* Bài viết tiết lộ chi tiết phim
Licorice Pizza nhận ba đề cử Oscar 2022 gồm: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc và Kịch bản gốc xuất sắc. Đạo diễn và biên kịch của tác phẩm là Paul Thomas Anderson – người từng nhận tổng cộng 11 đề cử Oscar. Trong số những phim tạo tên tuổi và phong cách làm phim của Anderson, Licorice Pizza là tác phẩm mang tính cá nhân đậm nét nhất.
Ý tưởng về chuyện tình giữa cậu bé 15 tuổi và cô gái 25 tuổi khởi nguồn từ trải nghiệm cá nhân của Anderson. Lấy bối cảnh những năm 1970 tại thung lũng San Fernando (Mỹ), tại một buổi chụp ảnh ở trường, chàng diễn viên mặt đầy mụn Gary Valentine (Cooper Hoffman đóng) làm quen với trợ lý nhiếp ảnh Alana Kane (Alana Haim). Alana sau đó đồng ý ăn tối cùng Gary nhưng nói rằng mối quan hệ chỉ là bạn bè.
Trong một lần đi kèm Gary dự họp báo bộ phim mà cậu tham gia, Alana gặp và nảy sinh tình cảm với Lance – bạn diễn của Gary. Tuy nhiên cả hai chỉ ở bên nhau thời gian ngắn. Sau đó, Gary khởi nghiệp kinh doanh đệm nước, Alana về làm trợ lý cho cậu. Mối quan hệ của họ trở nên khăng khít hơn, nhưng chỉ dừng ở mức đồng nghiệp. Cả hai đều có những công việc và mối quan hệ chóng vánh với người khác, trước khi nhận ra tình cảm đích thực của mình.
Ở vai diễn đầu tay, hai diễn viên chính Cooper Hoffman và Alana Haim gây ấn tượng nhờ diễn xuất tự nhiên, tương tác ăn ý. Nam diễn viên chính Cooper Hoffman là con trai của cố diễn viên Philip Seymour Hoffman – cộng sự và bạn thân của Anderson. Nữ diễn viên thủ vai Alana Kane là thành viên út của nhóm nhạc HAIM gồm ba chị em ruột. Cô ghi điểm khi thực hiện những cảnh quay khó. Tiêu biểu như cảnh lái xe tải chạy ngược xuống đồi. Theo Hollywood Reporter, Alana đã bỏ ra nhiều tuần học lái xe tải để tự thực hiện cảnh này.
Các nhân vật được lấy cảm hứng dựa trên nguyên bản đời thực từ những nhân vật đạo diễn quen biết. Tờ Los Angeles Times gọi Licorice Pizza là một “dự án cho gia đình bạn bè” bởi trong dàn diễn viên có nhiều người thân của Anderson hoặc của bạn anh. Hình tượng nhân vật chính Gary Valentine được lấy cảm hứng từ Gary Goetzman – một người bạn của Anderson – người từng là diễn viên trẻ, từng khởi nghiệp kinh doanh đệm nước và cửa hàng trò chơi điện tử.
Tuyến nhân vật phụ cũng có những sự góp mặt thú vị. Các thành viên nhà Haim góp mặt trong vai bố mẹ và ba chị em – tương ứng với ngoài đời. Anderson từng đạo diễn cho 10 video âm nhạc của nhóm HAIM, đồng thời được xem là người bạn của gia đình. Nhân vật Lucille Doolittle (Christine Ebersole đóng) lấy cảm hứng từ nữ diễn viên Lucille Ball, Jack Holden (Sean Penn đóng) từ nam diễn viên William Holden, Jon Peters (Bradley Cooper đóng) dựa trên chính Jon Peters – nhà tạo mẫu tóc, chồng của nữ ca sĩ kiêm diễn viên Barbra Streisand. Bốn người con của Anderson gồm Pearl, Lucille, Ida và Jack cùng tham gia phân cảnh trình diễn trích đoạn Under One Roof. Sasha Spielberg – con gái của đạo diễn Steven Spielberg – thủ vai đồng nghiệp của nữ chính. George DiCaprio – bố của diễn viên Leonardo DiCaprio – trong vai một nhà buôn đệm nước.
