Phim lên sóng SBS ngày 30/3/1992, kết thúc vào 10/8/1992, dựa trên tiểu thuyết lãng mạn của Quỳnh Dao (Đài Loan). Lee Jang Soo là đạo diễn kiêm sản xuất, Choi Hyun Kyung viết kịch bản. Nội dung xoay quanh Han Ji Woo (Hwang Shin Hye đóng) – giáo viên Toán tuổi trung niên, độc thân, từng bị tình đầu bỏ rơi. Cô miệt mài kiếm tiền lo cho bố và mẹ nhiều năm bệnh nặng. Vẻ quyến rũ, thông minh của Ji Woo khiến Cha Song Joo (Son Ji Chang) say đắm. Tuy nhiên, Ji Wo tôn thờ luật sư Jo Ja Kyung (Park Geun Hyung) – chủ trang trại hoa cúc vàng, góa vợ, có con gái gần bằng tuổi cô.
Ban đầu, Ji Woo tránh né vì Song Joo là em trai bạn thân, được nhiều thiếu nữ theo đuổi, trong đó có người mẫu Moon Young (Park Ji Young). Cô cũng ngại sự chênh lệch tuổi tác, nghĩ mình còn nặng gánh gia đình. Nhưng sự nhiệt thành của Song Joo dần khiến cô rung động. Định kiến xã hội cùng rào cản khiến cả hai không thể nên duyên.
Hoa cúc vàng ra mắt khán giả Việt (đài Hà Nội) năm 1996, gây ấn tượng mạnh với lứa 7x, 8x. Sau tác phẩm này, loạt phim Hàn kinh điển lần lượt “đổ bộ” màn ảnh Việt như Mối tình đầu, Người mẫu, Anh và em, Anh em nhà bác sĩ, Ước mơ vươn tới một ngôi sao, Ông trùm, Tình cờ, Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông, Nàng Dae Jang Geum hay Nấc thang lên thiên đường…
Trên Sports Chosun ngày 27/6/1999, ký giả Lee Jun Kyung đăng bài Son Ji Chang gây sốt khi ‘Hoa cúc vàng’ chiếu ở Việt Nam (phát lại trên truyền hình TP HCM năm 1999), phân tích độ nổi tiếng của nam chính. Ký giả đã phỏng vấn một số khán giả, đa số khen nội dung mới lạ, đi trước thời đại khi tôn vinh phụ nữ và cổ vũ những mối tình lệch tuổi.
“Mỗi ngày Son Ji Chang nhận hơn 30 lá thư từ fan Việt. Họ mời anh ấy đến Việt Nam, mong gặp thần tượng”, ký giả viết. Son Ji Chang nói xúc động khi được yêu thương và nhờ người quen tốt nghiệp khoa tiếng Việt, Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, dịch thư, hồi đáp.
Ở các diễn đàn, nhiều người nói yêu thích các nhân vật. Trên blog Naver, khán giả nói bị chinh phục bởi diễn xuất, ngoại hình cặp diễn viên. Trên VnExpress, độc giả Giang Lê viết: “Mình rất thích Hoa cúc vàng. Phim nhẹ nhàng, diễn biến chầm chậm, rất ít thoại. Cảm nhận theo diễn xuất của diễn viên và âm nhạc là chính. Rất hay”. “Nhớ hồi cấp hai, cứ tan học là đạp xe thật nhanh về để kịp xem phim này trên kênh Hà Nội. Ấn tượng mãi cảnh buổi tối muộn chàng trai ngồi ghế dưới khu nhà để đợi cô gái. Rất mong được xem lại phim này”, người đọc lienanhcvp viết.
Nhân vật của Son Ji Chang toát lên vẻ tri thức, ngọt ngào. Cảnh Song Joo chờ đợi người phụ nữ luống tuổi trên băng ghế hàng đêm khắc họa mối tình si. Ở tuổi 22, tài tử diễn xuất thần những cảnh theo đuổi điên rồ nhưng có phần ngây thơ. Đạo diễn Lee nói muốn truyền thông điệp: “Khoảng cách lứa tuổi bị xóa nhòa trước tình yêu chân thành”.
