* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Juvenile Justice (Tòa án vị thành niên) ra mắt trên Netflix ngày 25/2, do Hong Jong Chan đạo diễn, Kim Min Seok biên kịch. Tác phẩm gồm 10 tập, quy tụ dàn diễn viên Kim Hye Soo, Kim Mu Yeol, Lee Sung Min, Lee Jung Eun…
Theo Netflix, phim đạt 17,4 triệu giờ xem kể từ khi phát hành đến ngày 2/3. Tác phẩm vào top 10 của dịch vụ này tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hongkong, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Phim xoay quanh các vụ án của tội phạm chưa đủ tuổi trưởng thành. Shim Eun Seok (Kim Hye Soo đóng) là một thẩm phán mới chuyển về tòa án quận Yeonhwa. Cô nghiêm khắc, luôn dành hình phạt cứng rắn cho những thiếu niên phạm tội. Cộng sự của cô là thẩm phán Cha Tae Joo (Kim Mu Yeol đóng) – có xu hướng ôn hòa, tốt bụng.
Các phiên tòa trong Juvenile Justice liên quan những tình huống như giết người, bạo hành, hiếp dâm… dựa trên một số vụ án có thật tại Hàn Quốc. Hai tập đầu, phim tái hiện án mạng “Tiểu học Incheon” từng gây chấn động năm 2017. Baek Seong Woo (Lee Yeon đóng) – 13 tuổi – đến đồn cảnh sát với bộ quần áo dính máu, thú nhận đã giết cậu bé Jihu chín tuổi sống cùng chung cư. Vụ án đầu tiên của Eun Seok trên cương vị mới thu hút sự chú ý vì tính chất man rợ. Tại phiên xét xử, Seung Woo – bị mắc bệnh tâm thần – nở nụ cười nham hiểm, thách thức các thẩm phán. Eun Seok phát hiện có thêm kẻ thứ ba ở hiện trường – nữ sinh 16 tuổi Han Ye Eun (Hwang Hyeon Jung đóng). Cô nghi ngờ đây mới là hung thủ chính, quyết tâm truy bắt bằng được.
Đề tài mới mẻ, góc tiếp cận đa chiều – là yếu tố làm nên sức hút của Juvenile Justice. Tác phẩm đề cập thực trạng tại Hàn Quốc: nhiều đứa trẻ chưa trưởng thành lợi dụng kẽ hở luật pháp để làm điều sai trái vì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong họp báo ra mắt phim, đạo diễn Hong Jong Chan nói: “Trước đây, chúng ta hầu như chỉ tiếp cận thông tin về tội phạm vị thành niên thông qua các phương tiện truyền thông. Bộ phim này giúp tôi có cơ hội để tìm hiểu kỹ hơn, bằng nhiều khía cạnh khác nhau”.
Tác phẩm đưa ra cái nhìn đa chiều, thông qua sự xung đột về niềm tin giữa các thẩm phán. Eun Seok và Tae Joo đại diện cho hai luồng tư tưởng của xã hội. Eun Seok căm ghét tội phạm vị thành niên, cho rằng trẻ em hư sẽ “ngựa quen đường cũ”. Bất kể bao nhiêu tuổi, phạm tội vẫn là phạm tội, không nên nới lỏng hình phạt. Tae Joo bao dung, luôn muốn tìm hiểu hoàn cảnh dẫn đến hành vi tội ác, hỗ trợ tinh thần cho thiếu niên sau khi cải tạo. Thẩm phán này tin trẻ có thể thay đổi tốt hơn nếu được lắng nghe. Từ quan điểm trái ngược giữa Eun Seok và Tae Joo, khán giả tò mò tòa sẽ xét xử thế nào. Khi trẻ ra tay giết người thì đâu là bản án công tâm nhất, chúng có xứng đáng được khoan hồng không.
