Author: xemphim25747

  • ‘Em và Trịnh’ gây tranh cãi về hình tượng Trịnh Công Sơn

    * Bài tiết lộ một phần nội dung phim

    Sau gần một tuần công chiếu, tác phẩm của Phan Gia Nhật Linh thu hút sự chú ý của công chúng và giới văn nghệ sĩ. Ngoài điểm sáng về phần bối cảnh và âm nhạc, phim tạo nhiều luồng tranh cãi, nhất là về cách đạo diễn xây dựng hình tượng nhân vật chính – Trịnh Công Sơn thời trẻ và trung niên (Avin Lu và Trần Lực đóng).

    Trần Lực (trái) - đóng Trịnh Công Sơn trung niên và Avin Lu - nhạc sĩ thời trẻ. Ảnh: Thanh Huyền

    Trần Lực (trái) – đóng Trịnh Công Sơn trung niên và Avin Lu – nhạc sĩ thời trẻ. Ảnh: Thanh Huyền

    Chân dung Trịnh Công Sơn bên các “nàng thơ” vấp nhiều lời chê. Khắc họa chuyện tình của nhạc sĩ từ thập niên 1950 đến 1990, phim tập trung vào ba người tình: Diễm Xưa, Dao Ánh và Michiko Yoshii. Phân cảnh Trịnh đầu gặp Bích Diễm – tức Diễm Xưa (Lan Thy đóng) – được đạo diễn lấy cảm hứng từ lời cố nhạc sĩ kể trong sách Một người thơ ca, một cõi đi về: “Thuở ấy, có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến Đại học Văn khoa ở Huế. Long não, bàng, phượng đỏ, muối, mù u và một dòng sông Hương chảy quanh thành phố đã phả vào tâm hồn thời con gái một lớp sương khói lãng mạn, thanh khiết”.

    Nhiều ý kiến cho rằng kịch bản Em và Trịnh xây dựng tình tiết này chóng vánh, chưa đủ độ sâu nên khiến cảm nhận về nhân vật có phần sai lệch. Trong phim, nhạc sĩ khi vừa thấy bóng Bích Diễm đã lập tức rung động, đuổi theo chân nàng về đến tận nhà. Khi cô bước vào nhà, anh vẫn đến sát cổng, thẫn thờ dõi mắt nhìn qua khe cửa. Nhiều người xem cho rằng lối khắc họa này không sát với hình tượng nhạc sĩ họ biết qua tư liệu, sách báo. Khán giả Trung Nguyên đánh giá: “Tôi được biết Trịnh Công Sơn là người lịch thiệp từ lúc còn rất trẻ. Sau khi cha mất, ông nghiêm khắc dạy các em cách đi đứng, ứng xử hòa nhã. Cách xử lý của đạo diễn ở cảnh này khiến tôi hình dung nhân vật có tính cách lén lút khi bám đuôi một thiếu nữ lần đầu gặp”.

    Cảnh Trịnh Công Sơn (Avin Lu) theo chân Bích Diễm (Lan Thy) về tận nhà khi lần đầu gặp. Ảnh: Thanh Huyền

    Cảnh Trịnh Công Sơn (Avin Lu) theo chân Bích Diễm (Lan Thy) về tận nhà khi lần đầu gặp. Ảnh: Thanh Huyền

    Cảnh Trịnh Công Sơn lần đầu hội ngộ chị em Bích Diễm, Dao Ánh (Hoàng Hà đóng) cũng nhận nhiều đánh giá là chưa tinh tế. Phim khắc họa một chàng Trịnh đang say lòng trước Bích Diễm thì lập tức ngẩn ngơ khi nhìn thấy em gái cô. Khi bị Bích Diễm trả lại bức tranh Trịnh vẽ tặng, sau thoáng chạnh lòng, nhân vật lập tức chuyển biến tình cảm mới: Ngồi đàn hát tặng Dao Ánh, bày tỏ mong muốn viết thư cho cô. Khán giả Tuấn Trần phân tích: “Đành là trong thực tế, Dao Ánh mới là người tình sâu đậm của Trịnh Công Sơn. Nhưng lối chuyển cảnh, dàn dựng của đạo diễn khiến tôi cảm giác nhân vật hời hợt, yêu người này không được thì vội quay sang yêu nàng khác”.

    Ở tuyến nhân vật thời trung niên, chuyện tình Trịnh và Michiko cũng gây tranh cãi. Ngoài đời, nhạc sĩ và cô gái Nhật Bản nên duyên nhờ mối giao cảm trong âm nhạc. Khi làm lễ thành hôn, Trịnh Công Sơn không đồng ý lạy tạ người khác theo phong tục Nhật. Vì sự khác biệt văn hóa, họ chia tay nhưng vẫn làm bạn. Khi lên màn ảnh, biên kịch sửa lại thành tình tiết nhạc sĩ và Michiko dang dở vì Trịnh Công Sơn còn vấn vương Dao Ánh. “Khi phim khép lại, tôi chỉ thấy một nhạc sĩ sẵn sàng phản bội vợ sắp cưới khi gặp tình cũ, và lập tức tìm được người mới để thay thế. Không ai yêu mến một nhân vật như thế, không ai ngưỡng mộ tình yêu như thế”, blogger Phan Cao Hoài Nam nêu quan điểm riêng.

    Phân cảnh Trịnh Công Sơn và Michiko (Nakatani Akari đóng) ở Đà Lạt trong Em và Trịnh.

    Phân cảnh Trịnh Công Sơn và Michiko (Nakatani Akari đóng) ở Đà Lạt trong “Em và Trịnh”.

    Mảng sáng tác của Trịnh Công Sơn cũng bị cho chưa được khai thác kỹ. Trong phim, trừ ca khúc Diễm Xưa được giới thiệu chi tiết, các nhạc phẩm còn lại chỉ vang lên nhằm phụ trợ, nâng đỡ cảm xúc cho cảnh quay. Dòng nhạc phản chiến với loạt tình khúc Da Vàng chỉ được điểm qua sơ lược, chưa cho thấy hoàn cảnh sáng tác. Nhiều khán giả cho biết họ tò mò về cách nhạc sĩ viết nên những ca khúc kinh điển, như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng nói “Trịnh Công Sơn viết nhạc như lấy chữ từ trong túi ra”, song phim không đáp ứng được điều đó.

    Giọng Huế (quê hương Trịnh Công Sơn) của nhân vật chính cũng nhận nhiều lời chê. Quang Thành – một khán giả người Huế xem cả hai phiên bản của phim – đánh giá lối phát âm của Trịnh Công Sơn thời trẻ lẫn trung niên đều chưa đúng chuẩn địa phương. Nhiều phân cảnh thiếu nhất quán, như giọng Huế của Trần Lực pha nhiều ngữ điệu miền Bắc, còn các diễn viên đóng em gái Trịnh lại phát âm theo hơi hướng miền Nam.

    Dù vậy, nhiều người cho rằng biên độ sáng tạo của kịch bản Em và Trịnh có thể chấp nhận được, do phim là sản phẩm hư cấu, không tuân theo tuyệt đối cuộc đời nhân vật. Nghệ sĩ Bạch Tuyết – từng nhiều lần tiếp xúc với cố nhạc sĩ – nói xem phim, bà thêm thương Trịnh Công Sơn, hiểu hơn những phụ nữ đi qua đời ông. Một trong những phân cảnh bà thích nhất phim là khi nhạc sĩ hát ca khúc Huyền thoại mẹ. “Ông hát trong bóng tối vì cúp điện nhưng ánh sáng tâm hồn ông đã thắp và thức dậy cả khán phòng, hay chính những người nghe nhạc đã, vẫn luôn yêu Trịnh Công Sơn”, Bạch Tuyết cho biết.

    'Em và Trịnh' hé lộ chuyện tình Trịnh Công Sơn và nữ sinh Nhật

     
     

    Trailer phim “Em và Trịnh”. Video: Galaxy

    Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái Trịnh Công Sơn – cho biết sau khi phim ra rạp, bà và các thành viên trong gia đình hài lòng về tác phẩm. Từng chứng kiến những “bóng hồng” đi qua đời anh trai, bà tâm đắc cách xây dựng hình tượng lãng mạn của nhạc sĩ: Yêu hồn nhiên, bản năng và giàu thủy chung. Trịnh Vĩnh Trinh cũng cho rằng giọng Huế của dàn diễn viên đạt yêu cầu của cá nhân bà. Bà giải thích: “Thời trẻ anh Sơn vốn sống lang bạt ở nhiều địa phương, rày đây mai đó. Theo thời gian, ngữ điệu của anh cũng phôi phai đi ít nhiều, không còn rặt giọng Huế như ban đầu”.

    Êkíp Em và Trịnh cho biết lường trước những chỉ trích và chấp nhận. Trước ý kiến cho rằng phim không khắc họa đúng hình ảnh nhạc sĩ, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết khi làm phim, anh gặp nhiều người tự nhận là bạn thân nhất của Trịnh Công Sơn. Anh nói: “Dù cùng câu chuyện, mỗi người lại kể khác nhau. Tôi rút ra kết luận: Sự thật ở đây chỉ là sự thật người đó muốn kể thôi. Nếu tôi khai thác theo góc nhìn của một người, người khác sẽ nói không phải như vậy. Do đó, tôi chọn câu chuyện mình muốn kể”.

    Diễn viên Trần Lực cũng cho rằng khi đóng Trịnh Công Sơn, ông xây dựng nhân vật thành của riêng ông. Ông đọc nhiều bình luận khán giả đòi diễn viên phải giống hệt nguyên bản, từ dáng vóc, mái tóc đến đôi kính. “Không ai có thể giống Trịnh Công Sơn 100%, trừ chính anh. Ngoại hình, điệu bộ của tôi chỉ khắc họa được phần nào để gợi sự liên tưởng. Tôi không cố diễn cho giống Trịnh, mà muốn tạo ra Trịnh Công Sơn theo cảm nhận của tôi về anh”, Trần Lực nói.

    Mai Nhật

  • Hồng Kim Bảo: ‘Hồi nhỏ khổ mà vui’

    Nghệ sĩ sắp ra mắt phim Ban nhạc bảy người (tên tiếng Anh: Septet: The Story of Hong Kong), với vai trò đạo diễn kiêm biên kịch. Kịch bản lấy cảm hứng thời thơ ấu sống trong gánh hát Kinh kịch, ngày ngày luyện võ của Hồng Kim Bảo.

    Hồng Kim Bảo hướng dẫn diễn viên nhí đóng phần Luyện công trong phim Ban nhạc bảy người, phim dự kiến ra mắt vào tháng 7. Ảnh: Mpweekly

    Hồng Kim Bảo hướng dẫn diễn viên nhí đóng phần “Luyện công” trong phim “Ban nhạc bảy người”, tác phẩm dự kiến ra mắt vào tháng 7. Ảnh: Mpweekly

    Trên Mpweekly, tài tử nói môi trường sống của ông thập niên 1950 khắc nghiệt. Những đứa trẻ như Hồng Kim Bảo học võ từ sáng sớm tới tối, bất kể trời nắng gắt hay mưa lớn. Sư phụ của ông – võ sư Vu Chiêm Nguyên – giáo dục trò bằng đòn roi. Nghệ sĩ từng bị sư phụ đá lên cao, sau đó rơi xuống đất.

    Hồng Kim Bảo nói tháng ngày đó khổ nhưng cũng nhiều niềm vui. “Bây giờ nghĩ lại, mới thấy sư phụ để lại cho tôi kỷ niệm đẹp, những bài học quý giá. Nhờ thầy, tôi yêu Kinh kịch, võ thuật, được sống với đam mê”.

    Hồng Kim Bảo làm phim với hy vọng thổi sức sống mới vào các môn nghệ thuật truyền thống của Hong Kong. Ông mời con trai mình – Hồng Thiên Minh – đóng võ sư Vu Chiêm Nguyên trong tác phẩm. Hồng Thiên Minh cho biết nhờ tham gia phim, anh mới cảm nhận được vất vả của cha thời bé. Tài tử nói: “Cha đạt được thành tựu như bây giờ nhờ một phần nhờ võ công, một phần nhờ ý chí kiên cường mà cha được tôi luyện từ thơ bé”.

    Hồng Kim Bảo (phải) và Thành Long là sư huynh, sư đệ trong trường Kinh kịch, từng hợp tác trong nhiều phim võ thuật, hài thập niên 1970-1980. Ảnh: HK01

    Hồng Kim Bảo (phải) và Thành Long là sư huynh, sư đệ trong trường Kinh kịch, từng hợp tác trong nhiều phim võ thuật, hài thập niên 1970-1980. Ảnh: HK01

    Hồng Kim Bảo sinh năm 1952, gia nhập trường dạy Kinh kịch của Vu Chiêm Nguyên năm 10 tuổi. Giai đoạn này ngoài luyện biểu diễn, võ công, Hồng Kim Bảo đóng một số phim điện ảnh. Từ năm 18 tuổi, ông làm Long hổ võ sư – nghề đóng thế cảnh nguy hiểm.

    Thập niên 1970, nhờ am hiểu Taekwondo và Vịnh Xuân quyền, Hồng Kim Bảo thiết kế hành động cho nhiều phim điện ảnh của hãng Golden Harvest. Từ năm 1977, ông bắt đầu đóng vai chính, thành công qua nhiều phim như Phì long quá giang, Tạp gia tiểu tử, Đề phòng kẻ trộm, My Lucky Stars, Thất Tiểu Phúc… Từ thập niên 2000 đến nay, Hồng Kim Bảo đóng các tác phẩm nổi tiếng như Sát phá lang, Diệp Vấn, Cẩm y vệ

    Hồng Kim Bảo giao đấu Chân Tử Đan trong "Diệp Vấn 2"

     
     

    Hồng Kim Bảo và Chân Tử Đan trong “Diệp Vấn” 2. Video: Golden Screen

    Những năm gần đây, Hồng Kim Bảo mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu cao, vì thế áp dụng chế độ ăn thanh đạm. Năm 2017, nghệ sĩ phẫu thuật ở đầu gối, bác sĩ yêu cầu ông ít vận động. Từ đó, nam diễn viên thường phải dùng xe lăn.

    Tài tử kết hôn năm 1991 cùng Cao Lệ Hồng – Miss Hong Kong 1984, hai người không có con. Trước đó ông trải qua một đời vợ và có bốn con. Trên On, Hồng Kim Bảo từng nói luôn cảm thấy biết ơn vì Cao Lệ Hồng chăm sóc chu đáo các con riêng, vun vén để gia đình hòa thuận.

    Nghinh Xuân (theo Mpweekly)

  • Tặng vé xem phim ‘Broker’

    Nhà phát hành tặng độc giả VnExpress bốn cặp vé dự buổi công chiếu vào 18h30 ngày 22/6 ở CGV Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) và CGV Landmark 81 (TP HCM). Độc giả gửi e-mail đến địa chỉ thanhdat@vnexpress.net với tên mail “Ve xem Broker” (tiếng Việt không dấu). Nội dung thư vui lòng cung cấp họ tên, email, số điện thoại người muốn xem phim và địa điểm phù hợp. Người may mắn nhận vé sẽ nhận được thông báo qua e-mail trong ngày 20/6.

    Trailer phim "Broker"

     
     

    Trailer “Broker”. Video: CJ

    Broker khai thác đề tài buôn bán trẻ em tại Hàn Quốc. Nhân vật Sang Hyeon (Song Kang Ho đóng) là chủ tiệm giặt là nhỏ, một tình nguyện viên ở nhà thờ. Anh và bạn thỉnh thoảng đánh cắp những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ lại trong hộp trước nhà thờ, bán chúng trên chợ đen. Việc làm của họ dần dần bị hai thám tử phát giác.

    Tác phẩm ra mắt tại LHP Cannes tại Pháp hồi tháng 5, nhận nhiều lời khen từ giới phê bình. Tài tử Song Kang Ho được trao giải “Nam chính xuất sắc” nhờ màn thể hiện trong phim.

    Ban Giải trí

  • Âm nhạc đẩy cảm xúc trong ‘Em và Trịnh’

    Tác phẩm của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đang gây chú ý sau gần một tuần công chiếu. Ngoài khâu bối cảnh thập niên 1960-1990, âm nhạc là điểm cộng lớn của phim, nhận nhiều phản hồi tích cực từ người xem. Nhà sản xuất phim Hoàng Quân đánh giá phần nhạc đậm màu hoài niệm, khơi gợi cảm xúc và giúp đạo diễn cài cắm nhiều ẩn ý.

    'Em và Trịnh' hé lộ chuyện tình Trịnh Công Sơn và nữ sinh Nhật

     
     

    Trailer phim “Em và Trịnh”. Video: Galaxy

    Nhạc sĩ Đức Trí – giám đốc âm nhạc của dự án – cho biết từ gia tài hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn, êkíp chắt lọc gần 40 bài để đưa vào phim. Màu sắc âm nhạc đồng điệu với cuộc đời cố nhạc sĩ ở mỗi giai đoạn: nồng nhiệt, lãng mạn thuở thanh xuân, day dứt, bùng nổ thời bom đạn và bình thản, sâu lắng ở tuổi trung niên.

    Tình ca là cầu nối đưa khán giả về vùng hồi ức của nhân vật Trịnh Công Sơn bên các “nàng thơ”. Đầu phim, ca khúc Ướt mi vang lên qua tiếng hát của Nhật Linh – đóng danh ca Thanh Thúy. Khoảnh khắc chàng Trịnh gặp nàng thơ đầu tiên giữa phòng trà Mỹ Cảnh (Sài Gòn) được tái hiện trên nền bản phối piano, gợi âm hưởng cổ điển.

    Đạo diễn chọn Ướt mi làm ca khúc mở màn bởi đây là một trong những sáng tác đầu tay của Trịnh Công Sơn, giúp ông ghi dấu vào nền tân nhạc. Sinh thời, cố nhạc sĩ cho biết khi cùng bạn đến phòng trà năm 1958, ông được nghe tiếng hát của một ca sĩ người Huế – Thanh Thúy. Nhạc sĩ ví giọng hát ấy như “một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh”, khiến ông chợt nhớ về “một cõi đời xa xôi”. Ban đầu, êkíp dự định lồng giọng ca sĩ chuyên nghiệp trong phân cảnh của Thanh Thúy. Để tôn sự chân thật, diễn viên Nhật Linh quyết định luyện thanh và tự thể hiện ca khúc.

    MV "Nắng thuỷ tinh" kỷ niệm sinh nhật Trịnh Công Sơn

     
     

    “Nắng thủy tinh” qua tiếng hát Avin Lu. Video: Galaxy

    Trong phim, nhiều bản nhạc Trịnh cũng được trình bày qua nhiều giọng ca nghiệp dư. Khi Michiko Yoshii (Nakatani Akari đóng) – người tình của cố nhạc sĩ – hát Diễm xưa bằng tiếng Nhật, dòng hồi ức ùa về trong tâm trí Trịnh Công Sơn thuở trung niên (Trần Lực đóng). Đoạn Michiko dạo bước cùng Trịnh Công Sơn ở Đà Lạt, bản Ngẫu nhiên được phối lại đậm chất jazz, cộng hưởng lối dàn dựng theo hướng nhạc kịch.

    Lúc chàng Trịnh thời trẻ (Avin Lu) tỏ tình với Dao Ánh, đạo diễn chọn bản thu Nắng thủy tinh của nam diễn viên, khắc họa hình ảnh “lùa nắng cho buồn vào tóc em”. Nỗi nhớ yêu xa cũng được khơi gợi với giai điệu Tuổi đá buồn, khi nhạc sĩ ngồi khắc khoải bên guitar để “ru em bạc lòng”. Những bản thu chú trọng sự mộc mạc để nâng đỡ, đưa đẩy cảm xúc. Qua bàn tay phối khí của Đức Trí, tình ca Trịnh khoác lớp áo mới – trong trẻo, nhẹ nhàng như cơn mưa rào của tuổi trẻ.

    Bùi Lan Hương hát "Ta đã thấy gì trong đêm nay"

     
     

    “Nắng thủy tinh” qua tiếng hát Avin Lu. Video: Galaxy

    Bùi Lan Hương – ca sĩ chuyên nghiệp duy nhất trong phim – góp mặt với vai Khánh Ly. Lan Hương hát nồng nhiệt, say đắm, có phần bản năng như danh ca thuở đôi mươi với tên Lệ Mai. Khoảnh khắc Khánh Ly cùng Trịnh Công Sơn hát Nhìn những mùa thu đi ở quán Tùng, hay cất giọng Hạ trắng giữa vùng đồi núi “trời buồn gió cao”… phần nào tái hiện tuổi trẻ rực lửa của cặp ca – nhạc sĩ huyền thoại. Giọng hát nhân vật Khánh Ly có khi trở thành chất xúc tác cho chuyện tình Trịnh và Michiko, như cảnh cả hai khiêu vũ trên nền ca khúc Tình sầu.

    Những đoạn giao hưởng trong phim cũng góp phần lớn trong vai trò tạo hiệu ứng cảm xúc. Nhà soạn nhạc Trần Hữu Tuấn Bách chuyển hóa nhiều bản nhạc Trịnh thành giai điệu không lời giàu hàm ý. Trong cảnh Trịnh Công Sơn trò chuyện cùng Khánh Ly sau hàng chục năm xa cách, giai điệu Em còn nhớ hay em đã quên vang lên da diết khi nhạc sĩ thừa nhận nỗi sợ “bị âm nhạc rời bỏ”. Khúc Tình xa là nỗi đau nhẹ nhàng mà dai dẳng của nhạc sĩ khi chứng kiến “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”.

    "Em còn nhớ hay em đã quên" - nhạc "Em và Trịnh"

     
     

    “Em còn nhớ hay em đã quên” – nhạc “Em và Trịnh”. Video: YouTube Tuấn Bách

    Loạt ca khúc phản chiến khắc họa một chân dung Trịnh khác – yêu hòa bình giữa thời bom đạn. Qua tiếng hát Bùi Lan Hương, giai điệu Ta đã thấy gì trong đêm nay vang lên nhiệt huyết khi phim tái hiện cảnh Trịnh Công Sơn và Khánh Ly biểu diễn giữa quán Văn, trước nhiều sinh viên. Đại bác ru đêm – một ca khúc Da Vàng khác – cộng hưởng với phần hình ảnh để khắc họa giai đoạn binh lửa: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe”.

    Không chỉ sử dụng nhạc Trịnh, êkíp còn viết thêm nhiều đoạn nhạc không lời khác. Cảnh Michiko lần đầu đến TP HCM được lồng ghép giai điệu rộn ràng, gợi hoài niệm về bối cảnh đầu thập niên 1990. Trường đoạn Ngô Kha (Samuel An) diễn thuyết trước sinh viên để phản đối chiến tranh, nhạc sĩ sử dụng nhạc nền hào hùng, bi tráng.

    Là một trong những khán giả xem phim sớm, đạo diễn Nam Cito đánh giá phần nhạc do Hữu Bách biên soạn hỗ trợ đắc lực cho bản dựng, giúp chuyển hóa mượt mà các phân cảnh quá khứ – hiện tại.

    Hoàng Hà đóng vai Dao Ánh thời trẻ. Ảnh: Thanh Huyền

    Hoàng Hà đóng Dao Ánh thời trẻ. Ảnh: Thanh Huyền

    Dù vậy, ở một số phân đoạn, phim mắc điểm trừ vì lạm dụng âm nhạc. Có lúc, nhạc lặp đi lặp lại theo một công thức: đoạn đầu là tiếng hát diễn viên, sau đó là giai điệu không lời để “mồi” cảm xúc. Thay vì để hình ảnh tự thể hiện, đạo diễn nhiều khi minh họa bằng âm nhạc, tạo cảm giác máy móc. Chẳng hạn, khi trời đổ mưa, nhạc vang lên “trời còn làm mưa, mưa rơi mênh mang”. Xem suất chiếu tối 12/6, khán giả Trung Nguyên (TP HCM) nhận xét: “Nhiều ca khúc bị cắt lưng chừng nên chưa đủ trọn vẹn, thiếu điểm nhấn, đặc biệt với những người thưởng thức phim vì yêu nhạc Trịnh như tôi”.

    Mai Nhật

  • Phim ‘Trịnh Công Sơn’ ngừng chiếu

    Đại diện Galaxy – đơn vị phát hành – cho biết ngày 17/6, hệ thống rạp toàn quốc chỉ còn bản Em và Trịnh. “Chúng tôi tuân theo quy luật thị trường, phim nào chiếu tốt sẽ trụ rạp, phim nào ít được chọn sẽ nhường suất cho phim còn lại”, đại diện phát hành nói. Theo đơn vị này, cuối tuần qua, lượng khán giả chọn xem Em và Trịnh có tỷ lệ áp đảo so với bản phim còn lại.

    Sau 5 ngày chiếu sớm (sneakshow), đến ngày 15/6, Em và Trịnh thu về gần 24 tỷ đồng, Trịnh Công Sơn đạt 1,6 tỷ đồng.

    'Em và Trịnh' hé lộ chuyện tình Trịnh Công Sơn và nữ sinh Nhật

     
     

    Trailer phim “Em và Trịnh”. Video: Galaxy

    Bản 95 phút tập trung vào thời trẻ của nhạc sĩ (Avin Lu đóng). Những bóng hồng như Diễm Xưa, Dao Ánh, Thanh Thúy, Khánh Ly trở thành nguồn cảm hứng viết nhạc của ông. Phim tái hiện những năm nhạc sĩ sống trong chiến tranh, vượt khổ đau sáng tác những tình khúc bất hủ.

    Ở bản 136 phút, ngoài câu chuyện thời thanh xuân, phim có thêm tuyến truyện giữa Trịnh Công Sơn trung niên (Trần Lực) và Michiko Yoshii (Nakatani Akari). Phim khắc họa chân dung nhạc sĩ gần gũi hơn, khi không còn ở đỉnh cao sự nghiệp, canh cánh nỗi lo cạn hứng sáng tác và mối tình lệch tuổi với nữ sinh Nhật Bản.

    Sau khi phim công chiếu, nhiều khán giả cho rằng không cần thiết phát hành hai phiên bản, do Em và Trịnh đã bao hàm nội dung của Trịnh Công Sơn.

    Bùi Lan Hương - vai Khánh Ly (phải) và Avin Lu - vai Trịnh Công Sơn thời trẻ trong buổi ra mắt tại TP HCM hôm 7/6. Ảnh: Quỳnh Trần

    Bùi Lan Hương – vai Khánh Ly (phải) và Avin Lu – vai Trịnh Công Sơn thời trẻ trong buổi ra mắt tại TP HCM hôm 7/6. Ảnh: Quỳnh Trần

    Trước đó, ông Lương Công Hiếu – đại diện Galaxy – cho biết khi xem lại gần 1.000 giờ quay phim, êkíp quyết định chia tác phẩm thành hai bản. Ông Hiếu nói: “Việc ra mắt hai phiên bản điện ảnh về Trịnh Công Sơn sẽ cho cái nhìn trọn vẹn hơn về nhạc sĩ”.

    Được đầu tư 50 tỷ đồng, Em và Trịnh bắt đầu với sự kiện Trịnh Công Sơn lần đầu gặp nữ sinh Nhật Michiko Yoshii (Nakatani Akari đóng) cuối thập niên 1980. Theo đuổi luận văn cao học đề tài âm nhạc phản chiến, cô sang Việt Nam để tìm hiểu về cuộc đời và con người nhạc sĩ tài hoa. Từ dòng hồi tưởng của Trịnh Công Sơn, từng lớp ký ức được lần giở, làm sống dậy một thời hoa mộng bên những nàng thơ. Ở hiện tại, ông và Michiko cũng nảy sinh những rung động nhờ mối giao cảm trong âm nhạc.

    ‘Em và Trịnh’: Hình ảnh cảm xúc, kịch bản ôm đồm

    Ngoài phần âm nhạc và hình ảnh tạo cảm xúc cho người xem, phim có phần kịch bản rời rạc do ôm đồm tình tiết. Đạo diễn nỗ lực xây dựng cùng lúc ba chân dung nhạc sĩ: Trải đời ở tuổi trung niên, nồng nhiệt vào thuở thanh xuân và chuộng hòa bình giữa thời bom đạn. Tuy nhiên, các tuyến truyện không được khai thác đến nơi đến chốn, việc chuyển mạch liên tục khiến câu chuyện bị lưng chừng. Trong đó, tuyến về âm nhạc phản chiến chỉ dừng ở mức điểm qua, chưa đi sâu vào quá trình sáng tác của nhạc sĩ.

    Mai Nhật

  • HBO làm ngoại truyện ‘Game of Thrones’ về Jon Snow

    Ngày 16/6, nguồn tin của Hollywood Reporter cho biết hãng phim đang lên kế hoạch cho phần ngoại truyện, Kit Harington dự kiến trở lại với vai Jon Snow. Nam diễn viên người Anh từng hai lần nhận đề cử Emmy với nhân vật này.

    Kit Harington trong vai Jon Snow. Ảnh: HBO

    Kit Harington trong vai Jon Snow. Ảnh: HBO

    Trong mùa tám Game of Thrones, Jon Snow phát hiện danh tính thật của mình là Aegon Targaryen, một người thừa kế của Iron Throne. Tuy nhiên, anh bị trục xuất khỏi vùng đất Westeros và đi đày ở khu vực tường thành ở phía bắc, sau khi giết Daenerys Targaryen (Emilia Clarke đóng).

    Sau khi Game of Thrones kết thúc, Harington đóng một vai nhỏ trong bom tấn Eternals của Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Anh cũng giữ vai chính trong vở kịch Henry V tại các nhà hát ở Anh.

    Chiếu từ năm 2011, Game of Thrones thành hiện tượng toàn cầu, thu hút khán giả với câu chuyện tranh đoạt vương quyền ở lục địa giả tưởng. Phim giành 47 giải Emmy, trong đó có bốn giải cho “Series chính kịch xuất sắc”. Mùa cuối phát sóng năm 2019 với nhiều ý kiến tiêu cực về chất lượng. Tuy nhiên, sức hút của Game of Thrones vẫn lớn, khiến HBO quyết định phát triển phần phim tiền truyện.

    Trailer Game of Thrones mùa 8

     
     

    Trailer “Game of Thrones”. Video: HBO

    Đạt Phan (theo HR)

  • Ẩn ý thời trang trong ‘Em và Trịnh’

    Tác phẩm của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đang gây chú ý với công chúng sau một tuần công chiếu. Bên cạnh âm nhạc, phục trang là điểm cộng của phim khi tái hiện cách ăn vận của người Việt trong những năm 1960-1990.

    Trailer chính của phim 'Em và Trịnh'

     
     

    Trailer “Em và Trịnh”. Video: Galaxy

    Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ đảm nhận vai trò thiết kế sản xuất Em và Trịnh, phụ trách sáng tạo nghệ thuật về màu sắc, bố cục khuôn hình và thời trang. Cô cho biết êkíp đã sử dụng khoảng 1.000 bộ trang phục cho tuyến nhân vật chính cùng khoảng 3.000 diễn viên quần chúng.

    Thế giới hình ảnh trong phim được xây dựng phần nhiều qua các cuộc trò chuyện của êkíp với Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ – cùng người thân trong gia đình ông. Trịnh Công Sơn luôn ăn vận tươm tất, một Dao Ánh tinh nghịch gắn liền những bảng màu tươi sáng, Khánh Ly phóng khoáng, biến hóa đa dạng, Michiko năng động, đầy sức sống.

    Mỗi trang phục trong phim không chỉ mang hơi thở của thời đại mà còn gắn liền với tính cách nhân vật, mang ẩn ý trong từng phân đoạn.

    Sinh thời, Trịnh Công Sơn nổi tiếng ăn vận lịch thiệp, trang nhã. Từ đầu tới cuối phim, nhân vật do Avin Lu và Trần Lực thủ vai luôn áo quần phẳng phiu, sơ mi đóng thùng quần vải thụng, thắt lưng chỉnh tề, cặp kính đồi mồi ngay ngắn.

    Chàng Trịnh thời trẻ gắn liền với trang phục đơn sắc, gồm áo trắng, quần nâu, giày lười. Mỗi phân cảnh bên Dao Ánh, nhạc sĩ luôn mặc đồ sáng màu đồng điệu với cô, ngụ ý về tình yêu trong sáng, lãng mạn. Khi lên B’Lao dạy học, sống trong căn nhà gỗ, nhân vật được chọn áo nâu, xanh lục, phù hợp với căn nhà và những ngọn đồi xanh của Bảo Lộc. Đến thành phố Đà Lạt, với phân cảnh gặp Khánh Ly (Bùi Lan Hương đóng) ở cà phê Tùng, Trịnh Công Sơn mặc áo len màu cam nhạt cùng tông với màu áo của nữ ca sĩ, ngụ ý giữa họ có sự tương đồng, ăn ý trong âm nhạc.

    Thời trang giàu ẩn ý trong Em và Trịnh

    Trịnh Công Sơn, Dao Ánh mặc quần áo màu sắc giống nhau khi cùng đi chơi ở Huế, thể hiện họ đã là một cặp. Ảnh: Galaxy

    Các nàng thơ được khắc họa hình ảnh đa dạng, ứng với từng giai đoạn buồn vui trong đời nhạc sĩ. Dao Ánh (Hoàng Hà đóng) là mối tình sâu đậm nhiều day dứt nhất của Trịnh Công Sơn. Trang phục của cô luôn gắn liền với màu sắc tươi sáng, trong trẻo như trắng, hồng, xanh nhạt thể hiện trên váy xếp ly, áo thêu tay pha chút tinh nghịch đúng tính cách ngoài đời.

    Khi gặp nhạc sĩ lần đầu, Ánh mới chỉ là cô bé 14 tuổi. Là con của gia đình người Bắc khó tính, cô cũng như chị gái – Diễm “Xưa” – đều để tóc ngang lưng, mặc áo dài truyền thống. Khi Trịnh Công Sơn từ bỏ mối tình với Diễm, Dao Ánh xuất hiện với diện mạo mới thể hiện cho sự trưởng thành: Tóc ngắn ngang vai, sơ mi cộc tay và quần vải đồng điệu với nhạc sĩ. Điều đó cho thấy cô đã sẵn sàng đón nhận tình cảm của chàng nhạc sĩ, báo hiệu một tình yêu đẹp sắp chớm nở.

    Trong phim, hình ảnh hoa hướng dương trên kẹp tóc của Dao Ánh, trên tranh vẽ và ký ức về mối tình được lấy cảm hứng từ bức ảnh Trịnh Công Sơn hội ngộ Dao Ánh khi cô từ Mỹ về Việt Nam thăm ông. Ảnh tư liệu

    Trong phim, hình ảnh hoa hướng dương trên kẹp tóc của Dao Ánh, trên tranh vẽ và ký ức về mối tình được lấy cảm hứng từ bức ảnh Trịnh Công Sơn hội ngộ Dao Ánh khi cô từ Mỹ về Việt Nam thăm ông. Ảnh tư liệu

    Trong phim, Dao Ánh luôn cài kẹp tóc hoa hướng dương – loài hoa cô yêu thích. Khán giả tinh ý có thể nhận ra loài hoa này luôn xuất hiện trong phòng hay trên tranh của nhạc sĩ thời trẻ lẫn khi về già. Khi cuộc tình của họ đứng trước nguy cơ tan vỡ, Trịnh Công Sơn thấy ông đang đi giữa một vườn hoa hướng dương, nhưng rồi chúng nhanh chóng héo úa và biến thành những nấm mồ, báo hiệu tình yêu này đã kết thúc và khiến ông ám ảnh suốt cuộc đời. Khi nhạc sĩ cùng Michiko trở lại Đà Lạt, ngang qua một khu rừng, hình ảnh Dao Ánh đứng giữa hàng hoa hướng dương trong nắng lại về trong ông.

    Khác Dao Ánh, Khánh Ly phóng khoáng, bất cần và bản năng vì trải đời từ sớm. Ban đầu, là ca sĩ quán bar, cô hào nhoáng cùng váy ngắn đính gương lấp lánh, bốt cao phong cách disco, phù hợp với ca khúc sôi động. Sau khi gặp Trịnh, để phù hợp với ca khúc của ông, Khánh Ly mặc nền nã hơn, chuyển sang phong cách mang hơi hướng bohemian, phối sơ mi, quần jeans ống loe, váy ngắn kiểu thập niên 1960 tông nâu, vàng, cam. Hát tại Quán Văn ở Sài Gòn, cô mặc áo dài, kẻ mắt đậm, tóc bob bới phồng.

    Áo dài của Khánh Ly khi hát ở Quán Văn, Sài Gòn ngoài đời (trái) và trong phim có sự tương đồng về họa tiết, kiểu dáng. Ảnh: Tài liệu, Galaxy

    Áo dài của Khánh Ly khi hát ở Quán Văn, Sài Gòn ngoài đời (trái) và trong phim có sự tương đồng về họa tiết, kiểu dáng. Ảnh: Tài liệu, Galaxy

    Tương tự, sự biến chuyển trong trang phục của Michiko (Nakatani Akari đóng) ứng với từng diễn biến tâm lý. Là cô gái trẻ trung năng động, mang làn gió mới đến cuộc đời nghệ sĩ, cô gây ấn tượng ban đầu với quần áo sporty, quần jeans, áo kẻ sọc – thể hiện sự khô cứng. Khi yêu Trịnh Công Sơn, Michiko đổi sang mặc váy, thể hiện vẻ nữ tính, mềm mại. Ngày về Nhật, cô trở lại với hình ảnh ban đầu trong bộ đồ phom cứng cáp màu xám, đội mũ đỏ – gợi nhớ tới chiếc áo len đỏ trong ngày đầu tới Việt Nam. Trang phục ngụ ý Michiko đã từ bỏ mối tình với nhạc sĩ, trở lại cuộc sống trước kia.

    Để tái hiện thế giới thời trang phong phú trên phim, Hà Đỗ và các cộng sự đã dành nhiều tháng nghiên cứu, tìm hiểu về đời tư của Trịnh Công Sơn qua các tư liệu như bản ghi chép, ảnh, video… Họ lăn lộn ở các chợ đồ cũ trong và ngoài nước để tìm kiếm trang phục vintage ứng với bối cảnh thập niên 1960 và 1990.

    Michiko và Trịnh Công Sơn

    Michiko mặc váy nhiều hơn từ khi yêu Trịnh Công Sơn. Các thiết kế trơn không họa tiết, tông trầm đồng điệu với quần áo tối màu của nhạc sĩ. Ảnh: Galaxy

    Êkíp cũng thường xuyên trao đổi với gia đình nhạc sĩ nhằm tạo ra những thiết kế sát đời thực nhất. Khi may áo bà ba cho nhân vật mẹ Trịnh Công Sơn, Hà Đỗ bàn bạc với nhà thiết kế Trịnh Hoàng Diệu – em gái Trịnh Công Sơn, tìm hiểu về kiểu áo của bà thường mặc như dáng cúc áo, màu sắc, chất liệu. Theo Hà Đỗ, chỉ cần một chi tiết nhỏ sai lệch sẽ khiến bộ phim không thật, khán giả không còn tin vào câu chuyện đạo diễn muốn kể.

    Toàn bộ áo dài trong phim do nhà thiết kế Liên Hương và Thủy Nguyễn thực hiện, mang phom áo truyền thống của những năm 1960 với tà ngắn, chiết eo sâu. Nhiều trang phục phải nhuộm xuống màu để phù hợp với ánh sáng, nước phim. Với những cảnh mưa, êkíp sản xuất nhiều bộ đồ giống nhau để diễn viên thay khi đóng lại nhiều lần. Cuối ngày quay, trang phục đều được giặt, sấy khô và sửa cấp tốc, chuẩn bị cho cảnh quay tiếp theo.

    Ý Ly

  • Tài tử 39 tuổi thổn thức vì đóng chung Lưu Diệc Phi

    Từ khi phim ra mắt hồi đầu tháng 6, Từ Hải Kiều nhiều lần livestream kể hậu trường ghi hình năm 2021. Diễn viên cho biết khi nhận kịch bản, thấy nhân vật Âu Dương Húc quá đểu cáng, hèn hạ, anh không muốn nhận. Nhưng Từ Hải Kiều lập tức đổi ý vì quản lý nói nữ chính là Lưu Diệc Phi (vai Triệu Phán Nhi). Gia nhập làng phim 14 năm, lần đầu anh đóng vai phản diện.

    Tài tử 39 tuổi thổn thức vì đóng phim với Lưu Diệc Phi

     
     

    Lưu Diệc Phi và Từ Hải Kiều trong “Mộng hoa lục”. Video: Bilibili

    Từ Hải Kiều kể trên trường quay, anh luôn giả vờ bình thường, điềm tĩnh nhưng trong lòng ngập tràn cảm xúc. Hải Kiều ít chủ động bắt chuyện với Lưu Diệc Phi, chỉ nhìn trộm cô. Trước hôm diễn cảnh bóp cổ Triệu Phán Nhi, nam diễn viên bồn chồn, lo lắng đến mất ngủ.

    Dù rất muốn chụp ảnh riêng với Diệc Phi, Từ Hải Kiều ngại mở lời. Anh cho biết bản thân phấn khích, bất ngờ và hạnh phúc khi ngày cuối cùng ở đoàn phim, Lưu Diệc Phi chủ động đề nghị chụp ảnh với anh. Cô còn hỏi số điện thoại của Từ Hải Kiều để kết bạn trên Weixin (ứng dụng nhắn tin, chat bằng video). Sau khi kết bạn, Từ Hải Kiều tò mò vào trang của Lưu Diệc Phi xem cô viết những gì, tuy nhiên người đẹp chưa từng đăng trạng thái trên ứng dụng.

    Tạo hình Âu Dương Húc. Ảnh: QQ

    Tạo hình Âu Dương Húc. Ảnh: QQ

    Trong Mộng hoa lục, Âu Dương Húc từng hứa hôn với Triệu Phán Nhi, nhưng sau khi thi đỗ, vì muốn tiến thân, Âu Dương Húc đồng ý làm rể gia tộc giàu có ở kinh thành, hủy hôn với cô. Theo lý giải của tài tử, Âu Dương Húc yêu Triệu Phán Nhi thật lòng nhưng bản thân là người thiếu cảm giác an toàn, từ nhỏ không nơi nương tựa, vì thế đối diện tiền đồ và tình yêu, Âu Dương Húc chọn vế thứ nhất.

