Ống Kính Sát Nhân là phim trinh thám, tội phạm, hình sự do Nguyễn Hữu Hoàng làm đạo diễn. Điện ảnh nước nhà xưa nay đã khan hiếm phim về đề tài này, đặc biệt hiện tại xu thế làm phim remake hay phim thanh xuân vườn trường có phong cách retro đang lên ngôi khiến khán giả gần như “bội thực”. Vì thế, Ống Kính Sát Nhân như một làn gió mới thổi vào nền điện ảnh Việt Nam và vẫn rất đáng khen mặc dù còn nhiều điểm thiếu sót.
Nội dung phim kể về thanh tra K (Hứa Vĩ Văn) và những vụ án bắt cóc trẻ em phức tạp tại một thị trấn nhỏ ở Đà Lạt. Sau khi vô tình giết chết một nữ đồng nghiệp, danh tiếng và sự nghiệp của K dần tuột dốc. Anh không còn được cấp trên giao cho những vụ án quan trọng, trong đó có vụ vợ chồng nghệ sĩ cải lương Liên Hoa bị sát hại. Chỉ vài ngày sau khi thanh tra Dương (Quang Sự) đảm nhận vụ án, nghi phạm đã bị bắt giữ. Nhưng những bí mật vẫn còn lờ mờ như làn sương bao phủ thị trấn và kẻ bắt cóc vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vì thế K quyết tâm dấn thân để vén lên bức màn sự thật và tìm ra tên bắt cóc.
Vì là phim trinh thám, hình sự, tội phạm nên chắc chắn việc xây dựng kịch bản không phải là chuyện dễ, đặc biệt đây còn là phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam khai thác đề tài này. Kịch bản phim rất có tiềm năng và có nhiều chi tiết sáng tạo, mới lạ, thế nhưng cách thể hiện vẫn chưa được rõ ràng khiến nội dung phim bớt hay hơn hẳn. Chỉ trong 1 tiếng 41 phút nhưng có quá nhiều tuyến truyện và nhân vật khiến cho phim trở nên khá rối và làm khán giả cảm thấy hơi…lao đao sau khi xem xong phim. Các vấn đề được đặt ra trong phim đều khá hay, chẳng hạn như nạn bắt cóc, ngoại tình, những thanh tra làm việc thiếu đạo đức vội vàng kết án người vô tội… nhưng do thời lượng có hạn nên không có vấn đề nào được đẩy lên đến mức cao nhất. Đến khi phim kết thúc, nhiều chi tiết vẫn còn bị bỏ ngỏ và làm người xem chưa thấy “thoả mãn”. Có lẽ Ống Kính Sát Nhân sẽ thành công hơn nếu đây là một tác phẩm truyền hình.
Ngoài ra, phim vẫn còn khá nhiều điểm vô lý như cái cách mà thanh tra K vô tình giết nữ đồng nghiệp, các nhân vật cũng cực kỳ giàu khi ai ai cũng đi xe hơi, cảnh đám tang của vợ chồng Liên Hoa cũng theo phong cách của nhiều phim Hồng Kông và phim Mỹ chứ không hợp với bối cảnh ở Việt Nam cho lắm, mặc cho gia đình Liên Hoa là một gia đình danh tiếng và giàu có. Hơn thế nữa, cảnh nóng giữa nghi can Tốn và người tình quá dư thừa và chỉ nên được kể lại qua lời của cô người tình là được. Đáng lẽ nhà sản xuất nên tập trung xây dựng mối quan hệ tay ba giữa Tốn – Cẩm Phô (Diễm My 9X) – người tình để phim logic hơn thay vì đưa cảnh nóng không cần thiết đó vào phim.
Phần diễn xuất rất tốt từ vai chính đến vai phụ, ngay cả các diễn viên nhí cũng diễn rất hay so với tuổi. Duy chỉ có Diễm My 9X là tôi thấy vẫn chưa thoát ra khỏi được hình ảnh kiều diễm hay cô nàng thời trang như báo chí ca ngợi. Diễn xuất của cô vẫn còn hơi gượng, đặc biệt là lúc nhân vật của cô bị say. Bên cạnh đó, chỉ trong thời lượng khoảng 20 phút mà cô đã thay khoảng 4 chiếc váy. Từ quần áo cho đến phụ kiện và kiểu tóc của cô chưa toát ra được vẻ mộc mạc mà vẫn còn khá sang chảnh.
Hứa Vĩ Văn thì đã không làm khán giả thất vọng bởi anh diễn rất tự nhiên và sở hữu chất giọng trầm ấm, góp phần giúp cho bộ phim lôi cuốn hơn. Nhưng thật lòng mà nói, đối với tôi Khương Ngọc mới là điểm sáng nhất của phim. Một phần cũng là nhờ nhân vật của anh có chiều sâu nhất, thể hiện nhiều sắc thái cảm xúc nhất và… biến thái nhất. Nhân vật của anh luôn toát ra vẻ bí ẩn, vừa khiến khán giả vừa tò mò, vừa sợ nhưng cũng không thể nhịn được cười vì gương mặt và cách diễn xuất của anh luôn có thứ gì đó rất duyên. Đoạn cuối chính là lúc anh diễn xuất thần nhất khi thể hiện được sự thay đổi sắc thái liên tục của nhân vật, từ biến thái, đáng sợ, dằn vặt cho đến đáng thương. Suy cho cùng, thẳm sâu trong nhân vật của anh cũng chỉ là một đứa trẻ cô đơn, bị bỏ rơi và là một người cha yêu thương đứa con gái đến mức điên loạn. Có lẽ trong số các diễn viên Việt Nam hiện tại không ai có thể diễn vai này hay hơn anh được.
Ngoài phần kịch bản mới lạ thì phần âm thanh và hình ảnh cũng là điểm đáng khen khác của phim. Phim có tone màu tối và âm u phù hợp với thể loại trinh thám, hình sự nhưng không quá tối đến nỗi không nhìn thấy được gì. Hơn thế nữa, nếu dừng lại mỗi khung hình thì hầu như cảnh phim nào cũng có màu đẹp và “nghệ”. Phần âm thanh cũng rất chất lượng, đặc biệt là ở những đoạn jump scare vẫn đủ làm người xem giật mình nhưng không chói tai như nhiều phim kinh dị rẻ tiền khác.
Nhìn chung, phim tuy không xuất sắc nhưng không phải tệ đến nỗi khiến người xem thất vọng và chửi rủa. Giữa một rừng phim tình cảm, hài nhảm đang sắp bão hoà như hiện tại thì Ống Kính Sát Nhân không phải là lựa chọn tồi khi đến rạp. Điện ảnh Việt Nam đang rất cần những bộ phim theo đề tài trinh thám và có kịch bản gốc sáng tạo như thế này. Đặc biệt, nếu là fan của Khương Ngọc thì chắc chắn hãy ra rạp để được xem màn diễn xuất xuất thần của anh.
Lưu ý, phim có nhiều cảnh kinh dị jump scare và nhiều hình ảnh khá đáng sợ nên bạn nào “yếu tim” thì hãy cân nhắc.