Category: Phim chiếu rạp

  • Review phim bao giờ hết ế – Phim hài Việt

    Review phim bao giờ hết ế – Phim hài Việt

    Thật khó dùng từ gì để mô tả nếu được yêu cầu nêu ra cảm nhận ban đầu về bộ phim này, không phải vì phim truyền đạt nội dung kỳ vĩ hay sâu sắc gì mà chính là do nó bao gồm quá nhiều thứ trái khoáy, ngược đời, đối chọi nhau chan chát. Có hai thái cực có thể xảy ra khi tôi cảm thấy bối rối vô cùng lúc xem xong một bộ phim, hoặc là nó quá hay làm ‘tê dại’ hết mọi giác quan ngay lúc đó hoặc là dở quá mức chịu đựng. Bao Giờ Hết Ế đáng tiếc lại thuộc về trường hợp sau.

    Theo tóm tắt của các nhà sản xuất thì phim kể về Thiên Kim (Thúy Vân) phải buộc lòng tạo lập một vở kịch yêu nhau cùng một tài xế taxi nghèo tên Hòa (Đình Quân) do cô bị gia đình ép phải lập gia đình. Trớ trêu thay, cô và các thế hệ phụ nữ (bà cố, bà ngoại, mẹ) trong gia tộc chịu một lời nguyền bí ẩn khiến bất kỳ người đàn ông nào kết hôn cùng họ đều không có kết cục tốt đẹp. Liệu Kim có vượt qua được bao thử thách để tìm thấy bến đỗ hạnh phúc của cuộc đời?

    Mới nghe qua ta thấy ý tưởng của bộ phim cũng không đến nỗi quá tệ, nhưng từ ý tưởng đến thành quả cuối cùng là một chặng đường không hề đơn giản, dễ dàng. Muốn kể một câu chuyện cho người khác hiểu bằng ngôn ngữ điện ảnh khác xa việc kể bằng ngôn từ hay âm nhạc, nó phải là sự tổng hợp của các yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là hình ảnh. Để diễn tả một người phụ nữ thành đạt không phải giơ cao tấm biển ghi nghề nghiệp và thành tích mà phải thuyết phục người xem bằng những cảnh về cách hành xử chuyên nghiệp, đỉnh đạt, thông minh trong công việc. Phim thiếu hẳn điều này và lướt qua tất cả nhân vật cùng sự kiện chỉ bằng vài câu thoại hay giới thiệu đơn giản, đây hoàn toàn không phải ngôn ngữ điện ảnh. Đạo diễn Nguyễn Thành Vinh chỉ được biết đến trước đây với vai trò đạo diễn lồng tiếng, lần đầu cầm trịch một dự án điện ảnh có vẻ quá sức với anh. Toàn bộ bối cảnh và các nút thắt then chốt để câu chuyện diễn ra đều bị làm hỏng bét. Nhịp điệu phim quá nhanh mà lại hời hợt đến mức cẩu thả khiến người xem không thể nào hiểu được vì sao câu chuyện lại có thể đi đến bước như thế này. Suốt cả phim là màn “rượt đuổi” hụt hơi giữa người xem và diễn tiến câu chuyện phim. Đây là điều tối kỵ với thể loại tình cảm lãng mạn mà phim hướng đến.

    Không khó để nhận ra những mảng miếng rất quen thuộc trong các phim của Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông được “mượn” dùng trong phim này nhưng không được làm khéo khiến tất thẩy đều rất khiên cưỡng. Quá nhiều thể loại được trộn lẫn nhưng không có cái nào được làm tới. Hài hay tình cảm lãng mạn là thể loại chính? Chút thì cứ tưởng là khoa học viễn tưởng hay thần thoại, chút lại bẻ qua hành động xã hội đen, có những tình tiết làm liên tưởng đến truyện kiếm hiệp Kim Dung nữa chứ. Câu chuyện đã quá nát rồi, đáng lý phải tập trung sức để vá lại cho phim khỏi sụp đổ thì các nhà làm phim còn ghè đá thêm cho nặng. Tự làm khó mình mà cũng làm khó người xem.

    Một kịch bản nông cạn, rời rạc, ngây ngô lại được diễn bởi một dàn diễn viên trẻ không có thành tích diễn xuất gì nổi bật. Không có một diễn viên vai chính, thứ chính nào trong phim hoàn thành vai diễn của mình tốt, cộng với một câu chuyện tệ hại thì chúng ta cũng đoán trước sự kết hợp này sẽ cho ra đời một sản phẩm như thế nào rồi. Dường như các diễn viên không chịu đầu tư cho vai diễn của mình và không hiểu mình đang diễn cái gì. Suốt cả bộ phim khán giả phải chịu đựng những màn diễn xuất gượng gạo, các diễn viên cứ như đóng khuôn sẵn các biểu cảm rồi cứ thế đeo vào ở các phân đoạn khác nhau. Các diễn biến tâm lý vô lý một cách nực cười và được xếp đặt trong các tình huống không thể nào “kịch” hơn.

    Cộng hưởng với diễn xuất và kịch bản là phần âm nhạc, lồng tiếng âm thanh, quay phim, bố trí bối cảnh phim cũng có rất nhiều điều đáng bàn. Phần nào thì âm nhạc tuy không quá hay nhưng cũng không đến nỗi quá tệ, tuy nhiên nếu suốt cả phim phải chịu đựng hoài một kiểu nhạc phim như vậy thì khán giả phát ngán lên được. Không có chút điểm nhấn vào, những bài nhạc phim hoặc quá sến súa, hoặc quá “chợ”, nó không ăn nhập gì với nhau và cũng chả làm ai nhớ khi bước ra khỏi rạp. Lồng tiếng không tốt dù cho đây là chuyên môn của đạo diễn Nguyễn Thành Vinh. Âm sắc đài từ diễn viên lồng tiếng không hợp, phần âm thanh tiếng động các phân cảnh quá giả tạo, lệch tiếng và không tạo cảm giác được đầu tư cẩn thận, nó cứ như một bài tập về nhà làm vội để kịp giờ đem nộp. Quay phim và bố trí cảnh cũng không ổn. Nhiều cảnh lạm dụng các cảnh quay chậm không cần thiết, lúc thì thiếu những góc quay gần để bắt được diễn biến tâm trạng của các diễn viên, có vẻ đạo diễn cũng không tự tin lắm về diễn xuất của dàn diễn viên trẻ trong phim.

    Một điều hơi tế nhị nhưng cũng cần góp ý với đơn vị sản xuất là khách mời tham gia phim. Dù biết nhà sản xuất có ý tốt khi mời các nghệ sĩ có tên tuổi trong các lĩnh vực nghệ thuật khác (cải lương, kịch nói…) vào vai khách mời nhưng các ngành nghệ thuật khác nhau có những điều khó mà trung hòa được. Không thể ngay lập tức bắt những nghệ sĩ đó thay đổi hẳn phong cách quen thuộc trong môn nghệ thuật đã gắn bó lâu năm để vào một vai trong phim điện ảnh, họ vẫn mang hơi hướng quen thuộc vào phim và điều này không tốt chút nào cho tác phẩm điện ảnh. Dẫu không phải diễn viên điện ảnh họ cũng trong ngành nghệ thuật mà còn gặp nhiều trở ngại thì việc mời các bạn trẻ không có chút nghiệm diễn xuất phim nào chỉ nổi lên qua các chương trình truyền hình thực tế hay các hotgirl, hotboy thì còn thảm họa đến mức nào nữa.

    Người viết rất buồn khi phải chê một phim do người Việt thực hiện nhưng nếu muốn nền điện ảnh Việt Nam phát triển thì tự bản thân những người làm nghề phải nghiêm khắc với chính mình gấp bội. Chúng ta đang phải cạnh tranh trực tiếp với các nền điện ảnh khổng lồ, nếu không quyết lòng cố gắng thì đừng mong kéo được khán giả đến rạp. Sâu xa hơn nữa là niềm tin với điện ảnh Việt, cho ra đời các tác phẩm không xứng đáng thì lấy gì nuôi dưỡng nguồn khán giả sẵn sàng ủng hộ các sản phẩm văn hóa nội địa trong tương lai?

