Như Anh (ảnh: QQ)
Author: xemphim25747
-
Em và Trịnh’: Hình ảnh cảm xúc, kịch bản ôm đồm
* Bài tiết lộ một phần nội dung phim
Ra rạp sau hơn một năm hoãn vì dịch, Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) là một trong những dự án điện ảnh được mong chờ nhất năm. Với kinh phí công bố 50 tỷ đồng, tác phẩm quy tụ dàn diễn viên hùng hậu nhiều thế hệ, từ Trần Lực – vai Trịnh Công Sơn thời trung niên – đến Avin Lu (nhạc sĩ thời trẻ) và các người tình từng đi qua đời ông. Phim ra rạp cùng lúc hai phiên bản với thời lượng khác nhau. Tác phẩm dài 136 phút, tái hiện cuộc đời nhạc sĩ thập niên 1950-1990. Trịnh Công Sơn dài 95 phút, tập trung vào thời trẻ của nhạc sĩ với những mối tình thanh xuân.
Phim mang lối kể chuyện đan xen giữa thực tại và quá khứ, bắt đầu với sự kiện Trịnh Công Sơn lần đầu gặp nữ sinh Nhật Michiko Yoshii (Nakatani Akari đóng) cuối thập niên 1980. Theo đuổi luận văn cao học đề tài âm nhạc phản chiến, cô sang Việt Nam để tìm hiểu về cuộc đời và con người nhạc sĩ tài hoa. Từ dòng hồi tưởng của Trịnh Công Sơn, từng lớp ký ức được lần giở, làm sống dậy một thời hoa mộng bên những nàng thơ. Ở hiện tại, ông và Michiko cũng nảy sinh những rung động nhờ mối giao cảm trong âm nhạc.
Tác phẩm là phim Việt hiếm hoi gần đây vượt trội về hình ảnh nhờ đầu tư kỹ lưỡng. Chọn khung hình 4:3, phim tái hiện đa dạng, sống động về không gian, bối cảnh, trải dài từ Huế, Đà Lạt đến Sài Gòn. Đầu phim, từ góc nhìn của Michiko, TP HCM của đầu thập niên 1990 được khắc họa qua bóng dáng Nhà hát thành phố, chợ Bến Thành, nhà hàng nổi bên bến Bạch Đằng, dinh Độc Lập… Ngược về những năm 1960, gác Trịnh, cầu Tràng Tiền… đậm màu sắc hoài niệm.
Ở giai đoạn nhạc sĩ lên Đà Lạt và gặp gỡ Khánh Ly, quán cà phê Tùng được phục dựng chăm chút, từ khung cửa sổ đến bảng hiệu, biển giao thông. Thời gian ông dạy học ở B’lao (Lâm Đồng), cảnh trường học mái lá đơn sơ giữa núi đồi được nhấn nhá bằng những cú đại cảnh. Đạo diễn cũng chú trọng những tiểu tiết mỹ thuật ở đạo cụ, từ vé tàu, bao thư, hộp đựng kỷ vật đến những tờ nhạc ố màu thời gian.
Khung cảnh góp phần dẫn dắt người xem vào cung bậc cảm xúc mượt mà của chuyện tình chàng Trịnh và những Diễm Xưa, Dao Ánh. Lối xử lý hình ảnh của đạo diễn có lúc bám sát ca từ nhạc Trịnh, như cảnh nhạc sĩ rút vội giấy gói thuốc lá để sáng tác Diễm xưa giữa cảnh “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Những cú máy quay chậm đặc tả “đường phượng bay mù không lối vào”, hoặc chuyển hóa được hình dung “màu nắng hay là màu mắt em” khi quay cận gương mặt Dao Ánh.
Âm nhạc – qua bàn tay Đức Trí – trở thành linh hồn của tác phẩm. Gần 40 ca khúc Trịnh tiêu biểu được chọn lọc để gợi lại từng chặng đường của nhạc sĩ. Âm nhạc lúc được vang lên trực tiếp qua tiếng hát diễn viên, khi văng vẳng từ những đĩa than, đài radio. Qua chất giọng Bùi Lan Hương (vai Khánh Ly), Nhật Linh (vai Thanh Thúy), Avin Lu, thời hoa niên của Trịnh Công Sơn được chắp cánh bay bổng. Những bài phối chú trọng ở tính thô mộc để truyền tải tinh thần âm nhạc thời đại, như Hạ trắng, Nắng thủy tinh, Ướt mi…
Có lúc, những đoạn nhạc không lời vang lên như một hàm ý. Như cảnh Khánh Ly trò chuyện với Trịnh Công Sơn sau hàng chục năm xa cách, bài Em còn nhớ hay em đã quên chậm rãi, gợi về một dĩ vãng xa xôi. Khi nhạc sĩ đau khổ vì một cuộc tình đã qua, giai điệu Tình xa nhẹ nhàng vỗ về nhân vật.
Về diễn xuất, tuyến “Em” – những nàng thơ của Trịnh Công Sơn – tạo ấn tượng đậm nét hơn cặp diễn viên đóng vai nhạc sĩ. Bùi Lan Hương gây ngạc nhiên khi hóa thân Khánh Ly trong lần chạm ngõ điện ảnh. Cô không cố ép mình để tái hiện một phiên bản nữ danh ca như ngoài đời mà cài cắm những nét riêng. Qua cảnh lần đầu gặp Trịnh Công Sơn, người xem hiểu thêm về một Khánh Ly bất cần, có phần khép kín thời còn là Mai “đen”. Lối diễn của Lan Hương vừa tạo tiếng cười tự nhiên, vừa gợi thương cảm với nỗi niềm chất chứa của “gái hai con”.
Hoàng Hà cũng là một phát hiện sáng giá của đạo diễn nhờ chọn đúng vai. Tạo hình Dao Ánh của Hoàng Hà tạo thiện cảm với nụ cười răng khểnh, vẻ ấp úng, ngại ngùng. Michiko – qua nét diễn của Nakatani Akari – trong sáng và giàu năng lượng. Diễn viên Nhật ghi dấu với một cảnh nhảy múa đậm chất nhạc kịch, gợi nhớ phân đoạn của đôi nhân vật chính trong tác phẩm La la land (2016).
Trần Lực và Avin Lu dừng ở mức tròn vai. Trịnh Công Sơn thời trẻ hiện ra thư sinh, lãng tử, có phần ngây ngô, say đắm trước những người tình. Giọng thoại đều đều, chậm rãi của Avin Lu giúp truyền tải những lá thư tình viết cho Dao Ánh, nhưng không đủ sôi nổi để làm bật lên nội tâm trong đoạn cao trào. Trần Lực vẽ nên một Trịnh Công Sơn hào hoa ở tuổi trung niên. Dù vậy, nỗi cô đơn của nhạc sĩ khi “bị âm nhạc rời bỏ” – như nhân vật thừa nhận trong phim – chưa được diễn viên khắc họa đủ sâu để tạo đồng cảm.
Với thời lượng 136 phút, kịch bản ôm đồm tình tiết. Đạo diễn nỗ lực xây dựng cùng lúc ba chân dung nhạc sĩ: trải đời ở tuổi trung niên, nồng nhiệt vào thuở thanh xuân và chuộng hòa bình giữa thời bom đạn. Tuy nhiên, các tuyến truyện không được khai thác đủ kỹ, chuyển mạch liên tục khiến câu chuyện bị lưng chừng. Trong đó, tuyến về âm nhạc phản chiến chỉ dừng ở mức điểm qua sơ lược, chưa đi sâu vào quá trình sáng tác, dẫu chùm ca khúc Da vàng mới là mảng đưa tên tuổi Trịnh Công Sơn lên đỉnh cao đương thời.
Mai Nhật
-
Angelina Jolie đạo diễn phim của Salma Hayek
Tác phẩm là lần thứ năm Jolie ngồi ghế đạo diễn. Theo Variety, nữ diễn viên ký hợp đồng ba năm cùng hãng phim Fremantle hồi tháng 3. Theo đó, Angie sẽ giúp đơn vị này thực hiện nhiều dự án điện ảnh, tài liệu và series dài tập.
Kịch bản Without Blood dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Italy Alessandro Baricco. Câu chuyện gốc kể về Nina, mất gia đình từ năm bốn tuổi vì chiến tranh. Đến tuổi 50, cô gặp lại ân nhân tha mạng cho mình và hồi tưởng những bi kịch lúc nhỏ.
Angelina Jolie nói với Variety: “Tôi rất vinh dự được Alessandro Baricco giao phó và mang tác phẩm đặc biệt này lên phim. Cuốn tiểu thuyết này chứa đầy chất thơ, cảm xúc và cách nhìn độc đáo về chiến tranh. Nó đặt ra nhiều câu hỏi về những gì chúng ta tìm kiếm sau chấn thương, mất mát hoặc bất công”.
Salma Hayek dự kiến giữ vai chính ở thời trưởng thành. Cô từng hợp tác Jolie trong dự án siêu anh hùng Eternals của Marvel năm 2021. Hayek Pinault (Eternals) và Bichir (Hateful 8) cũng nhận lời tham gia dự án. Khâu ghi hình chuẩn bị bắt đầu tại Rome và một số khu vực phía nam Italy.
Tháng 4/2021, trong cuộc phỏng vấn với EW, Jolie cho biết đam mê với nghề đạo diễn nhưng từng phải bỏ dở vì bận chăm gia đình: “Tôi yêu việc đạo diễn. Tuy nhiên, tình hình gia đình có chút thay đổi khiến tôi không thể tiếp tục công việc đó suốt vài năm qua. Tôi phải nhận những dự án ngắn hạn và dành thời gian ở nhà nhiều hơn. Vì vậy, tôi quay lại với nghề diễn viên”.
Lần gần nhất Angelina Jolie ngồi ghế đạo diễn là phim First They Killed My Father (2017). Dự án nhận một đề cử Quả Cầu Vàng ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”. Trước đó, cô đạo diễn kiêm đóng chính phim tình cảm lãng mạn By the Sea cùng chồng cũ Brad Pitt. Hai người vào vai cặp vợ chồng sắp tan vỡ, cố gắng hàn gắn mối quan hệ trong một khách sạn ở Pháp.
Phương Mai (theo Variety)
-
Dàn diễn viên Hàn quỳ cảm ơn khán giả
Theo thống kê của mạng điện toán tổng hợp vé rạp chiếu phim Yeongjinwi chiều 11/6, The Roundup (còn gọi The Outlaws 2) vượt 10 triệu vé, là phim thứ 20 trong lịch sử điện ảnh Hàn đạt cột mốc này. Doanh thu ước tính đạt 100 tỷ won, trong khi tổng kinh phí sản xuất và quảng bá chỉ 13 tỷ won.
Chiều cùng ngày, đoàn phim gặp gỡ khán giả tại Busan, Hàn Quốc. Các diễn viên chính đồng loạt quỳ tri ân khán giả đã ủng hộ suốt 25 ngày phim ra rạp. Tại Hàn, quỳ gối là hành động thể hiện sự tôn kính, trân trọng. Các nghệ sĩ nam xuất ngũ, sao có sản phẩm được chào đón thường dùng cách này để cảm ơn fan.
Ma Dong Seok – nam chính kiêm nhà sản xuất – nói 10 triệu vé là thành tích rất khó đạt được trong ngành và ví con số này như “trên trời rơi xuống”. Diễn viên cho rằng kịch bản, diễn xuất chỉ chiếm 10% và 90% còn lại là sức mạnh khán giả. Anh xem thành tích ấy là “phép màu”, “ánh sáng cuối đường hầm” và “hạnh phúc không thể diễn tả thành lời”.
“Giữa thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn, chúng tôi tin rằng nếu có kịch bản xuất sắc, khán giả sẽ quay trở lại với phim và rạp. Êkíp rất vui vì dự án dường như mang lại luồng gió mới cho ngành công nghiệp điện ảnh. Chân thành cảm ơn người hâm mộ. Hy vọng tác phẩm có thể giúp mọi người giải tỏa căng thẳng giữa đại dịch”, tài tử phát biểu.
Tờ MK nhận định diễn xuất của Ma Dong Seok có chiều sâu, giữ vững vị thế “Ông hoàng phòng vé”. The Roundup cũng đánh dấu tác phẩm 10 triệu vé thứ tư của tài tử, sau Train to Busan (năm 2016, 11,56 triệu vé), Thử thách thần chết: Giữa hai thế giới (2017, 14,4 triệu) và Thử thách thần chết 2: 49 ngày cuối cùng (2018, 12,27 triệu).
Diễn viên Son Seok Gu, Choi Gwi Hwa, Heo Dong Won, Jung Jae Kwang, Ha Jun và Park Ji Hwan… và đạo diễn Lee Sang Yong cho biết “như sống trong mơ” khi lượt vé đặt trước liên tục tăng. Trước đó, cả đoàn áp lực, lo lắng phim sẽ thất bại như các dự án thời dịch. Họ mong tác phẩm chạm những cột mốc mới thời gian tới và cảm ơn khán giả đã “cứu điện ảnh Hàn”.
The Roundup là phần tiếp theo của The Outlaw 1 (2017), quay và hậu kỳ từ năm 2020 đến đầu năm nay. Lấy bối cảnh bốn năm sau chiến dịch truy quét ở Garibong-dong, băng nhóm Geum Cheon Seo được giao nhiệm vụ dẫn đường truy bắt Kang Hae Sang (Son Seok Gu) – tội phạm khét tiếng – đã trốn sang Việt Nam. “Thám tử quái vật” Ma Seok Do (Ma Dong Seok đóng) và Jeon Il Man (Choi Gwi Hwa) trải qua nhiều gian khó, đối mặt cái chết để hoàn thành nhiệm vụ.
