Ngày 18/1, trang HK01 đăng đoạn video về cuộc biểu tình của các nghệ sĩ cách đây 30 năm. Thập niên 1980, 1990, vấn đề xã hội đen can thiệp ngành phim ảnh được quan tâm lớn ở Hong Kong. Ngày 15/1/1993, hơn 300 người làm phim xuống phố phản đối hành vi đe dọa nghệ sĩ bằng vũ lực đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng có các động thái cứng rắn hơn để bảo vệ người làm phim.
Nhiều ngôi sao tham gia diễu hành, gồm Châu Tinh Trì, Châu Nhuận Phát, Thành Long, Tăng Chí Vỹ, Trương Học Hữu, Từ Khắc… Hơn 200 phóng viên trong và ngoài Hong Kong phỏng vấn các nghệ sĩ. Đạo diễn kiêm diễn viên Trần Hân Kiện nói: “Bạo lực không những tước đoạt tự do của chúng ta mà còn tước đoạt cơ hội bình đẳng, công bằng, cạnh tranh hợp pháp. Bạo lực làm chúng tôi không được tự do lựa chọn, tự do làm việc, tước đoạt tôn nghiêm và những quyền con người cơ bản nhất của chúng tôi”.
Thành Long cho biết thời đó, trước khi đóng phim mới, ông đều phải chi tiền theo yêu cầu của xã hội đen. “Đầu tiên chúng tôi phải trả 50.000 HKD (145 triệu đồng), sau đó mỗi ngày phải trả 5.000 HKD (14,5 triệu đồng) cái gọi là ‘phí bảo vệ’. Khi đóng xong phải trả thêm 30.000 HKD (87,5 triệu đồng), nếu không họ sẽ đốt hết bối cảnh, đạo cụ. Đó là những yêu sách phi lý”, sao hành động nói.
Châu Nhuận Phát kể khi đóng phim, ông từng bị ném thủy tinh vào người. Nếu không trả “phí bảo kê”, các nghệ sĩ sẽ bị đe dọa, phá hoại như vậy. Ông tiết lộ chuyện xã hội đen chĩa súng vào đầu Lưu Đức Hoa, ép anh đóng phim.
Trước cuộc biểu tình, từng có nhiều nghệ sĩ, đoàn phim tố cáo, lên án xã hội đen. Tháng 1/1992, cuốn phim chưa xử lý hậu kỳ của Gia hữu hỷ sự bị tổ chức ngầm đánh cắp để vòi tiền chuộc. Lương Gia Huy, tài tử Người tình, cũng từng tiết lộ bị các thế lực thúc ép đóng phim anh không muốn. Nữ diễn viên Lưu Gia Linh bị bắt cóc vì không đóng phim theo ý “ông trùm”. Không ít người thân của nghệ sĩ cũng chịu liên lụy. Có lần, tay chân xã hội đen đưa số điện thoại của nhà tang lễ cho cha của Lưu Đức Hoa, bảo ông “gọi đến đấy để tìm con trai”.
Năm 1993, Hiệp hội người làm phim Hong Kong được thành lập, mục đích ban đầu là để đối phó với thế lực ngầm, chủ tịch đầu tiên là Hứa Quán Văn. Hiện, Cổ Thiên Lạc làm chủ tịch hiệp hội.
Nghinh Xuân (theo HK01)
Leave a Reply