    Xem thêm:

  • Đánh giá phim App War: Tình yêu hay tiền tỷ?

    Nhà sản xuất TMoment của Thái Lan – tiền thân của GTH, là hãng phim đã từng cho ra nhiều tác phẩm thành công như Tuổi Nổi Loạn, Tình Người Duyên Ma, ATM: Lỗi Tình Yêu, I Fine…Thank You…Love You… App War (Tình Yêu Hay Tiền Tỷ?) là sản phẩm tiếp theo của hãng phim này, nhưng đáng tiếc là nó lại không thể tạo được dấu ấn như những tác phẩm trước đó. Tuy khai thác đề tài khá mới lạ là start-up kết hợp với tình cảm hài, nhưng kịch bản lại khá dài dòng, không có nhiều chi tiết hài hước hay kịch tính và nhiều tình tiết chưa được logic cho lắm khiến App War chỉ dừng lại ở mức tạm được, không phải là một bộ phim tệ nhưng cũng không để lại cho người xem ấn tượng gì.

    Phim xoay quanh Bomb (Nat Kitcharit) và June (Warisara Yu), hai nhà sáng lập của hai công ty start-up về app điện thoại vô tình gặp nhau trên con đường loay hoay tìm kiếm chỗ đứng trong giới. Họ trở thành bạn và “cảm nắng” nhau sau khi nhận ra có nhiều điểm tương đồng. Cuộc gặp gỡ định mệnh đó đã vô tình truyền cảm hứng cho cả hai người về một app điện thoại có thể tìm kiếm và kết nối những người có cùng sở thích cá nhân. Sau khi ra mắt, cả hai app đều nhận được sự ủng hộ từ đại đa số người dùng, nhưng vì quá giống nhau từ ý tưởng đến chức năng, Bom và June đã chuyển từ bạn sang địch thủ trên thương trường. Cả hai công ty không từ bỏ bất cứ kế hoạch nào, thậm chí là… cài gián điệp vào trong công ty đối thủ để giành được số tiền đầu tư lên đến 100 triệu baht. Càng về sau, kế hoạch này càng đi quá xa và khiến cả đôi bên cùng gặp những thiệt hại dở khóc dở cười.

    Không thể phủ nhận là đề tài start-up khá độc đáo và mới lạ, chưa có nhiều phim khai thác đề tài này ngoài series Silicon Valley của Mỹ. Trong phim, kịch bản ở tuyến truyện về start-up được đầu tư cũng khá chỉn chu và chi tiết chứ không hề qua loa. Từ cái cách mà cả hai đội lên ý tưởng thiết kế app, sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành cho đến  phần thuyết trình để giành được số tiền đầu tư ở cuối phim. Tuy nhiên, kịch bản phim tập trung quá mức vào phần chiêu trò đấu đá giữa hai công ty, không chú trọng vào việc truyền cảm hứng start-up cho khán giả khiến phim giảm giá trị hơn hẳn.

    Nhiều đoạn đấu đá khá “lố” như lúc cả hai cố đội chặn đường nhau để không đến kịp buổi thuyết trình, thậm chí ở đoạn gần cuối, cô nàng Fai (Ticha Wongthipkanont) – đồng nghiệp của June, bắt ép cô thực tập sinh Mild (Patchanan Jiajirachote) ăn cắp máy tính của Bomb để lấy toàn bộ bản thiết kế app, và cô nàng Mild này cũng chấp nhận làm ngay lập tức, và Bomb cũng không hề làm gì sau đó. Thiết nghĩ thay vì đưa vào chiêu đấu đá vô lý và khá…tiểu nhân này thì biên kịch nên thêm vào chi tiết nào đó ý nghĩa hơn để truyền cảm hứng cho những người trẻ.

    Song song với tuyến truyện về cuộc chiến giữa hai công ty start-up là tuyến tình cảm của Bomb và June. Thế nhưng, người viết lại thấy tuyến truyện này khá mờ nhạt, mối quan hệ giữa hai người không có khoảnh khắc nào lãng mạn hay ấn tượng cho lắm. Ngoài những màn đấu đá và cạnh tranh lẫn nhau thì người viết không hề thấy được chemistry giữa hai người. Cái kết ban đầu nhìn có vẻ lãng mạn và cảm động khi Bomb quyết định nghỉ việc, từ bỏ công ty start-up để đi làm freelancer, sau đó gặp lại June, thế nhưng nếu suy ngẫm kĩ thì sẽ thấy kết thúc này đi ngược lại toàn bộ tinh thần của phim từ đầu đến cuối. Cảm hứng để start-up thì không thấy đâu, chỉ thấy một chàng trai trẻ cố gắng thật nhiều cho sự nghiệp để rồi từ bỏ tất cả và theo đuổi cô gái hiếu thắng và từng “chơi xấu” công ty của mình.

    Nhìn chung, App War là bộ phim có mọi thứ chỉ dừng lại ở mức tạm được, từ nội dung, cách xây dựng nhân vật cho đến diễn xuất của dàn diễn viên, xét về mặt giải trí cũng khá ổn. Nhưng cái kết phim đã cho thấy phim nghiêng về phần tình cảm hơn là start-up, thế nên đừng trông chờ App War sẽ là bộ phim tràn đầy cảm hứng về start-up như series Silicon Valley.

    Xem thêm:

     

  • Review phim Ác Quỷ Ma Sơ – khi sợ hãi là chưa đủ

    Dù được cho là ác ma đáng sợ nhất vũ trụ The Conjuring, thế nhưng hình tượng Valak trong The Nun lại không như mong đợi của khán giả. Bù lại, phim vẫn giữ được sự hấp dẫn nhờ cốt truyện mạch lạc.
    Cuộc chiến giữa thế lực ánh sáng và bóng tối được khéo léo thể hiện qua màu sắc trang phục tương phản của các nữ tu /// Ảnh: Warner Bros.

    Cuộc chiến giữa thế lực ánh sáng và bóng tối được khéo léo thể hiện qua màu sắc trang phục tương phản của các nữ tu

    ẢNH: WARNER BROS.
    Như đạo diễn Corin Hardy đã bật mí, toàn bộ sự kiện trong The Nun là khởi đầu cho hàng loạt tai ương diễn ra xuyên suốt vũ trụ The Conjuring. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1952, khi cha Burke (Demián Bichir) và sơ Irene (Taissa Farmiga) được tòa thánh Vatican cử đến tu viện Cârța ở Rumani để điều tra vụ tự sát của một nữ tu trẻ tuổi. Tại đây, họ nhận ra thế lực ma quỷ đang hoành hành chính là tác nhân đằng sau những cái chết bí hiểm, âm mưu phá hoại sự yên bình của chốn linh thiêng.
    The Nun đánh dấu lần xuất hiện thứ ba của ác ma Valak trong vũ trụ The Conjuring. Câu chuyện về tu viện bị quỷ ám vốn là đề tài không mới trong lịch sử dòng phim kinh dị, thế nhưng The Nun vẫn biết cách khai thác những nỗi sợ phổ quát của số đông.
    'Ác quỷ ma sơ': Valak mờ nhạt trong phim riêng - ảnh 1

    Suốt nửa đầu phim, ác ma Valak vẫn luôn rình rập trong bóng tối, ‘trung thành’ với nguyên tắc không lộ mặt

    ẢNH: WARNER BROS.

    Còn nhớ năm ngoái, Annabelle: Creation gây sốt nhờ sử dụng hiệu quả yếu tố hài hước để tiết chế nỗi sợ, đồng thời biến giai điệu My Sunshine vui tươi trở thành một nỗi ám ảnh thực sự đối với người xem. The Nun lần này không cố khai thác tiếng cười mà chỉ điểm tô vài chi tiết hài hước một cách vừa vặn, thay vào đó, đạo diễn Corin Hardy lại tập trung tạo bầu không khí u tối bằng những khung hình gây ấn tượng về mặt thị giác. Đội ngũ sản xuất đã đến một tu viện cổ kính tọa lạc giữa vùng đất hẻo lánh để quay phim và khai thác tối đa không gian kỳ bí sẵn có tại nơi này.

    Có lẽ vì thế mà tính chân thật của bối cảnh được tăng lên rất nhiều, khiến khán giả dễ dàng hoà mình vào trải nghiệm của nhân vật trên màn ảnh. Khán giả sẽ cảm thấy như lạc vào mê cung hành lang tăm tối, đi qua những phòng ngủ ngột ngạt, những gian phòng cầu nguyện âm u chỉ được thắp sáng bằng ánh nến leo lét, hay dạo bước giữa cánh rừng rộng lớn có nghĩa trang hoang vu. Dường như cái ác đang rình rập khắp nơi giữa cảnh trí vắng lặng. Bóng dáng lặng lẽ của các nữ tu thi thoảng cứ thoắt ẩn thoắt hiện tại những ngóc ngách kín đáo trong tu viện.
    'Ác quỷ ma sơ': Valak mờ nhạt trong phim riêng - ảnh 2

    Những cảnh quay trong tu viện cổ kính nhưng u tối là điểm cộng rất lớn cho phim

    ẢNH: WARNER BROS.
    Ánh sáng và bóng tối, trắng và đen là những yếu tố chủ đạo để xây dựng không gian trong phim. Gương mặt ác ma Valak và trang phục đen của những nữ tu tại Cârța hoà lẫn với bóng tối, trong khi đó, trang phục màu trắng của sơ Irene lại đối nghịch hoàn toàn. Những chi tiết như tượng Chúa sụp đổ, thánh giá ngược cũng góp phần khắc hoạ cuộc chiến không khoan nhượng giữa những con chiên của Chúa chống lại thế lực ma quỷ đang ngày càng lớn mạnh.
    Dù tạo không khí tốt nhưng The Nun vẫn sử dụng yếu tố jumpscare truyền thống để hù doạ khán giả. Đối với một sản phẩm kinh dị hướng đến đại chúng thì cũng không thể mong đợi những phương thức hù dọa sáng tạo, độc đáo hơn. The Nun tiếp tục đi vào vết xe đổ của những phim kinh dị trước đó: mỗi khi “trùm cuối” lộ mặt thì nỗi sợ mà khán giả dành cho nhân vật đó cũng tự dưng biến mất. Trường hợp ác ma Valak cũng không ngoại lệ dù rất nhiều hiệu ứng âm thanh, hình ảnh đã được sử dụng để tăng độ ghê rợn cho trường đoạn về cuối. Có đôi lúc, ta cảm thấy như Valak mờ nhạt trong chính phim riêng của mình.
    'Ác quỷ ma sơ': Valak mờ nhạt trong phim riêng - ảnh 3

    Bộ phim vẫn không thể thiếu “món đặc sản” jumpscare

    ẢNH: WARNER BROS.

    TIN LIÊN QUAN

    • Valak thoắt ẩn thoắt hiện rùng rợn trong ‘Ác quỷ ma sơ’
    • ‘Ác quỷ ma sơ’ tung teaser trailer rợn tóc gáy
    • Nhiều phim kinh dị bị cấm chiếu tại Việt Nam
    Từng góp mặt trong American Horror Story, diễn viên trẻ Taissa Farmiga không gặp khó khăn trong việc hoá thân thành một nữ tu trẻ bị quỷ dữ ám ảnh. Đáng tiếc là nhân vật của cô đơn điệu, một màu hơn mong đợi. Thế nên vai diễn của Taissa Farmiga nhìn chung còn an toàn, lẽ ra có thể đột phá hơn. Thay vào đó, cô tự đóng khung mình với hình ảnh một ma sơ trong sáng thiện lương từ đầu đến cuối. Những khoảnh khắc xuất thần mà vị sơ này để lộ ra thực sự không đáng kể và chẳng còn đọng lại ấn tượng gì trong lòng khán giả.
    Kịch bản phim không quá đột phá nhưng mạch lạc và hấp dẫn hơn rất nhiều so với hai bộ phim về búp bê ma Annabelle, với một cái kết có cài cắm vài chi tiết gây bất ngờ cho khán giả. Nhìn chung, The Nun là một sản phẩm điện ảnh tương đối chỉn chu dù không có nhiều màn hù dọa thót tim. Bộ phim hiện đạt số điểm 34% trên Rotten Tomatoes và 6,6/10 trên IMDb.

    Xem thêm:

  • Những phim kinh dị hay trong tháng 9

    Dù tháng 9 là mùa nhập học, không phải Halloween nhưng các rạp chiếu bắt đầu hành trình gieo rắc nỗi sợ hãi cho khán giả đến rạp bằng 2 phim kinh dị, kịch tính được mong chờ là Ác Quỷ Ma Sơ và Quái Thú Vô Hình từ Hollywood. Song song đó, phim châu Á vẫn dùng thế mạnh là phim tình cảm tấn công khán giả với Ngày Em Đẹp Nhất và anime Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa. Tình cảm hay kinh dị? Đâu là thể loại sẽ lên ngôi vương trong thị trường điện ảnh Việt Nam những ngày đầu mùa thu?

    Ác Quỷ Ma Sơ (The Nun) – 07.09

    Có thể nói, bộ phim kinh dị ma quái Ác Quỷ Ma Sơ thuộc Vũ trụ Conjuring của đạo diễn / nhà sản xuất James Wan là một trong những phim kinh dị được mong chờ nhất năm 2018. Tiếp nối thành công của Ám Ảnh Kinh Hoàng Annabelle, Ác Quỷ Ma Sơ sẽ giới thiệu đến khán giả nguồn gốc của ác quỷ Valak – nhân vật phản diện từng gieo rắc nỗi sợ hãi trong Ám Ảnh Kinh Hoàng 2 (The Conjuring 2) hồi 2016. Phim bắt đầu với cái chết của một nữ tu trẻ trong tu viện tại Rumania và vị linh mục Burke (Demian Bichir) cùng nữ tu Irene (Taissa Farmiga) được Vatican cử đến để điều tra vụ việc. Càng dấn sâu vào tìm hiểu, linh hồn và thể xác của họ càng bị đe doạ bởi một thế lực xấu xa mà chốn tu viện chính là chiến trường giữa người sống và quỷ dữ.

    Bên cạnh búp bê Annabelle, ác quỷ ma sơ Valak cũng sở hữu một lượng người hâm mộ (hoặc người sợ hãi) đông đảo. Nếu búp bê Annabelle và những vụ trừ tà của nhà Lorraine lấy cảm hứng từ những sự kiện có thật thì Valak lại có chút thay đổi so với nguyên tác. Trong bộ phim lần này, tuy James Wan không đứng ra đạo diễn nhưng với tư cách là nhà sản xuất, Wan vẫn đảm bảo rằng Ác Quỷ Ma Sơ vẫn giữ được chất kinh dị u ám, những đoạn jump-scare bất thình lình, khiến khán giả căng thẳng không kém những bộ phim trước đó.

    Ngày Em Đẹp Nhất (On Your Wedding Day) – 07.09

    Âm thầm, lặng lẽ nhưng bộ phim tình cảm Ngày Em Đẹp Nhất đã đánh bại Thử Thách Thần Chết 2 ngay trong nội địa Hàn Quốc. Không chỉ là một phim tình cảm về câu chuyện vuột mất người mình yêu, Ngày Em Đẹp Nhất còn đánh trúng tâm lý của những người chứng kiến người cũ còn thương bước lên xe hoa, đặc biệt là mối tình đầu mà bản thân không đủ khả năng để níu giữ. Bộ phim còn giúp khán giả quyết định câu trả lời cho “Ngày cưới có nên mời người yêu cũ hay không?” và “Có nên dự đám cưới của người yêu cũ hay không?”

    Theo trailer, chúng ta chỉ cần 3 giây đầu gặp gỡ là sẽ biết người đó có phải định mệnh của mình hay không và anh chàng Woo-yeon si đã biết rằng Seung-hee chính là người phụ nữ của cuộc đời anh dù khi ấy cả hai chỉ mới là học sinh trung học. 10 năm sau, khi cầm trên tay tấm thiệp cưới của Seung-hee, liệu Woo-yeon sẽ nén nỗi đau đến chúc phúc cho nàng hay giành lại người con gái anh yêu? Chúng ta hãy chuẩn bị sẵn khăn giấy khi đến rạp nhé.

    Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa (Maquia: When The Promised Flower Blooms) – 07.09

    Mượn yếu tố giả tưởng, anime Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa nói về những bất công trong xã hội. Phim xoay quanh Maquia – cô bé thuộc tộc lorph chuyên nghề dệt vải với khả năng trường sinh bất tử. Một ngày nọ, tộc lorph xảy ra biến cố và Maquia vô tình lạc vào thế giới loài người. Tại nơi đây, cô nhận nuôi một em bé mồ côi và đặt tên cho em là Ariel. Vượt qua những định kiến xã hội, bỏ ngoài tai những lời dèm pha, Maquia luôn cố gắng giành những điều tốt nhất cho Ariel, yêu thương cậu bé như con ruột dẫu mẹ cô từng dặn dò rằng đừng bao giờ yêu ai nếu không muốn trở nên cô độc.

    Maquia: Chờ Ngày Lời Hứa Nở Hoa hứa hẹn sẽ là một anime thích hợp dành cho bất kỳ khán giả nào. Nếu trẻ em đi xem cùng phụ huynh, hẳn cả nhà sẽ rút ra bài học về tình thương trong gia đình. Nếu khán giả là những người lớn tuổi hơn, các bạn sẽ dễ dàng nhận ra những thông điệp đầy tính nhân văn mà bộ phim lấy cảm hứng từ xã hội.

    Quái Thú Vô Hình (The Predator 2018) – 14.09

    Bộ phim khoa học viễn tưởng về các nhân vật ngoài hành tinh Predator chắc chắn sẽ đốn tim người hâm mộ của thương hiệu này. Theo trailer và những Tv spot, Quái Thú Vô Hình tràn ngập những khoảnh khắc đầy bạo lực, đẫm máu với các pha đâm chém, xé xác từ các Predator hùng mạnh. Bên cạnh đó, trận chiến giữa Fugitive Predator và Ultimate Predator chính là điều mà các con dân mong chờ nhất vì chàng Ultimate kia sẽ không có chút nhân từ với đồng bọn đâu. Hắn ta thậm chí chẳng cần mặc áo giáp mà vẫn thừa khả năng đánh bại các Fugitive Predator.

    Trong bộ phim Quái Thú Vô Hình lần này, con người tiếp tục rơi vào tròng nguy hiểm của các thợ săn đến từ hành tinh khác. Tuy nhiên, liệu họ sẽ chống trả thành công như những lần trước? Ultimate Predator là đồng minh hay kẻ thù của loài người trong vụ tấn công lần này? Và hơn hết, mục đích lần này khi đổ bộ đến Trái đất là? Chúng ta hãy hy vọng phim sẽ không bị cắt quá nhiều để được thưởng thức trọn vẹn mức độ tàn bạo trong trận chiến giữa loài người và các Predator nhé.

    Xem thêm:

     

  • Đánh giá phim The Nun: khởi nguồn mọi tội ác

    Sau khi trải qua hàng loạt ám ảnh với AnnabelleAnnabelle: CreationThe Conjuring 1&2, James Wan đưa chúng ta quay lại khởi nguồn tất cả tội ác bằng The Nun.

    1955, búp bê Annabelle thảm sát một gia đình thợ chế tác búp bê.

    1967, Annabelle tái xuất, ám ảnh đôi vợ chồng trẻ vừa sinh con.

    1971, nhà Perron bị quỷ ám cầu cứu hai chuyên gia ngoại cảm Ed và Lorraine Warren.

    1976, vợ chồng Warren tiếp tục được giáo hội nhờ giải quyết việc cô bé Janet nhìn thấy quỷ trong nhà. Tại đây, lần đầu tiên, họ chạm mặt nữ tu Valak.

    Và rồi, James Wann – cha đẻ vũ trụ kinh dị tiết lộ, ngọn nguồn tất cả tội ác bắt đầu từ Ma sơ độc ác này.

    Năm 1952, tu viện Cârța tại Rumani xảy ra vụ việc đáng sợ- một nữ tu qua đời đầy bí ẩn. Giáo hội Vatican đã cử cha Burke– nhà trừ tà giàu kinh nghiệm và sơ Irene trẻ tuổi có khả năng nhìn thấy điềm báo tương lai đến đây điều tra. Nào ngờ, chính tại thánh địa của Chúa, cả hai phải đương đầu cùng ác quỷ khủng khiếp dưới lốt ma sơ. Hắn chính là Valak – kẻ đứng đằng sau tất cả.

    Chỉ mới “chào sân” ở The Conjuring 2, ma sơ Valak đã ngay lập tức gây được cơn sốt trên toàn thế giới. Hàng loạt ảnh chế, clip chế Valak trở nên siêu hot cả ở Việt Nam lẫn trên toàn thế giới. Chỉ mới “hai năm tuổi” nhưng ảnh hưởng ma sơ tạo ra khiến bất cứ nhân vật ảo nào cũng phải ganh tị. Chính nhờ sức hút mãnh liệt này, nhà sản xuất James Wan quyết định cho Ma sơ phần phim riêng.

    Vai diễn Valak vẫn sẽ do nữ diễn viên người Mỹ Bonnie Aarons đảm nhận. Vào nghề từ năm 1994, sự nghiệp Bonnie tranh tối tranh sáng thời gian dài trước khi bất ngờ tỏa sáng bằng nhân vật ma sơ mặt trắng môi thâm đầy kinh dị. Chẳng cần lạm dụng hành động mà chỉ bằng ánh mắt xuất thần, bà tạo ra Valak có sức ám ảnh kinh hoàng.

    Qua hai phần The Conjuring, vẻ đẹp mặn mà của nhà ngoại cảm Lorraine Warren do nữ diễn viên người Mỹ Vera Farmiga thủ vai đã chinh phục hàng triệu khán giả. Giữa những thước phim kinh dị căng thẳng thần kinh, Vera duyên dáng là liều thuốc tuyệt vời xoa dịu con tim đang nhảy lên vì sợ hãi. Vì phần này “ngược dòng thời gian”, Vera Farmiga nhiều khả năng vắng bóng. Tuy nhiên, fan hâm mộ chẳng nên buồn lòng bởi chúng ta sẽ gặp một nét đẹp ngọt ngào không kém. Đó chính là Taissa Farmiga – cô em gái nhỏ xinh xắn tài năng của Vera. Còn rất trẻ tuổi nhưng Taissa đã kịp chứng tỏ khả năng diễn xuất bằng hàng loạt vai diễn nặng ký với đủ thể loại phim ảnh. Nữ diễn viên 24 tuổi đã nhận hàng tá lời khen ngợi khi hóa thân vào ba vai diễn khác nhau trong series kinh dị nổi tiếng thế giới American Horror Story. Bom tấn kinh dị The Nun chính là bộ phim “khủng” nhất từ trước đến nay Tarissa tham gia. Dù chỉ khoác trên người bộ áo nữ tu giản dị, Tarissa vẫn gây chú ý bằng nét đẹp dịu dàng ngây thơ cùng đôi mắt to hút hồn. Chắc chắn rằng, với tài năng xuất chúng, cô nàng sẽ trở thành một trong những cái tên đáng nhớ khi nhắc đến vũ trụ điện ảnh kinh dị.

    Quyền cầm trịch dự án phim mới The Nun được James Wan giao cho Corin Hardy – nhà sản xuất sinh năm 75 sở hữu gia tài 12 tác phẩm hầu hết là phim ngắn. Tuy Corin chưa có thành tích nào vượt trội nhưng việc lọt vào mắt xanh “bậc thầy phim kinh dị” đã chứng minh phần nào khả năng của ông bởi James Wan nổi tiếng mát tay chọn lựa đạo diễn. Nếu thực hiện thành công dự án cả thế giới chờ đón này, rất nhiều cơ hội sẽ mở ra cho Corin, tương tự người đồng nghiệp David F.Sandberg sau Annabelle: Creation hết sức thành công đã được Warner Bros. mời phụ trách dự án bom tấn siêu anh hùng – Shazam.

    Âm thanh- yếu tố đóng vai trò vô trùng quan trọng quyết định thành công các tác phẩm kinh dị do nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng Abel Korzeniowski đảm nhận. Từng hai lần nhận đề cử Quả Cầu Vàng, ông là cái tên đứng sau A Single ManNocturnal Animals rất thành công…

    Dĩ nhiên, The Nun không thiếu bàn tay đóng góp từ những cái tên thân quen thuộc vũ trụ điện ảnh kinh dị. Các fan hâm mộ chắc chắn sẽ rất vui mừng và hài lòng khi biết ngồi vị trí biên kịch là Gary Dauberman. Từ Annabelle đếnAnnabelle: Creation rồi siêu phẩm kinh dị thành công nhất mọi thời đại – It, ông là cây viết hàng đầu hiện nay của dòng phim “dọa người”. Nhà quay phim người Bỉ – Maxime Alexandre đã từng gây ấn tượng mạnh mẽ bằng những góc máy độc đáo trong phim hay Annabelle: Creation cũng sẽ trở lại.

    Từ trailer và TV spot, khán giả đã bị The Nun hù dọa thót tim bởi khuôn mặt ma sơ ác quỷ tối đen và tu viện Rumani cổ xưa, vừa huyền bí vừa đáng sợ. Điều gì đang ẩn giấu phía sau thánh địa của Chúa, tại sao ác quỷ Valak lại có hình dáng Ma sơ? Và làm cách nào bà ta có thể thao túng và gây nên hàng loạt tội ác như thế? Vẫn những thủ pháp quen thuộc như jump scare nhưng với truyền thống sáng tạo không ngừng mà các bộ phim James Wan thực hiện luôn mang đến cho công chúng, chắc chắn The Nun sẽ chứa đựng rất nhiều bất ngờ.

    Được nhà sản xuất cảnh báo là “Chương đen tối nhất trong vũ trụ The Conjuring”, có lẽ từ bây giờ, người xem nên chuẩn bị cho mình trái tim khỏe mạnh để cùng chào đón ma sơ kinh dị nhất lịch sử ở rạp chiếu phim.

    Xem thêm:

  • Review Alpha: Người Thủ Lĩnh, bộ phim đáng xem cho những người yêu động vật

    Những ai nuôi chó hoặc yêu chó chắc chắn không nên bỏ quaAlpha: Người Thủ Lĩnh– một bộ phim nhẹ nhàng, sâu lắng về ngày loài động vật bốn chân trung thành trở thành người bạn tốt nhất của con người.

    Bộ phim hay này lấy bối cảnh châu Âu hai vạn năm trước. Thuở ấy, loài người còn sinh sống trong chòi và săn thú bằng đầu giáo gắn đá vót nhọn. Con trai thủ lĩnh bộ tộc – Keda là một thiếu niên thông minh và nhân hậu. Sau khi tham gia vòng tuyển chọn, cậu vinh dự tham gia đoàn đi săn đại dã thú của những người đàn ông khỏe mạnh nhất.

    Thế nhưng, chuyến săn đầu tiên lại trở thành cơn ác mộng đáng quên. Cậu thiếu niên bị con thú lớn húc văng xuống vách núi. Cô độc và trơ trọi, Keda phải áp dụng bài học sinh tồn cha từng dạy để  chống chọi với tự nhiên khắc nghiệt và đám dã thú luôn rình rập xung quanh. Giữa tình thế ngàn cân treo sợi tóc đó, cậu bé đã gặp được người bạn đáng yêu nhất đời mình – Alpha.

    Ban đầu, họ là kẻ thù. Alpha tấn công Keda chẳng thành, bị đánh trả rồi té ngã. Không nỡ giết Alpha, cậu bé còn cứu chú sói lạc bầy, đưa nó về hang động rồi chăm sóc và chữa trị. Bắt đầu từ khoảnh khắc đó, trái tim loài sinh vật hoang dã bị lòng nhân ái làm cho cảm động.

    Alpha: Người Thủ Lĩnh không thuộc danh sách các phim bom tấn được rót vào số vốn khổng lồ hàng trăm triệu $ để thực hiện những cảnh quay hoành tráng. Số lượng cảnh hành động vừa đủ, phần còn lại của 96 phút phim tập trung đào sâu vào tâm lý con người và cả loài chó. Sở hữu cốt truyện đơn giản, số lượng diễn viên ít ỏi nên đất diễn được dành chủ yếu cho Kodi Smit-McPhee vai Keda và chú chó Husky.

    Sinh ra trong gia đình truyền thống làm diễn viên, bản thân Kodi cũng đã theo nghiệp diễn từ rất nhỏ. Với bề dày kinh nghiệm mười hai năm trên phim trường, chàng trai người Úc chẳng gặp mấy khó khăn để thể hiện nội tâm cậu thiếu niên nhân hậu Keda. Điểm duy nhất anh phải vượt qua chính là quá trình quay phim “hành xác” bởi nhân vật có chuyến hành trình dài đằng đẵng, phiêu lưu qua thảo nguyên nắng gắt và cả băng giá lạnh lẽo. Hình thể vốn gầy gò, lên phim, Kodi còn ốm hơn. Thân hình mỏng manh này cũng góp phần làm cho Keda trở nên chân thật và sống động.

    Tuy vậy, mặc cho diễn xuất của Kodi khiến tất cả người xem đều hài lòng, kẻ thật sự chiếm “spotlight” bộ phim mới lại là chú sói Alpha. Với hình thể xinh đẹp và ánh mắt vừa đanh đá vừa nũng nịu, Alpha nhanh chóng gom hết cảm tình khán giả từ lúc mới xuất hiện. Từng tiếng gầm gừ, cử chỉ ngọ nguậy hay đơn giản là nhe răng cũng khiến người xem “ôm tim” hết lần này đến lần khác.

    Kodi diễn rất hay nhưng tiếc là nhà sản xuất đã chọn cho cậu người bạn diễn quá ấn tượng và hoàn toàn chẳng thể rời mắt. Dàn diễn viên phụ như Jóhannes Haukur Jóhannesson, Jens Hultén đều thể hiện tròn trịa vai trò. Tuy rằng, đất diễn của họ vô cùng ít ỏi.

    Albert Hughes là nhà làm phim nhiều năm kinh nghiệm tại Hollywood. Khởi nghiệp từ năm 1993 với tác phẩm Menace II Society, gia tài Albert sở hữu không  nhiều bộ phim nhưng vẫn ghi dấu ấn bằng những cái tên nổi bật như  The Book of Eli(Denzel Washington, Mila Kunis), From Hell (Johnny Depp, Heather Graham)… Dù chỉ có trong tay số vốn đầu tư tầm trung, ông vẫn dàn dựng được đại cảnh vĩ đại như thảo nguyên trải dài đến mênh mông vô tận, thế giới băng giá lạnh lẽo trắng xóa hay sa mạc cằn cỗi.

    Alpha có nhiều góc quay đẹp và sáng tạo. Nổi bật nhất là hình ảnh dữ dội khi Keda bám trụ trên vách núi cheo leo giữa con mưa xối xả hay yên bình dịu dàng hơn là khoảnh khắc cậu cùng Alpha lẳng lặng ngắm nhìn bầu trời đầy sao bên ngọn lửa ấm áp. Âm nhạc cũng là điểm cộng không nhỏ. Sự kết hợp giữa hai nhà chế tác giàu kinh nghiệm Joseph S. DeBeasi và Michael Stearns giúp những trường đoạn hào hùng, sống động trong phim thêm dâng trào cảm xúc, chạm tới trái tim khán giả.

