Ngày 11/2, theo Hollywood Reporter, tài tử Canada ký hợp đồng với Warner Bros nhưng không tiết lộ vai diễn sẽ đảm nhận. Trước đó, hãng công bố “bom sex” Margot Robbie sẽ giữ vai chính búp bê Barbie trong khi Ryan Gosling đóng bạn trai Ken. Nữ đạo diễn Greta Gerwig chỉ đạo dự án dựa trên kịch bản do người cộng sự lâu năm Noah Baumbach viết. Bộ phim sẽ được bấm máy trong năm nay và dự kiến ra rạp vào năm 2023.
Lưu Tư Mộ sinh ngày 19/4/1989 tại Trung Quốc, năm tuổi, anh cùng gia đình đến Canada sinh sống. Liu khởi nghiệp bằng nghề kế toán, hồi năm 2011, nhưng sau đó muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực. Từng học võ Taekwondo và Vịnh Xuân, anh quyết định theo nghiệp diễn viên đóng thế tại Hollywood. Pacific Rim (2013) là phim điện ảnh đầu tiên Simu Liu góp mặt, trong vai quần chúng.
Năm ngoái, diễn viên gây chú ý khi đóng chính Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings – phim riêng đầu tiên về siêu anh hùng gốc Á của Marvel. Dự án thành công tại phòng vé với doanh thu 224 triệu USD tại Mỹ và 432 triệu USD toàn cầu. Theo Rotten Tomatoes, đa phần giới phê bình khen ngợi lối diễn hài hước và khả năng tự đóng các cảnh hành động của Lưu Tư Mộ.
Ngày 10/2, nhà phát hành tung trailer Firestarter, hé lộ tạo hình dàn nhân vật chính. Nội dung phim xoay quanh một gia đình ba thành viên ở Mỹ, với con gái Charlie có thể tạo ra lửa. Gia đình liên tục phải chuyển nơi ở trong suốt một thập niên nhằm tránh những tổ chức săn đuổi người có siêu năng lực để làm vũ khí quân sự.
Zac Efronvào vai Andrew – người cha của gia đình. Là trụ cột của cả nhà, anh phải tìm cách bảo vệ vợ con khỏi những kẻ muốn làm hại Charlie. Đồng thời, Andrew cũng cần trở thành chỗ dựa tâm lý cho con gái, người đang ở độ tuổi thiếu niên với nhiều cảm xúc phức tạp. Firestarter cũng là tác phẩm kinh dị đầu tiên của Efron. Trong quá khứ, anh từng đóng vài sát nhân hàng loạt trong phim giật gân Extremely Wicked, Shockingly Evil And Vile (2019).
Ngôi sao sinh năm 2000 Ryan Kiera Armstrong đóng vai chính Charlie. Cô từng tham gia một bộ phim khác dựa trên tiểu thuyết của Stephen King là It: Chapter Two. Amstrong hiện là gương mặt hứa hẹn trong làng điện ảnh, gây ấn tượng với nhiều dự án như American Horror Story: Double Feature, The Tomorrow War…
Nữ diễn viên Syndey Lemmon đóng Vicky – vợ của Andrew và mẹ của Charlie. Cô từng góp mặt trong dự án kinh dị Fear the Walking Dead.
Keith Thomas (The Vigil) nhận vai trò đạo diễn, Scott Teems (Halloween Kills) viết kịch bản. Hãng phim kinh dị nổi tiếng Blumhouse chịu trách nhiệm về dự án. Nhà sản xuất Jason Blum cho biết tiểu thuyết gia Stephen King đã đọc và khen ngợi kịch bản.
Zac Efron sinh năm 1987, nổi tiếng sau khi đóng chính loạt phim ca nhạc High School Musical năm 19 tuổi. Để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất, anh tập thể hình và nhận các vai cơ bắp trong các phim The Lucky One (2010), Neighbors (2014), Baywatch (2017)… Với lượng fan đông đảo, nhiều phim của Efron thành công về mặt thương mại nhưng không được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn.
Đạt Phan
Cuộc sống xê dịch của Zac Efron
Zac Efron – từ cậu bé thư sinh tới chàng trai cơ bắp
Ngôi trường xác sống (All of us are dead) gây sốt toàn cầu, đứng đầu danh sách được xem nhiều nhất của Netflix tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể từ khi phát hành ngày 28/1. Phim vào Top 10 tác phẩm không nói tiếng Anh được xem nhiều nhất trên nền tảng trực tuyến này.
Chuyển thể từ webtoon (truyện tranh mạng) Now at our school của Joo Dong Geun, phim gồm 12 tập, theo chân nhóm học sinh chiến đấu chống lại những thây ma từng là bạn học của mình. Họ còn phải tìm cách sống sót trước khi được giải cứu.
Chuyện bắt đầu khi nữ sinh Hyeon Ju (Jung Yi Seo) bị con chuột trong phòng thí nghiệm cắn vào tay rồi biến thành xác sống khát máu. Zombie lan nhanh với tốc độ chóng mặt, không gian lớp học, phòng âm nhạc, y tế, thư viện, tầng thượng và sân chơi… vốn yên bình trở thành đấu trường sinh tử. Học sinh sử dụng bàn, ghế, đàn piano hay những quả bóng trong phòng thể dục làm công cụ chiến đấu.
Lấy bối cảnh trường trung học Hyosan, phim lột tả vấn nạn bạo lực học đường. Virus zombie là sản phẩm thí nghiệm của Lee Byeong Chan – giáo sư trong trường. Con trai Lee – Jinsu – bị bạn học bắt nạt, kéo lên sân thượng đánh đập đến chết. Ông nghiên cứu loại virus giúp con trai sống lại, khỏe mạnh và có khả năng chống trả. Tuy nhiên, mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát của Lee khi Jinsu trở nên hung hãn, biến thành xác sống và tấn công cả mẹ ruột. Ông buộc lòng giết vợ con, giấu kín mọi chuyện và đưa loại virus đó vào trong con chuột ở phòng thí nghiệm. Điều Lee không ngờ tới là học sinh bị chuột tấn công khiến virus lây lan. Trước đó, Lee Byeong Chan từng đến trường phản ánh về việc con trai bị bắt nạt. Tuy nhiên, nhà trường không truy cứu vì cho rằng đó chỉ là trò trẻ con.
Gwi Nam (Yoo In Soo) cầm đầu nhóm người chuyên bắt nạt học sinh yếu thế. Hắn ép Eun Ji (Oh Hye Soo) cởi đồ rồi quay video “nóng” khiến cô sợ hãi, lên sân thượng định tự tử. Ngay cả khi mắc kẹt trong vòng vây của thây ma, Eun Ji chỉ lo lắng về viễn cảnh những thước phim cô bị tấn công tình dục đăng lên mạng.
Phim cũng phản ánh nhiều hiện trạng xã hội như gian lận trong thi cử, phân biệt giàu nghèo, mang thai ở trẻ vị thanh niên, lợi ích nhóm và sự vô tâm của người lớn… Nữ sinh Hee Soo mang thai nhưng bạn bè, thầy cô không biết. Trở dạ trong giờ học, cô tự sinh con và có ý định vứt bỏ đứa bé để trốn tránh trách nhiệm.
Khi virus lây lan, thay vì cứu học sinh, ban giám hiệu trường tìm cách che giấu, bỏ mặc các em tự sinh, tự diệt. Cuối phim, nhóm On Jo (Park Ji Hoo) lên sân thượng để cầu cứu quân đội nhưng họ từ chối.
Ký ức về thảm họa chìm phà Sewol năm 2014 khiến 304 người chết và chín người mất tích được khắc họa qua hình ảnh học sinh quây quần trong phòng nhạc, quay video từ biệt người thân khiến nhiều khán giả xúc động.
Phim có dàn nhân vật đông đảo, mỗi người tạo điểm nhấn riêng biệt. Đan xen những màn vồ bắt, cắn xé của xác sống là câu chuyện về bản chất, cách ứng xử của con người trong hoàn cảnh tuyệt vọng. On Jo (Park Ji Hoo) điềm đạm, tốt bụng, bảo vệ bạn bè ngay cả khi có nguy cơ bị tấn công. Cô sử dụng các kỹ năng sinh tồn học từ cha – làm nghề lính cứu hỏa – để thoát thân. Na Yeon (Lee Yoo Mi) tiểu thư nhà giàu ích kỷ, coi thường những người có hoàn cảnh thấp kém hơn mình. Cô chỉ trích bạn học là kẻ ăn bám xã hội, đổ lỗi, thậm chí hãm hại người khác để được sống. Lee Cheong San (Yoon Chan Young) lương thiện, quyết đoán, dũng cảm và hết lòng vì bạn bè. Nam Ra (Cho Yi Hyun) mang trong mình kháng thể virus, hỗ trợ mọi người trong việc tìm ra vị trí của thây ma.
Trên Korea Times, đạo diễn Lee Jae Kyo cho biết: “Khi rơi vào tình huống nguy hiểm, người lớn chọn cách an toàn. Đối với trẻ em, đôi khi chúng đưa ra những quyết định liều lĩnh theo bản năng. Tôi muốn mọi người phải suy nghĩ về các quyết định và hành động của bọn trẻ trong tình huống sinh tử”. Học sinh cũng áp dụng công nghệ để tìm lối thoát như: sử dụng máy bay không người lái để tìm kiếm bạn bè, cố gắng mở khóa điện thoại bằng nhận diện gương mặt khi chủ nhân đã biến thành thây ma hay cầu cứu trên mạng xã hội…
Mặc dù chuyển thể từ webtoon, phim mang màu sắc khác biệt, phù hợp với bối cảnh đại dịch trên toàn cầu nhờ thêm thắt các tình tiết mới. Ngoài thây ma truyền thống như các tác phẩm cùng đề tài, phim còn xây dựng nhiều biến thể. Nhân vật phản diện Gwi Nam biến thành xác sống nhưng vẫn có ý thức của con người. Lớp trưởng Nam Ra như người thường nhưng có sức mạnh và đặc điểm của zoombie biến thể.
Diễn xuất, hóa trang của dàn nghệ sĩ nhiều độ tuổi là một điểm cộng. Đạo diễn Lee Jae Kyo cho biết trước khi bấm máy ba tháng, các diễn viên phải đến trường học để tham gia huấn luyện về cách chiến đấu với zombie, chạy, ngã… Êkíp cũng đầu tư về tạo hình zombie giúp tăng cảm giác sợ hãi cho người xem. Các cảnh quay đặc tả xác sống máu me, vặn vẹo hay cắn xé người tạo hiệu ứng tốt. Một số cảnh rộng khắc họa được sự náo loạn, gay cấn khi đại dịch ập đến.
Điểm trừ của phim là đạo diễn tham thêm thắt các tình tiết dẫn đến nhiều phân cảnh dài dòng, gây nhàm chán. Cảnh nhóm học sinh thoát khỏi trường diễn ra chóng vánh, nhiều chi tiết chưa được lý giải ổn thỏa. Điều này để ngỏ khả năng series có phần hai. Trên Korea Times, đạo diễn nói: “Tôi đã tính đến phần thứ hai từ khi xây dựng câu chuyện. Nếu phần một nói về sự sinh tồn của con người thì phần hai bàn về chuyện sống sót của các thây ma”.
Sau ba lần hoãn chiếu vì dịch, phim Bẫy ngọt ngào (tên ban đầu là Thoát ế) của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư ra rạp hôm 11/2. Tác phẩm là phiên bản điện ảnh của sit-com Chiến dịch chống ế (2015), xoay quanh hội bạn thân gồm bốn người. Sau khi Camy (Bảo Anh) kết hôn với Đăng Minh (Quốc Trường) – một doanh nhân thành đạt, hội bạn nhận ra cô dần khép kín, có nhiều ẩn ức khó nói. Phát hiện Camy bị người chồng gia trưởng bạo hành, họ lên kế hoạch giải thoát cô khỏi cuộc hôn nhân địa ngục.
Diễn xuất đồng đều của dàn cast làm nên sức hút cho tác phẩm suốt thời lượng 90 phút. Khi dự án được công bố năm 2020, nhiều ý kiến nghi ngại về gương mặt chính – Bảo Anh, do cô chưa có nhiều kinh nghiệm đóng điện ảnh. Bản thân diễn viên từng cân nhắc khi được mời vì phim có nhiều cảnh nặng về tâm lý, đi sâu vào những ức chế dồn nén bên trong nhân vật. Trong vai chính đầu tay, Bảo Anh ghi dấu với lối diễn tương đối tròn trịa. Cô khắc họa tốt tâm lý người vợ ám ảnh những lần bị chồng hành hạ thể xác. Ba năm sống trong tổ ấm nhung lụa, Camy đau khổ khi dần nhận ra người đàn ông cô đầu ấp tay gối không tốt đẹp như lúc mới yêu. Ở cảnh Camy phát hiện mình bị phản bội, nét diễn của Bảo Anh khơi gợi được cảm xúc, giúp người xem thấu hiểu nỗi bẽ bàng của cô vợ trong bi kịch hôn nhân.
Đối trọng với Bảo Anh là Quốc Trường – nam chính, vai Đăng Minh, người chồng thích kiểm soát vợ. Anh có dạng vai sở trường bởi nhiều lần đóng “trai hư” trên màn ảnh nhỏ. Sự đối lập giữa một doanh nhân lịch thiệp và gã chồng vũ phu được anh thể hiện rõ nét. Ánh mắt trợn trừng, lối gằn giọng của Quốc Trường ở mức vừa đủ, không bị cường điệu hóa như một số diễn viên quen đóng phim truyền hình. Dù vậy, cuối phim, diễn viên có phần đuối sức bởi cách chuyển biến tâm lý mau lẹ, chưa hợp lý.
Dù đóng vai phụ, Diệu Nhi tạo được ấn tượng với vai luật sư Linh Đan – bạn thân Camy, sát cánh cùng cô trong cuộc chiến với người chồng vũ phu. Nhân vật đảm nhận vai trò làm dịu đi những tình huống căng thẳng trong phim. Xuất thân là nghệ sĩ hài, Diệu Nhi có giọng điệu, biểu cảm đắt giá trong các phân đoạn nhóm bạn thân đối đáp. Cô tiết chế phong cách hài sân khấu, ghi điểm với lối thoại nhấn nhá, tạo được tiếng cười nhẹ nhàng. Ở phân đoạn cả nhóm nhận ra nỗi đau Camy gánh chịu, diễn xuất của Diệu Nhi ít nhiều gây xúc động, cho thấy sự đồng cảm giữa những người bạn thân.
Minh Hằng diễn vừa sức với nhân vật Quỳnh Lam, nhà thiết kế có đời sống tình ái phức tạp. Thuận Nguyễn – nhân vật Ken – đầu tư cho vai diễn khi giảm 23 kg trong ba tháng cho một phân cảnh cuối phim.
Hình ảnh thời thượng, bắt mắt là ưu điểm khác của phim. Có kinh nghiệm thực hiện nhiều MV gây sốt, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư trau chuốt các góc máy. Đoạn đầu, phim có cảnh one-shot (quay một lần, không ngắt) khá mượt nhờ dàn dựng kỹ về bối cảnh. Ở những phân đoạn người chồng bạo hành vợ bằng tình dục, đạo diễn tận dụng ánh sáng của đêm giông, lột tả bi kịch gia đình. Những đoạn đối đầu, chất vấn nhau, phim đặc tả qua các góc cận, góc nghiêng, cho thấy sự chênh chao trong tâm lý nhân vật. Âm nhạc được đặt để hợp lý, nổi bật là ca khúc Hôm nay tôi buồn (Phùng Khánh Linh sáng tác) qua chất giọng Bảo Anh.
Tuy nhiên, càng về cuối, phim càng đuối trong khâu kịch bản. Nhân vật Đăng Minh được miêu tả là người đàn ông khó đối phó, song kế hoạch nhóm bạn dựng lên để lừa anh vào tròng diễn ra suôn sẻ. Ở đầu phim, Đăng Minh gợi hình dung về một con người thâm trầm, phức tạp trong tâm lý nhưng sau khi thất thế, phản ứng của nhân vật cho thấy anh bị hạ gục dễ dàng.
Các nhân vật – đặc biệt là vai chính – thiếu câu chuyện làm nền tảng để khán giả đồng cảm hơn với biến cố họ gặp phải. Mối tình Camy – Đăng Minh trước khi kết hôn chưa được khai thác kỹ, chỉ đề cập sơ lược qua một, hai câu thoại. Nhân vật Camy cũng thiếu sự phát triển về tính cách, khi từ đầu đến cuối cô chủ yếu nhờ cậy vào nhóm bạn thân để giải quyết mâu thuẫn.
Đạo diễn cài cắm hai “twist” (tình tiết bất ngờ) để tạo cao trào cho phim, song cách phát triển kịch bản khiến phân đoạn có phần dễ đoán. Cuối tác phẩm, đạo diễn dàn xếp một sự cố để tạo kịch tính, nhưng tình huống này có thể làm đứt mạch cảm xúc của người xem.
Đại diện Production Q – đơn vị sản xuất – cho biết phim ra mắt ở hơn 2.000 cụm rạp toàn quốc ngày 11/2. Nhờ rạp Hà Nội – chiếm 20% thị trường cả nước – mở cửa từ ngày 10/2, Chuyện ma gần nhà có doanh thu ra mắt tốt thời dịch.
Trên Box Office Việt Nam – đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phim là tác phẩm có doanh thu cao nhất ngày 11/2. Trước đó, dự án thu hút 85.000 vé đặt sớm – con số kỷ lục của phòng vé trong nước đến nay. Bẫy ngọt ngào – phim phát hành cùng thời điểm, có Bảo Anh, Quốc Trường đóng chính – đạt khoảng bốn tỷ đồng.
Đạo diễn Trần Hữu Tấn nói: “Kết quả này là tín hiệu về việc thị trường điện ảnh có thể đang phục hồi dần”. Nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết doanh thu là nguồn động viên lớn cho êkíp sau hai năm lao đao vì dịch.
Chuyện ma gần nhà có kịch bản lấy cảm hứng về các câu chuyện về ma quỷ đồn thổi trong dân gian. Một trong ba câu chuyện chính của phim kể về “cô Mía”. Vân Trang góp mặt trong dàn diễn viên chính, vai một nhà ngoại cảm. Tác phẩm là dự án màn ảnh rộng đầu tiên diễn viên nhận lời kể từ năm 2019. Vân Trang nói hứng thú đóng vai mới vì được thử thách về diễn xuất. Cô có nhiều cảnh trườn bò trên mặt đất, người thường lấm lem bùn. Phim quay vào đầu năm ngoái, khi đó Vân Trang mang thai một tháng.
Phim ghi điểm nhờ khâu hóa trang, bối cảnh chăm chút. Không gian Sài Gòn xưa với biệt thự cổ, chung cư cũ góp phần khắc họa không khí u ám. Dù vậy, kịch bản phim thiếu sự liền lạc khi kể ba câu chuyện không liên quan. Sự rối rắm trong cách kể chuyện, nhất ở chương thứ hai và thứ ba, khiến tác phẩm thiếu thuyết phục đối với số đông khán giả.
Đạo diễn cho biết phim lấy chất liệu từ cuộc sống đời thường, văn hóa và tín ngưỡng, phong tục tập quán của người Việt là điểm nhấn trong tác phẩm. Phim có sự tham gia của Khả Như, Mạc Can, Thanh Trực, Khả Như, Ngọc Hiệp, Hữu Tiến, Trần Phong… Dự án là phim mới nhất của đạo diễn Hữu Tấn sau Bắc kim thang (2019) và Rừng thế mạng (2021).
– Chị đón nhận ý kiến khen – chê ra sao với phim đầu tiên đóng chính?
– Tôi khá lo lắng vì ngóng chờ phim ra rạp suốt hai năm qua. Buổi tối sau khi phim công chiếu, tôi lên mạng, đọc từng lời góp ý của đồng nghiệp, khán giả. Tôi mừng vì đa số phản hồi đều tích cực, có thể mọi người biết tôi xuất thân là ca sĩ, không phải diễn viên chuyên nghiệp nên “chém” nhẹ tay (cười).
Dù hài lòng với vai này, khi xem lại, tôi nghĩ mình có thể làm tốt hơn. Tôi nhận ra mình còn non trong thể hiện chuyển biến tâm lý nhân vật, một phần vì phim không quay theo diễn tiến kịch bản. Tôi cũng tiếc đôi chút ở cảnh “nóng” đầu tiên – khi Camy bị chồng (Quốc Trường) hành hạ. Lúc đó, tôi đang để tóc ngắn, phải nối thêm tóc giả để diễn cảnh nhân vật bị nắm đầu, quăng quật, cảm xúc do đó không đẩy lên được như kỳ vọng.
– Cảnh nào thử thách nhất với chị trong phim?
– Tôi ám ảnh với những cảnh đóng chung Quốc Trường. Chẳng hạn, ở đoạn Camy bị bạo hành bên bàn ăn, bạn diễn lỡ tay khiến hông tôi va vào cạnh bàn. Tôi đau điếng người nhưng vẫn ráng cho xong cảnh. Hôm sau, tôi phát hiện hông bị bầm đen một vết lớn. Rồi có cảnh Quốc Trường diễn hăng quá, không nghe đạo diễn hô “cắt”, vẫn cầm bó hoa lớn quật vào người tôi liên hồi. Mỗi lần kết thúc phân đoạn người vợ bị hành, cả êkíp vây lại, đạo diễn ôm tôi vì xót. Quốc Trường cũng an ủi: “Chúng mình cố diễn xong một lần rồi thôi”, nhưng thực tế đều phải quay nhiều lượt. Khi phim đóng máy, tôi vẫn thất thần, ngơ ngác nhiều tuần liền vì chưa thoát vai.
– Thiếu kinh nghiệm diễn xuất, vì sao chị nhận một vai nặng về tâm lý?
– Ban đầu, tôi thẳng thừng từ chối đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư. Một phần vì tôi không thích tính cách nhân vật – có phần yếu đuối, ủy mị, phần vì vai này gợi tôi nhớ về những ngày đen tối của quá khứ. Tôi từng là nạn nhân của bạo hành gia đình. Lúc nhỏ, tôi liên tiếp chứng kiến những trận gây gổ giữa ba mẹ. Quãng thời gian ấy kéo dài nhiều năm, đến khi ba mẹ tôi ly hôn. Giờ, trên người tôi vẫn còn chi chít vết sẹo do ngày đó xông vào can. Sẹo đã mờ nhưng nỗi đau vẫn còn đó.
Đạo diễn phải qua tận nhà thuyết phục tôi. Chị cho biết chỉ có tôi mới đóng được vai này vì đã hình dung sẵn về tôi trong kịch bản. Thôi thì đã hứa với đạo diễn, tôi đành gật đầu. Rồi tôi nhận ra đó cũng là một cách để vượt qua nỗi đau. Tôi tự hỏi: “Sao mình không cố gắng diễn tốt vai này để khiến mọi người đồng cảm hơn với những phụ nữ đang chịu cảnh bạo hành?”. Hôm công chiếu ở TP HCM, tôi mời mẹ đến xem. Trong rạp, khi quay sang nhìn, tôi thấy nước mắt bà chảy dài vì nhớ lại chuyện xưa.
– Nhân vật Camy bị kiểm soát trong chuyện tình cảm, còn chị thì sao?
– Tôi cũng từng rơi vào một mối quan hệ độc hại như thế. Khi mới đôi mươi, chưa trải đời, tôi quen một người. Dù không chịu đựng sự hành hạ về thể xác như trong phim, tôi từng bị tác động nặng nề về tâm lý. Người đó có những câu nói đầy tính phán xét để cho tôi thấy, nếu không yêu người đó, tôi cũng chẳng thể yêu được ai. Tôi dần cảm thấy bản thân thấp kém và tự hỏi: “Mình tồi tệ như vậy sao?”. Cũng vật vã vài năm, tôi mới học được cách thoát khỏi chuyện tình đó.
Sau 10 năm vào showbiz, tôi trưởng thành hơn trong quan niệm yêu đương. Tôi nhìn nhận mọi thứ đơn giản hơn, không còn đặt chuyện tình cảm lên hàng đầu nữa. Nếu ai đó đến với tôi, khiến tôi thấy tự do, thoải mái, tôi sẽ đón nhận. Còn không, tôi vẫn tận hưởng cuộc sống độc thân. Tôi cũng không quá coi trọng hôn nhân. Đợt Tết vừa rồi, tôi về quê, dượng tôi hỏi: “Sao, lúc nào có cháu cho dượng bồng đây?”. Tôi đáp vui: “Giờ con chưa sẵn sàng yêu ai nhiều hơn bản thân”.
– Sau bộ phim, chị còn dự định gì với diễn xuất?
– Tôi chưa nghĩ đến việc tiếp tục đóng phim. Không phải tôi ngại khó ngại khổ, mà tôi muốn cân nhắc xem liệu có đáng để bỏ ra công sức. Tôi nhận ra điện ảnh Việt vẫn còn hạn chế trong khâu kịch bản, nên khi thật sự có câu chuyện phù hợp, tôi mới nhận lời. Nếu được, tôi muốn đóng phim do mình sản xuất để có thể chủ động hơn.
Sắp tới, tôi sẽ đầu tư thêm cho âm nhạc. Tôi sắp ra mắt một EP (dạng đĩa có thời lượng ngắn hơn album thông thường). Sau một thời gian làm nhạc theo ý thích, tôi sẽ trở lại với sản phẩm hướng đến khán giả phổ thông, vẫn giữ chất riêng, thế mạnh của bản thân.
Bảo Anh tên đầy đủ là Nguyễn Hoài Bảo Anh, sinh năm 1992 tại TP HCM. Cô được biết đến khi tham gia chương trình Giọng hát Việt mùa đầu tiên, năm 2012. Cô gây chú ý với các bản ballad: Anh muốn em sống sao (Chi Dân), Yêumột người vô tâm (Mr. Siro), Trái tim em cũng biết đau (Mr. Siro)… Năm 2018, cô có bản hit khác vớiAi khóc nỗi đau này (Đức Trí). Ở phim ảnh, cô từng đóng Nhà có 5 nàng tiên – phim từng lập kỷ lục doanh thu Tết 2013.
Bẫy ngọt ngào là phiên bản điện ảnh của sit-com Chiến dịch chống ế (2015), xoay quanh hội bạn thân gồm bốn người. Sau khi Camy (Bảo Anh) kết hôn với Đăng Minh (Quốc Trường) – một doanh nhân thành đạt, hội bạn nhận ra cô dần khép kín, có nhiều ẩn ức khó nói. Phát hiện Camy bị người chồng gia trưởng bạo hành, họ lên kế hoạch giải thoát cô khỏi cuộc hôn nhân địa ngục.
Chiều 12/2, nhà phát hành tổ chức buổi chiếu đặc biệt tại phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm sau chín tháng các rạp phim đóng cửa vì dịch. Sự kiện có sự xuất hiện của nhiều ngôi sao như vợ chồng diễn viên Minh Tiệp, Á hậu Huyền My, MC Phí Thùy Linh…
Sau buổi chiếu, đa phần người xem hào hứng với nội dung phim và cho biết thấy vui khi được quay trở lại rạp. Minh Tiệp tự nhận là người hâm mộ nhiệt thành siêu anh hùng của nhà Marvel, đã theo dõi nhân vật từ năm 2002 đến nay. Anh nhận xét phần phim mới làtập hay nhất thương hiệu, có kịch bản lôi cuốn, kỹ xảo đẹp mắt.
Á hậu Huyền My nhận xét tác phẩm giàu cảm xúc nhờ tổng hợp nhiều chi tiết từ hai loạt phim cũ, do Andrew Garfield và Tobey Maguire đóng chính.
Phim ra rạp tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam cuối năm ngoái, từng tạo cơn sốt phòng vé. Tuy nhiên, đa phần khán giả Hà Nội chưa có dịp thưởng thức vì dịch. Hồi tháng 12/2021, nhiều bạn trẻ thậm chí đến các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Quảng Ninh để xem phim.
Từ khi rạp hoạt động lại hôm 10/2, tác phẩm tiếp tục thu hút đông đảo khán giả đến xem, dẫn đầu doanh thu phòng vé thủ đô trong ngày đầu mở lại. Trên các hệ thống đặt vé trực tuyến, tỷ lệ lấp đầy các buổi chiếu Spider-Man: No Way Homecao. Tối 11/2, một số khán giả tại một phòng chiếu trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy cho biết thất vọng vì đến nơi đã hết vé do chủ quan không đặt trước. Ngoài Người Nhện, nhiều tác phẩm khác như Chuyện ma gần nhà, Bẫy ngọt ngào… cũng ra rạp phục vụ khán giả.
Spider-Man: No Way Home (Tom Holland thủ vai) bắt đầu từ cột mốc sau phần hai (ra mắt năm 2019), khi Peter Parker bị ác nhân Mysterio tiết lộ danh tính là Người Nhện. Lập tức, cuộc sống của Peter lẫn người thân và bạn gái MJ (Zendaya đóng) bị đảo lộn vì những câu chuyện do truyền thông thêu dệt. Peter tìm đến Doctor Strange (Benedict Cumberbatch), nhờ ông dùng phép thuật để thay đổi thực tại, khiến mọi người quên chuyện mình là Spider-Man. Doctor Strange phá lệ để giúp cậu dù được cảnh báo đây là loại phép thuật nguy hiểm. Trong lúc thực hiện, Doctor Strange vô tình khai mở đa vũ trụ, kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt ác nhân.
Ra mắt từ ngày 11/2, Chuyện ma gần nhà là tác phẩm kinh dị hiếm hoi góp mặt vào mùa phim Valentine. Phim đạt 15 tỷ đồng trong ngày đầu công chiếu – thành tích mở màn tốt nhất của điện ảnh Việt từ đầu năm. Dự án của Trần Hữu Tấn (đạo diễn Bắc kim thang, Rừng thế mạng) quy tụ nhiều tên tuổi, từ diễn viên có kinh nghiệm như Mạc Can, Vân Trang, Khả Như đến các gương mặt mới như Huỳnh Thanh Trực, Trần Phong…
Tác phẩm là chùm ba câu chuyện được sắp xếp theo tuần tự. Môtíp kịch bản vốn không mới, từng được áp dụng ở nhiều dự án trên thế giới, tiêu biểu là Scary stories to tell in the dark (Chuyện kinh dị lúc nửa đêm) – ra mắt năm 2019. Lối kể chuyện này dễ kích thích tò mò của khán giả, tuy nhiên đòi hỏi nhà làm phim khả năng dẫn nhập vấn đề gọn gàng, kịch bản chắc tay để níu người xem đến phút cuối.
Phim mở màn với cảnh một nhóm bạn gặp mặt ở căn hộ chung cư. Trong đêm, họ nảy ra ý tưởng mỗi thành viên kể một chuyện ma. Chuyện thứ nhất kể về Lan Hương (Lê Bê La), minh tinh ở Sài Gòn nhiều thập niên trước. Cô nổi tiếng đến mức được vẽ khuôn mặt lên các xe nước mía để hút khách. Sau một tai nạn, cô đột ngột biến mất. Thời gian sau, nữ diễn viên trẻ Ngọc Minh (Như Đan) đến biệt thự của Ái Như (Khả Như) – một minh tinh khác – để tuyển vai mới và được chọn. Sau khi chuyển đến sống cùng Ái Như theo lời đề nghị, cô phát hiện một bí mật.
Chuyện thứ hai xoay quanh một thanh niên là ảo thuật gia (Huỳnh Thanh Trực). Sống cùng cha già (Mạc Can), anh thường bị ông cấm theo nghề. Một lần, cãi lời cha, anh biểu diễn ảo thuật cho một đứa trẻ, từ đó nhiều hiện tượng quỷ dị xảy ra. Ở chuyện cuối, nhà ngoại cảm Bích (Vân Trang) được gia đình cô Út – một thiếu nữ quá cố – nhờ tìm hài cốt. Khi lần mò tìm hiểu câu chuyện của Út, cô Bích bị một thế lực đeo bám.
Phim ghi điểm nhờ khắc họa tốt không khí u ám. Không gian đặc trưng của Sài Gòn xưa được đặc tả trong bối cảnh biệt thư cổ, khu chung cư ám bụi… Ánh sáng trở thành công cụ giúp phim khuếch đại nỗi ám ảnh cho người xem. Nguồn sáng có khi tỏa ra từ đóm lửa leo lắt của que diêm trên bậc cầu thang, ngọn đèn lúc mờ lúc tỏ từ bàn thờ, giữa hành lang hiu hắt bóng người… Đạo diễn tích cực sử dụng màu đỏ nhằm tạo hiệu ứng thị giác mạnh, khơi gợi nỗi sợ bản năng từ khán giả.
Tạo hình quỷ dị trong phim được chăm chút kỹ. Thế lực đen tối xuất hiện với nhiều hình thù, như người có khả năng thay đổi khuôn mặt, quỷ cụt đầu, ma miệng rộng… Ở nhiều phân cảnh, phim gợi nhớ nhiều tác phẩm nổi tiếng vì phần hóa trang tương đồng, như Họa bì, Pan’s Labyrinth…
Diễn xuất dừng ở mức tròn trịa, chủ yếu nhờ khâu tuyển chọn diễn viên hợp vai. Nghệ sĩ Mạc Can ghi dấu với nhân vật ông cụ lẩn thẩn, đặt trọn niềm tin vào chuyện thờ cúng. Dù vậy, đau đáu trong ông là nỗi khổ khó nói, bắt nguồn từ việc con trai cãi lời gia đình để theo nghề ảo thuật. Giọng nói tưng tửng, ánh mắt thất thần, Mạc Can tạo được thương cảm khi khắc họa bi kịch một ông già cô độc đến cuối đời. Diễn viên hài Khả Như thay đổi đáng kể với vai minh tinh Ái Như – người che giấu một bí mật trong biệt thự cổ. Vân Trang tròn vai trong những cảnh bị rượt đuổi trên hành lang chung cư, hay bị ma quỷ trấn áp giữa đêm. Cô tham gia dự án khi đang mang bầu song thai hồi đầu năm ngoái.
Âm thanh đóng góp không nhỏ trong cách kể chuyện của phim. Dù không lạm dụng các màn jumpscare (hù dọa), phim sử dụng các chiêu phổ biến của thể loại kinh dị, như tiếng kéo cửa, hiệu ứng âm thanh độ vang cao, giọng nói vọng về từ nơi xa xăm… Đừng bỏ em một mình – nhạc phẩm kinh điển của Phạm Duy – vang lên nhiều lần trong phim với bản phối cổ điển.
Nỗ lực trong khâu diễn xuất, hóa trang không cứu được phim do kịch bản thiếu thuyết phục. Câu chuyện đầu tương đối trọn vẹn về ý tưởng, khắc họa tốt màu sắc sinh động của đô thị. Bước sang chương thứ hai và ba, tác phẩm đuối dần, mắc nhiều lỗ hổng do chưa được đạo diễn phân tích thấu đáo. Chuyện về cha con nhà ảo thuật dễ khiến người xem nhập nhằng, khó phân định được đâu là người sống – cõi chết, dù hiểu rằng đó là ý đồ của nhà làm phim. Nhiều tình tiết trở nên rối rắm khi các thế lực qua quỷ xuất hiện, không liên quan đến câu chuyện chung.
Ở phần về nhà ngoại cảm Bích, đạo diễn dụng công cài cắm tình tiết từ đầu để tạo một “twist” (tình tiết bất ngờ) khúc cuối. Dù ít “sạn” hơn chuyện thứ hai, cách giải thích qua loa làm cái kết bị trôi tuột, khiến phần lớn khán giả khó nắm bắt câu chuyện. Ngoài ba câu chuyện chính, phim còn đặt để một “twist” khác để khép lại tác phẩm, nhưng chi tiết này diễn ra chóng vánh, có phần hời hợt.
Kể ba câu chuyện không liên quan, tác phẩm trở nên rời rạc, thiếu tính kết nối. Sau mỗi lần kể chuyện, nhóm bạn liền bước qua câu chuyện mới thay vì dẫn dắt. Mỗi lần hù dọa, nhân vật lại thức dậy sau giấc mơ. Môtíp này trở đi trở lại, dần tạo cảm giác nhàm chán. Khâu kỹ xảo đồ họa đôi lúc chưa tương xứng với ý tưởng đạo diễn, dễ phản tác dụng khi xem trên màn ảnh rộng.