    Từ Hải Kiều sinh năm 1983 ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, gia nhập làng phim năm 2008. Anh từng đóng Hồng lâu mộng 2008, Phù dung quyết, Cực phẩm tân nương, Túy linh lung, Hoa thiên cốt

    Theo QQ, Âu Dương Húc là nhân vật nổi bật nhất của Từ Hải Kiều, giúp tên tuổi anh được khán giả chú ý hơn. Phim lấy bối cảnh thời Tống, kể quá trình gây dựng sự nghiệp cùng chuyện tình yêu của Triệu Phán Nhi. Tác phẩm được giới chuyên môn, khán giả đánh giá tích cực về nội dung, hình ảnh, diễn xuất của dàn sao.

    Như Anh

  • Lightyear’ – hoạt hình khoa học viễn tưởng của Pixar

    * Bài viết tiết lộ nội dung phim

    Lightyear là phần ngoại truyện của thương hiệu Toy Story (Câu chuyện đồ chơi) – phim điện ảnh đầu tiên do Pixar sản xuất năm 1995. Nội dung xoay quanh nhân vật cảnh sát vũ trụ Buzz Lightyear (Chris Evans lồng tiếng), từng xuất hiện trong hình dạng món đồ chơi ở tác phẩm gốc. Phim bắt đầu với một lần làm nhiệm vụ, Buzz cùng phi hành đoàn bị lũ quái vật tấn công và mắc kẹt ở hành tinh xa xôi, cách Trái Đất hàng triệu năm ánh sáng.

    Trailer "Lightyear"

     
     

    Trailer “Lightyear”. Video: Disney

    Dù bảo vệ được phi hành đoàn và chỉ huy Alisha, Buzz tự trách bản thân và cho rằng mình là lý do khiến tất cả không thể trở về nhà. Anh xung phong tham gia nhiệm vụ điều khiển một loại tàu vũ trụ mới với hy vọng tìm đường thoát khỏi hành tinh kỳ lạ. Mỗi chuyến bay khiến Buzz Lightyear du hành tới tương lai vài năm sau đó. Anh chứng kiến người thân, đồng nghiệp dần già đi trong khi bản thân không bị ảnh hưởng bởi thời gian.

    Phi hành đoàn dần ổn định cuộc sống ở hành tinh mới. Họ xây nhà cửa, lập gia đình và dần quên đi khát vọng trở về nhà. Tuy nhiên, Buzz vẫn ôm hoài bão sửa sai, để được cùng bạn thân Alisha tiếp tục sự nghiệp cảnh sát vũ trụ. Trong chuyến bay thử cuối cùng, anh đạt siêu tốc độ và du hành tới hàng chục năm sau. Hành tinh nơi Buzz mắc kẹt nay bị chiếm đóng bởi binh đoàn robot do tên thủ lĩnh Zurg chỉ huy. Anh quen Izzy – cháu gái của Alisha – và nhận lời cùng cô tham gia chiến dịch chống lại lũ người máy, giành quyền kiểm soát vùng đất.

    Buzz Lightyear (Chris Evans lồng tiếng) trong bộ phim riêng. Ảnh: Disney

    Buzz Lightyear (Chris Evans lồng tiếng) trong bộ phim riêng. Ảnh: Disney

    Qua câu chuyện về quá khứ của Buzz, Lightyear truyền tải thông điệp nên trân trọng quỹ thời gian hữu hạn bên những người thân yêu.

    Dù là một tác phẩm ngoại truyện, Lightyear kịch bản hoàn toàn mới về Buzz Lightyear. Tác phẩm không tập trung khai thác quá khứ và xuất thân của nhân vật. Kịch bản chọn bối cảnh Buzz đã là thành viên cấp cao trong đội ngũ cảnh sát vũ trụ, thường xuyên tham gia những nhiệm vụ khó khăn của tổ chức. Hướng đi này tạo điều kiện cho êkíp thỏa sức sáng tạo, không cần bám sát các chi tiết của những bản phim trước.

    Giống nhiều dự án khác của Pixar, Lightyear mang đến câu chuyện giàu tính nhân văn. Tác phẩm đi tìm lời giải cho câu hỏi chúng ta nên làm gì với khoảng thời gian hữu hạn của bản thân. Vì quá tập trung vào nhiệm vụ, Buzz không nhận ra các đồng đội của anh đã dần thích nghi và chấp nhận cuộc sống ở hành tinh mới. Mất hàng chục năm tìm cách trở về nhà, Buzz không hay biết bạn bè anh đã cùng nhau xây dựng một nơi ở mới và tận hưởng những gì được ban tặng.

    Buzz Lightyear (phải) làm quen những đồng đội mới cho nhiệm vụ lật đổ sự thống trị của bè lũ robot. Ảnh: Disney

    Buzz Lightyear (phải) làm quen những đồng đội mới cho nhiệm vụ lật đổ sự thống trị của bè lũ robot. Ảnh: Disney

    Kịch bản chịu ảnh hưởng nhiều từ thể loại khoa học viễn tưởng, hành động của Hollywood. Bên cạnh đề tài khám phá vũ trụ sẵn có của thương hiệu, êkíp lồng ghép các chi tiết như du hành thời gian, thuyết đa vũ trụ để tạo những điểm mới lạ, bất ngờ cho bộ phim.

    Phim cũng giới thiệu dàn nhân vật mới đầy thú vị, chưa từng xuất hiện ở thương hiệu Câu chuyện đồ chơi. Trong đó, chú mèo máy Sox – do Alisha tặng riêng cho Buzz để anh dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng sau những lần dịch chuyển thời gian – gây ấn tượng. Một số nhà phê bình quốc tế dự đoán Pixar và Disney hoàn toàn có thể làm tiếp các dự án điện ảnh và truyền hình riêng cho nhân vật này.

    Sox (trái) - chú mèo máy trợ lý của Buzz Lightyear. Ảnh: Disney

    Sox (trái) – chú mèo máy trợ lý của Buzz Lightyear. Ảnh: Disney

    Lightyear nhận đánh giá tích cực từ giới phê bình quốc tế sau khi công chiếu. Phim đạt điểm tươi 80% trên 120 bài đánh giá, theo thống kê của Rotten Tomatoes. Đa phần nhận xét tác phẩm không đột phá so với những dự án trước đây của Pixar nhưng có kịch bản tròn trịa, giàu tính giải trí.

    Đạt Phan