Theo My Daily, do Covid-19 phức tạp giai đoạn 2020-2021, êkíp không thể đến Việt Nam ghi hình như kế hoạch, phải tạo dựng bối cảnh ngay tại phim trường ở ngoại ô và chỉnh sửa bằng kỹ thuật đồ họa.
Thiên Lam
-
‘Jurassic World Dominion’ kiếm 389 triệu USD tuần đầu
Theo Variety, phần ba của thương hiệu Jurassic World kiếm 143 triệu USD tại thị trường Bắc Mỹ từ 4.676 rạp trong tuần đầu công chiếu. Các chuyên gia đánh giá thành tích này ấn tượng trong bối cảnh phòng vé sau thời dịch. Tuy nhiên, phim thua kém các tác phẩm trước của thương hiệu như Jurassic World 2015 (208 triệu USD) và Jurassic World: Fallen Kingdom 2018 (148 triệu USD).
Jurassic World Dominion kiếm thêm 245 triệu USD tại các thị trường quốc tế, nâng tổng doanh thu toàn cầu lên 389,17 triệu USD. David A. Gross – chuyên gia phân tích phòng vé – nhận xét: “Đây là thành tích mở màn ấn tượng. Phần lớn giới phê bình chê phim nhưng không khiến tác phẩm thất thu tại rạp”. Phần ba Jurassic World chỉ đạt điểm “tươi” 30% trên Rotten Tomatoes.
Phần mới nhất của thương hiệu phim khủng long nổi tiếng lấy bối cảnh bốn năm sau khi hòn đảo Isla Nublar bị phá hủy ở tập trước. Lũ khủng long giờ sống và săn mồi ngay bên cạnh thế giới của con người. Sau quá trình biến đổi gen, chúng trở nên vô cùng đa dạng và nguy hiểm.
Tài tử Chris Pratt trở lại với vai nhà nghiên cứu hành vi khủng long Owen Grady. Một ngày, anh tình cờ gặp lại cá thể loài Velociraptor tên Blue. Lúc này, nó đã sinh con tên Beta. Tất cả hạnh phúc khi tái ngộ nhưng niềm vui kéo dài không lâu. Trong một lần đi tìm thức ăn, Beta vướng bẫy và bị bắt đi ngay trước mặt Grady. Anh phải lên đường đi giải cứu trước khi kẻ xấu lợi dụng trí thông minh đặc biệt của Beta.
Bộ phim chào đón sự trở lại của nhiều nhân vật cũ trong loạt phim Jurassic Park như Ellie Sattler, Alan Grant hay Ian Malcom. Dàn diễn viên mới gồm DeWanda Wise (She’s Gotta Have It), ứng viên giải Emmy Mamoudou Athie (Archive 81), Dichen Lachman (Agents of S.H.I.E.L.D.), Scott Haze (Minari) và Campbell Scott (The Amazing Spider-Man 2).
Jurassic là một trong những thương hiệu giải trí thành công nhất thế giới với doanh thu hơn năm tỷ USD. Ba tập đầu có tên Jurassic Park, phát hành từ năm 1990-2001. Hãng Universal quyết định tái khởi động thương hiệu với loạt phim mới tên Jurassic World năm 2015. Hai phần phim trước đều thành công về mặt thương mại với doanh thu vượt trên một tỷ USD.
Đạt Phan
-
Tặng quà phim ‘Jurassic World: Dominion’
Các phần quà bao gồm bình nước và sổ tay có in hình nhân vật trong phim. Để nhận quà, độc giả vui lòng gửi thư về địa chỉ e-mail thanhdat@vnexpress.net với tiêu đề “Nhan qua phim JWD” (tiếng Việt không dấu). Nội dung thư cung cấp họ tên, email, số điện thoại, địa chỉ nhận quà và món quà muốn nhận. Chúng tôi sẽ báo với những độc giả may mắn qua e-mail.
Jurassic World: Dominionlà phần mới nhất của thương hiệu phim khủng long nổi tiếng, lấy bối cảnh bốn năm sau khi hòn đảo Isla Nublar bị phá hủy ở tập trước. Lũ khủng long giờ sống và săn mồi ngay bên cạnh thế giới của con người. Sau quá trình biến đổi gen, chúng trở nên vô cùng đa dạng và nguy hiểm.
Tài tử Chris Pratt trở lại với vai nhà nghiên cứu hành vi khủng long Owen Grady. Một ngày, anh tình cờ gặp lại cá thể loài Velociraptor tên Blue. Lúc này, nó đã sinh con tên Beta. Tất cả hạnh phúc khi tái ngộ nhưng niềm vui kéo dài không lâu. Trong một lần đi tìm thức ăn, Beta vướng bẫy và bị bắt đi ngay trước mặt Grady. Anh phải lên đường đi giải cứu trước khi kẻ xấu lợi dụng trí thông minh đặc biệt của Beta.
Bộ phim chào đón sự trở lại của nhiều nhân vật cũ trong loạt phim Jurassic Park như Ellie Sattler, Alan Grant hay Ian Malcom. Dàn diễn viên mới gồm DeWanda Wise (She’s Gotta Have It), ứng cử viên giải Emmy Mamoudou Athie (Archive 81), Dichen Lachman (Agents of S.H.I.E.L.D.), Scott Haze (Minari) và Campbell Scott (The Amazing Spider-Man 2).
Jurassic là một trong những thương hiệu giải trí thành công nhất thế giới với doanh thu hơn năm tỷ USD. Ba tập đầu có tên Jurassic Park, phát hành từ năm 1990-2001. Hãng Universal quyết định tái khởi động thương hiệu với loạt phim mới tê nJurassic World năm 2015. Hai phần phim trước đều thành công về mặt thương mại với doanh thu vượt trên một tỷ USD.
Ban Giải trí
-
Thời hoàng kim của điện ảnh Hàn
Theo Daum, vị thế điện ảnh Hàn trên trường quốc tế ngày càng tăng cao, trở thành niềm tự hào của làng phim châu Á. Từ năm 2019 đến nay, loạt bom tấn, nghệ sĩ nước này liên tục được vinh danh tại Oscar, liên hoan phim Cannes, Venice hay Berlin… Giới chuyên môn nhận định thành công này đến từ nội lực, không ngại thách thức và tầm nhìn của các êkíp Hàn.
Các nhà sản xuất, đơn vị phát hành phim tại Hàn nghiên cứu kỹ thị hiếu của khán giả toàn cầu, liên tục cập nhật những vấn đề được công chúng quan tâm và hỗ trợ các đạo diễn, biên kịch phát huy khả năng. Họ chú trọng cốt truyện, tính logic của mạch phim, diễn xuất dàn sao và không ngừng nâng cao kỹ thuật quay dựng, đồng thời học hỏi tiến bộ từ điện ảnh thế giới. Theo Edaily, phim Hàn còn là cánh cửa giúp khán giả nước ngoài tiếp cận, hiểu và trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc.
Trong bài viết Chuyện khó đoán: Lý do điện ảnh Hàn hấp dẫn toàn cầu trên Edaily, ký giả Park Mi Ae phân tích nguyên nhân thành công của các bom tấn Parasite (2019), Minari (2021) hay Broker, Decision to Leave (2022)… Ký giả Park dẫn lời phát biểu của “quái kiệt” Song Kang Ho khi thành tài tử Hàn đầu tiên đoạt Nam chính xuất sắc tại Cannes lần thứ 75 nhờ phim Broker: “Vì khán giả khắp thế giới say mê nội dung Hàn Quốc, chúng tôi (các nhà làm phim) không thể nhàn rỗi dù chỉ một giây. Đó là môi trường tích cực khiến mọi người phải làm việc chăm chỉ hơn nữa”.
Theo bảng Khảo sát Làn sóng Hàn năm 2022 do Bộ Văn hóa Thể Thao – Du lịch Hàn Quốc phối hợp Tổ chức Giao lưu Văn hóa Quốc tế thực hiện trên 5.048 khán giả thuộc 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, hạng mục Phim ảnh được quan tâm, bàn luận sôi nổi. Hơn 17,3% số phiếu nhận định “cốt truyện xuất sắc” là lý do tạo nên thời hoàng kim của điện ảnh Hàn. Tiếp đó mới là yếu tố “ngoại hình diễn viên” (13,9%), “trải nghiệm gián tiếp văn hóa Hàn Quốc” (13,5%) và “diễn xuất” (12%).
Jeon Hye Jeong – người chuyên giới thiệu phim châu Á tại London, Anh, hàng năm – nhận xét: “Phim Hàn đề cập nhiều chủ đề, lịch sử, chính trị đến xã hội và phát triển những câu chuyện không dễ đoán trước, cho đến khi kết thúc”. Ông dẫn chứng trong các phim chủ đề anh hùng, nhà làm phim Hàn Quốc không phân rõ thiện – ác ngay từ đầu, mà khắc họa ẩn ức tâm sinh lý, sự biến chuyển tính cách nhân vật qua từng biến cố. Trong khi êkíp Mỹ luôn thể hiện tính chính diện, ngay cả khi nhân vật phải trải qua thử thách, rồi kết thúc với cảnh giải cứu thế giới bằng cách đưa ra một sự thay đổi hoặc xoay chuyển tình thế.
Cốt truyện logic, có chiều sâu của Decision to Leave giúp Park Chan Wook giành giải Đạo diễn xuất sắc tại Cannes hồi tháng 5. Đạo diễn cho biết dự án không có nhiều cao trào, không có cảnh bạo lực, nữ chính cũng không có cảnh “nóng” mà mang hơi thở nho nhã, cổ điển. Ông chọn cách kể chuyện hàm súc, hài hước và nhã nhặn.
Broker (Người môi giới, 2022) nhận tràng pháo tay dài 12 phút tại Cannes, phơi bày những vấn nạn nhức nhối như phá thai, nhận con nuôi, mẹ đơn thân, mại dâm… Song Kang Ho diễn xuất thần vai Sang Hyun – chủ tiệm giặt là nhỏ kiêm tình nguyện viên ở nhà thờ. Anh và bạn đánh cắp những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ lại trong hộp trước nhà thờ, bán chúng trên chợ đen. Việc làm của họ dần dần bị hai thám tử phát giác. Tờ New York Times đánh giá: “Tác phẩm sưởi ấm trái tim và đan xen những đau đớn”.
Với giải Đạo diễn của Park Chan Wook và Nam chính của Song Kang Ho, điện ảnh Hàn đã hoàn tất mọi hạng mục giải thưởng ở Cannes. Trước đó năm 2002, Im Kwon Taek được vinh danh Best Director (Đạo diễn xuất sắc) với phim Chi-hwa-seon. Năm 2004, hạng mục Grand Prix (Giải thưởng lớn) gọi tên Park Chan Wook của Oldboy, ông còn đoạt Prix du Jury (Giải thưởng giám khảo) nhờ Thirst (2009). Jeon Do Yeon thắng Nữ chính xuất sắc với Secret Sunshine hồi 2007. Năm 2010, Lee Chang Dong đoạt Best Screenplay (Kịch bản xuất sắc nhất) cho phim Poetry. Nổi bật nhất là Palme d’Or (Cành Cọ Vàng) của Bong Joon Ho nhờ Parasite.
Daum, Hancinema và nhiều nhà bình phim gọi Parasite là mốc son chói lọi trong 100 năm của điện ảnh Hàn, thu về 259 triệu USD trong khi kinh phí sản xuất và quảng bá chỉ 15,5 triệu USD. Tại Oscar 2020, tác phẩm “càn quét” bốn giải lớn, gồm: Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản gốc, Phim quốc tế và Phim xuất sắc. Bom tấn cũng được tìm nhiều nhất năm 2020 trên Google ở hạng mục Phim điện ảnh.
Giới chuyên môn nhận định dù không sản xuất cho thị trường toàn cầu, Parasite – phim về gia đình nghèo bốn người tại thủ đô Seoul – vẫn gây tiếng vang với khán giả quốc tế nhờ kịch bản hấp dẫn, mỉa mai sâu cay sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội và giới hạn của chủ nghĩa tư bản. Hiệp hội Biên kịch Mỹ (WGA) chọn Parasite là một trong 10 kịch bản phim hay nhất thế kỷ 21.
Cốt truyện, thông điệp Minari được giới chuyên môn đánh giá cao, là “liều thuốc giải độc cho tâm hồn”. Phim nhắc nhở về giá trị cao đẹp của lòng tốt, tình cảm gia đình cũng như cách người nhập cư đóng góp vào văn hóa và lịch sử Mỹ. Youn Yuh Jung (còn viết Yoon Yeo Jung) đóng vai bà ngoại “quái chiêu” Soon Ja. Hình ảnh của bà khơi gợi những giá trị tinh thần, bản sắc văn hóa dân tộc trong gia đình Hàn định cư xứ người. Nhờ diễn xuất, minh tinh được vinh danh “Nữ phụ xuất sắc” Oscar, đánh dấu diễn viên đầu tiên trong lịch sử 102 năm điện ảnh Hàn nhận danh hiệu về diễn xuất ở giải này.
Tờ Edaily cho rằng thời hoàng kim phim ảnh Hàn Quốc sẽ nối dài và giấc mơ khuynh đảo, trở thành thế lực lớn của điện ảnh thế giới sớm thành hiện thực, nếu các nhà làm phim tiếp tục chú trọng nội dung, diễn xuất, thông điệp và lồng ghép yếu tố văn hóa Hàn.
Thiên Lam tổng hợp
-
‘Mộng hoa lục’ gây tranh cãi vì đề cập trinh tiết
Trong tập phát sóng cuối tuần qua, nữ chính Triệu Phán Nhi (Diệc Phi đóng) nói với người yêu Cố Thiên Phàm (Trần Hiểu) về quá khứ. Dù xuất thân quan kỹ – kỹ nữ dâng cho quan lại làm nô lệ, địa vị thấp nhất trong xã hội – nàng chỉ “bán nghệ không bán thân”. Khi yêu bạn trai cũ, nàng cũng giữ phép tắc, không vượt quá giới hạn.
Cố Thiên Phàm nói “nàng không cần kể những điều này, ta không bận tâm”, Phán Nhi giải thích nói ra để giữa hai bên không có sự nghi ngờ nào. Cố Thiên Phàm, 30 tuổi, cũng kể từng hứa hôn với một cô gái nhưng là do sắp đặt của người khác, chàng chưa từng gặp cô gái này, chưa từng gần gũi ai.
Đoạn phim bị nhiều khán giả chê đi ngược tinh thần tác phẩm. Mộng hoa lục mang chủ đề phụ nữ giúp phụ nữ, các cô gái ở tầng lớp đáy xã hội dũng cảm chống lại những phép tắc cứng nhắc. Trong phim, nhân vật chủ chốt Triệu Phán Nhi, Tôn Tam Nương (Liễu Nham đóng) đều mang tư tưởng hiện đại, muốn đứng vững trong xã hội bằng năng lực bản thân chứ không dựa vào đàn ông.
Trong nguyên tác kịch của Quan Hán Khánh – nhà viết kịch đời Nguyên, một trong tác giả văn học vĩ đại nhất Trung Quốc, tác giả tập trung chuyện “kỹ nữ cứu kỹ nữ” chứ không bàn việc trinh tiết, nhằm ca ngợi lòng dũng cảm, lối sống có tình có nghĩa của các cô gái.
Hàng chục nghìn khán giả nhận xét việc nhiều lần nhấn mạnh “sự trong trắng” của nữ chính khiến bộ phim khiên cưỡng, không hợp tính cách nhân vật. Tài khoản Xiangfei viết: “Ở đầu phim, để cứu Cố Thiên Phàm, Phán Nhi từng nói dối người khác cô có bầu. Điều này chứng tỏ nàng không quá lo sợ về thanh danh. Vậy mà đến cảnh này, Phán Nhi phải nói về trinh tiết như vậy”.
Nhiều ý kiến cho rằng biên kịch nên bỏ ngỏ yếu tố “nam nữ chính từng quan hệ tình dục hay chưa”, tạo không gian cho khán giả tưởng tượng, thay vì để nhân vật nói ra. Tài khoản Liu Shuxi nhận gần 20.000 like khi bình luận: “Biên kịch cổ hủ quá, Quan Hán Khanh sống cách đây 700 năm mà không cổ hủ như biên kịch Mộng hoa lục“. Các khán giả khác viết: “Năm 2022 vẫn còn phim nhấn vào yếu tố còn trinh tiết hay không, tôi thấy bất ngờ. Cho dù là phim cổ trang, điều này cũng không cần thiết nhắc đến”, “700 năm trước Quan Hán Khanh kể chuyện kỹ nữ cứu kỹ nữ, 700 năm sau biên kịch kể chuyện kỹ nữ còn trinh tiết, thế này có gọi là tư tưởng thụt lùi không?”, “Lẽ nào phải còn trong trắng thì mới xứng đáng có tình yêu đẹp?”…
Tuy vậy, một bộ phận khán giả bênh vực biên kịch, cho rằng đặt trong bối cảnh thời Tống, các câu thoại phù hợp. Nhiều blogger phim ảnh nhận định đoạn phim cần thiết để Mộng hoa lục qua vòng kiểm duyệt. Bởi cơ quan quản lý từng quy định “nam, nữ chính không được phép làm nghề liên quan cơ sở ăn chơi, lầu xanh, kỹ viện. Cân nhắc kỹ nếu để nam, nữ chính thứ hai làm nghề liên quan. Nam, nữ thứ ba có thể liên quan”.
Theo blogger phim Ngô Câu, quy định này là lý do trong Mộng hoa lục, Triệu Phán Nhi được miêu tả là “kỹ nữ hoàn lương”, không còn theo nghề ca hát ở kỹ viện. Còn nữ thứ ba Tống Dẫn Chương vẫn mang thân phận kỹ nữ.
Theo Sohu, đoạn phim gây tranh cãi nhưng không làm giảm lượng người xem. Sau 10 ngày chiếu, Mộng hoa lục thu hút 1,5 tỷ lượt xem, là phim dài tập nổi bật nhất Trung Quốc từ đầu năm đến nay. Tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao nhờ chỉnh chu, hình ảnh đẹp, diễn xuất của dàn sao.
Như Anh
-
Hậu trường cảnh thập niên 1960 của phim ‘Em và Trịnh’
Sau khi phim ra rạp hôm 9/6, khâu bối cảnh của tác phẩm nhận nhiều lời khen. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết một trong những cảnh quay khó nhất thuộc giai đoạn Trịnh Công Sơn lên B’Lao (Lâm Đồng) dạy học đầu thập niên 1960. Êkíp lấy bối cảnh tại một bìa rừng ở Tà Năng (Lâm Đồng), lối đi khó vào, phải di chuyển bằng xe công nông. Khi tổ thiết kế xây xong trường học mái lá trên một quả đồi và chuẩn bị quay, trường bất ngờ bị bão giật sập. Đoàn làm phim phải chờ một tháng dựng lại bối cảnh.
Quay cảnh Trịnh Công Sơn và Dao Ánh đạp xe trên cầu Tràng Tiền (Huế), êkíp cũng gặp khó khăn vì trời mưa liên tục. Một con đường được phong tỏa cho cảnh Dao Ánh dạo bước trên đường phố đầy hoa phượng. Đỗ Hà – giám đốc mỹ thuật – cho biết tại gác Trịnh, căn nhà cũ của gia đình Trịnh Công Sơn, họ bài trí nội thất lại để tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi.
Ở quán cà phê Tùng (Đà Lạt) – nơi Trịnh Công Sơn hẹn gặp Khánh Ly mời hợp tác, êkíp dựa vào tư liệu của gia đình chủ quán để tái dựng phần mặt tiền. Cột điện trụ tròn được bọc lại thành cột điện trụ vuông như xưa. Phần lề đường được thiết kế để tạo cảm giác phủ xi măng – thay vì gạch lát như hiện tại. Bảng cà phê Tùng được phục dựng, sơn màu đỏ. Trong cảnh Trịnh Công Sơn đạp xe gửi thư cho Dao Ánh, bưu điện Cây Gõ (Sài Gòn) được tái hiện với nhiều chi tiết như bảng hiệu, thùng thư…
Phan Gia Nhật Linh cho biết suốt hai tháng quay, êkíp sử dụng 700 bộ phục trang với 3.000 diễn viên quần chúng. Đạo diễn tự nhận liều lĩnh khi làm phim tiểu sử – thể loại còn mới với khán giả trong nước. Anh nói: “Từ khi phim chưa quay, tôi đã chịu nhiều lời soi xét. Tôi chấp nhận và hy vọng phim thành công để các nhà sản xuất có động lực làm tác phẩm tương tự”.
Em và Trịnh bắt đầu với sự kiện Trịnh Công Sơn lần đầu gặp nữ sinh Nhật Michiko Yoshii (Nakatani Akari đóng) cuối thập niên 1980. Theo đuổi luận văn cao học đề tài âm nhạc phản chiến, cô sang Việt Nam để tìm hiểu về cuộc đời và con người nhạc sĩ tài hoa. Từ dòng hồi tưởng của Trịnh Công Sơn, từng lớp ký ức được lần giở, làm sống dậy một thời hoa mộng bên những nàng thơ. Ở hiện tại, ông và Michiko cũng nảy sinh những rung động nhờ mối giao cảm trong âm nhạc. Ngoài bản dài 136 phút, nhà phát hành còn ra rạp phim Trịnh Công Sơn – dài 95 phút, tập trung vào thời trẻ của cố nhạc sĩ.
‘Em và Trịnh’: Hình ảnh cảm xúc, kịch bản ôm đồm
Ghi điểm với khâu âm nhạc và hình, phim có phần kịch bản rời rạc do ôm đồm tình tiết. Đạo diễn nỗ lực xây dựng cùng lúc ba chân dung nhạc sĩ: trải đời ở tuổi trung niên, nồng nhiệt vào thuở thanh xuân và chuộng hòa bình giữa thời bom đạn. Tuy nhiên, các tuyến truyện không được khai thác đủ kỹ, chuyển mạch liên tục khiến câu chuyện bị lưng chừng. Trong đó, tuyến về âm nhạc phản chiến chỉ dừng ở mức điểm qua, chưa đi sâu vào quá trình sáng tác.
Mai Nhật