Chuyện tình giữa Gary và Alana gây ấn tượng bởi năng lượng tuổi trẻ. Trong bài phỏng vấn với Variety, Anderson nói rằng khi còn trẻ, ông từng đi ngang trung học Portola và nhìn thấy một cậu bé tuổi teen đang tán tỉnh một nữ nhiếp ảnh trẻ trong buổi chụp ảnh ở trường. Kết hợp kỷ niệm này cùng với những mẩu chuyện mà người bạn Goetzman kể lại, Anderson xây dựng thành đường dây phát triển mối quan hệ giữa nhân vật Gary và Alana.
Những màn tương tác giữa các nhân vật được thể hiện với nhịp nhanh, nhiều thoại và đôi khi có chút trẻ con. Điểm nhấn trong cách thể hiện này là những cảnh chạy bộ của hai nhân vật chính, được lặp lại có chủ đích. Tiêu biểu như cảnh Alana chạy bộ từ hội chợ đến đồn cảnh sát khi Gary bị bắt nhầm, hay cảnh Gary chạy băng qua sân golf khi Alana bị hất khỏi xe. Các cảnh này được lồng ghép vào một cảnh chạy khác ở phần cuối phim, khái quát cho quá trình bên nhau và tình cảm của bộ đôi này. Chất xúc tác giữa hai nhân vật được thể hiện theo phong cách tự nhiên, đời thường. Trên phim có rất ít khoảnh khắc lãng mạn, thay vào đó là những hành động thẳng thừng, tạo cảm giác hài hước nhẹ nhàng.
Đạo diễn Paul Thomas Anderson khéo léo xây dựng hình ảnh tương phản giữa các thế hệ nhân vật trong phim. Thế hệ của Gary, Alana trẻ tuổi nhưng mong muốn được làm những việc lớn lao như kinh doanh, chính trị. Những nhân vật trưởng thành, đã có thành công nhất định đôi khi hành động xốc nổi, hèn nhát. Nhân vật Jerry (John Michael Higgins thủ vai) nhại giọng Nhật để trêu đùa các cô vợ hay nhân vật Joel tìm cách che giấu bạn trai đồng tính vì sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp. Sự đối lập này giúp cho câu chuyện có thêm chiều sâu, đồng thời cũng là yếu tố thúc đẩy các nhân vật nhận ra được tình yêu đích thực.
Góc máy là một yếu tố đóng góp vào năng lượng của câu chuyện. Các nhà làm phim sử dụng nhiều tracking shot (góc máy bám theo nhân vật) khi họ đang thực hiện một chuỗi hành động. Các chuỗi này thường khá dài, tạo thành những long take (cảnh quay dài liên tục) ấn tượng. Ví dụ, trong cảnh mở đầu phim, khi Gary gặp Alana tại buổi chụp hình, là một long take dài hơn hai phút. Các nhà làm phim thường xuyên chuyển động máy quay linh hoạt giữa các nhân vật trong cùng một cảnh. Trong cảnh Alana và Lance cãi nhau, góc máy liên tục lia qua – lại giữa hai nhân vật này. Bộ phim được quay bằng phim nhựa 35 mm, sử dụng các ống kính từ những năm 1970 để tạo nên chất ảnh hoài niệm.
Tác phẩm không theo cấu trúc ba hồi thường thấy. Phim được chia theo thành từng chương, với mỗi chương là một sự kiện tương ứng như buổi chụp ảnh, chuyến đi New York, Gary mở cửa hàng đệm nước… Mối quan hệ giữa Gary và Alana có vai trò dẫn dắt câu chuyện, kết nối các chương với nhau. Trong mỗi chương, các nhân vật phụ xuất hiện như một điểm nhấn. Nhân vật Jack Holden với hình ảnh thường thấy của một ngôi sao điện ảnh thời kỳ vàng son của Hollywood – lãng tử và phong lưu. Hay như Jon Peters với lối nói năng và hành xử kỳ dị, hoang dại.
Các nhà làm phim đã tái hiện sống động bối cảnh Hollywood thế kỷ trước. Trên phim xuất hiện nhiều những hoạt động liên quan đến phim ảnh, nghệ thuật. Trong bài phỏng vấn với Variety, Anderson nói rằng ông chọn tên phim là Licorice Pizza vì gợi nhớ đến quê nhà của ông. Licorice Pizza cũng là tên một chuỗi cửa hàng đĩa nhạc, cũng là tiếng lóng để chỉ đĩa vinyl – loại đĩa nhạc phổ biến vào thời bấy giờ.
Tác phẩm ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ giới phê bình. Phim đạt số điểm 90/100 trên Metacritic và 91% điểm “tươi” trên Rotten Tomatoes.
Minh Dương
Leave a Reply