Sau biến cố 4 năm trước, hòn đảo Isla Nublar bị bỏ hoang trở thành nhà của các loài khủng long nhưng ngọn núi lửa hoạt động trở lại đe dọa quét sạch tất cả. Claire tìm cách cứu thoát những con khủng long khỏi thảm họa tuyệt chủng với sự hỗ trợ từ tỉ phú Benjamin Lockwood – một trong hai người đã hồi sinh loài này – và cô cũng tìm đến người yêu cũ Owen để nhờ anh giúp đưa con raptor Blue rời khỏi đảo. Tưởng chừng loài động vật to lớn hung hãn mới đáng lo ngại nhưng họ không ngờ lòng tham của con người mới là thứ đáng sợ nhất. Sự tự phụ, ngông cuồng, và ngu dốt của một số kẻ đã đem đến nguy cơ diệt vong cho toàn thể nhân loại.
“Anh có nhớ lần đầu tiên nhìn thấy khủng long không?” Claire đã nhắc cho khán giả nhiều lần ý này qua những trường đoạn quan trọng nhất của phim. Đó như là câu hỏi làm lay động mọi cảm xúc và ký ức về sự tò mò, phấn khích lẫn kính sợ đối với Mẹ Thiên Nhiên mà lần đầu tiên mỗi người trải qua khi chứng kiến những sinh vật lộng lẫy mà cũng rất nguy hiểm này. Đối mặt với việc có nên hay không để loài khủng long một lần nữa tuyệt chủng trên hòn đảo hoang hay ra tay cứu giúp trở thành một câu hỏi triết học mà các nhà biên kịch rất tinh tế lồng vào phim. Điều này làm kịch bản phim dù có cốt truyện không quá phức tạp nhưng có chiều sâu hơn hẳn so với phần trước ra mắt năm 2015.
Phim chia ra 2 phần khá rõ ràng, phần đầu diễn ra trên đảo Isla Nublar và phần sau ở điền trang của tỉ phú Benjamin Lockwood. Các nhà làm phim đã đẩy các đại cảnh rất tốt phô diễn những kỹ xảo để tạo nên những con khủng long sống động hơn bao giờ hết. Tuy vậy, phần 2 ở không gian điền trang nhỏ hơn lại chính là điểm nhấn hấp dẫn nhất của bộ phim. Những hành lang dài và hẹp, những lồng sắt, trong ánh điện chập choạng cùng những tiếng bước chân, bóng đen chầm chậm tiến gần của con quái thú mới thật sự đem đến những phút giây kinh hoàng thật sự. Về điểm này cần khen ngợi đội ngũ xử lý âm thanh, ánh sáng, và kỹ xảo, họ đã đem đến cho khán giả những giây phút nghẹt thở gấp gáp không ngừng.
Hai nhân vật chính Owen (Chris Pratt) và Claire (Bryce Dallas Howard) có nhiều đất diễn hơn và cũng khá ăn ý chứ không bị dàn khủng long làm lu mờ. Mối quan hệ giữa anh cùng con khủng long Blue cũng được khai thác tốt góp phần làm thông điệp của bộ phim về mối quan hệ giữa những giống loài và cách đối xử với những sinh vật khác càng trở nên đắt giá. Hai nhân vật tuyến phụ, cô bác sĩ Zia Rodriguez (Daniella Pineda) và anh chàng lập trình viên Franklin (Justice Smith) trong nhóm lại khá nhạt và gây phiền nhiễu, nếu xử lý các phân đoạn của tuyến nhân vật phụ tốt hơn thì sẽ tăng điểm cho bộ phim. Ngoài ra tuyến nhân vật phản diện gồm tay quản lý tham lam Mills (Rafe Spall), Tiến sĩ Wu (BD Wong) và tên môi giới Eversol (Toby Jones) không thật sự tốt, nếu các nhà làm phim đẩy thêm kịch tính để bộc lộ rõ ràng hơn sự tham lam, ích kỷ và cao ngạo đại diện cho phần đen tối trong nhân cách con người thì sẽ làm câu chuyện phim thêm phần trọn vẹn.
Tưởng chừng như sự trở lại của Jeff Goldblum trong vai tiến sĩ Ian Malcolm sẽ có nhiều đất diễn nhưng ông chỉ đóng vai người dẫn chuyện gợi mở ra câu hỏi về trách nhiệm của con người trước công nghệ mới, đâu là giới hạn mà chúng ta phải dừng lại đúng lúc để không phải trả giá cho thói ngông cuồng coi thường Mẹ Thiên Nhiên. Thật đáng thất vọng là qua bao vấp ngã mà con người vẫn chưa rút ra bài học cho mình và chưa rõ sai lầm lần này có thể được chặn đứng kịp thời hay sẽ đẩy toàn thế giới vào ngày tận thế. Bộ phim đã làm rất tốt việc mở ra những hướng phát triển câu chuyện trong các phần sau. Thật sự hài lòng vì các nhà làm phim không chỉ khoe kỹ xảo qua những con khủng long to lớn mà lồng ghép được những suy tư sâu lắng hơn về nhân tính và giới hạn đạo đức của con người trước những phát kiến khoa học.
Cùng xem Trailer phim:
Trailer Thế giới khủng long
Dẫu không phải không có những khiếm khuyết nhưng Thế Giới Khủng Long: Vương Quốc Sụp Đổ xứng đáng có thêm những phần tiếp theo và bộ phim này chắn chắn sẽ làm khán giả cực kỳ hưng phấn khi bước ra khỏi rạp. Nhớ nán lại một chút để xem after-credit nhé.