    Con đường tình cảm từ kẻ thù thành bạn rồi thành tri kỷ của cặp đôi người- chó được thể hiện ngọt ngào và đậm chất nhân văn. Từ  e sợ ban đầu, họ học cách bỏ đi thói xấu bản thân để hiểu và rồi tin tưởng lẫn nhau, sống qua mùa đông lạnh giá và tìm đường về nhà theo hướng chòm sao Bắc Đẩu. Tình bạn biến Alpha từ dã thú thành bạn tri kỷ cũng chứng minh rằng, không chỉ có sức mạnh mới làm người khác kính phục mà lòng nhân đạo cũng là thứ cần thiết mà thủ lĩnh bộ lạc cần có. Ngoài ra, Alpha còn đề cao tinh thần kiên cường của con người giữa tự nhiên khắt nghiệt thời cổ đại. Loài sinh vật nhỏ bé nhờ vào trí thông minh, sự can đảm và tính đoàn kết đã thành công chiến thắng nhiều bầy đàn dã thú to lớn hơn.

    Mạch phim  phân bố khá đồng đều nhưng đôi chỗ vẫn chưa hợp lý. Gần 1/3 thời lượng đầu phim tập trung vào cuộc sống ở các bộ lạc cổ xưa, dễ khiến người xem cảm thấy nhàm chán. Chỉ đến khi Keda gặp biến cố, mạch phim mới được đẩy nhanh hơn. Tuy vậy, một cú twist rất dễ thương chắc chắn sẽ khiến tất cả khán giả phấn khích và quên đi tất cả khuyết điểm nhỏ bé ấy.

    Vừa ngọt ngào đầy ắp nụ cười, vừa hồi hộp sợ hãi với hành trình tìm về nhà đầy nguy hiểm, Alpha: Người Thủ Lĩnh sẽ hâm nóng trái tim tất cả những ai thưởng thức bộ phim mới này.

    Xem thêm:

  • Review phim Along With The Gods 2: ĐỈNH!

    Chỉ một từ thôi, ĐỈNH! Tuyệt đối đừng bỏ lỡ Along With The Gods: The Last 49 Days trong tháng 8 này nhé!

    Nếu bạn đã từng có cảm giác lo lắng cho Avengers: Infinity War sau khi thấy Black Panther quá hay ho rồi, nhưng cuối cùng kết quả là nó còn đỉnh hơn rất nhiều lần thì trường hợp của Along With The Gods: The Last 49 Days so với phần trước của nó cũng như vậy.

    Trong phần 2, bộ ba vệ thần tiếp tục hành trình bảo vệ linh hồn thuần khiết vượt qua các thử thách để họ có thể thành công được đầu thai. Thế nhưng như linh hồn Kim Su Hong đã nói, nhân vật chính của phiên tòa xét xử này có lẽ không phải anh. Quả thực vậy, nội dung chính của Along With The Gods: The Last 49 Days sẽ đưa người xem tiếp cận với quá khứ đầy bí ấn từ 1000 năm trước của bộ ba vệ thần. Cũng vì thế mà sau khi xem xong bộ phim này, cảm giác “sốc tận ốc” và day dứt khôn nguôi là những gì mà bạn sẽ được trải nghiệm!

    Điều có lẽ khiến ai cũng phải ngả mũ kính phục trước Along With The Gods 2 chính là kịch bản. Vì sao lại nói như vậy?

    Tương tự như phần trước, kịch bản phim cũng được phát triển thông qua việc “bóc tách”, gợi nhớ về từng mảng ký ức trong quá khứ của các nhân vật với hai bối cảnh chính là địa ngục và trần gian. Tuy vậy, kịch bản phần 2 được đánh giá là xuất sắc hơn, đem đến cho người xem loạt cú sốc cực đại chính nhờ những màn twist mà không một ai có thể ngờ đến. Có những bí mật có thể bạn sẽ đoán được. Nhưng đến cuối cùng, bạn sẽ nhận ra rằng đó cũng chỉ là bề nổi của câu chuyện mà thôi.

    Nếu Deadpool 2 từng khiến tất cả phải ngỡ ngàng vì các phần after credit vô cùng giá trị thì Along With The Gods 2 còn “nặng ký” hơn thế. Vì vậy đừng nên vội vàng rời khỏi rạp ngay sau khi bộ phim vừa kết thúc nhé! Sự-thật-của-sự-thật chắc chắn sẽ khiến bạn kích thích vô cùng đấy.

    Không chỉ có những cú twist, chất lượng của kịch bản phim còn đáng được khen ngợi bởi những tình tiết hài hước, cảm động được xây dựng đan xen, hợp lý. Để rồi  hơn 2 tiếng thưởng thức, cảm xúc người xem như vừa mới tham gia một chuyến tàu lượn siêu tốc: lúc lên cao, khi xuống thấp. Tựu chung lại là cực kỳ đã!

    Sau kịch bản, diễn xuất là điểm cộng tiếp theo của Along With The Gods: The Last 49 Days.

    Lần này, khán giả không có nhiều cơ hội để xem màn tung hứng đầy thú vị của bộ ba vệ thần Gang Rim (Ha Jung Woo), Won Maek (Joo Ji Hoon) và Duk Choon (Hyang Gi). Thế nhưng ở các mặt trận riêng, cùng với sự tham gia của những gương mặt mới đầy tiềm năng, họ mặc sức dẫn dắt được người xem và đem đến những màn trình diễn hoặc  “so deep” hoặc “lầy lội” hoặc hồn nhiên vô số tội đúng với phong cách của mình.

    Trong đó có lẽ nổi bật hơn cả Joo Ji Hoon khi cùng một nhân vật, nhưng vào các thời điểm khác nhau, anh lại thể hiện những tính cách hoàn toàn đối lập. Sự khác biệt lớn đến nỗi người xem cũng không khỏi tự cảm thán: Rốt cuộc thì trong 1000 năm qua điều gì đã biến một chiến binh lạnh lùng, trầm tĩnh thành một vệ thần “nhây, bựa” và nhiều chuyện như vậy?!!!

    Gần đây nhất, khán giả Việt Nam được thấy nam diễn viên trẻ Kim Dong Wook trên màn ảnh rộng qua vai diễn vị thanh tra khá bảo thủ, máy móc trong phim hài The Accidental Detective 2: In Action (Thám Tử Gà Mơ: Bộ Ba Khó Đỡ). Thế nhưng đến với Along With The Gods 2, anh chàng gây ấn tượng khi hóa thân thành một người có phần “trẻ trâu” hơn. Nếu như ở phần 1, linh hồn Kim Ha Jong (Cha Tae Huyn) đôi khi khiến người xem phát bực vì quá hiền lành, kiệm lời thì cậu em Kim Su Hong (Kim Dong Wook) lại vô cùng ồn ào và bướng bỉnh. Thế nhưng cũng chính nhờ sự bướng bỉnh, nhanh nhạy của anh mà những bí ẩn đắt giá của phim mới dần được vén màn.

    Tương tự Kim Song Wook, chưa bao lâu sau Champion (Chuyện Chàng Cơ Bawso), Ma Dong Seok đã nhanh chóng tái ngộ khán giả Việt với vai diễn Vệ thần – vị thần có nhiệm vụ chuyên bảo vệ con người trong Along With Gods: The Last 49 Days. Mặc dù lần này chàng cơ bắp nổi tiếng của xứ sở kim chi không có cơ hội để phô diễn thế mạnh của mình thế nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc anh sẽ trở nên nhạt nhòa hay lép vế. Cùng nhân vật Won Maek của Joo Ji Hoon, cả hai đã tạo ra các màn đối thoại vô cùng thú vị, từ đó giúp người xem có những khoảng thời gian giải trí rất sảng khoái và vui vẻ.

    Sau tất cả, bên cạnh những bất ngờ được hé lộ, một điều nữa từ Along With The Gods 2 khiến khán giả phải trăn trở, day dứt đó chính là giá trị của bộ phim. Không nằm ngoài xu thế, đạo diễn Kim Yong Hwa cũng gia nhập vào đội ngữ những người thích “chơi khó” công chúng. Nói như vậy bởi vì chứng kiến toàn bộ câu chuyện, khán giả quả thực không biết phải yêu phải ghét các nhân vật như thế nào mới đúng. Không ai đúng hoàn toàn và cũng không có ai ngay từ đầu đã sai.

    Điều hay ho ở đây đó chính là dù ẩn chứa tầng tầng lớp lớp ý nghĩa mang đậm văn hóa – triết lý phương Đông là thế, nhưng xuyên suốt bộ phim, số lời thoại mang tính chất thuyết giáo mà khán giả được nghe dường như chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

    Yếu tố hành động không quá nổi bật cũng như tình tiết không quá dồn dập như phần 1, thế nhưng Along With The Gods: The Last 49 Days lại có sức công phá mạnh mẽ hơn rất nhiều. Chẳng thế mà chỉ 5 ngày sau khi ra mắt (từ ngày 1/8/2018), trung bình một ngày phim bán ra được hơn 1 triệu vé. Riêng trong ngày 5/8/2018, nếu như vào buổi sáng, phim vẫn còn đang giữ kỷ lục với số vé chính xác bán ra là 5.409.817 thì đến buổi chiều cùng ngày, con số này đã chạm mốc 6.001.987 vé. Tất nhiên, ở thời điểm hiện tại, Along With The Gods 2 là bộ phim duy nhất có thể làm được điều này trong lịch sử phòng vé Hàn Quốc.

    Hoàn hảo tuyệt đối là điều không thể nhưng chắc chắn với tất cả lý do trên, cảm giác quá sung sướng sau khi được thưởng thức một bộ phim hay như Along With The Gods: The Last 49 Days sẽ khiến bạn chẳng còn gì để có thể phàn nàn hay bận tâm cả.

    Chỉ một từ thôi, ĐỈNH! Tuyệt đối đừng bỏ lỡ phim chiếu rạp tuyệt vời này nhé! Phim đang chiếu trên toàn quốc từ ngày 10.08.2018

    Xem thêm:

  • Đánh giá phim nhiệm vụ bất khả thi, đẳng cấp siêu sao

    Hai mươi hai năm, khi James Bond đã đổi từ Pierce Brosnan sang Daniel Craig và sắp chuyển sang người mới, chàng điệp viên IMF Ethan Hunt của Tom Cruise vẫn bền bỉ và phong độ trong từng nhiệm vụ bất khả thi.

    Đã hai năm từ ngày Ethan Hunt giao tay trùm khủng bố tàn độc Salomon Lane cho chính phủ. Thế nhưng, nỗi ám ảnh mà hắn gây ra cho anh vẫn chưa thể xóa nhòa. Nhất là khi tay chân của Lane ở Syndicate đã tụ tập lại, tự gọi mình là Tông đồ, âm mưu hủy diệt thế giới. Tình hình càng tồi tệ hơn khi Hunt thất bại trong nhiệm vụ ở Berlin. Đem mạng sống một người đặt lên hàng triệu người, Hunt đã khiến âm mưu hội Tông đồ tiến xa hơn bao giờ hết. Anh buộc phải đến Paris để truy tìm “món hàng” bị đánh cắp…

    Do vướng lịch trình quay Avengers 4, Jeremy Renner đành ngậm ngùi từ chối Mission: Impossible– Fallout, nhân vật Brandt được nhiều khán giả yêu thích phải biến mất không lời giải thích. Bù lại, những cái tên quen thuộc đều có mặt. Hunt tiếp tục chiến đấu cùng hai người bạn thân Benji và Luther. Cùng với đó, nữ điệp viên MI6 – Ilsa cũng quay trở lại với nhiệm vụ mới đầy bất ngờ. Tuy nhiên, người được chờ đợi nhất phần này là gã nhân viên CIA Walker do “Superman” Henry Cavill đảm nhận.

    Tất nhiên, linh hồn Nhiệm Vụ Bất Khả Thi vẫn luôn là Ethan Hunt – Tom Cruise.

    Ngay từ phần 1, Mission: Impossible đã gây ấn tượng cho khán giả bởi “thủ tục” nhận nhiệm vụ “nếu bị bắt thì tổ chức sẽ chối bỏ mọi trách nhiệm” của IMF. Bị nghi ngờ, bị phản bội, bị giải tán… IMF có thể coi là tổ chức tình báo số “nhọ” nhất lịch sử. Mà là kẻ đứng mũi chịu sào- Ethan Hunt chính là đại diện cho hình ảnh IMF vẫn luôn kiên định với lý tưởng ban đầu.

    Có thể nói, Ethan Hunt được tạo ra dành cho Tom Cruise. Dù Hollywood có thêm hàng lứa diễn viên tài năng, dường như chẳng ai có khả năng thay anh trở thành Ethan Hunt thứ hai. Kỹ năng diễn xuất của Tom, chẳng hề thuộc dạng không-ai-thay-thế-được, thế nhưng lòng yêu nghề và sự hy sinh hết mình cho vai diễn đã khiến tất cả mọi người phải kính trọng và đưa anh trở thành một trong những diễn viên được yêu mến nhất thế giới. Tom Cruise chẳng ngại khổ học lái máy bay đến 16 tiếng một ngày, chẳng tiếc thân mình tự thực hiện các pha hành động cực kỳ nguy hiểm. Khi quay Mission: Impossible- Fallout, Tom đã gãy xương và phải nằm viện mấy tháng ròng.

    Sau khi tìm mọi cách hạ bệ IMF trong phần trước, ngài thư ký Alan Hunley lại chuyển sang làm thư ký tại chính tổ chức này. Nhờ vụ bắt tay cùng nhóm Hunt ở Rogue Nation, ông và Hunt đã thân thiết và trở thành hậu phương vững chắc cho chàng điệp viên và bạn bè trên hành trình đi khắp thế giới để chống lại âm mưu hủy diệt thế giới. Kế vị Hunley ở CIA là một bà đầm thép thủ đoạn và cá tính hơn ông về mọi mặt – Erica Sloan. Bà xoay khán giả và thành viên IMF như chong chóng cùng lời tuyên bố đanh thép “Ông thích dùng dao mổ còn tôi thích dùng búa hơn.” Cả Alec Baldwin và Angela Bassett đều chứng tỏ đẳng cấp diễn viên thực lực khi hoàn thành xuất sắc hai vai diễn khó khăn này.

    Là kẻ được ngóng trông nhất Fallout, đáng tiếc, Henry Cavill hoàn toàn gây thất vọng. Khuôn mặt đẹp như tượng thần Hy Lạp không cứu vãn nổi kỹ năng trình diễn cứng đơ. Anh gần như chẳng có điểm nhấn nào dù có đất diễn trội hơn hẳn các thành viên còn lại. August Walker nào phải là một nhân vật khó thể hiện, thế nhưng, cũng như hàng tá phim trước, anh chàng đẹp trai người Anh lại tiếp tục khiến khán giả chán nản. Điểm duy nhất đáng ghi nhớ là bộ ria mép “thần thánh” đã khiến Warner Bros. tốn cả triệu $ để xóa và rồi nhận hàng đống gạch đá trong Justice League.

    So với phim hay Mission: ImpossibleRogue Nation, Simon Pegg không có nhiều đất diễn. Tuy vậy, nam diễn viên người Mỹ vẫn gây được ấn tượng nhờ khả năng hài hước, Benji là người làm dịu tinh thần khán giả giữa 147 phút đầy ắp tình huống đau tim. Luther của Ving Rhames cũng khiến người xem cảm động bởi sự quan tâm và thấu hiểu anh dành cho Ethan.

    Sau phim chiếu rạp Snowman “xịt” đáng tiếc, Rebecca Ferguson gỡ gạc bằng Fallout. Đả nữ đến từ cơ quan tình báo MI6 tiếp tục sát cánh cùng nhóm IMF và cống hiến cho hàng loạt phân cảnh hành động đỉnh cao. Chẳng phô diễn thân hình bốc lửa, Ilsa chỉ có những bộ quần áo đơn giản nhưng điều này không khiến cô bớt phần quyến rũ.

    Kịch bản The Mummy năm ngoái là một thất bại cay đắng của nhà biên kịch kỳ cựu Christopher McQuarrie. May mắn là ông đã lấy lại được phong độ trong Fallout. Mission: Impossible 6 cũng là bộ phim thứ tư ông ngồi ghế đạo diễn. Và trái ngọt McQuarrie làm ra thật sự khiến bất cứ ai cũng phải ganh tị.

