Tag: biệt đội cún cưng

  • Review Biệt đội cún cưng – Show Dogs

    Review Biệt đội cún cưng – Show Dogs

    – Ngay cả các “boss bốn chân” đáng yêu cũng không thể cứu vãn bộ phim.

    – Kỹ xảo CGI nghèo nàn như bộ ria của Henry Cavill năm ngoái.

    Show Dogs (tựa Việt: Biệt Đội Cún Cưng) xoay quanh hai chú chó đặc vụ FBI Max và Will đang trên đường điều tra phi vụ bắt cóc gấu trúc của bọn chuyên buôn bán động vật bất hợp pháp. Biết được bọn tội phạm sẽ bán gấu trúc tại lễ hội cún cưng Canini ở Las Vegas, cả hai phải trà trộn vào đó và trải qua muôn vàn thách thức như tắm bùn, múa ba-lê, thậm chí bị tẩy lông để có thể ngăn chặn âm mưu của chúng. Phim do đạo diễn Raja Gosnell chỉ đạo, ông từng nổi tiếng với những phim như Scooby-Doo, Beverly Hills Chihuahua và The Smurfs.

    Trailer phim Show Dogs.

    Sau khi Isle of Dogs (tựa việt: Đảo Của Những Chú Chó) ra mắt đầu tháng 6, chỉ một tuần sau khán giả Việt Nam lại có dịp thưởng thức thêm một phim nữa cũng xoay quanh loài vật bốn chân đáng yêu này. Không độc đáo về mặt hình ảnh như Isle of Dogs nhưng Show Dogs cũng không hề kém cạnh trong khoản hài hước châm biếm, thỉnh thoảng khiến người xem giật mình thon thót bằng những câu đá xéo gây liên tưởng, đồng thời vẫn giữ mọi thứ ở chừng mực vừa phải để phù hợp với nhãn PG thân thiện với trẻ em. ​

    Thế nhưng, xuất hiện vào thời điểm 2018, Show Dogs là một bộ phim hơi… lạc hậu, nói trắng ra là thiếu sáng tạo về hình thức thể hiện. Nếu ai từng có tuổi thơ ngồi dán mắt vào màn hình TV xem những phim kiểu 101 Con Chó ĐốmTiểu Thư Và Gã Lang ThangScooby-Doo hay Nanh Trắng… thì chắc sẽ thuộc làu làu các công thức xây dựng kịch bản mà Show Dogs sử dụng.

    Tập hợp những chú cún điển hình.

    Nội dung phim không có gì mới, vẫn đề tài “khi chó là cớm” xoay quanh nhân vật chó đặc vụ trên đường săn đuổi tội phạm, kiểu như trong Turner & Hooch (1989). Tạo hình nhân vật lẫn tính cách đều khá rập khuôn, nhắm mắt cũng liệt kê được, thể nào cũng có một chú cún cảnh nhà giàu be bé xinh xinh như được nuôi bởi Paris Hilton, một chú chó Bull mặt hậm hực giọng ồm ồm, rồi một chú chó mực “hổ báo trường mẫu giáo”…

    Cách pha trò trong phim cũng đơn điệu, như cảnh chó đánh rắm hay chó nghe nhạc hip hop chẳng hạn – thô vụng như thể trích ra từ mấy phim hài của thập niên trước, giờ ai còn chọc cười khán giả kiểu này nữa? Có lẽ Show Dogs vẫn đủ khả năng khiến trẻ em cảm thấy thích thú, nhưng người lớn xem vào sẽ khó bị thuyết phục hơn.

    Bộ phim thường xuyên gây cho người xem cảm giác déjà vu: “Cảnh này quen quen, hình như mình đã từng thấy trong phim nào đó rồi…”

    Phần kỹ xảo là một điểm trừ to tướng. Hiệu ứng trong phim nửa nạc nửa mỡ do vừa dùng chó thật đóng live-action vừa dùng công nghệ CGI để khiến chúng nhóp nhép mồm nói năng khi lên phim. Dân tình từng bu vào xâu xé đội ngũ xóa ria của Henry Cavill trong Justice League, bạn nghĩ thế là tệ hại lắm rồi ư? Hóa ra chỉ đáng xách dép cho đội ngũ kỹ thuật của Show Dogs thôi.

    ​​Riêng chỉ có gấu trúc là được dựng hoàn toàn bằng CGI.

    Dĩ nhiên, Show Dogs vẫn ổn nếu bạn muốn xem phim giải trí, thế nhưng không nên trông đợi một thông điệp sâu sắc lay động lòng người. Đáng tiếc là tại thời điểm này các nhà làm phim Hollywood có vẻ không thích đưa những bài học đậm chất nhân văn vào phim về động vật nữa, thay vào đó họ lại thích khai thác khía cạnh hài hước nhiều hơn. Show Dogs là một ví dụ như thế. Kết quả là bộ phim dù có hài hước duyên dáng thế nào thì cũng chỉ có thể khiến người xem mua vui được vài trống canh, bước ra rạp sẽ quên ngay nội dung.

    Poster phim.

    Nhìn chung, Show Dogs vẫn là bộ phim giải trí nhẹ nhàng dành cho các gia đình vào dịp cuối tuần, hoặc chỉ đơn thuần dành cho những ai yêu động vật.