Hwang Shin Hye được đánh giá cao ở những trường đoạn tâm lý, đấu tranh nội tâm. Daum đánh giá đạo diễn Lee táo bạo khi xử lý các cảnh không lời thoại trong 30 phút, chỉ chú trọng biểu cảm. Lee đòi hỏi diễn viên chuyên tâm. Ban đầu ông lo cặp chính khó diễn tình cảm nhưng sau đó thở phào vì họ ăn ý. Ngoài đời, Shin Hye cũng hơn bạn diễn bảy tuổi.
Trong bài phỏng vấn trên Maeil Business với tên Giấc mơ tiến vào thị trường Bắc Mỹ, châu Âu của Lee Jang Soo – người tiên phong cho Làn sóng Hàn, đạo diễn chọn Hoa cúc vàng đáng nhớ nhất sự nghiệp. Ông lý giải phim chiếu 23h – thời điểm mọi người đã ngủ, nhưng vẫn tạo hiệu ứng mạnh.
“Nhiều khán giả đổ xô đến phim trường, phản ứng tiêu cực lẫn tích cực, đến mức chúng tôi không thể quay tiếp. Không ngờ Hoa cúc vàng lại là phim ăn khách đầu tiên trong lịch sử SBS, tỷ lệ người xem trên 40%. Khi ấy tôi ngoài 30 tuổi”, đạo diễn nói.
Nhạc phim giàu cảm xúc thu hút người xem. Bản Hương hoa hồng cũ trong ngăn kéo do nam chính Son Ji Chang thể hiện vang trong những cảnh cao trào, bi thương. Anh vốn là ca sĩ đình đám, có nhiều ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng trong nước.
Êkíp cũng lồng ghép loạt nhạc phẩm buồn khắc họa niềm đau, định kiến khiến tình nhân chia lìa như Bài thơ tình đau đớn, Cello trong buổi chiều bất tử, Violin trong buổi chiều vô định, Nỗi cô đơn bàng bạc cuộc đời, Ban mai xanh, Thức dậy lúc bình minh, Dù mai chia tay hay Nỗi buồn tình bạc… Ngoài ra còn có hai bản độc tấu piano Cho một cuộc gặp mới, Tình xanh.
Bên cạnh lời khen môtíp mới lạ, nhiều nhà phê bình chỉ trích phim mô tả tình cảm khác thường. Tờ JoongAng Ilbo cho rằng truyền hình Hàn Quốc những năm đầu thập niên 1990 thiếu thực tế, phóng đại tình huống lẫn bối cảnh nhân vật. Ký giả Kim Pyung Ki không thích chi tiết Song Joo mắc kẹt giữa cô gái – Ji Woo và người mẫu Moon Young. Tương tự, nữ chính vừa có tình cũ, vừa bối rối giữa chàng trai trẻ và người đàn ông góa vợ.
“Cốt truyện rối rắm làm mất cảm giác chân thực. Các biên kịch có xu hướng dựng tình huống oái oăm để thu hút người xem và dẫn dắt họ dễ dàng. Với kiểu môtíp này, không biết truyền hình Hàn Quốc sẽ về đâu”, ký giả Kim viết.
Trên báo Kyung Hyang ngày 20/5/1992, ký giả Oh Kwang Soo phân tích sự nguy hại của các phim xây dựng cùng lúc nhiều tam giác, tứ giác tình yêu, để nhân vật dây dưa không rõ gây phức tạp. “Họ truyền thông điệp thiếu chắt lọc, phóng đại, như muốn hét lên: Mọi chuyện đều có thể tha thứ trước tình yêu chân thành. Nếu chúng ta không ngăn chặn sự miêu tả méo mó này, rõ ràng các phim làm lung lay giá trị đạo đức sẽ được sản xuất hàng loạt”, ký giả viết.
Nhiều khán giả nhận định 30 năm trước, truyền hình Hàn Quốc chưa cởi mở, cái nhìn của giới chuyên môn khá khắt khe. Quan điểm trên không thể áp dụng với thập niên 2000 và các thập niên kế tiếp.
“Khi nút thắt định kiến được gỡ bỏ, truyền hình Hàn Quốc mới có nhiều tác phẩm kinh điển, khuynh đảo làng phim châu Á suốt ba thập niên qua”, Kyung Hee viết trên Naver.
Thiên Lam
Leave a Reply