình có tình cảm với người khác.

    Song song với diễn xuất đơ của hai diễn viên nam chính là kịch bản, mạch phim và các tình tiết không được xây dựng hợp lý. Biên kịch rất biết cách làm cho khán giả ức chế khi đoạn cần dài thì lại quá ngắn, còn đoạn không cần dài thì lại lê thê. 30 phút đầu phim các tình tiết diễn ra quá nhanh khiến người xem không thể nào hiểu được tại sao nam nữ chính lại yêu và cưới nhanh như vậy, các mâu thuẫn trong hôn nhân của họ cũng chưa căng thẳng đến mức phải ly hôn, người xem không thể nào đồng cảm với nỗi khổ của Quân được. Ngược lại, cảnh Quân chìm đắm trong đau khổ khi kế hoạch quyến rũ Dung của Khương sắp thành công thì lại quá dài dòng và thừa thải, làm khán giả hoàn toàn “tụt mood” bởi các cảnh trước đó vốn dĩ đã khá chán.

    Diễn xuất của Quang Đăng vẫn chưa đủ nội lực
    Diễn xuất của Quang Đăng vẫn chưa đủ nội lực

    Một điều đáng chú ý và ảnh hưởng rất lớn đến kịch bản phim chính là việc thay đổi số năm hôn nhân của cặp đôi chính. Trong kịch bản gốc, sau tận 7 năm thì người chồng mới không thể nào chịu nổi cô vợ nữa nên mới tìm cách ly hôn. Còn ở phiên bản Việt, Quân và Dung mới cưới nhau có 1 năm mà đã đi đến ly hôn, những mâu thuẫn cũng còn khá trẻ con, chính vì thế mà các nút thắt gỡ trong phim khá hời hợt và không hề cao trào, kịch tính.

    Mâu thuẫn trong phim vẫn còn khá nhẹ
    Mâu thuẫn trong phim vẫn còn khá nhẹ

    Kế Hoạch Đổi Chồng không phải là một bộ phim hoàn toàn dở, nhưng ngoài ý tưởng nội dung được “vay mượn” từ nước ngoài ra thì phim chẳng có gì hay để khen. Diễn xuất của Hoàng Yến Chibi có thể là điểm sáng “cứu vớt” bộ phim, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức tạm được chứ chưa thể gọi là xuất sắc. Còn Trương Thanh Long và Quang Đăng thì vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể chinh phục được khán giả.

    Xem thêm:

  • Review phim bao giờ hết ế – Phim hài Việt

    Review phim bao giờ hết ế – Phim hài Việt

    Thật khó dùng từ gì để mô tả nếu được yêu cầu nêu ra cảm nhận ban đầu về bộ phim này, không phải vì phim truyền đạt nội dung kỳ vĩ hay sâu sắc gì mà chính là do nó bao gồm quá nhiều thứ trái khoáy, ngược đời, đối chọi nhau chan chát. Có hai thái cực có thể xảy ra khi tôi cảm thấy bối rối vô cùng lúc xem xong một bộ phim, hoặc là nó quá hay làm ‘tê dại’ hết mọi giác quan ngay lúc đó hoặc là dở quá mức chịu đựng. Bao Giờ Hết Ế đáng tiếc lại thuộc về trường hợp sau.

    Theo tóm tắt của các nhà sản xuất thì phim kể về Thiên Kim (Thúy Vân) phải buộc lòng tạo lập một vở kịch yêu nhau cùng một tài xế taxi nghèo tên Hòa (Đình Quân) do cô bị gia đình ép phải lập gia đình. Trớ trêu thay, cô và các thế hệ phụ nữ (bà cố, bà ngoại, mẹ) trong gia tộc chịu một lời nguyền bí ẩn khiến bất kỳ người đàn ông nào kết hôn cùng họ đều không có kết cục tốt đẹp. Liệu Kim có vượt qua được bao thử thách để tìm thấy bến đỗ hạnh phúc của cuộc đời?

    Mới nghe qua ta thấy ý tưởng của bộ phim cũng không đến nỗi quá tệ, nhưng từ ý tưởng đến thành quả cuối cùng là một chặng đường không hề đơn giản, dễ dàng. Muốn kể một câu chuyện cho người khác hiểu bằng ngôn ngữ điện ảnh khác xa việc kể bằng ngôn từ hay âm nhạc, nó phải là sự tổng hợp của các yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là hình ảnh. Để diễn tả một người phụ nữ thành đạt không phải giơ cao tấm biển ghi nghề nghiệp và thành tích mà phải thuyết phục người xem bằng những cảnh về cách hành xử chuyên nghiệp, đỉnh đạt, thông minh trong công việc. Phim thiếu hẳn điều này và lướt qua tất cả nhân vật cùng sự kiện chỉ bằng vài câu thoại hay giới thiệu đơn giản, đây hoàn toàn không phải ngôn ngữ điện ảnh. Đạo diễn Nguyễn Thành Vinh chỉ được biết đến trước đây với vai trò đạo diễn lồng tiếng, lần đầu cầm trịch một dự án điện ảnh có vẻ quá sức với anh. Toàn bộ bối cảnh và các nút thắt then chốt để câu chuyện diễn ra đều bị làm hỏng bét. Nhịp điệu phim quá nhanh mà lại hời hợt đến mức cẩu thả khiến người xem không thể nào hiểu được vì sao câu chuyện lại có thể đi đến bước như thế này. Suốt cả phim là màn “rượt đuổi” hụt hơi giữa người xem và diễn tiến câu chuyện phim. Đây là điều tối kỵ với thể loại tình cảm lãng mạn mà phim hướng đến.

    Không khó để nhận ra những mảng miếng rất quen thuộc trong các phim của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông được “mượn” dùng trong phim này nhưng không được làm khéo khiến tất thẩy đều rất khiên cưỡng. Quá nhiều thể loại được trộn lẫn nhưng không có cái nào được làm tới. Hài hay tình cảm lãng mạn là thể loại chính? Chút thì cứ tưởng là khoa học viễn tưởng hay thần thoại, chút lại bẻ qua hành động xã hội đen, có những tình tiết làm liên tưởng đến truyện kiếm hiệp Kim Dung nữa chứ. Câu chuyện đã quá nát rồi, đáng lý phải tập trung sức để vá lại cho phim khỏi sụp đổ thì các nhà làm phim còn ghè đá thêm cho nặng. Tự làm khó mình mà cũng làm khó người xem.

    Một kịch bản nông cạn, rời rạc, ngây ngô lại được diễn bởi một dàn diễn viên trẻ không có thành tích diễn xuất gì nổi bật. Không có một diễn viên vai chính, thứ chính nào trong phim hoàn thành vai diễn của mình tốt, cộng với một câu chuyện tệ hại thì chúng ta cũng đoán trước sự kết hợp này sẽ cho ra đời một sản phẩm như thế nào rồi. Dường như các diễn viên không chịu đầu tư cho vai diễn của mình và không hiểu mình đang diễn cái gì. Suốt cả bộ phim khán giả phải chịu đựng những màn diễn xuất gượng gạo, các diễn viên cứ như đóng khuôn sẵn các biểu cảm rồi cứ thế đeo vào ở các phân đoạn khác nhau. Các diễn biến tâm lý vô lý một cách nực cười và được xếp đặt trong các tình huống không thể nào “kịch” hơn.

    Cộng hưởng với diễn xuất và kịch bản là phần âm nhạc, lồng tiếng âm thanh, quay phim, bố trí bối cảnh phim cũng có rất nhiều điều đáng bàn. Phần nào thì âm nhạc tuy không quá hay nhưng cũng không đến nỗi quá tệ, tuy nhiên nếu suốt cả phim phải chịu đựng hoài một kiểu nhạc phim như vậy thì khán giả phát ngán lên được. Không có chút điểm nhấn vào, những bài nhạc phim hoặc quá sến súa, hoặc quá “chợ”, nó không ăn nhập gì với nhau và cũng chả làm ai nhớ khi bước ra khỏi rạp. Lồng tiếng không tốt dù cho đây là chuyên môn của đạo diễn Nguyễn Thành Vinh. Âm sắc đài từ diễn viên lồng tiếng không hợp, phần âm thanh tiếng động các phân cảnh quá giả tạo, lệch tiếng và không tạo cảm giác được đầu tư cẩn thận, nó cứ như một bài tập về nhà làm vội để kịp giờ đem nộp. Quay phim và bố trí cảnh cũng không ổn. Nhiều cảnh lạm dụng các cảnh quay chậm không cần thiết, lúc thì thiếu những góc quay gần để bắt được diễn biến tâm trạng của các diễn viên, có vẻ đạo diễn cũng không tự tin lắm về diễn xuất của dàn diễn viên trẻ trong phim.

    Một điều hơi tế nhị nhưng cũng cần góp ý với đơn vị sản xuất là khách mời tham gia phim. Dù biết nhà sản xuất có ý tốt khi mời các nghệ sĩ có tên tuổi trong các lĩnh vực nghệ thuật khác (cải lương, kịch nói…) vào vai khách mời nhưng các ngành nghệ thuật khác nhau có những điều khó mà trung hòa được. Không thể ngay lập tức bắt những nghệ sĩ đó thay đổi hẳn phong cách quen thuộc trong môn nghệ thuật đã gắn bó lâu năm để vào một vai trong phim điện ảnh, họ vẫn mang hơi hướng quen thuộc vào phim và điều này không tốt chút nào cho tác phẩm điện ảnh. Dẫu không phải diễn viên điện ảnh họ cũng trong ngành nghệ thuật mà còn gặp nhiều trở ngại thì việc mời các bạn trẻ không có chút nghiệm diễn xuất phim nào chỉ nổi lên qua các chương trình truyền hình thực tế hay các hotgirl, hotboy thì còn thảm họa đến mức nào nữa.

    Người viết rất buồn khi phải chê một phim do người Việt thực hiện nhưng nếu muốn nền điện ảnh Việt Nam phát triển thì tự bản thân những người làm nghề phải nghiêm khắc với chính mình gấp bội. Chúng ta đang phải cạnh tranh trực tiếp với các nền điện ảnh khổng lồ, nếu không quyết lòng cố gắng thì đừng mong kéo được khán giả đến rạp. Sâu xa hơn nữa là niềm tin với điện ảnh Việt, cho ra đời các tác phẩm không xứng đáng thì lấy gì nuôi dưỡng nguồn khán giả sẵn sàng ủng hộ các sản phẩm văn hóa nội địa trong tương lai?

    Xem thêm:

  • Review phim ống kính sát nhân

    Review phim ống kính sát nhân

    Ống Kính Sát Nhân là phim trinh thám, tội phạm, hình sự do Nguyễn Hữu Hoàng làm đạo diễn. Điện ảnh nước nhà xưa nay đã khan hiếm phim về đề tài này, đặc biệt hiện tại xu thế làm phim remake hay phim thanh xuân vườn trường có phong cách retro đang lên ngôi khiến khán giả gần như “bội thực”. Vì thế, Ống Kính Sát Nhân như một làn gió mới thổi vào nền điện ảnh Việt Nam và vẫn rất đáng khen mặc dù còn nhiều điểm thiếu sót.

    Nội dung phim kể về thanh tra K (Hứa Vĩ Văn) và những vụ án bắt cóc trẻ em phức tạp tại một thị trấn nhỏ ở Đà Lạt. Sau khi vô tình giết chết một nữ đồng nghiệp, danh tiếng và sự nghiệp của K dần tuột dốc. Anh không còn được cấp trên giao cho những vụ án quan trọng, trong đó có vụ vợ chồng nghệ sĩ cải lương Liên Hoa bị sát hại. Chỉ vài ngày sau khi thanh tra Dương (Quang Sự) đảm nhận vụ án, nghi phạm đã bị bắt giữ. Nhưng những bí mật vẫn còn lờ mờ như làn sương bao phủ thị trấn và kẻ bắt cóc vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vì thế K quyết tâm dấn thân để vén lên bức màn sự thật và tìm ra tên bắt cóc.

    Vì là phim trinh thám, hình sự, tội phạm nên chắc chắn việc xây dựng kịch bản không phải là chuyện dễ, đặc biệt đây còn là phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam khai thác đề tài này. Kịch bản phim rất có tiềm năng và có nhiều chi tiết sáng tạo, mới lạ, thế nhưng cách thể hiện vẫn chưa được rõ ràng khiến nội dung phim bớt hay hơn hẳn. Chỉ trong 1 tiếng 41 phút nhưng có quá nhiều tuyến truyện và nhân vật khiến cho phim trở nên khá rối và làm khán giả cảm thấy hơi…lao đao sau khi xem xong phim. Các vấn đề được đặt ra trong phim đều khá hay, chẳng hạn như nạn bắt cóc, ngoại tình, những thanh tra làm việc thiếu đạo đức vội vàng kết án người vô tội… nhưng do thời lượng có hạn nên không có vấn đề nào được đẩy lên đến mức cao nhất. Đến khi phim kết thúc, nhiều chi tiết vẫn còn bị bỏ ngỏ và làm người xem chưa thấy “thoả mãn”. Có lẽ Ống Kính Sát Nhân sẽ thành công hơn nếu đây là một tác phẩm truyền hình.

    Ngoài ra, phim vẫn còn khá nhiều điểm vô lý như cái cách mà thanh tra K vô tình giết nữ đồng nghiệp, các nhân vật cũng cực kỳ giàu khi ai ai cũng đi xe hơi, cảnh đám tang của vợ chồng Liên Hoa cũng theo phong cách của nhiều phim Hồng Kông và phim Mỹ chứ không hợp với bối cảnh ở Việt Nam cho lắm, mặc cho gia đình Liên Hoa là một gia đình danh tiếng và giàu có. Hơn thế nữa, cảnh nóng giữa nghi can Tốn và người tình quá dư thừa và chỉ nên được kể lại qua lời của cô người tình là được. Đáng lẽ nhà sản xuất nên tập trung xây dựng mối quan hệ tay ba giữa Tốn – Cẩm Phô (Diễm My 9X) – người tình để phim logic hơn thay vì đưa cảnh nóng không cần thiết đó vào phim.

    Phần diễn xuất rất tốt từ vai chính đến vai phụ, ngay cả các diễn viên nhí cũng diễn rất hay so với tuổi. Duy chỉ có Diễm My 9X là tôi thấy vẫn chưa thoát ra khỏi được hình ảnh kiều diễm hay cô nàng thời trang như báo chí ca ngợi. Diễn xuất của cô vẫn còn hơi gượng, đặc biệt là lúc nhân vật của cô bị say. Bên cạnh đó, chỉ trong thời lượng khoảng 20 phút mà cô đã thay khoảng 4 chiếc váy. Từ quần áo cho đến phụ kiện và kiểu tóc của cô chưa toát ra được vẻ mộc mạc mà vẫn còn khá sang chảnh.

    Hứa Vĩ Văn thì đã không làm khán giả thất vọng bởi anh diễn rất tự nhiên và sở hữu chất giọng trầm ấm, góp phần giúp cho bộ phim lôi cuốn hơn. Nhưng thật lòng mà nói, đối với tôi Khương Ngọc mới là điểm sáng nhất của phim. Một phần cũng là nhờ nhân vật của anh có chiều sâu nhất, thể hiện nhiều sắc thái cảm xúc nhất và… biến thái nhất. Nhân vật của anh luôn toát ra vẻ bí ẩn, vừa khiến khán giả vừa tò mò, vừa sợ nhưng cũng không thể nhịn được cười vì gương mặt và cách diễn xuất của anh luôn có thứ gì đó rất duyên. Đoạn cuối chính là lúc anh diễn xuất thần nhất khi thể hiện được sự thay đổi sắc thái liên tục của nhân vật, từ biến thái, đáng sợ, dằn vặt cho đến đáng thương. Suy cho cùng, thẳm sâu trong nhân vật của anh cũng chỉ là một đứa trẻ cô đơn, bị bỏ rơi và là một người cha yêu thương đứa con gái đến mức điên loạn. Có lẽ trong số các diễn viên Việt Nam hiện tại không ai có thể diễn vai này hay hơn anh được.

    Ngoài phần kịch bản mới lạ thì phần âm thanh và hình ảnh cũng là điểm đáng khen khác của phim. Phim có tone màu tối và âm u phù hợp với thể loại trinh thám, hình sự nhưng không quá tối đến nỗi không nhìn thấy được gì. Hơn thế nữa, nếu dừng lại mỗi khung hình thì hầu như cảnh phim nào cũng có màu đẹp và “nghệ”. Phần âm thanh cũng rất chất lượng, đặc biệt là ở những đoạn jump scare vẫn đủ làm người xem giật mình nhưng không chói tai như nhiều phim kinh dị rẻ tiền khác.

    Nhìn chung, phim tuy không xuất sắc nhưng không phải tệ đến nỗi khiến người xem thất vọng và chửi rủa. Giữa một rừng phim tình cảm, hài nhảm đang sắp bão hoà như hiện tại thì Ống Kính Sát Nhân không phải là lựa chọn tồi khi đến rạp. Điện ảnh Việt Nam đang rất cần những bộ phim theo đề tài trinh thám và có kịch bản gốc sáng tạo như thế này. Đặc biệt, nếu là fan của Khương Ngọc thì chắc chắn hãy ra rạp để được xem màn diễn xuất xuất thần của anh.

    Lưu ý, phim có nhiều cảnh kinh dị jump scare và nhiều hình ảnh khá đáng sợ nên bạn nào “yếu tim” thì hãy cân nhắc.