    Mission: Impossible- Fallout có nhịp điệu rất nhanh. Khán giả bị lôi tuột vào câu chuyện và căng thẳng cuốn theo loạt tình huống dồn dập xảy ra, gần như chẳng có một phút một giây nghỉ ngơi nào.  Đặc sản franchise này như đua tốc độ, đấu súng, cận chiến, leo trèo… tất cả đều xuất hiện rất mượt mà, không gượng ép. Người xem chắc chắn sẽ bị choáng ngợp  bởi trường đoạn rượt đuổi giữa cảnh sát Paris và Hunt, băng qua nhiều địa danh nổi tiếng của Pháp. Đua xe luôn được chú trọng trongMission: Impossible nhưng có lẽ đây là cảnh quay xuất sắc nhất từ trước đến nay. Giữa lúc các cảnh hành động hiện nay chạy theo độ hoành tráng mà biến thành phim khoa học viễn tưởng, những cảnh quay của Nhiệm Vụ Bất Khả Thi luôn chân thật hết mức có thể.

    Vẫn với nhạc hiệu huyền thoại quen thuộc, đám mặt nạ bị mỉa mai là lễ hội Halloween và những màn lật mặt quen thuộc,Mission Impossible: Fallout đã cống hiến cho khán giả một màn trình diễn xuất sắc. Giữa lúc Hollywood đang chật vật với các phần phim nối tiếp, bộ phim mới Fallout là điểm sáng không thể bỏ qua.

    Bài viết liên quan:

  • review phim chàng vợ của em

    Trở lại sau 2 năm, Thái Hòa vẫn là tâm điểm khiến dư luận chú ý và là yếu tố quan trọng giúp “Chàng Vợ Của Em” chinh phục khán giả Việt.

    Vắng bóng 2 năm trên màn ảnh rộng, bộ đôi đạo diễn Charlie Nguyễn và nam diễn viên Thái Hòa cuối cùng đã chịu trở lại “sân chơi” với tác phẩm điện ảnh Chàng Vợ Của Em.

    Chuyện phim xoay quanh nhân vật Mai – một cô gái tài giỏi, thông minh luôn cố gắng phấn đấu trong công việc để có thể chứng tỏ năng lực bản thân và quan trọng là thoát khỏi cái bóng của người mẹ nổi tiếng. Nhưng cũng chính vì thế mà cô trở nên bỏ bê nhà cửa, không có thời gian chăm sóc cho chú chó yêu dấu của mình.

    Sau nhiều lần thay đổi người giúp việc, cuối cùng Mai cũng có thể nói “ơn giời” khi gặp được Ngọc – một cô bé đang tìm cách vượt qua sự bao bọc quá lớn của anh hai. Tuy nhiên, một điều mà Mai  không hề biết đó là người thực sự dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nấu những bữa ăn ngon lành cho mình hàng ngày lại chính là Hùng – anh trai của Ngọc và cũng là “kẻ đáng ghét” mà cô chạm trán nhiều lần trong công viên.

    Trước hết nói về kịch bản, phải thừa nhận rằng Chàng Vợ Của Em là một trong những bộ phim Việt-không-remake đáng xem nhất trong thời gian gần đây. Các tình tiết trong phim được xây dựng, phát triển một cách tự nhiên, hợp lý. Nổi bật hơn cả là những chi tiết hài với màn trình diễn xuất sắc và duyên dáng của Thái Hòa đã đạt được hiệu quả vô cùng tốt. Bên cạnh đó, những yếu tố 18+ trong phim cũng được xử lý khá khéo léo và thông minh. Từ đó đem đến cho khán giả nhiều tràng cười thả ga sảng khoái.

    Một điều đáng khen nữa trong kịch bản Chàng Vợ Của Em đó chính là cách xây dựng và sự phân bổ hợp lý về thời lượng của các nhân vật bao gồm chính và phụ. Để rồi qua đấy dù xuất hiện ít hay nhiều, mỗi người hiện lên đều có câu chuyện riên mà có lẽ bất kỳ khán giả nào nhìn vào cũng thấy mình trong đó:

    Một con người luôn bận rộn với công việc mà dần quên mất hơi ấm gia đình như Mai, một cô bé mới lớn luôn muốn thoát khỏi sự bao bọc của anh trai như Ngọc, một anh chàng vì những mất mát quá lớn của gia đình trong quá khứ mà sẵn sàng hy sinh mọi thứ để chăm lo bảo vệ cho em gái như Hùng, hay một người phụ nữ tưởng chừng như đã cảm thấy mãn nguyện với cuộc sống hôn nhân nhưng cuối cùng nhận ra có lẽ mình đã hoài phí bao tháng năm học tập ước mơ như bạn của Mai… Và rồi sau tất cả, hai tiếng thiêng liêng “gia đình” là điều đọng lại trong mọi người xem. Dù có đi đâu làm gì, dù vẫn còn trẻ hay đã trưởng thành,… gia đình vẫn là nơi mà mọi tâm hồn đều mong muốn tìm về để được vỗ về và yêu thương.

    Về diễn xuất, có thể nói dàn diễn viên chính của phim là sự hội tụ của 3 thế hệ: lâu năm – mới – hoàn toàn mới.

    Thái Hòa quả thực là một trong những trường hợp hiếm hoi của showbiz Việt khi không cần sở hữu ngoại hình soái ca, body sáu múi nhưng vẫn nhận được nhiều sự mến mộ của khán giả. Và sẽ chẳng sai khi nói rằng sự xuất hiện của anh là một trong những lý do lớn để hấp dẫn công chúng đến rạp xem phim. Nhân vật của Thái Hòa trong Chàng Vợ Của Em không chính bằng Phương Anh Đào nhưng một sự thực đó là hầu hết những phần hấp dẫn nhất của tác phẩm – bao gồm hài hước và cảm động – đều do anh dẫn dắt và đóng vai trò chủ đạo. Quả thật, Thái Hòa vẫn là “số dzách” khó ai có thể thay thế được.

    Năm 2018 có lẽ là năm của Phương Anh Đào khi mà nữ diễn viên mới liên tục xuất hiện trên màn ảnh rộng qua các dự án lớn như Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè, Em Gái Mưa  Chàng Vợ Của Em. Không sở hữu vẻ đẹp quá sắc sảo hay nổi bật, nhưng Phương Anh Đào lại đem đến cho người xem một cái nhìn rất điện ảnh. Quan trọng hơn, kỹ năng diễn xuất đầy tiềm năng, ổn định của nữ diễn viên hoàn toàn khiến chúng ta có thể hy vọng, đặt niềm tin.

    Gương mặt hoàn toàn mới mà bài viết muốn đề cập đến chính là nữ diễn viên trẻ Trần Trúc đảm nhiệm vai cô em gái Ngọc. Mặc dù đất diễn không nhiều cũng như lần đầu đóng phim, nhưng Trần Trúc đã chứng tỏ được bản thân hoàn toàn phù hợp với nhân vật, không chỉ là độ tuổi mà còn bao gồm kỹ năng diễn xuất tự nhiên, thoải mái.

    Ngoài những yếu tố trên, các bài nhạc phim của Chàng Vợ Của Em cũng gây ấn tượng không hề nhẹ. Trong đó nếu như ca khúc Nắng Đêm dễ gây “nghiện” bởi nhịp điệu bắt tai, mang âm hưởng rộn ràng thì Sài Gòn Tôi Mưa lại khiến nhiều người nghe đồng cảm với nội dung là lời tâm sự của một người trẻ đang cảm thấy cô đơn giữa chốn đô thị phồn hoa, đông đúc…

    Tất nhiên phim chiếu rạp này không xuất sắc hoàn toàn, nhất là ở phần đầu kỹ thuật chuyển tiếp giữa các cảnh không được mượt mà nhưng sau tất cả, Chàng Vợ Của Em vẫn xứng đáng nhận được khen ngợi và sự ủng hộ của khán giả.

    Vậy thì còn chần chừ gì nữa, đừng bỏ lỡ bộ phim hay của đạo diễn Charlie Nguyễn nhé! Phim đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 24/08/2018.

    Xem thêm: