Review phim đứa trẻ bị nguyền

Rate this post

Là bộ phim kinh dị hiếm hoi dám đối đầu với các bom tấn khoa học viễn tưởng, hành động giữa tháng 6, Đứa Trẻ Bị Nguyền (The Hollow Child) nhanh chóng khiến các tín đồ của dòng phim kinh dị đổ bộ các rạp chiếu. Tuy nhiên, liệu phim có xứng đáng với sự mong đợi của khán giả không?

Câu trả lời là có nếu bạn là một người xem không quá khó tính, chọn xem phim chỉ để giải trí thì Đứa Trẻ Bị Nguyền đủ đáp ứng những yếu tố giải trí cơ bản nhất. Và ngược lại, nếu bạn trông chờ một điều gì đó xứng tầm Oscar, hoặc chí ít là cỡ mấy phim James Wan thì tốt nhất bạn đừng nên mua vé. Tựu chung, Đứa Trẻ Bị Nguyền vẫn nhỉnh hơn những bộ phim kinh dị hời hợt gần đây.

Phim chủ yếu xoay quanh cô bé tuổi teen Samantha (Jessica McLeod) và quá trình hoà nhập với gia đình nhận nuôi trong một thị trấn nhỏ sát bìa rừng. Mọi chuyện vốn dĩ đã không dễ dàng với cô bé đang trong độ tuổi mà tâm lý bất ổn, bi kịch càng gia tăng khi cô em gái Olivia (Hannah Cheramy) – con ruột của cặp vợ chồng nhận nuôi, bị lạc mất vì Sam. Những tưởng mọi chuyện đã đủ tồi tệ rồi, Olivia đột nhiên trở về nhà như chưa từng có chuyện gì xảy ra với tính cách ngày một trở nên tồi tệ. Như bao phim kinh dị khác, nhân vật chính gặp rắc rối với người thân, bị tra tấn thể chất lẫn tinh thần và rồi quyết định vùng lên đấu tranh với ác quỷ. Chuyện gì xảy ra tiếp theo, không quá khó để khán giả có thể đoán trước được vì phim cũng không có plot-twist gì ấn tượng.

Nhìn chung, Đứa Trẻ Bị Nguyền có những ý tưởng hay về các vấn đề xã hội đang diễn ra, tuy nhiên, thay vì triển thành một phim tâm lý kén người xem, đạo diễn Jeremy Lutter và biên kịch Ben Rollo đã chọn xây dựng theo hướng kinh dị nhằm thu hút khán giả. Chính vì thế, phim khó mà để lại ấn tượng làm người xem phải tranh luận hay băn khoăn trên các diễn đàng. Và việc đi theo hướng của một phim kinh dị khiến bộ phim làm bật nên những yếu tố gia đình như tâm lý bất ổn của trẻ vị thành niên và xu hướng tự làm đau bản thân. Bên cạnh đó, phim có đề cập tới việc con người kéo đến sinh sống làm ảnh hưởng tới các sinh vật trong rừng nhưng không đủ thuyết phục. Như thế, rốt cuộc Đứa Trẻ Bị Nguyền đã không truyền tải thành công bất kỳ thông điệp gì được đặt ra trong đề bài.

Phim có nhiều tình tiết quá quen thuộc đến mức gượng gạo nhưng nhờ diễn xuất của các diễn viên, nó không tới nỗi nhàm chán quá sức chịu đựng. Gửi lời khen đến 2 chị em nữ chính trong phim vì đã làm tốt nhân vật mà họ thể hiện. Không chỉ vậy, những nhân vật khác như cha mẹ nuôi do John Emmet Tracy và Jana Mitsoula, vai Alison của Johannah Newmarch cũng làm tròn vai, bất ngờ là nhân vật Logan do Connor Stanhope đảm nhận tưởng nhạt nhoà nhưng cũng có những khoảnh khắc dễ thương.

Xét về yếu tố kinh dị, Đứa Trẻ Bị Nguyền không có quá nhiều cảnh hù doạ hay kinh dị gì thật sự đủ đô làm thoả mãn một tín đồ mê rớt tim vì phim ma. Có lẽ do giới hạn độ tuổi không nhiều mà tạo hình đáng sợ khá đơn giản, không quá máu me hay đủ xấu xí khiến người xem phải quay mặt đi. Là một người ghét những âm thanh đột nhiên to bất thường, người viết có lời khen ngợi khi những âm thanh hù doạ trong phim không quá ồn ào như đấm thẳng vào tai. Ngoài ra, những tình huống có sự kinh dị khá dễ đoán hoặc đã được trưng ra trong ảnh quảng bá và trailer.

Một vài điểm sáng khác trong Đứa Trẻ Bị Nguyền là bối cảnh ảm đạm của khu rừng chứa đựng những bí mật đen tối, tuy nhiên việc lặp đi lặp cảnh khiến người xem bớt sợ hãi. Khá khen cho phim khi không lạm dụng yếu tố cởi đồ, khoe thân và âu yếm như những bộ phim kinh dị nhàm chán khác. Cái kết của Đứa Trẻ Bị Nguyền không quá khó hiểu nhưng có vài tình tiết không được giải quyết triệt để khiến người xem còn đôi chút băn khoăn. Và việc phim không có khả năng được xây dựng thêm một phần phim tiếp theo biến những tình tiết đó trở nên thiếu rõ ràng một cách không cần thiết.

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *