Tag: phim tháng 10

  • Đánh giá phim Lời Nhắn Của Oan Hồn (I Still See You) – đáng cho mọi người ra rạp

    Lời Nhắn Của Oan Hồn (I Still See You) được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Break My Heart One Thousand Times. Bộ phim dẫn dắt khán giả đi từ cảm giác sợ hãi, lo lắng cho đến hồi hộp, gay cấn khi các tình tiết cứ từ từ được lật mở, đồng thời những chi tiết nhỏ bé nhất cũng được đem ra để tạo sự hứng thú cho khán giả.

    Sau thảm họa hạt nhân gần 10 năm, cuộc sống của người dân tại vùng thảm họa đã dần đi vào quỹ đạo cũ. Rào chắn đã được dựng lên để tránh người dân tò mò vào bên trong vùng lõi thảm họa, thế nhưng cuộc sống của những người ở đó không hề giống như trước khi thảm họa xảy ra, họ liên tục thấy hồn ma của những người đã chết trong thảm họa, những linh hồn ấy cứ lặp đi lặp lại những hành động giống nhau, từ ngày này qua ngày khác. Thậm chí ở trường học cũng có một lớp dành cho sinh viên muốn nghiên cứu hiện tượng lạ này. Ronnie (Bella Thorne) là một cô bé bình thường như bao người khác, nhưng càng gần đến sinh nhật của mình, Ronnie càng nhìn thấy nhiều hiện tượng lạ, bắt đầu từ việc người bố đã mất của cô xuất hiện lại dưới dạng một hồn ma, sáng sáng luôn cầm tờ báo đọc, còn trong phòng tắm thì lại xuất hiện một hồn ma trai trẻ với những hành động lạ lùng.

    Poster phim Lời Nhắn Của Oan Hồn (I Still See You)

    Lời Nhắn Của Oan Hồn được xây dựng nội dung cực kỳ chỉn chu, từng chi tiết nhỏ trong đó cũng có thể là thứ sẽ khiến bạn phải bật khóc ở cuối phim. Đâu phải tự nhiên mà Ronnie luôn thấy một người cào tuyết, cái chết của thầy hiệu trưởng hay khẩu súng trong tủ bạn học cùng hàng chục tình tiết khác nữa sẽ là mấu chốt và cũng là sợi dây liên kết chặt chẽ nhiều chi tiết trong phim lại với nhau thành một câu chuyện logic và hoàn chỉnh. Rất khó để bạn có thể chợt mắt ngủ hay cảm thấy chán nản, bởi vì với bộ phim này thì từng giây từng phút, từng câu chữ trong lời thoại của nhân vật đều rất quan trọng và lôi cuốn đến mức lạ kỳ.

    Hồn ma bí ẩn muốn nhắn nhủ điều gì đó cho cô gái

    Nhân vật Ronnie (Bella Thorne vào vai) xuất hiện trên màn ảnh rất trẻ trung, năng động, nhưng trong thâm tâm cô vẫn đang dằn vặt bởi những hiện tượng lạ kỳ, những giấc mơ kỳ bí cứ luôn nhắc về một địa điểm xa lạ. Thật lòng mà nói thì nếu vai diễn này được giao cho một ai khác không phải Bella Thorne thì chưa chắc thần thái và trạng thái tâm lý của nhân vật đã được thể hiện tốt như vậy. Không chỉ Ronnie mà còn nhiều nhân vật khác khiến bạn chú ý, đôi khi là vừa thấy thương, vừa thấy tội cho họ. Đó có thể là một người cha luôn đau khổ vì nghĩ cái chết của con gái là do mình gây ra, đó cũng có thể là một cậu trai không hiểu vì sao chẳng thể thấy được hồn ma của cha mình trong suốt một thời gian dài. Tất cả những chi tiết đó được các diễn viên thể hiện xuất sắc, và dưới bàn tay tài tình của đạo diễn, một bộ phim tuyệt vời đã ra rạp, mê hoặc khán giả bởi nhiều tiết tiết xoay như chong chóng, thấy vậy mà không phải vậy.

    Ronnie và cậu bạn cùng trường đi khám phá vùng đã xảy ra thảm họa

    Với những ai đam mê kinh dị thì Lời Nhắn Của Oan Hồn cũng đáp ứng được cho họ với ít nhất 2 màn hù dọa thót tim ở đầu phim. Sau đó là hàng lô hàng lốc tình tiết gay cần, hồi hộp, thậm chí có phần xúc động nữa. Lời Nhắn Của Oan Hồn chắc chắn là phim mà bạn phải xem trong tuần này, còn điều gì tuyệt vời hơn khi xem một bộ phim với nội dung hấp dẫn, kỹ xảo đẹp mắt, âm thanh thót tim sau những giờ làm việc căng thẳng cơ chứ.

    Vé xem phim Lời Nhắn Của Oan Hồn (I Still See You)

    Xem thêm:

  • Đánh giá phim kế hoạch đổi chồng: Ý tưởng hay nhưng thiếu hợp lý

    Kế Hoạch Đổi Chồng là bộ phim của đạo diễn Trần Nhân Kiên, với kịch bản được mua từ bộ phim A Boyfriend for My Wife (Un novio para mi mujer – 2008) của Argentina. Không chỉ có Việt Nam remake, mà trước đó đã có phiên bản Hàn mang tên All About My Wife (2012) cực kì thành công. Trái ngược với All About My WifeKế Hoạch Đổi Chồng lại là minh chứng cho các tác phẩm remake thất bại bởi kịch bản không được chỉnh sửa hợp lý, diễn xuất không đủ nội lực và hàng tá những hạt sạn khác khiến khán giả chỉ biết lắc đầu ngao ngán và tiếc cho một bộ phim có ý tưởng khá hay nhưng lại không được xây dựng đúng cách.

    Poster phim
    Poster phim

    Nội dung phim không có gì mới, kể về chàng trai tên Quân (Quang Đăng) gặp cô nàng tên Dung (Hoàng Yến Chibi), hai người nhanh chóng yêu nhau và trở thành vợ chồng. Sau 1 năm về chung một nhà, Quân không chịu nổi tính cách nói nhiều, hay càm ràm, chua ngoa, thậm chí thô lỗ của cô vợ, thế là anh tìm cách li dị. Sau nhiều lần cố gắng nhưng bất thành, anh đành thuê anh chàng hàng xóm “đểu có tiếng” là Khương (Trương Thanh Long) để quyến rũ vợ mình. Khi mọi chuyện ngày càng vượt khỏi dự tính của Quân, Khương và Dung bắt đầu có tình cảm với nhau, Quân bắt đầu hối hận và quyết tâm giành lại vợ mình.

    Khoảng 30 phút đầu phim khá thú vị, tuy còn nhiều điểm chưa tốt nhưng vẫn đủ sức giữ chân khán giả và cuốn vào mạch phim. Nhiều câu thoại của Dung cực kì chua ngoa, đanh đá nhưng rất hài hước và chân thật. Hoàng Yến Chibi đã hoá thân thành công thành bà nội trợ đáng sợ, căm ghét mọi thứ trên đời, gặp thứ gì không vừa ý là nhanh chóng “đốp chát” không trừ một ai, kể cả vợ con của sếp của chồng. Nhưng tính tình chua ngoa đanh đá là vậy, càng về sau khán giả lại càng thấy cô cực kỳ thương yêu chồng, chỉ muốn xây dựng tổ ấm với chồng, và ghét mọi thứ trên đời nhưng trừ chồng mình ra. Bên cạnh đó, nhờ lợi thế về ngoại hình mà Hoàng Yến liên tục “đốn tim” người xem khi làm gì cũng đáng yêu, từ những khoảnh khắc lo lắng cho chồng từng miếng ăn miếng mặc, cho đến lúc hăm doạ, chửi mắng cũng đáng yêu.

    Hoàng Yến Chibi cực kì đáng yêu trong phim.
    Hoàng Yến Chibi cực kì đáng yêu trong phim.

    Tuy nhiên, sự đáng yêu của Hoàng Yến cũng chỉ có tác dụng trong 30 phút ít ỏi này và mọi cái hay, cái thú vị của phim cũng chỉ dừng lại ở đó. Từ lúc Quân tìm đến Khương để thuê anh ta quyến rũ vợ mình là phim bắt đầu trở nên lê thê, dài dòng và chán hẳn. Tâm lý và tính cách của các nhân vật cũng trở nên không hợp lý và thay đổi nhanh một cách bất thường. Dung từ một cô nàng đanh đá lại trở nên dịu dàng và có tình cảm với Khương một cách nhanh chóng. Người xem khó có thể thấy được phản ứng hoá học giữa hai người, một phần cũng do diễn xuất chưa tốt của Trương Thanh Long.

    Mới vài hôm trước còn chửi người ta
    Mới vài hôm trước còn chửi người ta “dê dơ”, hôm sau đã đi chơi cùng người ta

    Quang Đăng với diễn xuất vẫn đơ như ngày nào cũng không thể hiện được sự chuyển biến trong tâm lý và tính cách nhân vật. Ngoài gương mặt nhăn nhó gần hết thời lượng phim thì những đoạn la hét, giận dữ, quát tháo hay đau khổ anh đều thể hiện chưa tới, không thể hiện được những mâu thuẫn căng thẳng trong cuộc sống hôn nhân hay nỗi khổ của Quân khi hối hận và phải chứng kiến vợ mình có tình cảm với người khác.

    Song song với diễn xuất đơ của hai diễn viên nam chính là kịch bản, mạch phim và các tình tiết không được xây dựng hợp lý. Biên kịch rất biết cách làm cho khán giả ức chế khi đoạn cần dài thì lại quá ngắn, còn đoạn không cần dài thì lại lê thê. 30 phút đầu phim các tình tiết diễn ra quá nhanh khiến người xem không thể nào hiểu được tại sao nam nữ chính lại yêu và cưới nhanh như vậy, các mâu thuẫn trong hôn nhân của họ cũng chưa căng thẳng đến mức phải ly hôn, người xem không thể nào đồng cảm với nỗi khổ của Quân được. Ngược lại, cảnh Quân chìm đắm trong đau khổ khi kế hoạch quyến rũ Dung của Khương sắp thành công thì lại quá dài dòng và thừa thải, làm khán giả hoàn toàn “tụt mood” bởi các cảnh trước đó vốn dĩ đã khá chán.

    Diễn xuất của Quang Đăng vẫn chưa đủ nội lực
    Diễn xuất của Quang Đăng vẫn chưa đủ nội lực

    Một điều đáng chú ý và ảnh hưởng rất lớn đến kịch bản phim chính là việc thay đổi số năm hôn nhân của cặp đôi chính. Trong kịch bản gốc, sau tận 7 năm thì người chồng mới không thể nào chịu nổi cô vợ nữa nên mới tìm cách ly hôn. Còn ở phiên bản Việt, Quân và Dung mới cưới nhau có 1 năm mà đã đi đến ly hôn, những mâu thuẫn cũng còn khá trẻ con, chính vì thế mà các nút thắt gỡ trong phim khá hời hợt và không hề cao trào, kịch tính.

    Mâu thuẫn trong phim vẫn còn khá nhẹ
    Mâu thuẫn trong phim vẫn còn khá nhẹ

    Kế Hoạch Đổi Chồng không phải là một bộ phim hoàn toàn dở, nhưng ngoài ý tưởng nội dung được “vay mượn” từ nước ngoài ra thì phim chẳng có gì hay để khen. Diễn xuất của Hoàng Yến Chibi có thể là điểm sáng “cứu vớt” bộ phim, nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức tạm được chứ chưa thể gọi là xuất sắc. Còn Trương Thanh Long và Quang Đăng thì vẫn còn phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể chinh phục được khán giả.

    Xem thêm:

  • Đánh giá phim Venom – phim khá ổn mặc dù không xuất sắc

    Venom là phim siêu anh hùng được chuyển thể từ truyện tranh Marvel, xoay quanh nhân vật Eddie Brock – một phóng viên đang điều tra về những vụ việc mờ ám của một tổ chức có tên Life Foundation – đứng đầu là Carlton Drake. Trong một lần đang thu thập các chứng cứ quan trọng tại phòng thí nghiệm của Life Foundation, Eddie Brock vô tình bị nhiễm một loại ký sinh ngoài hành tinh gọi là symbiote. Symbiote này có tên Venom, liên tục thôi thúc và điều khiển Eddie làm những việc mà anh không hề muốn. Vậy là anh vừa phải vật lộn để giành quyền kiểm soát cơ thể, vừa phải chạy trốn khỏi sự truy đuổi của Life Foundation.

    Venom giải trí khá ổn, mặc dù không xuất sắc. (IMDb)
    Venom giải trí khá ổn, mặc dù không xuất sắc. (IMDb)

    Tổng thể thì Venom là phim giải trí tốt, hành động đã mắt, dẫn dắt ổn, dễ hiểu, chẳng có thông điệp gì sâu sắc lắm. Một bộ phim thuần giải trí và thỏa mãn những ai muốn được nhìn thấy anti-hero Venom trên màn ảnh, chỉn chu, nhưng không có gì mới mẻ. Venom bắt đầu và kết thúc cũng như nhiều phim có nội dung tương tự về chủng loài ngoài hành tinh, thí nghiệm mờ ám nói chung và các phim siêu anh hùng nói riêng. Thực ra chẳng cần phải vào rạp xem phim, ngay từ trailer bạn có thể cũng đã đoán được cả phim thế nào rồi. Nhưng điều này không đồng nghĩa là chúng ta không thể tạm quên đi những gì mình đã biết để thưởng thức Venom bởi diễn biến phim mới là điều thực sự thú vị.

    Mối quan hệ giữa Venom và Eddie Brock khá thú vị. (Youtube)
    Mối quan hệ giữa Venom và Eddie Brock khá thú vị. (Youtube)

    Venom có một số phân đoạn hơi đen tối và điều này càng khiến việc phim không có rating R là điều cực kỳ, cực kỳ đáng tiếc. Như thông tin trước đó thì phim bị cắt mất 30-40 phút, đặc biệt đây lại là những cảnh tâm đắc của Tom Hardy vậy nên nếu có những cảnh này thì bộ phim chắc chắn sẽ hấp dẫn hơn nữa. Vài đoạn chuyển cảnh, cắt cảnh khá thô và khiến người xem chưng hửng, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng nhìn chung không làm ảnh hưởng đến mạch phim là mấy. May mắn là các phân đoạn thế này cũng không phải quá nhiều, nên nếu dễ tính bạn hoàn toàn có thể bỏ qua.

    Michelle Williams không thể hiện được gì nhiều trong phim. (IMDb)
    Michelle Williams không thể hiện được gì nhiều trong phim. (IMDb)

    Nói một chút về nhân vật Eddie Brock của Tom Hardy. Tôi không phải fan truyện tranh nên cũng không rõ thực sự Eddie trong truyện gốc là người thế nào. Nhưng trong phim thì đây quả là nhân vật hơi “trẻ trâu”, du côn và thường hành động thiếu suy nghĩ. Nếu đây chủ ý của các nhà làm phim nhằm tạo điều kiện để các sự việc tiếp theo xảy ra, thì thế này vẫn có phần hơi… nghiệp dư. Eddie Brock vẫn có thể giữ nguyên tính cách như thế nếu muốn, nhưng đáng lẽ hành động của nhân vật này đã có thể hợp lý và hay hơn.

    Các phân đoạn trong phòng thí nghiệm của Life Foundation lộ rõ nhược điểm phi lý. (IMDb)
    Các phân đoạn trong phòng thí nghiệm của Life Foundation lộ rõ nhược điểm phi lý. (IMDb)

    Các phân đoạn trong phòng thí nghiệm và một số chi tiết liên kết sự kiện nhiều khi rất thiếu logic hoặc bị lướt đi khá nhanh. Tôi không muốn phải kể ra vì sợ spoil nhưng tôi nghĩ nếu xem phim và để ý kỹ thì chắc bạn cũng sẽ nhận ra những chi tiết đó thôi. Mối quan hệ giữa Eddie Brock và Venom khá thú vị. Venom rất tâm lý, bựa và chắc chắn sẽ càng thu hút nhiều fan sau bộ phim này. Tuy nhiên, tôi có cảm giác Venom hơi “hiền” bởi đã mong đợi một Venom quỷ quyệt hơn, làm Eddie phải chật vật nhiều hơn. Nếu so với Venom trong Spider-Man 3 thì có khi người ta lầm tưởng 2 nhân vật này khác biệt hoàn toàn.

    Venom là symbiote tâm lý lắm nhé, tư vấn tình cảm hay phết. (IMDb)
    Venom là symbiote tâm lý lắm nhé, tư vấn tình cảm hay phết. (IMDb)

    Ngoài mối quan hệ giữa Eddie và Venom thì các mối quan hệ giữa các nhân vật còn lại trong phim cũng tạm gọi là ổn, không có gì hấp dẫn lắm và bóng hồng Anne Weying do Michelle Williams thủ vai cũng giống như bao người phụ nữ khác đứng sau các siêu anh hùng mà thôi. Ngoài phân đoạn nho nhỏ giữa Anne, Eddie và Venom làm điểm sáng cho nhân vật này thì còn lại không có gì đáng nói.

    Phản diện Carlton Drake cũng thuộc dạng thường, không ấn tượng và có thể dễ dàng quên ngay khi phim kết thúc, ấn tượng hơn chính là symbiote Riot đối đầu với Venom. Đáng tiếc là 2 symbiote còn lại không được khai thác nhiều và có vẻ hơi uổng phí.

    Ngôi sao của bộ phim là Tom Hardy và đương nhiên Tom Hardy cân phim. Tuy nhiên, thực sự nếu so với các nhân vật khác anh từng đóng thì Eddie Brock không nằm trong số các nhân vật hay nhất anh từng hóa thân. Các phân đoạn hài hước thực sự duyên dáng, một số đoạn không tồi đến độ nhìn rõ là chọc cười khán giả, nhưng không cần thiết lắm và nếu bỏ đi thì vẫn không ảnh hưởng gì đến phim. Kỹ xảo ổn, hoành tráng và hấp dẫn nếu nhìn từ xa, nhưng lộ rõ nhược điểm không mượt mà khi zoom cận mặt symbiote hoặc khi Venom hay Riot nói chuyện. Âm nhạc của phim rất hấp dẫn, làm không khí phim thực sự gay cấn.

    Eddie Brock được xây dựng có phần hơi du côn. (IMDb)
    Eddie Brock được xây dựng có phần hơi du côn. (IMDb)

    Một lần nữa, thật tiếc là Sony quyết định để phim này rating PG-13, phim đáng lẽ đã có thể làm tốt hơn, đã có thể hay hơn và ấn tượng hơn thế này. Venomnhìn chung không phải phim xuất sắc nhưng tròn trịa và giải trí tốt, đáng tiền. Số điểm 30% trên Rotten Tomatoes dành cho Venom có vẻ không công bằng với bộ phim cho lắm. Trừ phi bạn là một khán giả cực kỳ khó tính và đòi hỏi Venom phải cao siêu hơn, không thì hãy cứ an tâm ra rạp mà thưởng thức thôi, nhớ nán lại xem 2 after-credit của phim nữa nhé.