Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ ‘cần mẫn trên cánh đồng điện ảnh’

Rate this post

Ông qua đời hôm 20/3, sau thời gian bị bệnh tuổi già, thọ 90 tuổi. Bà Hoàng Thị Hoa, con gái thứ hai của nghệ sĩ, nói sức khỏe bố xuống dốc ba năm nay. Ông bị phổi, huyết áp cao, thường xuyên ra vào bệnh viện. Trước đó, nhà biên kịch giữ tinh thần minh mẫn. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài viết lách. Ông ấp ủ tiểu thuyết, kịch bản liên quan sử thi, thường ngồi cặm cụi nháp hết hàng chồng giấy.

Chân dung nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Chân dung nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ. Ảnh: Gia đình cung cấp

Trong ký ức của con gái nhà biên kịch, bố ân cần, hiền lành, là người chỉ bảo, định hướng nghề nghiệp cho các con. Mỗi bữa cơm, ông thường kể về những ngày đi thực tế, làm phim, giải thích cho các con những câu chuyện kỳ lạ. Những lúc lên ý tưởng tác phẩm mới, nghệ sĩ không còn để ý tới việc gì, tự nhốt mình trong phòng. Vợ ông thường trêu các con: “Bố mày lại chuẩn bị chửa đẻ phim mới đấy”. Bà kém ông một tuổi, làm ngành dệt. Dù không hiểu công việc của chồng, bà chăm lo gia đình để ông yên tâm công tác. Thỉnh thoảng, ông bà hục hặc vì bà lỡ dọn dẹp những tờ bản thảo ông vứt dở.

Trong số bốn con của ông, bà Hoa là người duy nhất không theo nghệ thuật, được bố khuyên học ngành y. Thấy con học hành vất vả, ít có điều kiện làm dáng, mỗi lần đi công tác, ông thường mua quần áo đẹp cho con. “Nhà tôi nghèo, nhưng bố luôn chắt chiu cho con cái. Một lần, ông vào TP HCM, lúc trở ra tặng cho tôi chiếc áo voan tím, màu mà tôi rất thích. Hơn 40 năm trước, khi vải vóc, quần áo còn khan hiếm, tôi cảm thấy mình tỏa sáng rực rỡ. Một lần khác, ông mang về từ Nga cho tôi giỏ táo đỏ và một chiếc áo khoác. Tôi nhớ mình còn cắt táo ra thành từng miếng nhỏ, chia cho bạn bè”, bà Hoa nói.

Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ yêu nghề, dồn hết tâm huyết cho công việc. Ông thường xuyên vắng nhà, đi thực tế, công tác dài ngày. Khi Mỹ ném bom Hà Nội năm 1972, ông để các con sơ tán ở chùa Thầy, cùng vợ bám trụ thành phố. Kịch bản Em bé Hà Nội ra đời từ những ngày tháng cam go ấy.

Ông và đạo diễn Hải Ninh là “cặp bài trùng”, đồng hành nhiều dự án. Đạo diễn Thanh Vân, con trai cố nghệ sĩ Hải Ninh, nhớ lại: “Bố tôi ồn ào còn bác Tích Chỉ lại rủ rỉ, nhẹ nhàng, trầm tính. Mỗi khi hai ông ngồi bên nhau, chúng tôi chỉ thấy tiếng của bố. Có lẽ nhờ vậy, hai ông mới dung hòa, làm việc ăn ý”. Những lúc đạo diễn Hải Ninh vắng nhà, biên kịch Hoàng Tích Chỉ còn giúp bạn chăm sóc hai con.

NSND Trà Giang, Lâm Tới, Thế Anh trong phim Vĩ tuyến '17 ngày và đêm'

 
 

Trích đoạn phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Video: VFS

Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang ví biên kịch Hoàng Tích Chỉ như “người nông dân cần mẫn cày cuốc trên cánh đồng điện ảnh”. Bà nhớ cuối thập niên 1960, để có tư liệu viết kịch bản Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Hoàng Tích Chỉ cùng đạo diễn Hải Ninh đạp xe hàng trăm cây số về vùng Vĩnh Linh (Quảng Trị). Bà nói: “Giới trẻ giờ không thể hình dung chiếc xe đạp ngày ấy cà tàng đến mức nào. Họ rong ruổi khắp nơi, gặp các nhân vật nguyên mẫu, ghi chép lời kể và sáng tác”. Sau khi viết xong, Hoàng Tích Chỉ còn vào giới tuyến để đọc, nghe phản hồi từ bộ đội, công an vũ trang và hoàn thiện kịch bản. Khi cầm kịch bản do Hải Ninh trao (lúc đó dự án còn có tên là Bão tuyến), Trà Giang khóc khi đọc câu chuyện nhân vật bà đảm nhận – Dịu, bí thư chi bộ bên kia sông Bến Hải. Bà biết ơn Hoàng Tích Chỉ vì đã nhớ đến bà đầu tiên, cùng đạo diễn chọn bà vào vai kinh điển.

Tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1973, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm giành giải của Hội đồng hòa bình Thế giới, Trà Giang cũng đoạt giải “Nữ diễn viên xuất sắc”. Vài năm sau, khi bà sinh con gái đầu lòng, Hoàng Tích Chỉ đến tận nhà thăm, tặng quà là một kịch bản mới tên Em bé Hà Nội. Vai Thu – mẹ Ngọc Hà (Lan Hương) – tiếp tục giúp bà tạo dấu ấn trong giai đoạn vàng son của điện ảnh cách mạng.

Phim 'Em bé Hà Nội'

 
 

Trích đoạn phim “Em bé Hà Nội”. Video: VFS

Trà Giang khắc ghi sự giản dị, gần gũi của Hoàng Tích Chỉ. Ông thường góp ý chân thành, có sao nói vậy với các diễn viên trẻ song vẫn dành nhiều lời khen để truyền động lực làm nghề. Bà thán phục ông ở khả năng sáng tác liên tục suốt nhiều thập niên. Phim này vừa kết thúc, ông lao vào viết một đầu kịch bản mới và nhanh chóng hoàn thiện để gửi đạo diễn. “Đa số biên kịch sẽ hết vai trò sau khi phim khởi quay. Do quá tâm huyết với tác phẩm, ông vẫn thường liên lạc đạo diễn, trao đổi để đảm bảo đúng thông điệp mình viết”. Ngoài Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Trà Giang còn đóng chính phim Mối tình đầu, Hoàng Tích Chỉ biên kịch, Hải Ninh đạo diễn.

Với biên kịch Trịnh Thanh Nhã, nghệ sĩ không giỏi ăn nói, là biểu tượng của lối sống thầm lặng. Ông âm thầm quan sát, nghĩ ngợi và viết. Vì thế, hầu hết tác phẩm của ông mang phong cách tự sự, giống những câu chuyện tâm tình. Bà Trịnh Thanh Nhã nói: “Những hình tượng ông lựa chọn đều mang tính thời đại, hiện thực và cho mai sau. Một chị Dịu đằm thắm, dịu hiền với sức mạnh thép trước kẻ thù trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, một Cô bé Hà Nội trong veo, với tiếng vĩ cầm mong manh trở thành đối trọng nặng ký với hàng nghìn tấn bom đạn đang trút xuống thành phố quê hương, xuống gia đình em… Tất cả hình tượng ấy đều hàm chứa triết lý giản dị mà mãnh liệt: bản chất của cuộc sống là hướng tới bình yên, là khát vọng hòa bình và yêu thương”.

Nhật Thu

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *