Decision to Leave’: Buông bỏ để yêu thương

Rate this post

* Bài viết tiết lộ nội dung phim

Decision to Leave mở đầu với bối cảnh thành phố Busan, nơi thanh tra ưu tú Hae Joon (Park Hae Il đóng) mất ngủ vì ám ảnh và mệt mỏi với những vụ án giết người. Ban đêm, anh ra ngoài đi theo dõi nghi phạm thay vì về nghỉ ngơi như đồng nghiệp. Hae Joon sống xa vợ (Lee Jung Hyun) – người ở tại vùng quê ven biển Ipo, khiến tình cảm giữa họ dần phai nhạt.

Một ngày, Hae Joon tham gia điều tra vụ án về một người đàn ông qua đời khi leo núi. Anh thẩm vấn người vợ Trung Quốc xinh đẹp Seo Rae (Thang Duy). Cô cũng tiết lộ chồng là kẻ bạo hành gia đình, tham nhũng trong công việc và sắp bị tố cáo, ý nghi ngờ anh ta tự sát. Hae Joon nghi ngờ khi Seo Rae bình thản một cách kỳ lạ, không đau buồn hay bất ngờ. Tuy nhiên, thanh tra dần nảy sinh tình cảm trong điều tra.

Decision to Leave QUYẾT TÂM CHIA TAY trailer

 
 

Trailer “Decision to Leave”. Video: CGV

Decision to Leave mang đậm phong cách của Park Chan Wook – đạo diễn nổi tiếng với các tác phẩm Old Boy, The Vengeance Trilogy hay The Handmaiden.

Park Chan Wook vẫn tìm niềm cảm hứng từ những chủ đề đã được ông khai thác trong suốt 30 năm làm phim. Tác phẩm tổng hòa của nhiều chất liệu, từ trinh thám, phảng phất một chút báo thù cho đến những giá trị về tình yêu và đạo đức. Trung tâm câu chuyện là một mối tình ngang trái và sự mâu thuẫn của con người khi đứng trước sự lựa chọn giữa ham muốn cá nhân và chuẩn mực xã hội.

Phim gợi nhớ đến tác phẩm kinh điển Vertigo của đạo diễn huyền thoại Alfred Hitchcock. Kịch bản xây dựng theo mô-típ “mèo đuổi chuột”, đậm màu sắc của phong cách neo-noir – xoay quanh chủ đề về sự mập mờ giữa sáng và tối, tốt và xấu. Nửa đầu là hành trình theo dõi, điều tra của Hae Joon khi nghi ngờ Seo Rae giết chồng. Nửa còn lại là quá trình Seo Rae gạt bỏ những rào chắn cô tự tạo nên và quyết định tìm mọi cách để bảo vệ nửa kia của mình.

Với Decision to Leave, Park Chan Wook chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng và hài hước hơn. Yếu tố giật gân được gia giảm, thay vào đó là những tình tiết gây cười, lãng mạn giữa Hae Joon và Seo Rae. Cuộc tình của họ bắt đầu đầy ngang trái từ mối quan hệ cảnh sát – nghi phạm. Hai người đều đã có gia đình riêng và đến với nhau sau khi nảy nở những xúc cảm họ chưa từng có với người tình trước.

Park Hae Il (trái) trong vai thanh tra Hae Joon. Ảnh: IMDb

Park Hae Il (trái) trong vai thanh tra Hae Joon. Ảnh: IMDb

Park Hae Il và Thang Duy hóa thân vai diễn một cách ấn tượng. Các nhân vật được xây dựng với những tính cách có phần hoang tưởng, thường gặp ảo giác và theo xu hướng tách biệt khỏi xã hội.

Thanh tra Hae Joon là một điều tra viên có phần quẫn trí. Anh thường xuyên có những hành động khó hiểu như lang thang một mình về đêm, dễ xao nhãng và mất tập trung. Anh thường tưởng tượng ra những viễn cảnh xa vời hoặc ám ảnh với các câu nói vu vơ của người khác. Park Chan Wook lợi dụng tình tiết đó để xây dựng một câu chuyện trinh thám ảo mộng. Khi theo dõi Seo Rae, thanh tra Joon liên tục tưởng tượng mình đang ở bên, chăm sóc và chia sẻ với cô.

Trong khi đó, Thang Duy quyến rũ và mê hoặc trong một vai diễn theo mô-típ femme fatale (người phụ nữ chết chóc). Nhân vật Seo Rae xuất hiện một cách bí ẩn, đẹp nhưng hé lộ những bí mật đen tối đằng sau. Có lúc, cô tỏ ra mỏng manh, yếu đuối khiến người khác muốn che chở. Đôi khi, góa phụ Trung Quốc lạnh lùng, cục cằn và khiến người đối diện phải sợ hãi, đề phòng.

Thang Duy trong vai góa phụ người Trung Quốc bí ẩn. Ảnh: IMDb

Thang Duy trong vai góa phụ người Trung Quốc bí ẩn. Ảnh: IMDb

Sự tréo ngoe trong câu chuyện và tính cách hai nhân vật chính tạo nên sức hấp dẫn trong một bộ phim có tiết tấu chậm, không có nhiều phân đoạn kịch tính ở hai hồi đầu. Mối tình kỳ quặc của họ chứa đầy những khoảnh khắc gây cười như cách Hae Joon tìm cách tiếp cận, tán tỉnh hay Seo Rae phải nhờ đến điện thoại để phiên dịch những điều muốn nói với bạn trai. Nhà làm phim Hàn Quốc cho thấy sự khéo léo và duyên dáng khi thực hiện một bộ phim giàu tính hài hước. Trước đó, Park Chan Wook được biết đến với những tác phẩm giật gân, tội phạm đầy kịch tính.

Khai thác đề tài ngoại tình, đạo diễn không miêu tả một mối quan hệ giàu tính dục. Sự thân mật giữa hai nhân vật chỉ dừng lại ở những câu giao tiếp qua lại, ánh mắt hay cái nắm tay. Họ thậm chí không trao lời yêu. Tuy nhiên, bằng những cảnh quay tinh tế, chú trọng vào các chi tiết nhỏ và lối kể khéo léo, Park Chan Wook vẫn xây dựng nên một chuyện tình nồng nhiệt, say đắm giữa hai cá thể khát khao tìm kiếm hạnh phúc thật sự.

Mối tình giữa hai nhân vật chính bắt nguồn từ mối quan hệ cảnh sát - nghi phạm. Ảnh: IMDb

Mối tình giữa hai nhân vật chính bắt nguồn từ mối quan hệ cảnh sát – nghi phạm. Ảnh: IMDb

Hình ảnh và âm thanh là điểm sáng của tác phẩm. Sau The Handmaiden (2016), Park Chan Wook chứng tỏ ông hoàn toàn có thể tạo nên những thước phim được sắp xếp kỹ càng và giàu tính duy mỹ. Khâu hình ảnh của Decision to Leave tối giản và đơn điệu hơn. Tuy nhiên, các nhà phê bình quốc tế vẫn nhận xét mỗi cảnh đẹp tựa một bức tranh. Phần âm nhạc chủ yếu là các bản giao hưởng không lời, tạo nên chất thơ ca cho những phân đoạn quan trọng. Ca khúc chủ đề The Mist phù hợp với ngôn ngữ điện ảnh mờ ảo của phim, đồng thời khơi gợi sự day dứt, u hoài về mối tình ngang trái, nhiều uẩn ức.

Decision to Leave nhận đánh giá tích cực từ giới phê bình, đạt điểm tươi 94% trên tổng 34 bài nhận xét theo thống kê của Rotten Tomatoes. Đa phần cho rằng phim không xuất sắc như một số tác phẩm kinh điển trước đó của đạo diễn Hàn Quốc nhưng đủ chinh phục những khán giả khó tính. Dự án cũng giúp Park Chan Wook đoạt giải “Đạo diễn xuất sắc” tại LHP Cannes hồi tháng 5.

Đạt Phan

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *