Category: Đánh giá phim

  • Review khách sạn tội pham: Cứu vãn đến từ sự xuất sắc của Jodie Foster

    Review khách sạn tội pham: Cứu vãn đến từ sự xuất sắc của Jodie Foster

    Khi bạn đã quá quen thuộc với các bộ phim theo môtip người tốt đánh bại kẻ xấu, công lý được thực thi và kết thúc có hậu, thì hãy thử đổi gió một chút với Hotel Artemis (Khách sạn tội phạm). Một bộ phim kì lạ gồm toàn những kẻ “không được tốt đẹp cho lắm”. Những câu chuyện riêng của từng nhân vật, cùng nhau tạo nên mạch phim hồi hộp, lối cuốn từ đầu chí cuối trong không gian chật hẹp, khép kín của khách sạn Artemis – nơi chỉ phục vụ cho những kẻ ngoài vùng pháp luật.

    Đặt trong bối cảnh u tối, đầy hỗn loạn của Los Angeles năm 2028, khi nguồn nước trở nên khan hiếm và các cuộc bạo loạn diễn ra liên tục, dẫn đến các hoạt động tội phạm trở nên tràn lan và mất kiểm soát hơn. Sau một vụ cướp ngân hàng cùng đồng bọn, anh em nhà Sherman bị thương và phải đến khách sạn Artemis để ẩn náu.

    Đây là một nơi cực kì đặc biệt, với bề ngoài như một khách sạn cũ kỹ với 20 năm tuổi đời nhưng thật ra là một bệnh viện dã chiến cực kì hiện đại cho tội phạm hồi phục sau những phi vụ của chúng. Người quản lý khách sạn độc nhất vô nhị này là Jean “The Nurse” Thomas (Jodie Foster) và điều dưỡng bá đạo Everest (Dave Bautista). Mỗi vị khách sẽ được cấp bí danh riêng theo từng phòng, như trường hợp của anh em Sherman lần lượt là Waikiki (Sterling K. Brown) và Honolulu (Brian Tyree Henry).

    Ngoài ra, Artemis còn đón tiếp nhiều vị khách khác trong buổi tối bận rộn này như Vua sói của Los Angeles, Niagara (Jeff Goldblum), nữ sát thủ Nice (Sofia Boutella), kẻ buôn vũ khí Acapulo (Charlie Day) hay cả một cảnh sát, Morgan(Jenny Slate). Và khi bỏ tất cả những kẻ bất hảo với thành tích đồ sộ trong quá khứ vào cũng một chỗ thì bạn biết điều gì sẽ xảy ra rồi đấy! Đầy bạo lực vào hỗn loạn.

    Bộ phim sẽ khiến nhiều người nhớ lại thời hoàng kim của dòng phim gangster của thế kỉ trước nhưng được đặt trong bối cảnh tương lai với một cách dẫn chuyện mới lạ. Không theo kết cẩu 3 phần như đa số các tác phẩm hiện đại, bộ phim lồng ghép nhiều câu chuyện nhỏ lại với nhau, từng lớp nhân vật sẽ được giới thiệu, gợi tả về quá khứ của họ và kết nối với nhau thông qua câu chuyện của chính người điều hành nơi này, The Nurse.

    Đặt trong bầu không khí ngột ngạt, tối tăm của Artemis và nhịp phim được đẩy nhanh từ đầu, bộ phim có phần khiến khán giả bị ngộp trong khoảng nửa đầu khi các nhân vật được giới thiệu liên tục và nhanh chóng qua lời thoại của nhau, những đoạn flashback ngắn.

    Từng nút thắt câu chuyện lần lượt được tháo gỡ, những mảnh ghép từ từ lấp đầy bức tranh tổng thể mà đạo diễn Drew Pearce muốn truyền tải đến người xem. Đó là câu chuyện về những tổn thương, mất mát trong quá khứ ảnh hướng đến từng con người và quyết định của họ khi khép lại quá khứ đó để hướng đến tương lai, “bước ra luôn khó hơn bước vào”.

    Với dàn cast chất lượng trú ngụ tại khách sạn Artemis, họ không gặp bất kì trở ngại nào đề hoàn thành vai diễn của mình một cách tròn trịa nhất. Dù kịch bản chưa cân bằng được câu chuyện của từng nhân vật tuy nhiên họ vẫn tạo được điểm nhấn cho vai diễn của mình khi tương tác ăn ý với Jodie Foster. Với kinh nghiệm của mình, minh tinh gạo cội không khó để biểu đạt những cảm xúc thay đổi liên tục, lúc cương, lúc nhu, khi đầy bản lĩnh trước những tên tội phạm, nhưng cũng rất đau đớn, sợ sệt khi nhớ lại những nỗi đau trong quá khứ. Khi là y tá và nhà điều hành khách sạn, Jean Thomas đạt điểm vàng cho chất lượng, nhưng sau bên trong, ẩn dưới chiếc máy nghe nhạc lỗi thời, bà vẫn là người phụ nữ yếu ớt sau bao biến cố.

    Phần âm thanh của tác phẩm được thể hiện khá tốt. Khi gây cấn, hồi hộp đậm chất tội phạm rồi lại thả lỏng nhẹ nhàng với những bài hát trong chiếc máy của Jean. Đeo tai nghe lên và thế giới sẽ khác (Đội dân phòng của dải Ngân hà thích điều này!). Dựng phim cũng được đạo diễn chăm chút kỹ. Ở đoạn đầu bộ phim, bối cảnh khách sạn được thể hiện cụ thể từ cơ sở vật chất cũ kỹ cho thương hiệu đã có hơn 20 năm tuổi đời cho đến các thao tác linh hoạt của Jean khi dọn phòng để chào đón một vị khách mới, trừ việc bộ đồ nữ quản lý tài năng của chúng ta thì không được tươm tất cho lắm.

    Đến cuối phim,trong những cảnh phim đầy tính bạo lực thì có vẻ không được mượt mà vì bị cắt mất. Sự cắt ghép chưa hợp lý này khiến khúc cuối có phần đuối vì câu chuyện của nhiều nhân vật vẫn còn dang dở. Hi vọng trong tương lại chúng ta sẽ được xem những tác phẩm nhãn 18+ được cắt ghép hoàn thiện hơn.

    Nice nói rằng “Ta không thể chọn mình giỏi cái gì” nhưng rõ ràng ta lại có thể chọn mình muốn xem phim gì. Với cách kể chuyện và bối cảnh mới lạ, Khách sạn kì lạ Artemis có thể là một lựa chọn tốt để bạn đổi gió sau những bom tấn siêu anh hùng hay giải cứu lũ khủng long chạy long nhong.

  • Đánh giá phim khách sạn tội phạm

    Một bộ phim có thể là khó xem đối với khán giả khi không có mạch phim rõ ràng như đa số các tác phẩm. Đây là tập hợp của nhiều câu chuyện nhỏ, của từng tên tội phạm đan xen trong một khách sạn đặc biệt chuyên dành để các tội phạm trú ẩn và chữa trị vết thương. Và khi bỏ tất cả những tên tồi tệ vào chung 1 chỗ thì sự hỗn loạn là có thừa.

    Đặt trong bối cảnh chật hẹp, màu phim tối và âm thanh dồn dập khiến cho nhịp phim khá lôi cuốn và thu hút

    Phim sử dụng sự ẩn dụ, gợi ý nhiều để người xem tự suy nghĩ về câu chuyện của các nhân vật theo suy nghĩ riêng của mình.

    Sự bạo lực là có thừa nhưng khá tiếc là nhiều phân cảnh đánh nhau đã bị cắt thiếu mượt mà khiến nhiều đoạn trở nên gãy vụn, không truyền tải được hết ý tưởng của đạo diễn

    Một bộ phim không quá hay, nhưng cách kể chuyện
    lạ và bối cảnh gợi đến nhiều vấn đề của xã hội sẽ đủ để bạn “đổi gió” giữa mùa phim tràn ngập các siêu anh hùng.

  • Review Biệt đội cún cưng – Show Dogs

    Review Biệt đội cún cưng – Show Dogs

    – Ngay cả các “boss bốn chân” đáng yêu cũng không thể cứu vãn bộ phim.

    – Kỹ xảo CGI nghèo nàn như bộ ria của Henry Cavill năm ngoái.

    Show Dogs (tựa Việt: Biệt Đội Cún Cưng) xoay quanh hai chú chó đặc vụ FBI Max và Will đang trên đường điều tra phi vụ bắt cóc gấu trúc của bọn chuyên buôn bán động vật bất hợp pháp. Biết được bọn tội phạm sẽ bán gấu trúc tại lễ hội cún cưng Canini ở Las Vegas, cả hai phải trà trộn vào đó và trải qua muôn vàn thách thức như tắm bùn, múa ba-lê, thậm chí bị tẩy lông để có thể ngăn chặn âm mưu của chúng. Phim do đạo diễn Raja Gosnell chỉ đạo, ông từng nổi tiếng với những phim như Scooby-Doo, Beverly Hills Chihuahua và The Smurfs.

    Trailer phim Show Dogs.

    Sau khi Isle of Dogs (tựa việt: Đảo Của Những Chú Chó) ra mắt đầu tháng 6, chỉ một tuần sau khán giả Việt Nam lại có dịp thưởng thức thêm một phim nữa cũng xoay quanh loài vật bốn chân đáng yêu này. Không độc đáo về mặt hình ảnh như Isle of Dogs nhưng Show Dogs cũng không hề kém cạnh trong khoản hài hước châm biếm, thỉnh thoảng khiến người xem giật mình thon thót bằng những câu đá xéo gây liên tưởng, đồng thời vẫn giữ mọi thứ ở chừng mực vừa phải để phù hợp với nhãn PG thân thiện với trẻ em. ​

    Thế nhưng, xuất hiện vào thời điểm 2018, Show Dogs là một bộ phim hơi… lạc hậu, nói trắng ra là thiếu sáng tạo về hình thức thể hiện. Nếu ai từng có tuổi thơ ngồi dán mắt vào màn hình TV xem những phim kiểu 101 Con Chó ĐốmTiểu Thư Và Gã Lang ThangScooby-Doo hay Nanh Trắng… thì chắc sẽ thuộc làu làu các công thức xây dựng kịch bản mà Show Dogs sử dụng.

    Tập hợp những chú cún điển hình.