Góc tiếp cận đa chiều của phim còn thể hiện ở cách xây dựng nhân vật. Mỗi người đều có góc khuất, thẩm phán cũng có thể mắc sai lầm. Thái độ khắc nghiệt của Eun Seok xuất phát từ quá khứ đau khổ. Sự bao dung của Tae Joo bắt nguồn từ ám ảnh tuổi thơ bị bạo hành, từng phải vào trại giáo dưỡng. Thẩm phán trưởng Won Jung (Lee Sung Min đóng) – cấp trên của Eun Seok và Tae Joo – có cái nhìn thực tế khi kết thúc mỗi vụ án, tham vọng dấn thân vào Quốc hội. Ông nghiêm khắc, phản đối những hành động liều lĩnh của Eun Seok nhưng lại luôn xét xử công bằng. Won Jung cũng là người từng nâng đỡ Tae Joo, giúp anh đi từ trại giáo dưỡng đến tòa xử án.
Tác phẩm xoáy sâu vào trách nhiệm của người lớn. Theo SCMP, bộ phim khám phá cách các bậc cha mẹ cư xử độc hại, xã hội thờ ơ có thể sinh ra những thiếu niên lầm lạc.”Nếu như All of Us Are Dead cho khán giả một góc nhìn đơn giản về trẻ em thiếu sự quan tâm của người lớn, Juvenile Justice lại có bức tranh thực tế, tàn nhẫn hơn về việc trẻ chống đối xã hội”, chuyên gia Pierce Conran nói trên SCMP.
Mỗi tập đều lên án sai lầm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái. Thiếu thốn sự quan tâm, môi trường độc hại dẫn đến những tâm hồn méo mó, rối loạn nhân cách. Cha mẹ ám ảnh về thành tích, con cái gian lận thi cử. Cha mẹ bạo hành, trẻ bạo lực, giao du bạn bè xấu. Một nhân vật trong phim nói: “Nếu chúng em có gia đình tử tế thì có lẽ mọi chuyện đã khác”.
Giới chuyên gia và khán giả đánh giá phim khai thác tâm lý nhân vật tốt. Tác phẩm dành nhiều thời lượng diễn tả nỗi đau của gia đình nạn nhân, đào sâu tâm lý tội phạm. Juvenile Justice triển khai nhiều chi tiết ẩn dụ gây xúc động, như hộp cơm mẹ Jihu gửi Eun Seok, hay cảnh mẹ Seung Woo ngồi khóc ở hầm gửi xe. Diễn xuất chắc tay của diễn viên cũng là điểm cộng giúp phim hút khán giả, trong đó Kim Hye Soo là ngôi sao sáng nhất, theo Star Today.
“Không nghi ngờ gì nữa, đây là sân chơi của Kim Hye Soo. Cô ấy điều khiển màn ảnh nhỏ mỗi lần xuất hiện. Diễn viên đặc biệt hiệu quả trong những cảnh xử án, khi cô nhìn chằm chằm vào các bị cáo tuổi teen đang đứng trước mặt”, SCMP bình luận. Theo người dùng Karie trên Twitter, Kim Hye Soo không chỉ diễn tốt qua ánh mắt mà giọng nói cũng ấn tượng. Lời thoại qua sự thể hiện của diễn viên mang âm lượng nhỏ nhưng cứng rắn, có sức thuyết phục.
Vì chú trọng khai thác tâm lý nhân vật, Juvenile Justice có mạch phim chậm. Trang Thereviewgeek đánh giá tác phẩm biên tập chưa mượt, sự tiếp nối giữa các vụ án vụng về. Tương tác, xung đột giữa hai nhân vật chính chưa đủ mạnh. Phim bị chê tình tiết dễ đoán, ít yếu tố gây bất ngờ cho người xem.
Tuy nhiên, nhiều khán giả chấp nhận được thiếu sót này. Trên YouTube, tài khoản Jawonder2 nói phim về tội ác do trẻ em – đối tượng chưa trưởng thành về tư duy gây ra – nên không thể có tình tiết giật gân, rối rắm như những vụ án của người lớn. “Với một tác phẩm mang đề tài nặng nề, cách khai thác đơn giản, nhấn mạnh vào tâm lý giúp người xem dễ tiếp cận hơn”, tài khoản AninGalaxy bình luận trên Twitter.
Dù Juvenile Justice không hoàn hảo, Thereviewgeek vẫn nhận định đây là bộ phim Hàn Quốc “xứng đáng bổ sung vào danh sách loạt phim gốc thành công của Netflix”, hứa hẹn có thêm phần hai. Tác phẩm nhận rating 8,2/10 theo thống kê của IMDb.
Hà Mi
Leave a Reply