    Nội dung phim không có gì mới, vẫn đề tài “khi chó là cớm” xoay quanh nhân vật chó đặc vụ trên đường săn đuổi tội phạm, kiểu như trong Turner & Hooch (1989). Tạo hình nhân vật lẫn tính cách đều khá rập khuôn, nhắm mắt cũng liệt kê được, thể nào cũng có một chú cún cảnh nhà giàu be bé xinh xinh như được nuôi bởi Paris Hilton, một chú chó Bull mặt hậm hực giọng ồm ồm, rồi một chú chó mực “hổ báo trường mẫu giáo”…

    Cách pha trò trong phim cũng đơn điệu, như cảnh chó đánh rắm hay chó nghe nhạc hip hop chẳng hạn – thô vụng như thể trích ra từ mấy phim hài của thập niên trước, giờ ai còn chọc cười khán giả kiểu này nữa? Có lẽ Show Dogs vẫn đủ khả năng khiến trẻ em cảm thấy thích thú, nhưng người lớn xem vào sẽ khó bị thuyết phục hơn.

    Bộ phim thường xuyên gây cho người xem cảm giác déjà vu: “Cảnh này quen quen, hình như mình đã từng thấy trong phim nào đó rồi…”

    Phần kỹ xảo là một điểm trừ to tướng. Hiệu ứng trong phim nửa nạc nửa mỡ do vừa dùng chó thật đóng live-action vừa dùng công nghệ CGI để khiến chúng nhóp nhép mồm nói năng khi lên phim. Dân tình từng bu vào xâu xé đội ngũ xóa ria của Henry Cavill trong Justice League, bạn nghĩ thế là tệ hại lắm rồi ư? Hóa ra chỉ đáng xách dép cho đội ngũ kỹ thuật của Show Dogs thôi.

    ​​Riêng chỉ có gấu trúc là được dựng hoàn toàn bằng CGI.

    Dĩ nhiên, Show Dogs vẫn ổn nếu bạn muốn xem phim giải trí, thế nhưng không nên trông đợi một thông điệp sâu sắc lay động lòng người. Đáng tiếc là tại thời điểm này các nhà làm phim Hollywood có vẻ không thích đưa những bài học đậm chất nhân văn vào phim về động vật nữa, thay vào đó họ lại thích khai thác khía cạnh hài hước nhiều hơn. Show Dogs là một ví dụ như thế. Kết quả là bộ phim dù có hài hước duyên dáng thế nào thì cũng chỉ có thể khiến người xem mua vui được vài trống canh, bước ra rạp sẽ quên ngay nội dung.

    Poster phim.

    Nhìn chung, Show Dogs vẫn là bộ phim giải trí nhẹ nhàng dành cho các gia đình vào dịp cuối tuần, hoặc chỉ đơn thuần dành cho những ai yêu động vật.

  • Đánh giá phim giành anh từ biển

    Kịch bản tuyệt vời, diễn xuất của các diễn viên cũng vô cùng ấn tượng. Càng xem càng thấy biển cả bao la, rộng lớn và đáng sợ đến nhường nào. Qua bộ phim chúng ta nên trân trọng những người thân yêu bên cạnh và sự sống hơn. Bộ phim còn khắc hoạ nỗi sợ hãi, cô đơn của con người lúc lạc lõng và bế tắc một cách vô cùng chân thật, thích hợp với những ai có hứng thú về tàu thuyền và phim có đề tài sinh tồn.

    Xem thêm: Review Phim Adrift – Giành Anh Từ Biển

  • Review Phim Em Gái Mưa

    Review Phim Em Gái Mưa

    Được sản xuất dựa trên hiệu ứng lan truyền của bài hát Em Gái Mưa, bộ phim cùng tên có cốt truyện không khác nhiều so với trong MV. Mở đầu bằng tình huống cảm nắng của một nữ sinh tên Hà Vy với thầy giáo thực tập, các khán giả sẽ được dẫn dắt theo câu chuyện tình đầy mộng mơ của tuổi mới lớn, tuổi lần đâu biết yêu và đi theo đó là những hoài bão, ước mơ được bay cao, bay xa của thế hệ học sinh cuối cấp. Sở hữu nội dung bay bổng, đẹp đẽ là vậy nhưng Em Gái Mưa ngoài việc chỉ thể hiện ở mức ổn mối tình thầy giáo và nữ sinh, phim vẫn còn đó những hạt sạn khó chấp nhận để trở thành một câu chuyện hoàn hảo.

    Trước hết, hãy đến với những gì bộ phim đã làm được: Em Gái Mưa là một bộ phim đậm chất học đường, cộng thêm việc lấy bối cảnh những năm 2000 khiến người xem hồi tưởng lại những năm tháng đi học. Đặc biệt hơn, phim còn có một vai cameo bất ngờ để khi nhìn thấy biết bao cảm giác xưa cũ lại ùa về. Từ trang phục cho đến bối cảnh, tất cả đều được chăm chút rất kĩ càng, những tờ báo Hoa Học Trò, những cuốn truyện Conan ấn bản năm 2003, 2004 cho đến thời trang của các diễn viên, nhất là phong cách rapper – hiphop Mỹ vô cùng thịnh hành thời gian này cũng được đưa vào. Tất cả những chi tiết trên, thật sự rất dễ dàng để người xem thế hệ 8x, 9x nhớ lại khoảng thời gian đi học bên cạnh đó là mối tình đầu với nhiều kì vọng và ước mơ. Vì vậy, đây cũng là lúc bộ phim triển khai mối tình ngang trái của nữ sinh và thầy giáo.

    Để đẩy mạnh cảm xúc của khán giả về mối tình này, bộ phim đã khéo léo sử dụng những kĩ xảo vô cùng đẹp mắt, bạn sẽ không tin vào mắt mình khi thấy phim Việt đã làm được công nghệ hiện đại đến vậy. Nhờ đó, mỗi khi nhìn vào cặp đôi thầy – trò, khán giả sẽ thấy được tình yêu nhẹ nhàng, trong sáng và vô cùng đẹp đẽ giữa họ. Song song đó, cách mà hai nhân vật đến với nhau rất tự nhiên, và mỗi một phân cảnh mà hai người bên nhau tạo cho người xem cảm giác đượm buồn, dù họ đang ở cạnh nhau nhưng khán giả sẽ không khỏi nghĩ đến cảm giác chắc chắn chia xa của họ. Tuy nhiên, ngoài những điểm mạnh mà bộ phim làm được, nhược điểm cố hữu của phim Việt vẫn xuất hiện thường xuyên trong phim.

    Phim Việt thời gian gần đây thật sự đã được cải thiện cả về chất lượng hình ảnh và nội dung, Em Gái Mưa cũng không phải là ngoại lệ. Chất lượng hình ảnh của phim tương đối tốt, màu phim retro được sử dụng làm màu chủ đạo tạo cảm giác hồi tưởng, nhớ về kỉ niệm xưa. Tuy nhiên, hình ảnh của phim vì cố gắng làm theo kiểu kí ức nên làm mờ hình ảnh và những chỗ đáng ra phải rõ nét thì hoàn toàn mờ hẳn trong phim khiến người xem không hề dễ chịu tí nào. Đặc biệt những góc quay trong phim không nhiều những góc đắt giá, thay vào đó còn làm xấu đi những khung cảnh đẹp đẽ và thậm chí là hai diễn viên chính. Nếu nam diễn viên Mai Tài Phến trong MV Em Gái Mưa trông thư sinh, điển trai với nụ cười má lúm đồng tiền thì trong phim này có vẻ kém sắc và là một nam chính mờ nhạt so với vai nam phụ. Nữ chính của phim – Hà Vy, được tuyển chọn khác so với trong MV nên không thể tránh khỏi sự so sánh của khán giả, và thật sự trong phim cô nàng có nụ cười không xinh lắm và một vài góc quay khiến cô nàng lép vế hoàn toàn. Ngoài phần hình ảnh và góc quay, phim còn có phần nội dung dài lê thê không đáng có, khiến khán giả từ thích thú theo dõi dần chuyển sang cảm giác hơi tụt cảm xúc trong một vài cảnh quay.

    Xem qua trailer của phim:

    Trailer em gái mưa

    Ấn tượng nhất vẫn là Việt Hương với diễn xuất gạo cội và sắc sảo. Kế đến là dàn diễn viên phụ thú vị với sự góp mặt của Trang Hý và Tấn Phát, mỗi lần xuất hiện của hai nhân vật này là khán giả lại bật cười vì sự ngô nghê, đáng yêu. Đặc biệt có thể kể đến Phương Anh Đào, cô nàng vừa có một vai diễn cực kỳ thành công trong Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè và lần xuất hiện này cô vẫn giữ được nét diễn tự nhiên đầy cảm xúc của mình. Cuối cùng, tuy là hai nhân vật chính nhưng cả Mai Tài Phến và Thùy Linh đều không thể hiện ấn tượng nhân vật của mình, một vài phân đoạn còn khiến người xem “không cảm xúc” nhưng tổng thể vẫn cho thấy tình cảm nhẹ nhàng của mối tình thầy – trò.

    Nhìn chung, Em Gái Mưa vẫn là bộ phim được đầu tư công sức và tâm trí khi nằm ở mức ổn về nội dung và hình ảnh. Phim xứng đáng là một trong những phim Việt sáng giá để giải trí trong mùa hè này.

  • Review Thế Giới Khủng Long: Vương Quốc Sụp Đổ

    Review Thế Giới Khủng Long: Vương Quốc Sụp Đổ

    Sau biến cố 4 năm trước, hòn đảo Isla Nublar bị bỏ hoang trở thành nhà của các loài khủng long nhưng ngọn núi lửa hoạt động trở lại đe dọa quét sạch tất cả. Claire tìm cách cứu thoát những con khủng long khỏi thảm họa tuyệt chủng với sự hỗ trợ từ tỉ phú Benjamin Lockwood – một trong hai người đã hồi sinh loài này – và cô cũng tìm đến người yêu cũ Owen để nhờ anh giúp đưa con raptor Blue rời khỏi đảo. Tưởng chừng loài động vật to lớn hung hãn mới đáng lo ngại nhưng họ không ngờ lòng tham của con người mới là thứ đáng sợ nhất. Sự tự phụ, ngông cuồng, và ngu dốt của một số kẻ đã đem đến nguy cơ diệt vong cho toàn thể nhân loại.

    Anh có nhớ lần đầu tiên nhìn thấy khủng long không?” Claire đã nhắc cho khán giả nhiều lần ý này qua những trường đoạn quan trọng nhất của phim. Đó như là câu hỏi làm lay động mọi cảm xúc và ký ức về sự tò mò, phấn khích lẫn kính sợ đối với Mẹ Thiên Nhiên mà lần đầu tiên mỗi người trải qua khi chứng kiến những sinh vật lộng lẫy mà cũng rất nguy hiểm này. Đối mặt với việc có nên hay không để loài khủng long một lần nữa tuyệt chủng trên hòn đảo hoang hay ra tay cứu giúp trở thành một câu hỏi triết học mà các nhà biên kịch rất tinh tế lồng vào phim. Điều này làm kịch bản phim dù có cốt truyện không quá phức tạp nhưng có chiều sâu hơn hẳn so với phần trước ra mắt năm 2015.

    Phim chia ra 2 phần khá rõ ràng, phần đầu diễn ra trên đảo Isla Nublar và phần sau ở điền trang của tỉ phú Benjamin Lockwood. Các nhà làm phim đã đẩy các đại cảnh rất tốt phô diễn những kỹ xảo để tạo nên những con khủng long sống động hơn bao giờ hết. Tuy vậy, phần 2 ở không gian điền trang nhỏ hơn lại chính là điểm nhấn hấp dẫn nhất của bộ phim. Những hành lang dài và hẹp, những lồng sắt, trong ánh điện chập choạng cùng những tiếng bước chân, bóng đen chầm chậm tiến gần của con quái thú mới thật sự đem đến những phút giây kinh hoàng thật sự. Về điểm này cần khen ngợi đội ngũ xử lý âm thanh, ánh sáng, và kỹ xảo, họ đã đem đến cho khán giả những giây phút nghẹt thở gấp gáp không ngừng.

    Hai nhân vật chính Owen (Chris Pratt) và Claire (Bryce Dallas Howard) có nhiều đất diễn hơn và cũng khá ăn ý chứ không bị dàn khủng long làm lu mờ. Mối quan hệ giữa anh cùng con khủng long Blue cũng được khai thác tốt góp phần làm thông điệp của bộ phim về mối quan hệ giữa những giống loài và cách đối xử với những sinh vật khác càng trở nên đắt giá. Hai nhân vật tuyến phụ, cô bác sĩ Zia Rodriguez (Daniella Pineda) và anh chàng lập trình viên Franklin (Justice Smith) trong nhóm lại khá nhạt và gây phiền nhiễu, nếu xử lý các phân đoạn của tuyến nhân vật phụ tốt hơn thì sẽ tăng điểm cho bộ phim. Ngoài ra tuyến nhân vật phản diện gồm tay quản lý tham lam Mills (Rafe Spall), Tiến sĩ Wu (BD Wong) và tên môi giới Eversol (Toby Jones) không thật sự tốt, nếu các nhà làm phim đẩy thêm kịch tính để bộc lộ rõ ràng hơn sự tham lam, ích kỷ và cao ngạo đại diện cho phần đen tối trong nhân cách con người thì sẽ làm câu chuyện phim thêm phần trọn vẹn.

    Tưởng chừng như sự trở lại của Jeff Goldblum trong vai tiến sĩ Ian Malcolm sẽ có nhiều đất diễn nhưng ông chỉ đóng vai người dẫn chuyện gợi mở ra câu hỏi về trách nhiệm của con người trước công nghệ mới, đâu là giới hạn mà chúng ta phải dừng lại đúng lúc để không phải trả giá cho thói ngông cuồng coi thường Mẹ Thiên Nhiên. Thật đáng thất vọng là qua bao vấp ngã mà con người vẫn chưa rút ra bài học cho mình và chưa rõ sai lầm lần này có thể được chặn đứng kịp thời hay sẽ đẩy toàn thế giới vào ngày tận thế. Bộ phim đã làm rất tốt việc mở ra những hướng phát triển câu chuyện trong các phần sau. Thật sự hài lòng vì các nhà làm phim không chỉ khoe kỹ xảo qua những con khủng long to lớn mà lồng ghép được những suy tư sâu lắng hơn về nhân tính và giới hạn đạo đức của con người trước những phát kiến khoa học.

    Cùng xem Trailer phim: 

    Trailer Thế giới khủng long

    Dẫu không phải không có những khiếm khuyết nhưng Thế Giới Khủng Long: Vương Quốc Sụp Đổ xứng đáng có thêm những phần tiếp theo và bộ phim này chắn chắn sẽ làm khán giả cực kỳ hưng phấn khi bước ra khỏi rạp. Nhớ nán lại một chút để xem after-credit nhé.

  • Review Phim Adrift – Giành Anh Từ Biển

    Review Phim Adrift – Giành Anh Từ Biển

    Dựa trên một câu chuyện có thật, Adrift (Giành Anh Từ Biển) đã khắc hoạ một tình yêu hoang dại của cô gái có cuộc sống lãng du, không mục đích Tami Oldham (Shailene Woodley) và anh chàng thuỷ thủ người Anh Richard Sharp (Sam Claflin) điển trai, sở hữu một chiếc thuyền nhỏ với sở thích giương buồm khắp nơi. Hai con người xa lạ bỗng nhiên tìm thấy nhau sau những cuộc phiêu lưu. Họ đồng điệu về tâm hồn, về hoài bão nhờ những ngày lạc trôi vô định. Tami và Richard lao vào nhau nhanh chóng như những con sóng mà họ yêu. Tìm thấy được người con gái của đời mình, Richard quyết định cầu hôn và cả hai ngập tràn hạnh phúc trong chuyến đi xuyên Thái Bình Dương hướng về San Diego, California.

    Mọi thứ đang vô cùng tốt đẹp thì cơn bão thảm khốc bỗng nhiên ập tới khiến chuyến đi trở thành thảm hoạ. Tỉnh dậy trong mớ hỗn độn và Richard mất tích không dấu vết, Tami phải làm gì để giành lấy sự sống cho bản thân và cả người mình yêu khỏi biển cả hung bạo?

    Đề tài sinh tồn thật ra không hề mới với những người yêu thích xem phim Âu Mỹ nhưng cái hay của Adrift chính là thay vì nhân vật chính là người đàn ông như thường lệ hay là một cô bánh bèo yếu đuối sống sót nhờ sự trợ giúp của nhiều người thì ngược lại, nhân vật nữ chính Tami chính là cột buồm chèo chống cả một bộ phim dài gần 97 phút. Nghe thì có vẻ phi lý vì còn nhân vật nam chính mà, chẳng lẽ anh ta không giúp đỡ cô được gì hay sao? Điều đó là sự thật, bạn đừng mong bạn sẽ nhìn thấy một anh soái ca ngôn tình nào vì chẳng hề có đâu, Richard chẳng giúp gì được cho Tami trong cơn khốn khó này cả. Ngoài trừ là chỗ dựa tinh thần ra thì anh người yêu lại chỉ thêm phần gánh nặng cho cô nàng bé nhỏ giữa đại dương bao la, rộng lớn. Nhưng cũng đừng vì vậy mà khinh ghét anh ấy, vì càng về sau trái tim bạn sẽ càng cảm thấy nhói đau, thấu hiểu và lay động vì tình yêu của họ dành cho nhau. Có thể nói kịch bản không quá phức tạp nhưng cũng không phải đơn giản.

    Các nhà làm phim đã vô cùng khéo léo khi lồng ghép giữa quá khứ và hiện tại, thực và ảo xuyên suốt thời lượng của bộ phim. Bên cạnh đó, những thủ thuật lèo lái thuyền buồm, đo đạc vị trí địa lý cũng được áp dụng để bật nên trí thông minh, nhạy bén của nhân vật Tami. Tuy nhiên, mặt bằng chung khán giả không phải ai cũng có khả năng hiểu được những thuật ngữ chuyên môn kia.

    Adrift đã khai thác gần như trọn vẹn tâm lý của con người khi rơi vào hoàn cảnh cùng cực. Cũng như những cơn sóng khi cao khi thấp, bộ phim đã khắc hoạ thành công tâm lý bất ổn của nhân vật, lúc tha thiết sự sống đến cùng cực, lúc lại suy sụp, gục ngã tưởng chừng như muốn buông xuôi tất cả. Tất cả những điều đó đều được nữ chính thể hiện một cách vô cùng chân thật, thật đến không tưởng.

    Quả thật phải dành lời khen cho Shailene Woodley, cô gần như đã hoá thân hoàn toàn vào nhân vật. Từ gương mặt cháy nắng đầy những đốm tàn nhang lúc nào cũng ửng đỏ, mái tóc rối vì gió, cát và muối biển. Cho đến tính cách đầy hoang dại, tinh nghịch và mê đắm vào những cuộc phiêu lưu, nét nào cũng bật lên được một người phụ nữ đầy mạnh mẽ, yêu biển nhưng cũng dám kiên cường đứng lên khi biển cả muốn nuốt chửng mình. Bên cạnh một nữ cường lại là một nam chính bị hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến bất lực. Màn biểu diễn của Sam Claflin không có gì để chê nhưng cũng chẳng tìm được cái để khen.

    Anh cũng hi sinh vẻ đẹp trai, hào nhoáng của mình cho vai diễn nhưng vai trò của anh trong bộ phim đã bị nàng Shailene đánh gục hoàn toàn và khiến anh chìm nghỉm như cách sóng biển vùi dập anh vậy. Có lẽ lần tới anh chàng nên chọn một vai nào năng động hơn là cứ phải ôm vào mình những nhân vật thích nằm lỳ một chỗ như thế này.

    Về mặt âm thanh và hình ảnh thì Adrift làm khá tốt khi mọi thứ chân thật đến từng chi tiết nhỏ, từ những tiếng sóng đánh vào thuyền cho đến kẽo kẹt của cột buồm đung đưa trước gió. Tất cả đều hoà lẫn vào những khung cảnh tuyệt vời giữa đại dương bao la, xanh ngát.

    Cùng xem Trailer: 

    Trailer Adrift

    Cái tên Việt hoá – Giành Anh Từ Biển càng xem lại càng thấy không phù hợp với nội dung của Adrift (Trôi Dạt) chút nào. Nhìn chung, Adrift không phải là phim sinh tồn hay nhất, cũng không phải là phim tình cảm lãng mạn nhất nhưng bộ phim vẫn có những nét đặc biệt của mình khiến nó trở nên nổi bật.

  • Thanh Xuân Ơi Chào Em – Phim Tình Yêu Học Đường

    Dòng phim ‘thanh xuân vườn trường’ đang là xu hướng trong những năm trở lại đây. Ta đã chứng kiến trên màn ảnh rộng Việt Nam với rất nhiều cái tên quen thuộc của thể loại này như Cô Gái Đến Từ Hôm Qua, Tháng Năm Rực Rỡ, Em Gái Mưa,…

    Thanh xuân là khoảng thời gian đẹp nhất của một đời người. Dù cho ai đã trải qua tuổi thanh xuân hay đang đắm mình trong nó thì đều có những kỉ niệm đẹp khó quên. Thực ra không phải đến gần đây, đề tài thanh xuân vườn trường mới được quan tâm và đưa ra thảo luận xôn xao trong cộng đồng người yêu điện ảnh. Từ lâu, các nhà làm phim Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kong, Thái Lan, v.v… đã khai thác rất nhiều và đã rất thành công trong chủ đề này. Nói về cái nôi của dòng phim thanh xuân vườn trường thì không thề không nhắc đến Trung Quốc đại lục hay Đài Loan. Vì sở dĩ họ đã có một số lượng lớn tác phẩm văn học, tiểu thuyết với thể loại tương tự, cũng như các nhà biên kịch chắc tay đầy kinh nghiệm trong những câu chuyện học đường.

    Hòa cùng với làn sóng thanh xuân tươi trẻ này, trong tháng 6, Lotte Entertainment sẽ phát hành bộ phim Đài Loan Thanh Xuân Ơi, Chào Em với câu chuyện tình yêu ngọt ngào nhưng không kém phần dễ thương về chàng nam sinh Uông Chính Tường yêu thầm cô bạn thân cùng lớp – Lý Ân Bội. Và chắc chắn, khán giả sẽ được thưởng thức một tác phẩm “chuẩn” thanh xuânvườn trường chính hiệu từ đảo quốc Đài Loan.

    Bộ phim là câu chuyện thú vị về mối tình đầu nhưng không phải theo kiểu lãng mạn, sướt mướt cổ điển. Thay vào đó, chúng ta sẽ bắt gặp một chuyện tình gà bông đáng yêu, những nổi loạn của tuổi học trò, cũng như sự yêu thương chân thành phía sau những tình huống đáng yêu ngờ nghệch mà các nhân vật dành cho nhau.

    Thanh Xuân Ơi, Chào Em là một chuyến xe học đường quay ngược thời gian về những tháng năm rực rỡ. Có lẽ, khán giả sẽ bắt gặp bản thân mình đâu đó trong bộ phim này.

  • Đánh giá Black Swan-Thiên Nga Đen

    Ra mắt vào năm 2010, Black Swan (Thiên Nga Đen) gây ấn tượng mạnh với khán giả vì nội dung mang nặng các vấn đề tâm lý xã hội. Dựa trên vở kịch Hồ Thiên Nga cực kỳ nổi tiếng, đạo diễn Darren Aronofsky cùng bộ ba biên kịch Mark Heyman, Andres Heinz, John J. McLaughlin đã vẽ nên một bi kịch đầy ám ảnh của một nữ vũ công ballet khao khát được vào vai Swan Queen với sự tham gia của dàn diễn viên chất lượng như Natalie Portman, Mila Kunis, Vincent Cassel, Barbara Hershey và Winona Ryder. Black Swan nhận được 5 đề cử Oscar, 4 đề cử Quả cầu vàng, riêng bản thân Natalie Portman nhận được 1 giải Oscar và 1 giải Quả cầu vàng ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất khi hoá thân thành nhân vật Nina Sayers.

    Phim xoay quanh quá trình khổ luyện của Nina cho vai diễn Swan Queen, không chỉ cố gắng tập những kỹ thuật ballet khó nhằn một cách hoàn hảo, Nina phải trải qua việc biến đổi tâm lý đầy đau thương, từ một cô gái ngây ngô trong sáng thành một nàng thiên nga đen đầy dục vọng tăm tối. Với một nội dung tưởng chừng như đơn giản thế, các biên kịch và đạo diễn đã khai thác hết sự tận khổ của một diễn viên sống chết hết mình cho vai diễn cũng như mặt tối trong các mối quan hệ tưởng chừng như lành mạnh của Nina. Suy cho cùng, dù Nina phải đánh đổi bản thân thế nào, bị người khác chi phối ra sao nhưng sự thao túng của chính bản thân cô mới chính là rào cản lớn nhất. Không cần một phản diện nào tốt hơn bản thân nhân vật chính diện.

    Nói về Black Swan, các nhà phê bình đã dành cho bộ phim kha khá lời khen ngợi về các yếu tố như diễn xuất, sự nỗ lực miệt mài của hai nữ diễn viên chính là Natalie Portman và Mila Kunis, kinh dị theo hướng ám ảnh tâm lý, cốt truyện hay… thì cá nhân người viết lại ấn tượng với cách phát triển nhân vật và mỗi cá nhân được ví von với một hình tượng cụ thể. Nói thêm một chút về vở kịch Hồ Thiên Nga trong phim, thay vì đi theo một nội dung quá quen thuộc, vở kịch này là sự đấu tranh giành tình yêu của một nàng công chúa bị phù phép thành thiên nga. Chỉ có tình yêu chân thành mới hoá giải lời nguyền cho nàng nhưng người chị em song sinh thiên nga đen lại cố quyến rũ hoàng tử và đẩy nàng tới cái chết.

    Nina vốn là một vũ công tuyệt vời với những kỹ thuật điêu luyện cùng vẻ đẹp trong sáng, ngoan ngoãn chuẩn mực của một người con gái nhà lành vô cùng phù hợp với sự trinh trắng, mong manh của nàng thiên nga trắng. Thế nhưng, nếu muốn toả sáng và để lại dấu ấn cho đời thì vai thiên nga trắng vẫn chưa đủ, Nina cần diễn được vai thiên nga đen – người chị em song sinh đầy dục vọng đối lập hoàn toàn với thiên nga trắng và bản thân cô. Chính vì thế, Nina cần phải bức phá, hoàn toàn lột xác, rủ bỏ nét ngây thơ non nớt mà hoá thân thành nàng Swan Queen một cách trọn vẹn. Thay vì trình diễn kỹ thuật hoàn hảo đến cứng nhắc, Nina phải học cách đẩy cảm xúc, mặt tối của bản thân nhiều hơn. Với người con gái suốt ngày được mẹ che chở như Nina, thật khó khăn cho cô khi phải một bước biến đổi thành một con người khác. Vì thiếu kinh nghiệm với những sự cám dỗ, khiêu gợi, Nina dần đánh đổi cuộc sống của chính cô, những ảo giác về thiên nga đen bắt đầu xâm chiếm tâm trí cô và đỉnh điểm khi cô nhận ra bản thân tự làm tình với chính mình, Nina biết cô đang đánh mất bản thân cho một vai diễn để đời.

    Diễn xuất tuyệt vời của Natalie Portman làm khán giả quên mất họ đang xem một bộ phim mà hoàn toàn nhập tâm vào hành trình biến đổi tâm lý của nhân vật Nina. Mới vài phút trước, người xem thấy đó chỉ là một cô gái cứng nhắc, dễ bị chi phối bởi những người xung quanh nhưng khi Nina bước lên sân khấu trong bộ dạng hoá thân thành thiên nga đen, tất cả đều cảm thấy nghẹt thở với từng bước nhảy của cô nàng. Không cần quá đam mê, hiểu biết về ballet, bạn cũng bị lôi cuốn theo những vòng xoay chuyển đầy mê hoặc nhục tình của thiên nga đen. Giây phút cánh tay Nina hoá thành những cánh thiên nga đen, cô đã thật sự đánh đổi và trả một cái giá thật đắc trong sự tán dương hò reo từ khán giả và đồng nghiệp.

    Đối lập với Nina Sayers là Lily do Mila Kunis thủ vai. Lily sở hữu một sự quyến rũ, từng trải mà Nina không bao giờ có. Lily biết rõ bản thân cô muốn gì và thay vì giành vai với Nina, chính Lily là người có thể khơi dậy bản năng của cô bạn đồng nghiệp cứng nhắc. Không ai khác, Lily thật sự là Black Swan trong cuộc đời của Nina. Thay vì tranh giành tình yêu của hoàng tử như vở kịch, Lily khơi lên ngọn lửa đam mê ballet bùng cháy sâu thẳm trong Nina. Dù Nina luôn cho rằng Lily lăm le vai diễn của cô nhưng phải chăng đó chính là động lực để Nina lột xác. Lily giống như một phiên bản mà Nina khao khát trở thành nhưng chẳng bao giờ chạm tới và tự lúc nào, ảo giác mặt tối của Nina chính là Lily và ngược lại. Đến phút cuối cùng, Nina ra tay giết mặt tối đó nhưng hoá ra là Lily nhưng rốt cuộc, đó vẫn chính là bản thân Nina mà thôi.

    Ngoài Black Swan của Lily, những nhân vật khác cũng ít nhiều tác động lên cuộc đời hoặc trong thời điểm diễn tập của Nina. Nổi bật không kém là người mẹ The Queen. Ai ngờ một vũ công về hưu lại chi phối Nina nhiều như thế. Dẫu biết mẹ quan tâm con nhưng hành động bảo bọc thái quá đến mức kiểm soát như bà chẳng trách sao con người Nina khô cằn đến thế. Bên cạnh đó là đạo diễn vở kịch Thomas The Gentleman, người luôn cho Nina một cơ hội nhưng thúc ép cô đến bờ vực của giới hạn và tác động cô. Nếu trong vở kịch nàng thiên nga bị tên phù thuỷ biến đổi thì chính Thomas là người đẩy Nina trở thành chính nhân vật mà cô diễn. Tuy chỉ xuất hiện vài phút ngắn ngủi nhưng nàng thiên nga hết thời Dying Swan cũng ít nhiều tạo áp lực cho Nina và khẳng định tài năng diễn xuất của nữ diễn viên Winona Ryder. Hình mẫu ngôi sao sân khấu quyền lực của Dying Swan như mục tiêu của đời Nina nhưng cũng là ác mộng của chính cô vì đến lúc nào đó hết thời, khán giả sẽ quên mất người diễn viên đó đã từng xuất sắc thế nào.

    Cùng Xem Trailer Thiên Nga Đen:

    Trailer Black Swan

    Cùng cốt truyện đặc sắc và diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên, từng khung hình, góc quay đầy ma mị, bất phân giữa hư và thật cùng những đoạn nhạc nền dạt dào cảm xúc đã góp phần vào thành công của Black Swan. Nếu chưa xem phim, người viết khuyên bạn hãy lựa một buổi tối yên tĩnh mà thưởng thức và sau đó suy ngẫm cuộc đời của nàng Swan Queen Nina và cô ấy sẽ theo bạn vào giấc ngủ.